Giải Nghĩa Lời Chúa Năm B
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúa Nhật 2 Thường Niên Năm B
Bảo Toàn Ơn Gọi
(1Samuel 3,3b-10.19; Thư 1 Corintô 6,13c-15a.17-20; Tin Mừng Yoan 1,35-42)
Phúc Âm: Ga 1, 35-42
"Họ xem chỗ Người ở, và ở lại với Người".
Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: "Ðây là Chiên Thiên Chúa". Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: "Các ngươi tìm gì?" Họ thưa với Người: "Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?" Người đáp: "Hãy đến mà xem". Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.
Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: "Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô". Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: "Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá".
Suy Niệm:
Chúa Nhật II Thường Niên Năm B
Chúng ta đọc: 1Samuel 3,3b-10.19; Thư 1 Corintô 6,13c-15a.17-20; Tin Mừng Yoan 1,35-42
Bài đọc I kể truyện Chúa gọi Samuel. Và bài Tin Mừng nói đến việc Chúa Yêsu chọn những tông đồ đầu tiên. Như vậy đủ để chúng ta có thể gọi Chúa nhật này là ngày ơn gọi, hay ngày thiên triệu. Và trong chiều hướng ấy chúng ta sẽ thấy bài thư Phaolô rất ý nghĩa.
Tuy cả ba đều nói về ơn gọi, nhưng mỗi bài Kinh Thánh hôm nay lại nhìn vấn đề một cách khác. Và chúng ta sẽ được một giáo huấn phong phú về ơn gọi, sau khi tìm hiểu quan điểm của ba bài đọc.
1. Ơn Gọi Trong Cựu Ước
Bài sách Samuel không đơn giản đâu. Thoạt nghe, chúng ta cảm tưởng như đây là một câu truyện. Tác giả kể rất khéo. Lời văn lưu loát. Bố cục hấp dẫn. Nhưng phân tích, người ta sẽ thấy đây không phải là một áng văn chương, nhưng là một bài thần học. Nó được viết vào khoảng thế kỷ thứ 9 hay thứ 8 trước Thiên Chúa giáng sinh; và như vậy cũng phải sau thời Samuel tới một, hai thế kỷ. Nghĩa là người ta đã thấy Samuel sống và đã có giờ để suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời của ông ở trong Dân Chúa. Một hai trăm năm suy nghĩ như vậy tự nhiên dễ thần tượng hóa nhân vật mà người ta ngưỡng mộ. Và nhất là được viết vào khoảng thế kỷ 9 hoặc 8, tức là vào thời đại các tiên tri, câu truyện kể hôm nay đã phải chịu ảnh hưởng rất nhiều của phong trào tiên tri ở trong dân Dothái. Chúng ta có thể nói được rằng: sống ở thời các tiên tri, người ta đã lấy giáo lý của các tiên tri về ơn gọi để viết lại cuộc đời của Samuel mà người ta coi như là một trong những tiên tri đầu tiên.
Chứ thật ra, Samuel là người thế nào? Ðọc lại các câu truyện viết về cuộc đời của ông có lẽ chúng ta được phép hình dung ông là một tư tế, một thẩm phán và cuối cùng một bậc tiên tri.
Thật vậy, ngay bài Thánh Kinh hôm nay cũng muốn giới thiệu ông ở trong truyền thống và hàng ngũ các thầy tư tế Êli. Sách thánh viết: bấy giờ Samuel lo việc phụng sự Yavê dưới sự trông nom của Êli. Và chúng ta có thể hình dung Samuel bấy giờ là cậu bé vận áo trúc bâu (2,18), ở với thầy Êli là một tư tế già nua, trông coi một đền thờ nhỏ ở Silô. Nói rõ rệt hơn, Samuel bấy giờ là một chú bé giúp lễ, nhưng đồng thời cũng sống trong nhà Cha sở, bởi vì mẹ cậu đã hứa dâng con lo việc nhà Chúa trước khi sinh cậu ra. Và lớn lên, Samuel cũng đã trở thành một tư tế theo kiểu thầy Êli. Người ta đã thấy ông chủ sự nhiều buổi dâng lễ cho Thiên Chúa (7,9; 9,13; 11,15; 13,8-15). Và đặc biệt chúng ta còn nhớ truyện ông đến nhà Yessê, Cha của Ðavít (16)… Thấy ông tới, các kỳ mục trong thành Bêlem đã ra đón và hỏi ông: "Ngài đến, phải chăng là bình an?". Ông nói: "Bình an! Tôi đến để tế lễ cho Yavê. Các người hãy thanh tẩy mình đi và sẽ đến dự lễ với tôi". Do đó rõ ràng ông là một tư tế.
