Giải Nghĩa Lời Chúa Năm B

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật 3 Phục Sinh Năm B

Cộng Ðoàn Hội Thánh Chúa Kitô

(Cv 3,13-15.17-19; 1Yn 2,1-5a; Lc 24,35-48)

 

Phúc Âm: Lc 24, 35-48

"Họ nhận ra được Người khi họ nhận bánh do Người bẻ trao cho".

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: "Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ". Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: "Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây". Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: "Ở đây các con có gì ăn không?" Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: "Ðúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh". Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.

Người lại nói: "Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy".

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật 3 Phục Sinh Năm B

Cv 3,13-15.17-19; 1Yn 2,1-5a; Lc 24,35-48

Cũng như các bài Kinh Thánh của Chúa nhật trước, các bài đọc hôm nay nói với chúng ta về Hội Thánh. Chúng ta thử đổi kiểu tìm hiểu. Thay vì đi từ ngoài vào trong lòng Hội Thánh như đã làm Chúa nhật trước, hôm nay chúng ta đi từ trong ra ngoài, nhưng tạm dùng phương pháp thời gian.

Bài Tin Mừng không gợi lên sự việc trong chính ngày Chúa sống lại hay sao? Theo cách Luca kể thì Ðức Yêsu đã hiện ra với các môn đệ chính chiều ngày Người phục sinh. Còn bài sách Công vụ các Tông đồ cho chúng ta nghe lại lời của thánh Phêrô sau khi chữa lành một người què, tức là một thời gian sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Cuối cùng bài thư 1 Yoan là tác phẩm của nhiều chục năm sau.

Tuy nhiên dù trải rộng ra trên thời gian Giáo huấn của Hội thánh vẫn trước sau như một và vẫn muốn nói với chúng ta ngày hôm nay sứ điệp ngàn đời nhưng luôn luôn mới mẻ của Chúa.

Ðàng khác, tuy kể lại những sự việc xem ra cách quãng nhau khá dài trong thời gian, cả ba bài Kinh Thánh hôm nay đều đã được soạn hầu như cùng vào một thời đại; và nhất là đều nhằm một mục đích trình bày cho tín hữu về đời sống của Hội Thánh, dưới những khía cạnh làm cho nhau nên phong phú.

 

1. Một Cộng Ðoàn Khởi Sự Tin

Bài Tin Mừng theo thánh Luca cho chúng ta thấy hai môn đệ Emmaus vừa về tới Yêrusalem vào chiều tối ngày Chúa nhật phục sinh. Họ đến nơi các môn đồ của Chúa đang hội họp. Theo văn mạch, không những chỉ có các tông đồ nhưng cũng có cả những người khác. Họ đang bàn tán về việc Chúa đã hiện ra với các phụ nữ, và nhất là với Phêrô. Câu chuyện của hai môn đệ đi Emmaus không "ăn khách" bao nhiêu, bởi vì đối với mọi người điều đáng kể là Chúa đã hiện ra với Phêrô. Và như vậy có thể nói là việc Người sống lại đã được chính thức công nhận. Cộng đoàn tín hữu luôn hợp nhất với thủ lãnh của mình trong đức tin.

Họ đang bàn chuyện thì Chúa Yêsu hiện đến đứng giữa họ. Luca không nói rõ như Yoan rằng khi ấy cửa nhà nơi họ hội họp đang đóng kỹ vì sợ người Dothái. Nhưng Luca lại nhấn mạnh đến phản ứng của họ khi thấy Chúa thình lình đứng giữa họ. "Kinh hoàng khiếp đảm họ tưởng mình thấy ma". Không hiểu đã có bao giờ nhiều người thấy ma cùng một lúc không? Rõ ràng ở đây họ đã phản ứng như đêm nào đang ở trên thuyền gặp gió ngược, họ thấy một "bóng ma" đi trên nước. Họ kêu rú lên nhưng đã được trấn tĩnh: "Thầy đây đừng sợ" (Mc 6,47-50). Chúng ta có thể xích hai câu chuyện lại với nhau để nhìn thấy khi Ðức Yêsu hiện ra ở trên biển sóng gió, Người đã muốn mạc khải sự phục sinh và thần tính của Người; đang khi hôm nay hiện ra với họ trong thân xác phục sinh, Người muốn đem lại cho họ niềm vui phấn khởi và tin tưởng trong cuộc đời đầy sóng gió.

