Giải Nghĩa Lời Chúa Năm C
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúa Nhật 30 Thường Niên Năm C
Chúa Là Ðấng Chí Công
(Huấn ca 35,12-14.16-18; 2 Timôthê 4,6-8.16-18; Tin Mừng Luca 18,8-14)
Phúc Âm: Lc 18, 9-14
"Người thu thuế ra về được khỏi tội".
Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: 'Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi'. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: 'Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội'. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".
Suy Niệm:
Lời Chúa hôm nay muốn giáo huấn chúng ta về sự cầu nguyện. Ðúng hơn, Người muốn dạy dỗ chúng ta về chính Người. Hiểu Người hơn, chúng ta sẽ biết cầu nguyện tốt hơn; và nói chung, chúng ta sẽ biết sống đạo hoàn toàn hơn.
Thực vậy, thánh Phaolô có thể sống đạo như trong thư hôm nay người viết, là vì người đã hiểu Chúa như Kinh Thánh Cựu Ước cho biết và nhất là như chính Con Một Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta. Giáo lý của bài sách Huấn ca và dụ ngôn trong bài Tin Mừng Luca sẽ giúp chúng ta hiểu Chúa hơn; và nhờ đó, chúng ta cũng sẽ hiểu lời lẽ thắm thiết của thánh Phaolô.
1. Chúa Là Ðấng Chí Công
Bài sách Huấn ca thực ra không có những giáo lý khác thường. Nhiều tiên tri và có thể nói hết mọi tác giả thời Cựu ước vẫn thường nói: Chúa là Ðấng nhân ái; Người không tây vị nhưng vẫn để tai riêng nghe lời rên xiết của kẻ khó nghèo; Người thi hành công lý khi phán xét chí công. Nhưng nếu đặt những tư tưởng này vào văn mạch, và đọc những đoạn sách này với những trang trước sau, chúng ta sẽ thấy tác giả Huấn ca muốn nói nhiều hơn những điều chúng ta vừa hiểu.
Ông vừa đi du lịch về, sung sướng vì đã học được một sàng khôn. Với kinh nghiệm mới này, ông đề cập đến vấn đề sôi bỏng thời bấy giờ, hay là các tế lễ nơi Ðền Thờ có thật sự cần thiết và giá trị không? Việc tiếp xúc với văn minh Hy Lạp đã cho người Do Thái thấy phải chăng mình đã chẳng quá thiên về tế tự và xao nhãng việc suy nghĩ khôn ngoan?
Tác giả không phủ nhận vai trò của việc dâng lễ, nhưng theo ông, người Do Thái nên cố gắng trở về nguồn và nhận định: giữ lề luật, tức là dâng nhiều lễ tế; cẩn thủ lịnh truyền tức là dâng lễ kỳ an. Và như vậy tư tưởng của ông đã góp phần vào việc xây dựng đạo Do Thái thời sau lưu đày. Con cái Israel chú trọng vào việc giữ luật và những người quan trọng trong dân này là luật sĩ.
Nhưng tác giả vẫn đề cao cảnh giác. Chính việc giữ Luật cũng có thể nguy hiểm. Và tôn giáo khi chú trọng đến Luật pháp có thể trở nên vụ luật, cũng như đã có thể trở nên vụ hình thức khi quá coi trọng vai trò của tế tự. Lòng đạo đức chân thật không phục vụ Luật pháp, đồng thời cũng không phục vụ bàn thờ. Nó chỉ phục vụ Thiên Chúa. Người ở trên Luật pháp và lễ tế. Chúng ta cũng đừng mong lấy việc giữ luật bề ngoài và các lễ dâng vụ lợi mà mua chuộc lòng Chúa.
Người là Ðấng chí công. Người không tây vị theo nghĩa ở đây là không thể dùng các của lễ bề ngoài và việc giữ luật một cách máy móc mà làm đẹp lòng người. Sự thờ phượng chân thật Người ưa thích là lòng chân thành của người khó nghèo.
Ðoạn sách Huấn ca hôm nay dùng nhiều hình thức của nhiều câu văn lặp đi nhắc lại chỉ một ý tưởng: Thiên Chúa nghe lời người khó nghèo kêu xin. Ðó là của lễ được nhận...
Chúng ta chỉ có một thắc mắc, kẻ khó nghèo tác giả nói đây là ai? Thuộc hạng người nào? Ðoạn sách trích hôm nay nói đến kẻ nghèo, người oan, kẻ mồ côi, người góa bụa, là những thành phần cô thân cô thế trong xã hội. Nhưng có thật tác giả nhắm đến những người ấy và chỉ nhắm đến họ không? Hay đó chỉ là những hình ảnh văn chương, những bộ mặt tiêu biểu thường được mọi tác giả Kinh Thánh dùng để nói đến hạng người được Chúa chiếu cố và quan tâm cứu độ?
