Giải Nghĩa Lời Chúa Năm C
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúa Nhật 27 Thường Niên Năm C
Làm việc với lòng tin
(Habacuc 1,2-3; 2,2-4; 2 Timôthê 1,6-8.13-14; Tin Mừng Luca 17,5-10)
Phúc Âm: Lc 17, 5-10
"Nếu các con có lòng tin".
Khi ấy, các Tông đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: "Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con". Chúa liền phán rằng: "Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: 'Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển', nó liền vâng lời các con.
"Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về, liền bảo nó rằng: 'Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa', mà trái lại không bảo nó rằng: 'Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống'. Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng: Không. Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: 'Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm'".
Suy Niệm:
Ðời sống tôn giáo và đạo đức của chúng ta hiện nay là đời sống đức tin. Tùy như lòng tin của chúng ta mạnh hay yếu, sâu xa hay nông cạn, bao quát hay hạn hẹp, mà đời sống đạo của chúng ta tăng trưởng hay suy kém, đậm đà hay hời hợt, toàn diện hay cục bộ. Ý thức về vai trò trọng yếu của đức tin như thế, chúng ta luôn nên bắt chước các tông đồ ngày xưa cầu xin với Chúa Giêsu rằng: Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con. Và các bài đọc hôm nay gợi ý với chúng ta phải gia tăng đức tin về những mặt nào trong đời sống.
1. Phải Có Ðức Tin Ðể Hiểu Biết Hoàn Cảnh
Trước tiên có bài sách Habacuc. Nhà tiên tri sống khoảng 600 năm trước Chúa Giêsu giáng sinh. Ðó là thời của những đại tiên tri như Giêrêmia và Êzêkien. Ðó cũng là buổi nước Giuđa trải qua nhiều hoàn cảnh éo le. Trong nước triều đình suy yếu, ngoại giáo xâm nhập, đạo đức đảo điên. Bên ngoài, sức ép của các lân quốc càng ngày càng mạnh và càng gần. Ðặc biệt một cuộc xâm lấn võ trang của đế quốc Babylon dường như là một việc không tránh nổi.
Các tiên tri còn nhìn thấy hoàn cảnh rõ ràng hơn. Thiên Chúa đã sai các người đến cảnh cáo triều đình, hàng tư tế và toàn dân. Nếu họ không hồi tâm trở về với Thiên Chúa bằng cách giữ các lệnh truyền của Người, đất nước của họ sẽ bị giày xéo, bản thân họ sẽ bị lưu vong, và đền thờ sẽ bị tàn phá. Mặc cho các tiên tri cao giọng và thống thiết kêu gọi, rất ít nỗ lực cải thiện đời sống. Rõ ràng sự phải đến sẽ đến. Các hình phạt của cơn lôi đình Thượng đế sẽ ập xuống. Toàn thể sẽ bị tiêu diệt, chỉ trừ một số nhỏ sống sót sẽ được Thiên Chúa dùng lại làm mầm mống cho một dân mới và một tôn giáo mới, trung tín và nội tâm hơn.
Các tiên tri đã nhìn thấy hoàn cảnh như vậy. Các người chấp nhận sống các thử thách chính đáng. Nhưng khi các sự việc xảy ra, nhiều tiên tri có những tâm tư bất ổn. Tác giả sách Habacuc là một. Ít ra ông đã viết lại các tâm tư này và tìm lời giải đáp. Tác phẩm của ông và riêng bài sách hôm nay giống như một đối thoại giữa con người và Thiên Chúa về các diễn biến lịch sử. Tuy đây là lịch sử của nước Giuđa và đã xa rồi, nhưng vì cũng là lịch sử thánh, biểu lộ thánh ý của Thiên Chúa, nên luôn còn giá trị đạo đức cho dân tín hữu. Chúng ta có thể nhìn thấy hoàn cảnh của mọi người ở mọi thời, và theo những mức độ khác nhau, trong cuộc đối thoại này.
