Giải Nghĩa Lời Chúa Năm B

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật 3 Mùa Chay Năm B

Những Ðền Thờ

(Xuất hành 20,1-17; 1Côrintô 1,22-25; Yoan 2,18-25)

 

Phúc Âm: Ga 2, 13-25

"Các ngươi cứ phá huỷ đền thờ này, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại".

Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêru-salem. Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: "Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán". Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: "Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi".

Bầy giờ người Do-thái bảo Người rằng: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy". Chúa Giêsu trả lời: "Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại". Người Do-thái đáp lại: "Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?" Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.

Trong thời gian Người ở lại Giêrusalem mừng lễ Vượt qua, nhiều kẻ tin danh Người, vì mục kích những phép lạ Người làm. Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ, vì Người biết tất cả mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào; Người biết rõ mọi điều trong lòng người ta.

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật 3 Mùa Chay Năm B

Xuất hành 20,1-17; 1Côrintô 1,22-25; Yoan 2,18-25

 

Suy niệm: Những Ðền Thờ

Trong dịp lễ Vựơt qua của người Dothái năm 28, Chúa Yêsu xuất hiện ở đền thờ Yêrusalem. Hằng năm, Người vẫn có thói quen trẩy lễ nơi đây như những người Dothái đạo đức khác. Ta còn nhớ cũng tại đây, lúc lên 12 tuổi, Người đã long trọng công bố: "Tôi phải ở tại nhà Cha tôi, để lo việc Người trao phó" (Lc 2,49). Chính lòng nhiệt thành đối với nhà Thiên Chúa đã thôi thúc Người xua đuổi các con buôn đang mải miết làm ăn nơi tôn nghiêm thánh thiện (Yn 2,17). Lần này Người công bố một lời khác, cũng long trọng và hàm chứa nhiều ý nghĩa: "Hãy phá đền thờ này và sau 3 ngày Ta sẽ xây dựng lại" (Yn 2,19). Nhưng đền thờ nào phải phá? Ðền thờ nào phải xây?

 

1. Những Ðền Thờ Ngẫu Tượng

Chúa Yêsu tự ví thân xác mình như một đền thờ, nhưng là một đền thờ phải phá đi, vì Người sẽ chết để sống lại vinh quang. Thân xác phục sinh của Người chính là Ðền thờ vĩnh cửu, nơi mà loài người phải thờ phượng Chúa Cha một cách chân thật trong Thần Trí.

Người Dothái không nghĩ được ý nghĩa sâu sắc của lời Chúa Yêsu nói. Họ chỉ nghĩ tới ngôi đền thờ bằng đá do đại vương Hêrôđê đã khởi sự xây lại từ 46 năm trước đó. Chính các môn đệ cũng chưa hiểu liền. Sau biến cố Phục sinh, họ nhớ lại và nhờ suy niệm trong lòng, nhờ tìm kiếm trong Thánh Kinh, họ mới dần dà đi sâu vào mầu nhiệm của Thầy Chí Thánh, như một Yoan và một Phaolô đã làm. Chúa Kitô muốn rằng: chúng ta cũng phải vượt qua bình diện hữu hình của cái nhìn nhân loại, để vươn tới những thực tại thiêng liêng của mầu nhiệm Thiên Chúa.

Lòng trí con người vốn có xu hướng tôn thờ ngẫu tượng là những cái hấp dẫn và có lợi trước mắt, làm cho nó dễ mù quáng. Lời Chúa Yêsu nói và việc Người làm trong năng lực Thánh Thần nhằm giải thoát chúng ta khỏi sự mê hoặc ấy của ngẫu tượng. Trước tiên Thần Trí Người thúc bách chúng ta phá đổ đền thờ ngẫu tượng lý trí.

Không phải chỉ có người Hylạp xưa, mà cả chúng ta hôm nay vẫn khó chấp nhận sự điên rồ của Thập giá. Ðó là một nhục nhã cho trí óc (1C 1,24). Ðối lại, thánh Phaolô khẳng định rằng: Ðức Kitô chịu đóng đinh trên Thập giá là một bằng chứng cho sự khôn ngoan tuyệt đỉnh của Thiên Chúa, vì sự điên rồ tột độ của cái chết ấy nói lên tình yêu tột độ của Thiên Chúa đối với loài người (1C 1,24). Chỉ có đức tin Kitô giáo mới hiểu và chấp nhận nổi điều nghịch lý đó. Quả vậy, thực tâm tin vào Ðức Yêsu Kitô chết treo trên Thập giá, có nghĩa là chấp nhận cái nhìn ngược đời của Thiên Chúa và sống một nếp sống không rập theo khuôn thói thế gian phản nghịch với Người. Chính đó là khôn ngoan đích thực, một đức khôn ngoan vượt qua giới hạn của lý trí và đem lại ơn cứu độ cùng với sự sống đời đời, giống như ánh sáng Phục sinh đã xuất hiện từ trong bóng tối sự chết và thắng vượt sự chết.