Lời Người trách họ: tại sao hoảng hốt và có những suy nghĩ như thế ở trong lòng, khiến chúng ta lại nhớ tới những lời trách tương tự. Người đã nói với họ khi đi chung thuyền với họ mà gặp bão táp (Mt 8,26). Hôm ấy họ thì vất vả chèo chống, còn Người thì nằm ngủ. Họ đến lay Người dậy. Người trách họ hầu giống như hôm nay, nhưng rồi đã ra lệnh cho sóng gió lặng yên. Hôm nay, dùng những lời tương tự để trách họ, phải chăng Người không muốn gợi lại chuyện cũ để ngầm ý nói rằng: Người đã ngủ dậy, tức là đã sống lại; cộng đoàn của Người không còn gì phải sợ sóng gió trần gian nữa. Việc Người phục sinh là chiến thắng vĩnh viễn.

Nhưng có lẽ họ chưa bắt được hết ý tưởng của Người. Họ vẫn còn tưởng đây là ma, tức là "linh hồn" Người đã chết nay hiện về với họ. Có lẽ họ còn nhớ câu truyện vua Saolê thấy hồn tiên tri Samuel hiện lên (1S 28,8). Và như vậy họ càng sợ hơn nữa, vì vua Saolê ngày trước khi thấy Samuel hiện về đã khiếp sợ vì mặc cảm tội lỗi. Họ không có một chút mặc cảm này sao khi họ đã bỏ rơi Người trong mầu nhiệm tử nạn?

Nhưng không, Người không phải là Samuel. Người bảo họ sờ vào thân xác mang thương tích của Người để biết rõ đây không phải là "linh hồn" Người hiện về, nhưng là thân xác Người đã sống lại. Và những thương tích này không những không gây mặc cảm tội lỗi cho họ trái lại còn đem đến cho họ niềm vui cứu độ. Và để giúp họ tin hoàn toàn và dứt khoát, Người còn ăn một chút cá nướng trước mặt họ để họ thấy đây là thân xác đã sống lại thật chứ không phải linh hồn hiện về hay là ma. Có thể nói sự thật trước mắt đã xua đuổi hết mọi hồ nghi khỏi lòng môn đồ. Họ là những người có phúc vì được xem thấy. Nhưng họ còn là những người phải đi công bố Tin Mừng Phục sinh cho những người không được phúc xem thấy. Chính cho những người này và để giúp các tông đồ diễn tả được niềm tin của mình, Chúa Yêsu đã bắt đầu dùng Thánh Kinh để giải thích cho họ về mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh cứu thế của Người. Làm công việc đó xong, việc hiện ra của Người mới hoàn tất.

Từ nay cộng đoàn dân Chúa có thể tiến bước vững vàng trên biển trần gian đầy sóng gió. Chúa Phục sinh đã ban cho họ những dấu hiệu về việc Người sống lại và đã dùng Thánh Kinh để củng cố những dấu hiệu ấy. Từ nay Hội Thánh vừa có các bí tích là những dấu hiệu ban ơn cứu độ vừa có Lời Chúa ghi trong Kinh Thánh. Với những "sản nghiệp" phong phú ấy và dưới sự lãnh đạo của Phêrô đã được Chúa sống lại hiện ra, cộng đoàn dân Chúa không những đã được lòng tin vững vàng mà còn có khả năng rao truyền và làm chứng niềm tin ấy nữa... Những điều này, chúng ta sẽ thấy trong hai bài đọc sau.

 

2. Một Cộng Ðoàn Rao Giảng Ðức Tin

Ai cũng thấy Phêrô và Yoan hôm nay không còn như hôm Chúa nhật Phục sinh nữa. Họ đã được đầy Thánh Thần. Không những tay họ đã làm cho một người què đi được; nhưng nhất là thần trí họ đã đổi mới hoàn toàn. Họ tin chắc chắn và dạn dĩ rao giảng việc Ðức Yêsu đã sống lại. Chính để làm chứng việc này, và để tỏ ra Người đã được tôn vinh, con người mà thiên hạ đã đóng đinh vào Thập giá, mà Thiên Chúa đã cho người què được khỏi tật khi tin vào Danh Ðức Yêsu Kitô.

Phép lạ này là một dấu hiệu. Thiên Chúa dùng tay các tông đồ để đến nói với mọi người. Nhưng người ta có thể hiểu dấu hiệu không đúng. Người ta có thể nghĩ " bởi quyền phép riêng, hoặc lòng đạo đức riêng" của các tông đồ mà người kia được khỏi tật. Phêrô đã giải thích: người ấy được khỏi vì Danh Ðức Yêsu, vì Thiên Chúa muốn làm chứng rằng Người mà họ đã đóng đinh vào thập giá, nay đã sống lại. Và như thế là đúng như Kinh Thánh đã nói.