Nhà tiên tri bắt đầu nói lên các tâm tư của mình. Ông đang sống trong thử thách mà tội lỗi của dân cứng cổ đã gây ra. Ông chấp nhận hoàn cảnh hiện tại như là roi trừng phạt của Thiên Chúa muốn cải hóa con cái mình. Nhưng thú thực các đau khổ dài quá rồi. Là vì chúng ta biết cuộc lưu đày Babylon lâu khoảng 70 năm. Do đó mới có câu đầu tiên trong bài đọc hôm nay: "Lạy Chúa tôi kêu cầu Chúa cho đến bao giờ mà Chúa không nghe". Ðó là tiếng kêu của kẻ hầu như sắp hết chịu nổi các khổ cực đang giáng xuống mình. Nhưng đó chỉ mới là một chiều kích của thử thách. Còn khía cạnh khác não nuột hơn nữa. Càng ngày cây roi của Thiên Chúa càng tỏ ra lạnh lùng, nếu không muốn nói là kỳ quái. Những kẻ xâm lấn càng ngày càng để lộ ra bộ mặt quái gở. Bọn họ đâu có xứng hơn dân bị phạt? Gian ác, lao khổ, cướp bóc, bất lương phơi ra trước mặt. Công lý tỏ tường như vậy, mà kẻ đối nghịch vẫn thắng! Thiên Chúa có tỏ ra công chính không khi dùng cây roi như vậy? Hình phạt muốn sửa trị, nhưng kẻ đánh phạt lại còn đáng sửa trị hơn. Thiên Chúa nghĩ thế nào? Nhà tiên tri có lý để thốt ra: "Tôi bị ức hiếp kêu lên cùng Chúa mà Chúa không cứu tôi sao?".
Nhiều khi chúng ta có thể đồng ý với nhà tiên tri để nói lên những lời như thế. Niềm tin của con người lắm khi phải khủng hoảng. Tại sao cuộc đời của con người lại khổ lâu như thế này? Nói rằng do tội lỗi ư? Nhưng những cây roi đang đè nặng trên thân xác con người cũng không xứng đáng hơn người bị đánh. Ấy là chưa muốn nói: Sự thật còn tệ hơn! Bài sách Habacuc diễn tả tâm tư của con người trong nhiều hoàn cảnh thử thách, không xa lạ nhiều đối với chúng ta.
Nhưng các nhà tiên tri không phải chỉ biết nói lên những điều về thân phận con người. Ðặc sắc của các tiên tri là còn biết nhận ra các phán quyết của Thiên Chúa. Các người hướng dẫn chúng ta khám phá quan điểm và lối nhìn của Thượng đế. Habacuc đã làm công việc này trong phần để cho Thiên Chúa trả lời các tâm tư của người tín hữu đau khổ.
Người truyền cho nhà tiên tri cầm cây viết, ghi trên bảng thánh quyết của Người cho thiên hạ dễ đọc thấy, để họ tin chắc chắn. Người sẽ vứt bỏ kẻ bất chính và ban sự sống thật cho người tín nghĩa.
Ðó là điều Người đã quyết định, đã từng nói trước cần phải viết ra, ghi sâu vào bảng đá. Người đã nói và Người sẽ làm. Người không tuyên bố gì mà lại không xảy ra. Chữ viết và bảng đá để làm chứng. Nếu người ta chưa thấy xảy ra, thì cứ đợi chờ; chắc chắn sẽ xảy đến, chẳng còn bao lâu nữa. Kẻ không tin sẽ phải bẽ bàng, còn ai tín nghĩa sẽ nhận được sự sống thật.
Do đó đời sống đức tin luôn luôn là một sự lựa chọn: lựa chọn tin hoặc không tin Lời Thiên Chúa. Ai tin là người tín nghĩa, còn kẻ không tin sẽ vứt bỏ Lời Người và cậy dựa vào các an ủi của trần gian mau qua.
Thật ra, đứng trước lời tuyên sấm của Habacuc, đa số người Do Thái, ngay cả trong đám lưu vong đã không lựa chọn niềm tin. Họ muốn có một Thiên Chúa như họ, giải quyết tức khắc các vấn đề theo suy nghĩ của họ. Họ không muốn tin Thiên Chúa mà chỉ muốn dùng Người phục vụ các tham vọng ích kỷ của họ. Như vậy Thiên Chúa đâu còn là Thiên Chúa. Những người có đức tin trái lại công nhận các giới hạn của con người nên phó thác tất cả trong tay Chúa. Họ tin lời Người. Họ chỉ lo giữ tín nghĩa. Họ chắc chắn Thiên Chúa là Ðấng Trung thành. Người không thể lừa dối ai. Cuộc đời của những người suy nghĩ như vậy mới là sống đức tin. Chứ những người không muốn chờ đợi gì cả thì còn tin cái gì?