Nhưng đồng thời ông cũng là một thẩm phán ở thời Dothái chưa có vua. Chính ông đã hướng dẫn dân chống lại quân Philitin. Và khi Kinh Thánh viết ông đã phân xử mọi việc cho dân không những ở Micpa (7,6) mà còn trong suốt cả đời ông (7,15). Ngay việc thiết lập chế độ quân chủ ở nước Dothái cũng phải đi qua ông. Ông xức dầu phong vương cho Saolê, nhưng dân vẫn sợ uy tín của vị thẩm phán mà họ biết chắc vẫn là "người của Thiên Chúa".
Từ ngữ này dần dần đã có một ý nghĩa rõ rệt. Nó chỉ các tiên tri, những người được Thiên Chúa thông đạt các ý định của Người để đến với dân. Dân tin họ hơn hết. Và vì thế dần dần vai trò tư tế và hoàng đế phải nhường bước cho các nhà tiên tri về mặt uy tín.
Ðối với Samuel cũng vậy, dần dần người ta không còn để ý nhiều đến sứ mệnh tư tế và thẩm phán của ông nữa; và người ta chỉ còn nhớ ông là tiên tri. Bài tường thuật của ông nằm trong chiều hướng đó. Nói đúng hơn, người ta đã lấy quan niệm về ơn gọi tiên tri để thuật lại việc ông được Chúa chọn để làm việc cho Người. Và quan niệm đó rất sâu sắc.
Trước hết, chính Chúa đi bước trước. Người chiếu cố kẻ Người chọn. Samuel bấy giờ chưa biết Chúa. Lời Chúa chưa mạc khải ra cho cậu. Nghe tiếng Chúa gọi mà cậu vẫn tưởng là thầy Êli gọi mình. Thân phận cậu lúc bấy giờ có ra gì: Một đứa bé ở giúp việc thầy tư tế. Cái thân phận hèn mọn ấy nói lên một khía cạnh thứ hai trong ơn gọi: Chúa là Ðấng Cao cả thường tuyển chọn những khí cụ tầm thường để làm việc cho Người. Ðó đã là một nét nghịch thường. Nhưng còn lạ lùng hơn nữa: các khí cụ tầm thường kia lại được Ðấng Cao cả dùng để làm nhiều việc kỳ diệu. Sứ mệnh của Samuel không lớn lao sao! Cậu được trao phó sứ điệp trọng đại khiến khi nghe biết Êli phải cúi đầu vâng mệnh. Còn toàn dân thì tin rằng: Lời Chúa bây giờ ở với Samuel. Mà Lời Chúa đối với dân là tất cả kế hoạch mầu nhiệm, lớn lao mà Chúa thi hành cho toàn dân cũng như cho tương lai của các dân tộc. Nhất là khi Lời Chúa lại được mạc khải nơi đền thờ và cho những người đang phục vụ bàn thờ. Nó sẽ ghê gớm cho kẻ tội lỗi nhưng chắc chắn sẽ ban bình an và an ủi cho những người lành thánh. Cụ thể, nó sẽ hạ kẻ cường quyền và nâng những người phận nhỏ lên. Bởi vì từ khi trao phó công việc trông coi vũ trụ cho loài người, Thiên Chúa chỉ can thiệp vào lịch sử để cứu vớt, tức là tiêu diệt sự dữ đã hoành hành quá mức và giải phóng con người khỏi lầm than.
Mọi ơn gọi đích thực trong Cựu Ước đều được mô tả như trên. Và để làm nổi tính cách siêu nhiên của những ơn gọi này, Cựu Ước còn có thói quen hình dung những kẻ được chọn là con của gia đình son sẻ nhưng đạo đùức. Họ là tặng vật của Thiên Chúa nhân ái và toàn năng, chứ không phải là con cái của loài người. Trường hợp của Samuel là một thí dụ. Chính vì muộn màng, son sẻ mà mẹ ông đã khóc lóc cầu xin và đã khấn hứa nếu hạ sinh được đứa con nào bà sẽ dâng nó để lo việc nhà Chúa. Như vậy bà đã thụ thai, và Samuel trở thành người của Chúa.