Do đó ở đây cũng như ở trong bài Tin Mừng, người ta đã được nhìn thấy dấu hiệu rồi được dẫn giải về Kinh Thánh, để người ta tin Chúa Yêsu Phục sinh. Các bí tích và lời Chúa phải giữ vai trò trọng yếu trong lời rao giảng đức tin của Hội Thánh. Và nếu chúng ta hiểu bí tích có thể có một ý nghĩa rộng rãi hơn số 7 bí tích Hội Thánh vẫn cử hành, thì đi đôi với việc công bố Lời Chúa, Hội Thánh phải có những dấu hiệu thánh thiện giúp người ta lãnh hội Lời này. Và người tông đồ hiểu ngay các dấu hiệu nói đây có thể là chính thái độ, tư cách đạo đức mà mình phải có để khơi nguồn đức tin trong lòng người nghe.

Ðồng thời người tông đồ cũng còn phải làm như Ðức Yêsu trong bài Tin Mừng và như Phêrô trong bài sách Công vụ. Cả hai khi đem lại cho người ta những dấu hiệu và lời giảng về sự phục sinh, đã phải xua đuổi và làm tan biến những trở lực ở nơi họ đối với đức tin. Ðức Yêsu đã phải trách môn đồ về những tâm tư nghi ngờ. Phêrô phải mạnh bạo lột trần phần trách nhiệm của mỗi người trong việc giết đấng "khơi nguồn sự sống". Ở đây, chúng ta thấy người khẳng định rõ rệt và cụ thể hơn hôm người giảng lần đầu tiên khi người ta tuốn đến xem dấu hiệu Lửa Thánh Thần hiện xuống. Hôm ấy, người nói họ đã dùng tay kẻ vô đạo đóng đinh Ðức Yêsu vào Thập giá (2,23). Hôm nay người dám nói rằng: trong khi Philatô xét là phải tha Ngài, thì họ đã từ chối đấng Thánh và xin ân xá cho một tên sát nhân, rồi đã giết Ðấng là nguồn sự sống.

Nhưng đó cũng chỉ là vì "vô tri". Nay thấy Thiên Chúa đã mở mắt cho mọi người khi tôn vinh Ðức Yêsu, tức là cho Người sống lại từ cõi chết, thì họ phải "hồi đầu" trở lại để được tẩy xóa tội lỗi và được sống. Lúc ấy họ sẽ được phúc hơn cả người què vừa được chữa khỏi, vì mọi chúc lành Thiên Chúa đã hứa cho Abraham và dòng dõi ông, từ nay sẽ là kỷ phần của họ. Và như vậy, Ðức Yêsu thật là vị tiên tri mà Môsê đã nói sẽ đến và sẽ giống như mình, vì Người sẽ giải phóng dân khỏi tội lỗi và sự chết để khơi nguồn và trở thành sự sống mới cho họ.

Không chắc các thính giả Dothái hôm ấy đã bắt được hết ý tưởng của Phêrô. Nhưng hiển nhiên khi viết lại bài giảng này, sách Công vụ các Tông đồ muốn cho chúng ta lĩnh hội đầy đủ lời rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh. Phêrô lại làm cho các thính giả của người việc mà chính Ðức Yêsu đã làm cho các môn đồ khi hiện ra với họ. Dùng dấu hiệu và lời nói Chúa và Hội Thánh loan truyền cho chúng ta mầu nhiệm phục sinh như là công việc cứu độ của Thiên Chúa để chúng ta từ bỏ tội lỗi, "hồi đầu" trở lại với Ðấng là nguồn sống giải cứu chúng ta khỏi chết muôn đời, để khi giữ lời Người, chúng ta được hưởng mọi Lời Hứa tốt lành của Thiên Chúa.

Có lẽ muốn cho chúng ta chú ý đến điểm cuối cùng này mà phụng vụ đã đọc cho chúng ta nghe bài thư Yoan hôm nay.

 

3. Một Cộng Ðoàn Sống Ðức Tin

Xét theo thời gian của những việc xảy ra, bức thư này nói đến nếp sống khá lâu sau ngày Chúa nhật Phục sinh và tuần lễ Thánh Thần hiện xuống. Thánh Yoan viết thư cho con chiên của người để khuyên họ đừng phạm tội. Vì sao vậy? Có lẽ vì bấy giờ không còn phải là lúc mới tin đạo nữa. Buổi đầu, người ta sốt sắng và sống thánh thiện. Nhưng dần dần bắt đầu có sự nguội lạnh; rồi chống trả cám dỗ yếu đi, có nhiều tín hữu bắt đầu phạm tội.