Tiên tri Habacuc hôm nay đã dạy chúng ta bài học sơ đẳng này. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta có chấp nhận để Thiên Chúa hướng dẫn, hay chúng ta muốn bắt Người chiều theo ý chúng ta? Chúng ta có tin rằng kẻ bất chính sẽ lụn bại và người tín nghĩa sẽ được sống không? Có lẽ nhiều khi chúng ta phải bắt chước các tông đồ xưa, "Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng con!".
2. Phải Có Ðức Tin Ðể Làm Việc
Và Chúa Giêsu đã đáp lại lời cầu xin của các tông đồ. Người không nói sẽ ban thêm lòng tin cho các ông. Người đáp trả bằng việc: khơi thêm lòng tin ấy. Người nói để các ông tin thêm nữa. Người bảo: Nếu các ngươi có lòng tin bằng hạt cải, thì dầu các ngươi có bảo cây dâu này: "Hãy bứng rễ này đi mà xuống mọc dưới biển", nó cũng sẽ vâng lời các ngươi. Chúng ta ngày nay gọi lòng tin như thế là lòng tin chuyển núi dời non. Nhưng có lẽ chúng ta chú trọng đến hiệu quả công việc mà không chú ý đến chính việc làm. Chúng ta chờ có thể sai bảo được núi non. Chúng ta muốn thấy cây dâu nghe lời chúng ta mà bứng rễ nó đi mà xuống mọc dưới đáy biển. Nhưng chúng ta lại ít muốn làm việc với lòng tin. Tôi thiển nghĩ ở đây Chúa muốn nói rằng chúng ta cứ lấy lòng tin mà làm việc đi thì rồi chúng ta sẽ thấy những kết quả lạ lùng. Chúng ta muốn có kết quả này trước khi thi hành việc Chúa truyền dạy, thế nên chúng ta chưa thấy Lời Chúa là chân lý và là sức mạnh.
Vậy Chúa muốn chúng ta có lòng tin mà làm việc, làm tất cả công việc mà phận sự đòi buộc. Và vì đa số chúng ta chẳng làm gì trong xã hội, huống nữa là ở trước mặt Chúa, nên Người đã nói thêm một hình ảnh. Người đầy tớ trong nhà làm việc thế nào? Anh ta làm hết công việc cày bừa ngoài đồng, rồi lại về làm các việc trong nhà. Anh không đòi được trả công tức khắc. Lòng tín nghĩa bảo anh làm hết mọi công việc đã phân chia cho anh. Mặc nhiên anh chắc chắn chủ sẽ thi hành phận sự của chủ.
Người có đức tin cũng phải như vậy. Họ sống đúng chức năng khi làm việc hết khả năng theo như phận sự đòi buộc; và dành quyền xét xử cho Thiên Chúa. Và làm như vậy, họ sẽ thực hiện được những điều lạ lùng. Họ đã phát huy hết khả năng của họ và nhìn lại họ thấy chính nỗ lực đã đạt được những kết quả phi thường. Ðang khi ấy có nhiều người phí sức sống không nỗ lực theo khả năng của mình và cứ ngồi than thân trách phận, kêu ca người khác và dĩ nhiên phàn nàn cả Thiên Chúa nữa. Hạng người này sẽ không bao giờ thấy khả năng "chuyển núi dời non". Hạng người trên luôn thấy rõ lòng tin khiến họ làm được nhiều kỳ diệu.
Muốn nói cho hết, thiết nghĩ nên gợi đến nếp sống của một hạng người thứ ba. Họ làm việc, họ cố gắng, họ tưởng sức mình có thể dời núi chuyển non. Họ tin vào mình mà không tin vào Chúa. Các thành quả của họ đạt được chẳng là gì trong một lịch sử chung. Cuối cùng họ cũng chỉ thấy mất mát. Ðang khi công việc của người tín hữu, luôn đem lại bình yên thoải mái.