Có nhiều đoạn văn khác làm chứng tác giả sách Huấn ca nghĩ nhiều nhất đến tất cả đồng bào của ông, là con cái Israel thời bấy giờ. Họ phải phiêu bạt đi nhiều nơi, bị dân ngoại chèn ép không nhận được pháp luật bảo vệ trong việc thờ phượng và giữ luật của cha ông. Nhưng họ vẫn cố gắng trung thành với giao ước; vẫn thờ lạy Giavê; vẫn khẩn cầu Danh Chúa. Ðó mới thật là kẻ nghèo, người oan, kẻ mồ côi, người góa bụa. Lòng đạo đức của họ nhất định đẹp lòng Chúa và chắc chắn Người sẽ thi hành công lý cho họ khi Ðấng chí công xét xử.
Như vậy, tư tưởng của tác giả rất cổ điển và chính thống. Nó là giáo huấn của các tiên tri. Nó là niềm tin hướng về cứu độ thiên sai của Do Thái giáo. Nó vừa chuẩn bị vừa có thể gây trở ngại cho giáo huấn của Chúa Giêsu sau này, vì tuy nói đến địa vị ưu việt của người nghèo khó, tác giả vẫn còn óc Do Thái và Cựu Ước: Ðồng hóa người khó nghèo của Chúa với Dân Do Thái và hứa một sự phân xử cứu độ ở bình diện trần gian khi Ðấng Thiên Sai đến. Những tư tưởng này sẽ được Ðức Giêsu sửa chữa, như chúng ta cũng có thể thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.
2. Chúa Ban Ơn Công Chính
Một mình tác giả Luca thuật lại dụ ngôn này. Trong Matthêô, Marcô và Gioan chúng ta không thấy câu chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện. Dĩ nhiên không phải Chúa nói dụ ngôn nào thì cũng được cả bốn tác phẩm Tin Mừng ghi lại.
Riêng Luca có một sở thích về dụ ngôn... Trong số chừng 50 dụ ngôn Chúa đã nói, Luca ghi lại trên dưới 40. Ông không thể nào quên dụ ngôn hai người biệt phái và thu thuế hôm nay, vì ông rất thích nói về cầu nguyện; mà hai người này đã lên Ðền thờ cầu nguyện; Chắc là Luca đã cẩn thận theo dõi Lời Chúa kể. Nhờ vậy chúng ta có bài dụ ngôn rất hay.
Trước hết, tác giả Luca xác nhận: Ðức Giêsu đã nói dụ ngôn này với những kẻ tự tin rằng mình là công chính và khinh miệt người khác. Những kẻ ấy là ai? Theo câu chuyện tiếp theo chúng ta phải hiểu họ là các biệt phái thời Ðức Giêsu. Nhưng chúng ta đừng vội mất cảm tình với họ, chúng ta nghĩ đến những người đã mạnh tay và to mồm trong vụ án Chúa Giêsu; và chúng ta coi họ là những người xấu. Nhưng trước mặt người thời bấy giờ và trước cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, họ được kính trọng và kính nể. Họ là những người như Luca vừa kể, được coi là công chính trong đạo cũ vì không ai giữ luật pháp Môsê hơn họ. Chính việc tuân thủ, chấp hành luật pháp rất cặn kẽ này làm cho họ tự tin, ý thức mình là công chính và khinh miệt người khác... Họ biết mình "hoàn toàn" và ung dung giữ đạo, không mảy may sợ phán xét của Chúa.
Hôm nay, Ðức Giêsu nói dụ ngôn này với họ và cho họ, để họ suy nghĩ. Và vì thế bài dụ ngôn không nhắm dạy cách thức cầu nguyện cho bằng muốn triệt hạ lòng tự tín, phủ nhận một lối sống đạo, một sự công chính sai lầm và đề ra tinh thần đạo đức thánh thiện thật... Chúng ta hãy nghe bài dụ ngôn.
Hai người lên Ðền thờ cầu nguyện: một người là Biệt phái, người kia làm nghề thu thuế; một người được xã hội kính trọng; người kia bị người đời đàm tiếu; một người chấp hành luật đạo nghiêm chỉnh, người kia mang tiếng là tội lỗi. Người Biệt phái nguyện rằng: "Lạy Chúa, tôi đội ơn Ngài vì tôi không như những người khác, gian tham, bất lương, ngoại tình hay là như tên thu thuế kia. Mỗi tuần tôi ăn chay hai lần, tôi nộp thuế thập phân về hết mọi vật tôi mua".