Sự kiện này đặt ra một thắc mắc. Những kẻ đã tái sinh mà bây giờ phạm tội lại thì sẽ như thế nào? Họ không còn là "thánh hữu"; ít nhất cũng không thể bảo ho còn là tín hữu thánh thiện, vì họ đã phạm tội lại. Ơn cứu chuộc họ đã lãnh nhận một lần rồi; còn cách nào cứu họ được nữa không?

Chắc chắn hồi đó Hội Thánh chưa có đủ thời giờ và kinh nghiệm để khám phá ra bí tích cáo giải nơi kho tàng mạc khải. Thánh Yoan cũng chưa hiểu điều đó. Ðứng trước sự kiện có những tín hữu sa ngã lại, người chỉ biết đưa ra hai điều khuyên: một là cố gắng đừng phạm tội ; và hai là tội nhân hãy biết rằng chỉ có lòng tin vào Ðức Yêsu cứu thế là được tha tội mà thôi.

Người lấy hết tình "cha con" mà khuyên điều thứ nhất. Người gọi tín hữu là "các con thơ bé" để nói lên tình thắm thiết của một người cha, một người mẹ, hầu khẩn khoản nài xin họ đừng phạm tội. Và muốn như vậy, họ phải giữ các lệnh truyền của Chúa. Chắc chắn người muốn nói đến giới răn bác ái huynh đệ vì theo các tác phẩm của người, Chúa chỉ để lại cho chúng ta một lệnh truyền mà thôi, đó là chúng ta hãy yêu mến nhau. Ai giữ điều này là kẻ thật sự giữ đạo; bằng không nó là kẻ nói láo, vì lẽ nếu không yêu người anh em mà nó thấy thì làm sao có thể yêu Chúa là đấng vô hình được. Ðàng khác, nơi kẻ có lòng yêu thương anh em, lòng mến của Thiên Chúa mới nên trọn được. Bởi vì Thiên Chúa là tình yêu. Người ở trong lòng ai, thì kẻ ấy phải yêu thương tha nhân. Không yêu anh em là không có tình yêu ở trong lòng, khiến lòng mến của Thiên Chúa chưa làm sao nên trọn ở nơi kẻ ấy. Vậy như Thiên Chúa đã cứu chuộc chúng ta khi ban tình yêu cứu độ của Người cho chúng ta, thì chúng ta cũng phải duy trì tình yêu ấy để được ở mãi trong ơn cứu độ.

Nhưng nếu trót phạm tội thì sao?

Thánh Yoan không dứt khoát trả lời. Người chỉ nêu lên một chân lý rất đúng để người ta trông cậy: hãy tin vào Ðức Yêsu Kitô là Ðấng công chính; Người là hy lễ đền tội của cả thế gian; Người là Ðấng bầu chữa cho tội nhân nơi Thiên Chúa Cha. Phải đợi nhiều năm sau nữa, Hội Thánh mới tìm thấy rõ ràng trong kho tàng mạc khải có nguồn nước tha tội phong phú là bí tích cáo giải.

Chúng ta ngày nay sống ở thời đại mà mầu nhiệm cứu chuộc đã được triển khai toàn diện. Nhưng dù đã biết bí tích cáo giải và nhiều kho tàng mạc khải khác, đời sống đạo đức của chúng ta vẫn phải có những nét như ở thời các tông đồ. Chúng ta vẫn phải nhờ vào các dấu hiệu, tức là các bí tích, và Lời Chúa trong Hội Thánh mà tin tưởng lãnh nhận ơn cứu độ. Ðó là ơn của Ðức Kitô Phục sinh giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi để quay đầu chúng ta về đời sống công chính. Chúng ta đừng phạm tội kẻo mất lòng mến Chúa ở nơi mình. Và cho được như vậy, phải yêu thương anh em. Nhưng nếu trót sa ngã lại, chúng ta phải chạy đến với Ðức Yêsu Kitô là hy lễ xá tội và là Ðấng bầu chữa cho tội nhân nơi Thiên Chúa Cha.

Mùa phụng vụ này kéo mắt chúng ta nhìn vào Người là Chiên Vượt qua. Chúng ta ngắm nhìn Người với lòng yêu mến cậy tin, thì chắc chắn chúng ta được thêm ơn tha thứ tội lỗi, được sự sống mới của mầu nhiệm phục sinh, cũng là lòng mến Chúa trọn vẹn hơn, để chúng ta sống bác ái huynh đệ nhiều hơn, làm chúng ta đang ở trong ơn cứu độ.

Thánh lễ sắp cho chúng ta được tiếp xúc và rước lấy Chiên Vượt qua. Chúng ta hãy sốt sắng tham dự với những tâm tình trên.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page