Như vậy lòng tin thật là cần thiết, không những trong các hoàn cảnh éo le như bài học thứ nhất gợi lên, mà ngay trong đời sống hằng ngày để làm mọi công việc theo chức năng và ơn gọi. Ðiều này khiến chúng ta thấy lời Phaolô nhắn nhủ chúng ta qua Timôthê rất thực tế.
3. Hãy Làm Sống Lại Ơn Thiên Chúa
Phaolô gọi Timôthê là "người con chính tông trong đức tin" (Tim 1,2). Hầu chắc vì chính người đã đưa ông vào đạo. Người còn gọi ông là "người con chí ái", vì trong số những người gắn liền cuộc đời với người, Timôthê xem ra được người ái mộ hơn cả. Không những người đem ông theo trong các cuộc hành trình truyền giáo, mà còn ủy thác cho ông nhiều sứ vụ quan trọng và tế nhị. Người giữ ông ở bên khi viết nhiều thư gởi các giáo đoàn, dùng ông là thư ký, và khi ở xa nhau người đã viết cho ông hai thư riêng. Ðó là điều hy hữu. Bức thư thứ hai này, có lẽ người đã viết từ Rôma, khi bị xiềng xích vì Tin Mừng.
Chắc chắn việc Phaolô bị tù ngục đã làm "người con chí ái" thật khổ sở. Nhất nữa Timôthê là con người có sức khỏe mong manh và tính tình nhút nhát, dè dặt. Phải nói rằng việc Phaolô bị bắt giải sang Rôma làm cho Timôthê rụng rời, chẳng còn muốn hoặc chẳng còn có thể làm gì nữa. Tông đồ Phaolô là người Cha chí ái phải viết cho đứa con chính tông trong đức tin của mình bức thư thứ hai này.
Bối cảnh ấy làm cho chúng ta hiểu rõ lời thư Phaolô khuyên Timôthê hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa ban xuống cho ông qua việc người đặt tay ban sứ vụ tông đồ cho ông. Ơn ấy là Thánh Thần dũng mạnh để ông sống và truyền bá Tin Mừng. Thế thì vì sao ông lại hổ thẹn trong hoàn cảnh hiện tại? Dựa vào quyền năng của Thiên Chúa, ông đừng đau khổ vì xiềng xích của Phaolô nhưng hãy chia sẻ cam khổ với Người. Hãy dựa vào Thánh Thần mà giữ lấy kho tàng tốt đẹp đức tin đã lãnh nhận và tiếp tục sứ vụ tông đồ. Như vậy bài thư Phaolô tóm tắt cả hai bài Kinh Thánh trước đây. Ðó là những lời khuyên ta trong hoàn cảnh khó khăn . Ðừng đánh mất niềm tin; nhưng hãy dựa vào Thánh Thần dũng mạnh mà tiếp tục sứ vụ và ơn gọi để thấy lòng tin có sức chuyển núi dời non và con người tín nghĩa luôn được sự sống thật.
Trong cộng đoàn chúng ta đây, ai không thấy mình nhiều ít cần thêm lòng tin. Chúng ta cần cầu xin như các tông đồ ngày trước. Nhưng cũng cần nhớ lời thánh Phaolô: Hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa ban khi nhận được đức tin. Ðó là ơn Thánh Thần dũng mạnh để giữ tín nghĩa trong mọi thử thách và để nhiệt thành tiếp tục ơn gọi và làm mọi công việc của phận sự cho dù hoàn cảnh có trái nghịch. Ơn Thánh Thần luôn còn được ban thêm một cách đặc biệt trong thánh lễ, nơi Chúa Giêsu Kitô bày tỏ sức mạnh phục sinh qua Mầu nhiệm Thập giá. Hãy tin tưởng cử hành thánh lễ hôm nay và mọi ngày để hằng ngày được thêm ơn Thánh Thần làm sống lại mạnh mẽ niềm tin mà chúng ta đã lãnh nhận, hầu luôn phấn khởi phấn đấu trong cuộc sống.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)