Ðứng trước cái thế giằng co giữa đức tin và lý trí, tuy chúng ta phải nghĩ như thánh Anselmô rằng: "Ðức tin cũng cần được lý trí lĩnh hội", nghĩa là tôi phải biết tôi tin ai, tôi tin gì và vì sao tôi tin; nhưng câu nói của thánh Augustinô còn đúng một cách sâu sắc hơn nữa: "Tôi tin để tôi hiểu", vì đức tin làm cho tôi thấy ý định cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử loài người. Như thế đức tin đem khoa luận lý siêu nhiên của tình yêu và hy vọng bổ túc cho khoa luận lý tự nhiên của lý trí hay suy tính, và đức tin làm cho lý trí chấp nhận rằng Thiên Chúa có thể biến cái nghịch lý thành phương tiện cứu rỗi.

Chúa Kitô còn muốn người ta phá đổ một đền thờ ngẫu tượng khác: đó là ngẫu tượng "Vị Thiên Sai vinh quang trần thế". Ða số người Dothái thời bấy giờ, kể cả những môn đệ của Người, đã mơ ước một Ðấng Cứu thế có quyền năng đem lại thịnh vượng vật chất và vẻ vang thế tục cho họ, để họ đua đòi với thiên hạ. Họ muốn rằng: Người phải là Vị cứu tinh đó. Nhưng Người đã quyết liệt khước từ, vì Nước Người không ở trần gian và sứ mạng của Người tiên vàn không phải là xây dựng đời sống vật chất, mà là đổi mới tâm hồn nhân loại. Chúa Kitô muốn rằng chúng ta phải hoán cải, phải thay đổi kiểu nhìn và lối sống cho phù hợp với đức công chính và luật thương yêu là đòi hỏi của Chúa Cha. Ðấng giải hòa chúng ta với Người trong Con Một yêu dấu. Sự hoán cải nội tâm và giải hòa với Thiên Chúa bằng tình yêu như thế chắc chắn sẽ có những âm hưởng xã hội trong tương quan giữa con người với con người và đóng góp hữu hiệu vào việc xây dựng một thế giới nhân đạo, huynh đệ và hạnh phúc hơn. Do đó người ta có thể nói: Nước Trời lành-mạnh-hóa và củng cố Nước trần gian từ bên trong. Sứ mạng của Chúa Kitô cũng như các tín hữu đối với thế giới, trước tiên là một sứ mạng tinh thần, dùng sức mạnh của tình thương và ánh sáng của Thánh Thần để biến đổi và nâng cao phẩm chất đời sống loài người. Tính háo danh và óc vụ lợi của người Dothái ngày xưa cũng như chúng ta hôm nay là một ngẫu tượng đã và đang ngự trị trong lòng ham muốn và ý chí thống trị của tâm thức nhân loại. Ta phải phá đền thờ ngẫu tượng ấy, cũng như Chúa Kitô đã đánh tan hình ảnh sai lạc mà dân Dothái phác họa về sứ mạng Thiên Sai của Người. Người đã cho họ thấy một thực tế phũ phàng là: Ðấng Cứu thế phải chết trên Thập giá –một cớ vấp phạm không thể chấp nhận đối với người Dothái- (1C1,24). Nhưng chính cái chết ô nhục ấy đã đem lại cho ta: vinh dự được làm con Thiên Chúa và được cứu độ muôn đời.

Cõi lòng con người chưa được cứu độ quả là một đền thờ chứa đầy ngẫu tượng: ngẫu tượng dị đoan mê tín, gắn liền với sai lầm và dối trá, ngẫu tượng hận thù, ngẫu tượng hưởng thụ, ngẫu tượng tiền tài, ngẫu tượng tự mãn. Ðạo Chúa cấm tôn thờ các ngẫu tượng ấy, như bảng Mười Ðiều Răn của Giao Ước Sinai đã công bố (Xh 20,1-17). Chỉ có một Ðấng duy nhất đáng tôn thờ: đó là Cha Ðức Yêsu Kitô và cũng là Cha chúng ta ở trên trời. Ðền thờ Người không phải là những ngôi nhà bằng đá, nhưng là những tâm hồn sống động xây quanh Người Con yêu dấu của Người: Ðức Yêsu Kitô, đền thờ của Giao Ước mới.