Người ta đã suy nghĩ nhiều về cuộc đời của ông. Và tác giả bài Kinh Thánh hôm nay đã đúc kết lại tâm tư của nhiều thế hệ dân Chúa. Tác giả thấy ơn gọi Samuel là hình ảnh của chính ơn gọi dân Chúa nói chung và mỗi người nói riêng. Chúa đã không kêu gọi mọi người từ thân phận hèn mọn sao? Người thật đã tỏ ra rộng lượng và nhân ái… Người trao sứ mệnh cao cả cho hết thảy miễn là ai ai cũng phải bắt chước Samuel "không để rơi xuống đất một lời nài Người đã phán" (3,19). Bài học của Cựu Ước thật rất thâm trầm.
2. Ơn Gọi Trong Tân Ước
Thánh Yoan trong bài Tin Mừng hôm nay cũng muốn nói về ơn gọi. Câu truyện người kể có vẻ như đã được quay phim tại chỗ, khi sự việc xảy ra. Nhưng chỉ cần thấy rằng không bao giờ Tin Mừng Yoan còn kể lại việc Chúa chọn Tông đồ ở một đoạn nào khác nữa, cũng đủ để chúng ta chắc chắn ở đây Yoan đã muốn làm một cuộc tổng hợp. Người muốn thu gọn một lần Chúa chọn môn đồ vào chỗ này để nói một lần cho xong, trước khi Chúa Yêsu bắt đầu đi hoạt động truyền giáo. Và như vậy, trong đoạn Tin Mừng này, Yoan cũng muốn trình bày quan niệm của người về ơn gọi.
Ơn gọi vẫn còn là hành vi chiếu cố của Chúa. Nó do Người khởi xướng. Nó từ trời đến với con người và vì thế người ta có lý khi dùng danh từ "thiên triệu". Tuy nhiên, ngày xưa tiếng Chúa thường nói trong sấm chớp và thị kiến hoặc mộng mị; còn ngày nay Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Vì thế, tiếng gọi đã đi qua con người.
Những môn đệ đầu tiên đã nghe lời Yoan giới thiệu. Ðó không phải là lời thường, nhưng là lời của một chứng nhân, của một người có đức tin sâu sắc. Yoan trỏ vào Ðức Yêsu và nói với môn đệ: "Này là Chiên của Thiên Chúa". Chắc chắn họ đã không nhận ra ngay mọi sự phong phú trong lời giới thiệu này. Phải đợi khi Ðức Yêsu chịu chết như người đau khổ và như chiên vượt qua bị sát tế, người ta mới hiểu được nội dung của lời Yoan. Các môn đệ bấy giờ chưa hiểu được như vậy. Nhưng bây giờ, muốn theo Chúa, chúng ta phải hiểu như thế. Và bây giờ ai muốn theo Chúa phải vác thập giá của mình và phải đi qua con đường hẹp mà Ðức Kitô đã đi.
Tuy nhiên, được lời giới thiệu khác thường của Yoan và nghĩ rằng Yoan muốn nói Ðức Yêsu là "Ðấng phải đến", hai môn đệ đã đi theo Người. Họ đi theo vì đã nghe và đã tin vào một lời chứng. Mọi ơn gọi đều khởi sự từ khi nghe được tiếng gọi. Và mọi ơn gọi trong Tân Ước chỉ hình thành khi có lòng tin vào lời chứng. Nhưng nghe và tin vẫn chưa đủ. Người ta phải có hành động diễn tả niềm tin để chứng tỏ sự dứt khoát và quyết liệt. Thế nên, bài Tin Mừng đã nói: họ đã đến và đã thấy nơi Ngài ngụ và họ đã ngụ lại với Ngài. Yoan đã cân nhắc mọi từ ngữ ông dùng. Ông dùng các động từ "thấy" và "ngụ", là những từ ngữ rất đặc biệt và phong phú trong tác phẩm của ông. Ðối với ông, "thấy" là khám phá ra, là biết một cách sâu xa thân mật; và "ngụ" là kết hợp, là "ở với", là khắng khít. Theo Yoan, ơn gọi là tin, là biết, là mến Chúa Yêsu, là mật thiết kết hợp với Ngài, là ở (hay ngụ) lại nơi Ngài và Ngài ở hoặc ngụ lại nơi ta. Không phải tạm thời, nhưng bền vững, mãi mãi vì sách Yoan viết: họ đã ngụ lại với Ngài suốt ngày hôm ấy.
Tiếp theo, họ đã ra đi… để nối dài ơn gọi của họ. Anrê đã gặp em mình trước hết. Ông nói lên niềm tin cua mình vào Ðức Kitô. Nhưng ông để cho em tiếp xúc với Người. Và chính nhờ việc tiếp xúc này, người em cũng như anh mình trước đây đã được niềm tin vào Chúa Yêsu. Mấu chốt của ơn gọi, theo Yoan như vậy là việc gặp gỡ, khám phá ra Ðức Kitô và ngụ lại với Người.