Người ấy không nói ngoa. Ông ta không có tội mà người khác hay phạm. Cuộc đời ông thánh thiện khác hẳn nếp sống của phường thu thuế. Tiêu cực như thế; còn tích cực thì đừng bảo ông chỉ giữ luật; ông còn làm quá luật dạy, chứng tỏ ông sốt sắng thánh thiện khác thường. Vì luật đâu có buộc ăn chay mỗi tuần hai lần và nộp thuế thập phân về các hàng mua.
Ðó là những hành vi khuyên và dành cho những người hoàn toàn. Sống được như vậy mà không tạ ơn Thiên Chúa sao? Ông cám ơn Chúa vì ông đã công chính như vậy... Lời nguyện của ông là lời kinh tạ ơn và tạ ơn là đúng.
Tuy nhiên tác giả Luca vì quen để ý đến việc cầu nguyện, nên đã nhận ra những khuyết điểm trong cách tạ ơn như vậy. Trước hết, tác giả lưu ý chúng ta thái độ dửng dưng mà cầu nguyện của người Biệt phái. Tư thế "đứng" không có gì đáng chê. Người thu thuế cũng sẽ đứng mà cầu nguyện. Nhưng có nhiều cách đứng. Và cách đứng của người Biệt phái nói lên niềm tự tín, phấn khởi. Không có sự kính sợ Chúa trong cách đứng của ông. Ông đến kể công chứ không cầu nguyện. Ông quen phô trương sự công chính thánh thiện trước mặt người khác khi khua chuông đánh trống lúc bố thí và cầu nguyện, nên cũng chỉ có thái độ phô trương công trạng trước mặt Thiên Chúa...
Thật ra, ông có để ý gì đến Chúa, mà chỉ quan tâm đến mình, đến sự nghiệp của mình. Ông cầu nguyện nơi mình chứ không cầu nguyện với Chúa. Ông nói cho mình nghe và cùng lắm cho người khác nghe, chứ đâu có cần Chúa biết, vì ông không chờ Người ban cho hay làm gì cho ông cả. Ông cầu nguyện để thêm tự tín và phô trương, thế thôi.
Ðang khi ấy; người thu thuế đứng lẻn đàng xa, không dám, ngước mắt lên, nhưng đấm ngực mà rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin khấng thương tôi là đứa tội lỗi". Người ấy có thái độ kính sợ Chúa và khiêm nhường thống hối ăn năn. Chắc chắn, người ấy không dám kể công vì có thể chẳng có công gì mà kể. Nhưng chúng ta cũng đừng ngạc nhiên vì người ấy không kể tội ra. Có lẽ vì không cần thiết nữa: người biệt phái đã kể rồi. Người ấy chỉ cần công nhận phán xét của người biệt phái... và khi công nhận mình là đứa tội lỗi, chắc chắn người ấy coi việc kể tội là dư thừa... Ðiều người ấy chú ý là tha thiết nài xin lòng Chúa khấng thương xót cho mình, thế thôi.
Ðức Giêsu bảo: Người thu thuế ra về thì được giải án tuyên công, tức là được công chính hóa, khác với người biệt phái kia thì không. Phán quyết của Người không làm chúng ta ngạc nhiên, vì chúng ta đã biết nhiều về giáo huấn của Người. Nhưng chắc chắn nó đã làm những biệt phái và Do Thái thời ấy giật mình mà suy nghĩ. Và họ sẽ chỉ có thể hiểu được nếu nhớ lại giáo huấn của Cựu Ước như chúng ta đã thấy trong bài sách Huấn ca.
Người ta đừng lấy lễ vật và việc giữ luật mà "hối lộ" Thiên Chúa. "Nỗi hồn cay đắng là của lễ được nhận", tác giả sách Huấn ca đã viết như vậy (35,16). Lòng đạo đức chân thành nằm nơi tâm hồn thống hối ăn năn. Chính Chúa công-chính-hóa con người, chứ con người không thể là công chính. Nếu chúng ta đã để ý thì thấy Chúa Giêsu nói dụ ngôn này "với những kẻ tự tín rằng mình là kẻ công chính" để rồi chúng sẽ nhận ra mình không được công chính hóa; đang khi kẻ thấy mình không công chính nhưng biết ăn năn hối cải và cầu xin lòng thương xót thì được Chúa công chính hóa. Thành ra bài dụ ngôn đã kết luận: "Kẻ nào nhấc mình lên sẽ bị hạ xuống; còn kẻ nào hạ mình xuống sẽ được nhấc lên".
Câu kết luận càng cho chúng ta thấy rõ bài học của bài Tin Mừng hôm nay. Chúa không ưa kẻ tự tín. Họ không chờ ơn Người cứu độ. Ngược lại ai khiêm tốn cầu xin ơn tha thứ, sẽ được Chúa nhận lời và ban cho ơn trở nên công chính.