 

2. Phụng Tự Mới, Ðền Thờ Mới

"Hãy phá đền thờ này và sau 3 ngày, Ta sẽ xây dựng lại" (Yn 2,19). Người Dothái, khi nghe lời đó, đã hiểu theo nghĩa đen và nghĩ rằng Chúa Yêsu có ý định phá ngôi đền thờ bằng đá, trung tâm phượng tự của dân tộc họ. Vì thế họ chất vấn Người tại chỗ, và sau này trước tòa án công nghị, họ sẽ tố cáo Người và đòi xử án tử hình cho Người (Mc 14,58). Quả thực trung tâm phượng tự ấy bị thu hẹp bởi ranh giới quốc gia và chủng tộc, và nơi đây người ta sát tế chiên bò để làm lễ đền tội. Ðền thờ ấy, từ nay, trong chế độ Tân Ước, đã hết ý nghĩa, vì thế phải được thay thế bởi một đền thờ mới, để thờ phượng Chúa Cha trong Thần Trí và Sự Thật. Việc phượng tự mới không dành riêng cho một dân tộc nào, nhưng mở rộng cho cả loài người, quy tụ trong Ðức Kitô. Tế vật không còn phải chiên bò nữa, nhưng chính là Con Thiên Chúa.

Theo thần học của thánh Phaolô, Ðức Kitô đã trở thành tội vì ta, trong thân phận xác thịt tội lỗi của ta (Rm 8,3). Người chấp nhận để cho thân xác Người bị phá hủy hầu đền tội thay ta và kết án tội thế gian ngay nơi thân xác Người. Một khi Người đã tự nguyện để cho thân xác mình bị dập nát và hạ xuống lòng đất, thì đền thờ ngẫu tượng không có quyền đứng ngạo nghễ trong lòng ta nữa. Phải phá nó đi để xây dựng lại đền thờ Thiên Chúa như một công trình sáng tạo mới, trong đà mạnh mẽ vươn lên cõi sống.

- "Hãy phá đền thờ này, đền thờ do bàn tay loài người làm ra" (Mc 14,58). Cái tôi tội lỗi trong ta phải chết đi với các đam mê của nó, để con người mới sống lại với tinh thần của Thiên Chúa. Việc phượng tự hẹp hòi và bị giới hạn bởi các nghi thức bề ngoài của lề lối cũ, phải được thay thế bằng việc phượng tự nội tâm, thiêng liêng là cách thờ phượng chân thật, vì được thôi thúc bởi Thần Trí của Ðức Kitô Phục sinh và dựa theo ánh sáng của mạc khải tròn đầy trong Con Thiên Chúa.

- "Sau ba ngày, Ta sẽ xây dựng lại một đền thờ không do bàn tay loài người làm ra" (Mc 14,58; Yn 2,19). Ba ngày là thời gian Người sẽ chết trước khi chỗi dậy trong năng lực Thánh Thần. Từ đó Người trở nên đền thờ thiêng liêng, nơi phát xuất nguồn nước hằng sống (Yn 7,37-39; 19,34). Thân xác đã chịu chết và sống lại của Người chính là dấu chỉ bí tích nền tảng, làm phát xuất Ơn Thánh mà ta đã lãnh nhận qua bảy bí tích, nhất là bí tích Rửa tội và bí tích Thánh Thể. Nhờ đó ta thờ phượng Chúa Cha cách xứng hợp và được nuôi dưỡng bởi Thân Mình Chúa Kitô đã bị sát tế vì ta. Khi ta được sát nhập vào Thân Mình Ðấng Phục sinh, ta thực sự trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần (1C 3,16; 6,19). Và cả Giáo Hội là một đền thờ rộng lớn (Ep 2,19-21), trong đó phụng vụ được cử hành để thờ phượng, tôn vinh Chúa Cha.

Việc phượng tự mới của chúng ta cũng phải tuân theo định luật Vượt qua của mầu nhiệm Chúa Cứu thế: đền thờ cũ với các ngẫu tượng phải phá đi. Con người cũ với các tội lỗi, phải chết đi. Như thế Ðức Kitô Phục sinh sẽ hoạt động trong ta, và xây dựng lại ngôi đền thờ mới ngay giữa lòng ta, nơi mà Thần Trí Người sẽ ngự trị, sẽ khơi dậy tâm tình nghĩa tử và làm phát lên lời cầu nguyện thiết tha: "Abba, lạy Cha yêu dấu" (Yn 4,6; Rm 8,15). Ðó chính là thờ phượng Chúa Cha trong Thần Trí và Sự Thật (Yn 4,23).