Do đó, quan niệm của Yoan về ơn gọi thâm thúy hơn quan niệm của bài sách Samuel. Nhưng chúng ta không thể bảo là hai quan niệm đó khác nhau. Trước kia, Samuel đã nghe Lời Chúa và không để một lời nào rơi xuống đất; ngày nay Lời Chúa đã hiện thân làm người. Ai nghe tiếng gọi cũng phải gắn bó với Người và không được sống tách khỏi Người.
Thế mà có những kẻ được gọi mà lại muốn tách khỏi Chúa. Ðó là điều mà thánh Phaolô muốn cảnh cáo người ta trong thư gửi người Côrintô.
3. Hãy Bảo Toàn Ơn Gọi
Côrintô là một đô thị hỗn tạp. Nằm trên trục giao thông, nó là nơi tấp nập để trao đổi hàng hóa, tư tưởng và cả thân xác nữa… Cuộc sống phóng túng, sắc dục được coi như là tự do và tự nhiên. Ðó không phải là một nhu cầu sao? Nếu nhu cầu ăn uống là tự nhiên thì vì sao lại cấm nhu cầu sinh lý? Phaolô phản đối lý luận này. Không thể coi nhu cầu sinh lý như nhu cầu ăn uống. Ăn uống là để nuôi thân xác. Nhưng thân xác để làm gì?
Người có đức tin không thể quên xác thịt sẽ sống lại. Ðó là nét độc đáo của Kitô giáo. Người tín hữu đã tin Ðức Kitô phục sinh thì không thể quên rằng thân xác đã có định mệnh mới là sự sống đời sau. Và niềm tin này không cho phép người ta làm ô uế xác thịt.
Hơn nữa hiện nay thân xác của họ cũng đã có một ơn gọi khác rồi. Là Kitô hữu, họ đã gắn bó với Chúa Kitô và trở nên chi thể của Người. Làm sao họ còn có thể giựt thân xác lại và đem ném cho phường đĩ điếm? Kẻ làm như vậy rõ ràng là kẻ bất trung, bất tín.
Nó còn xúc phạm đến Thiên Chúa nữa, vì thân mình của họ sau ngày lãnh nhận ơn gọi Kitô hữu, và trở thành đền thờ của Thánh Thần. Thế nên ai ý thức ơn gọi của mình chỉ còn cách hãy "tôn vinh Thiên Chúa nơi thân thể của mình".
Ðiều này cho chúng ta thấy quan niệm của thánh Phaolô về ơn gọi thật là sâu sắc. Không cần nói đến ơn gọi linh mục hay tông đồ; ngay thiên triệu làm Kitô hữu cũng đã hiến dâng cả thân xác con người cho Thiên Chúa. Người ta phải hoàn toàn sống cho Người và gắn bó với Người. Không những tâm hồn người ta mà phải quy về Chúa, mà cả thân xác cũng đã thuộc về Ðấng kêu gọi họ.
Ðó là lý tưởng; nhưng đồng thời cũng là đòi hỏi. Khó khăn thật bởi vì bản tính loài người yếu đuối. Nhưng chúng ta quên rồi ư: Chúa đã gọi Samuel hồi còn bé mọn và Người vẫn chọn những khí cụ tầm thường. Sức mạnh của Chúa sẽ thi thố nhiều việc kỳ diệu nơi bản tính mỏng dòn khi người ta lắng nghe lời Chúa mà không để lời nào rơi xuống đất như Samuel. Và nhất là người ta phải bắt chước các môn đệ đầu tiên của Ðức Yêsu: có lòng tin đi đến với Người, xem thấy Người và ở lại với Người.
Sự gắn bó mật thiết kết hiệp với Người sẽ khiến chúng ta biết tận hiến tất cả đời sống, tâm hồn và thân xác để lo việc Chúa là thánh hóa trần gian này. Khi ấy, Thánh Thần sẽ mạnh mẽ ở nơi chúng ta và chúng ta sẽ là người của Chúa. Tất cả vì thế tùy thuộc ở việc chúng ta hiệp nhất với Chúa, mà thánh lễ đây là cơ hội tốt đẹp nhất. Chúng ta hãy dâng lễ sốt sắng để mật thiết hơn với Chúa hầu có khả năng sống ơn gọi Kitô hữu hiệu nghiệm hơn.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)