Giáo huấn của Chúa còn làm sáng tỏ bài sách Huấn ca. Nhờ ánh sáng Tin Mừng Chúa Giêsu mang đến, chúng ta hiểu kẻ khó nghèo đích thực luôn được Chúa chiếu cố nghe lời và thi hành công lý cho là mọi kẻ khiêm nhường như người thu thuế, nhận rằng mình là đứa tội lỗi và khẩn thiết cầu xin ơn cứu độ. Họ cần được công-chính-hóa chứ không đòi được nhìn thấy sự chí công của Chúa ở đời này. Những tâm tình như vậy, chúng ta gặp thấy rõ ràng trong bài thư Phaolô hôm nay.
3. Chúa Ðộ Vào Nước Trời
Thánh Tông đồ bấy giờ không những đang ở tù, mà còn biết sắp được tử đạo. Như người ta có thói quen đổ rượu (hoặc nước, hoặc dầu) trên của lễ trước khi dâng, máu ngài cũng sắp đổ ra trên cái chết của ngài. Do đó giờ ra đi lên đường của ngài đã đến.
Nhìn lại cuộc đời, Phaolô thấy mình đã chiến đấu tốt, đã chạy đến cùng đích rồi. Nhưng không vì vậy mà ngài tự tín, tự phụ vì ngài đã phấn đấu như thế chỉ để kiên giữ lòng tin vào Chúa; và ngài đã chạy như vậy như thể dưới mắt quan sát và trọng tài của Chúa. Ngài không làm gì cho mình, cũng như không phải để cho ai xem. Ðối với ngài tất cả chúng ta đều như các lực sĩ nơi thao trường. Khán giả duy nhất là Chúa, Ðấng phán xét chí công. Người sẽ ban triều thiên công chính cho hết mọi người đã đầy lòng yêu mến trong cuộc trông đợi cuộc hiển linh của Người mà chạy.
Như vậy chỉ có Chúa là lẽ sống của Phaolô. Các phấn đấu của ngài là để được triều thiên công chính. Ngài biết mình chưa là công chính. Sự công chính nằm nơi tay Chúa. Người sẽ ban nó cho hết thảy những ai biết phấn đấu.
Phaolô đã phấn đấu tốt, không phải với sức mình, nhưng hoàn toàn nhờ sức Chúa. Mới rồi đây, khi bị đưa ra tòa để biện hộ, Phaolô đã trơ trọi. Chẳng một ai ủng hộ ngài... Nhưng Chúa đã giúp sức. Và Phaolô đã ăn nói dạn dĩ làm chứng cho Chúa và đã thoát nạn. Ngài tin chắc rằng Chúa còn ban ơn để cuối cùng Chúa sẽ cứu mà độ ngài vào Nước Trời.
Và như vậy từ đầu chí cuối Phaolô chỉ có những tâm tình khiêm cung của kẻ biết mình yếu đuối mà thành khẩn trông cậy ơn Chúa... Ngài sống như kẻ "khó nghèo" của Phúc Âm; và vì thế ngài không hề phàn nàn về người khác. Ngay khi nhớ lại lúc bị mọi người bỏ rơi một cách bất công bất nhẫn, ngài cũng chỉ cầu nguyện cho họ được ơn tha thứ. Ngài bắt chước "Ðấng Khó Nghèo" khi ở trên thánh giá đã cầu nguyện cho kẻ giết mình. Ngài để lại cho chúng ta những tâm tình thắm thiết trong lời di chúc hôm nay để Hội Thánh chúng ta muôn đời suy nghĩ.
Chúng ta ghi nhận lời ngài và luôn luôn ghi nhớ gương sáng của ngài. Nhờ đoạn thư hôm nay của ngài, chúng ta hiểu Cựu Ước và Tân Ước hơn khi những sách này nói đến tư cách khó nghèo của những người được Chúa chọn. Nhất là nhờ giáo huấn của ngài bây giờ chúng ta biết đi vào thánh lễ với những tâm tình chân thật.
Ðây không phải là lễ dâng bề ngoài, vì có thể nói bề ngoài chẳng có gì đáng kể. Chúng ta đây là những người dâng lễ cũng chẳng công chính gì. Chúng ta giống người thu thuế trong bài Tin Mừng hơn là giống người biệt phái. Chúng ta đến đây không phải chỉ để cầu xin lòng thương xót Chúa.
Hơn nữa, chúng ta còn muốn tham dự vào hành vi khó nghèo của Chúa Giêsu trong mầu nhiệm thánh giá. Chúng ta muốn được sự sống của Người để trong đời sống chúng ta học với Người mà ở hiền lành khiêm nhường... Không những chúng ta sẽ đẹp lòng Chúa mà còn giúp ích được cho đời. Ðó là điều chúng ta cầu nguyện cho nhau hôm nay trong thánh lễ này.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)