 

Giảng Lễ

Có lẽ không bao giờ chúng ta thấy Chúa Yêsu có thái độ như trong bài Phúc Âm hôm nay. Dường như khi bước vào đền thờ Yêrusalem, Người không còn tự chủ được nữa. Người đi vào nơi cầu nguyện, thế mà trước mắt chỉ có cảnh chợ búa mua kém bán hơn, ồn ào lủng củng. Nhà của Cha Người không còn là nơi gặp gỡ giữa tâm hồn đạo đức và dân đã được tuyển chọn với Chúa Cả trời đất và Chúa của dân Israel nữa! Người ta đã tụ họp lại đây, đâu còn giống như ngày trước, khi ở chân núi Sinai, lúc Chúa ban 10 điều răn như bài đọc Cựu Ước hôm nay còn kể lại. Thay vào quang cảnh phụng vụ của buổi lễ ký kết giao ước xưa, nay chỉ còn cảnh buôn bán bóc lột nhau. Chịu làm sao nổi một cảnh tượng như vậy! Ðấng được Chúa Cha sai xuống trần thế tái lập giao ước, không dẹp cảnh khốn nạn kia đi sao được! Lòng nhiệt thành đối với Nhà Chúa, đối với Giao ước nung nấu tâm can Người. Người phải nhào vào, đánh đuổi những kẻ buôn thần bán thánh, thanh tẩy đền thờ cho Cha Người, rửa lại bộ mặt cho tôn giáo giao ước. Làm như vậy, Ðức Kitô đã tỏ ra là Cứu thế, là Ðấng thánh hóa các tâm hồn, là vị phải đến để đưa tôn giáo vào con đường chính đáng.

Nhưng đó chỉ là hành động tượng trưng. Việc xua đuổi hạng con buôn ra khỏi đền thờ chỉ thành công trong một lúc, cùng lắm trong một ngày. Phúc Âm không nói có một sức kháng cự nào. Nhưng liền sau đó, Ðức Kitô đã gặp ngay phải não trạng của người Dothái. Chính đầu óc tội lỗi này đã đẻ ra cảnh chợ búa ở ngay trong đền thờ. Họ chạy lại hạch Chúa Yêsu: "Ông tỏ ra có uy quyền gì mà dám làm như vậy? Nghĩa là: Ông lấy quyền đâu mà dám đi ngược lại thứ tôn giáo của chúng tôi?" Câu hỏi thật bất ngờ và sâu sắc. Nó diễn tả đúng não trạng của người Dothái luôn luôn đòi dấu lạ. Phải có những phép lạ tương đương với các công cuộc kỳ diệu mà xưa kia Chúa đã làm cho cha ông họ, mới làm họ tin được. Sách Thánh nhắc nhở cho họ biết Chúa đã làm vô vàn kỳ công cho dân tộc này. Họ hãnh diện nhưng đồng thời lại trở nên cứng lòng. Họ tin vào mình và vào truyền thống, đến nỗi không còn gì nhạy cảm nữa đối với những lời tinh thần. Vì còn có thể có lời tinh thần nào nữa ở ngoài đầu óc của họ, bởi lẽ họ là dòng dõi của người con tinh thần là Isaac? Họ trở thành biệt phái, kỳ thị đối với hết mọi người cư xử khác họ. Thế nên có lần họ dám kể Chúa Yêsu vào hàng ngũ Bêelzêbút. Muốn diễn tả nôm na, thì đã có lần họ gọi Người là đồ quỷ! Thái độ của họ làm ta có thể liên tưởng tới một vài thái độ hằng gặp ở nơi chính chúng ta, để chúng ta nên biết đó là thái độ có thể đi đến chỗ giết Chúa và bóp nghẹt chân lý.

Chúa Yêsu đã phản ứng thế nào trước một thái độ như vậy? Có thể nói, Người đã chẳng biết phải đáp lại thế nào. Lời nói như đã đứng nghẹn ở nơi cổ Người, để cuối cùng thốt ra thành một câu thật đầy ý nghĩa: "Cứ phá đền thờ này đi, ba ngày sau Ta sẽ xây lại". Dĩ nhiên, những người Dothái kia đã chẳng hiểu gì. Nói đúng hơn, họ đã hiểu theo chiều hướng cố hữu của mình: Ông Yêsu này thật là lộng ngôn phạm thượng. Làm náo loạn trong đền thờ chưa đủ, ông ta còn muốn phá đổ đền thờ này đi, để xây một đền thờ khác. Ông ta khinh bỉ và thù nghịch đền thờ của ta đến như vậy! Họ ghi thêm một tội nữa vào bảng cáo trạng sau này dùng vào việc lên án Chúa. Nhưng đó không phải là ý Người.

Ðối với Người, các ngôi đền thờ bằng gạch đá không phải là điều quan trọng. Người đã nói thẳng với người phụ nữ thành Samaria: kẻ tôn thờ chân thật, phải thờ phượng trong tinh thần và trong chân lý. Người đến để tìm những con người như vậy. Mà Người là Chân lý, là Sự thật, là Lời-Thiên Chúa nhập thể. Ai muốn thờ phượng trong chân lý, phải nghe tiếng Người, phải giữ Lời Người, như nhiều lần Người đã quả quyết với dân Dothái. Chính Chúa Cha cũng đã tuyên bố: Người là Con yêu dấu, và chúng ta phải nghe Lời Người, như ta đã đọc thấy trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước. Nhưng người Dothái cứng đầu, họ không vâng lời. Họ không để Lời Chúa giáo dục họ đi trong Giao ước 10 điều răn. Nên đền thờ của họ đã trở nên nơi buôn bán; tôn giáo của họ đi đến chỗ vụ hình thức và pháp luật. Chúa Cứu thế phải cải tạo não trạng này, chứ không cần thanh tẩy đền thờ. Người thánh hóa đền thờ để nói rằng Người sẽ cải tạo những tâm hồn mà Người biết rõ đang sống trong tội lỗi.

Chính đền thờ các tâm hồn mới cần được thanh tẩy. Và đối với những tâm hồn chai đá, phải đập nát để xây dựng lại hầu trái tim mọi người trở thành trái tim thịt biết yêu mến và biết nghe lời.

Nhưng làm thế nào? Ðức Kitô đã chấp nhận gánh lấy tội lỗi của mọi người trên vai. Người đã mặc lấy thân xác của loài người. Người bằng lòng để thân xác mình chịu đóng đinh vào thập giá. Thân thể Người sẽ bị tan nát trong đau thương, để từ đó sống lại với sức mạnh thánh thiện của thần tính, thân xác Người trở thành đền thờ mới cho người ta cầu nguyện.

Ðó là con đường Người đã đi. Không có đường lối cứu độ nào khác. Người mời ta đi vào con đường ấy trong mùa Chay này. Gương Người chịu chết để tiêu diệt tội lỗi cho ta, khuyến khích ta trong những tuần lễ này phải kết hiệp với Người mà thanh tẩy tâm hồn và đời sống. Bảng 10 điều răn ta đọc hôm nay nhắc nhở chúng ta kiểm điểm lại đời sống. Biết đâu tâm hồn và đời sống ta hiện nay không như đền thờ Yêruselem ngày trước. Phải đuổi, phải xua những gì không phù hợp với tín ngưỡng và Phúc Âm ra khỏi đời sống của mình. Nhất là phải diệt cho đến tận gốc của tội lỗi, là sự chai lì đối với Lời Chúa. Không còn nhạy cảm khi nghe Phúc Âm nữa, mà như người Dothái, dường như phải chờ thấy phép lạ mới sửa đổi đường lối sống đạo hiện nay. Chúa Yêsu đã trả lời cho người Dothái rồi: cứ phá đền thờ này đi, ba ngày sau, Người sẽ xây dựng lại… Dân này đòi dấu lạ, nhưng họ sẽ chẳng được thấy dấu lạ nào khác ngoài dấu lạ như Yôna thuở xưa. Ông đã ở trong bụng cá ba ngày, thì Con Người cũng sẽ sống lại sau ba ngày nằm trong lòng đất. Và dấu lạ này đòi người ta phải tham dự. Mọi người có bằng lòng chết với Ðức Kitô, họ sẽ mới cùng Người được sống lại. Chẳng có phép lạ nào khác có thể thay đổi được não trạng và đời sống tội lỗi của con người, ngoại trừ chính việc người ta phải cùng Ðức Kitô đóng đinh tội lỗi vào Thập giá.

Chúng ta đang tham dự Thánh lễ. Chúng ta muốn kết hiệp với Ðức Kitô trong mầu nhiệm Thánh Thể là mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa.

Chúng ta chỉ thành tâm tham dự Thánh lễ này, nếu giờ đây ta cùng nhau dứt khoát đem ý chí muốn tiêu diệt tội lỗi lên bàn thờ, để ta dâng mình với Ðức Kitô trong mầu nhiệm hy tế, hầu ơn sống lại của Người sẽ khiến ta đổi đời và canh tân đời sống sau khi bước ra khỏi nhà thờ này. Như vậy ta mới thật sự kết hiệp với Chúa trong mầu nhiệm thanh tẩy đền thờ là chính tâm hồn và đời sống của ta.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page