Giải Nghĩa Lời Chúa Năm C
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúa Nhật 23 Thường Niên Năm C
Quyết tâm từ bỏ tất cả
để vác thập giá của mình
(Khôn ngoan 9,13-18; Philêmon 9b-10.12-17; Tin Mừng Luca 14,25-33)
Phúc Âm: Lc 14, 25-33
"Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta".
Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: "Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.
"Có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không? Kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế giễu người đó rằng: 'Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi'.
"Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta".
Suy Niệm:
Nếu chúng ta đã chú ý lắng nghe Lời Chúa, chắc chắn không ai có thể yên tâm được. Lời Người đòi hỏi rõ ràng quá! Người dạy: phàm ai trong các ngươi không từ bỏ của cải mình đi hết thảy, thì không thể làm môn đệ của Ta. Ấy là chúng ta mới chỉ nhắc lại một Lời của Người đó thôi. Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Người còn nói: Kẻ nào đến với Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh chị em mình và cả mạng sống của mình nữa, ắt không thể làm môn đệ của Ta. Những lời này phải hiểu thế nào đây? Không lẽ hiểu theo nghĩa đen; và như vậy thi hành thế nào được, vì kìa có ai làm như thế đâu? Các tu sĩ khổ hạnh cùng lắm cũng chỉ từ bỏ được của cải; nhưng họ đâu có ghét cha ghét mẹ. Ðàng khác Chúa không dạy phải thảo kính cha mẹ ư?
Do đó, Lời Chúa phải hiểu theo cách thức nào đây? Chúng ta muốn tìm một lối giải thích. Nhưng ý tứ, bài sách Khôn ngoan bảo chúng ta phải coi chừng.
1. Ai Nghĩ Ra Ðược Chúa Muốn Gì?
Quả thật tác giả là người khôn. Ông sống khoảng 100 năm trước Ðức Giêsu Kitô. Thời ấy người Do Thái tiếp xúc với văn hóa Hy Lạp, nổi tiếng có nền triết học thâm thúy. Chắc chắn người Hy Lạp coi rẻ văn chương Do Thái, như dân mẫu quốc khinh khỉnh đối với sách vở của dân thuộc địa. Và chính nhiều người Do Thái cũng đâm ra mặc cảm, không thấy Sách Thánh của mình có giá trị tuyệt đối nữa, và xét theo nhiều phương diện còn kém tư tưởng của các nhà triết học. Chính trong bối cảnh lịch sử ấy nẩy sinh loại văn chương khôn ngoan trong bộ Kinh Thánh. Nhiều học giả đạo đức trong dân Chúa đã được Chúa soi sáng và hướng dẫn để giúp anh em tín hữu biết đối thoại với nền văn hóa mới: Suy nghĩ các đề tài nền văn hóa này chú trọng cũng như hiểu rõ các chân lý đặc biệt của đạo Chúa. Công việc của những tác giả ấy còn khích lệ chúng ta hiện nay, và có thể nói hơn bao giờ hết. Bởi vì chưa bao giờ nhân loại tiến bộ như hiện nay. Các khám phá mới về khoa học và các tư tưởng táo bạo của thời đại chúng ta bó buộc niềm tin của chúng ta phải suy nghĩ, nếu không muốn nó bị người ngoài coi khinh và có thể khiến chúng ta tự ti mặc cảm cách nào đó trong đời sống hằng ngày. Bài sách Khôn ngoan hôm nay vắn tắt nhưng có thể trở thành lợi khí, nếu chúng ta biết hiểu.
Ðây là đoạn kết của lời kinh cầu nguyện mà tác giả dâng lên Thiên Chúa. Ông xin Người ban cho mình được sự khôn ngoan. Không phải vì ông thất học hay dốt nát. Ông mượn danh nghĩa của Salômon để viết ra tác phẩm "Khôn ngoan" này. Và sự khôn ngoan của Salômon đã trở thành vô địch, đến nỗi Nữ hoàng Phương Nam phải đến học khôn. Nhưng người thông thái thật không tưởng mình đã biết hết và chỉ kẻ thiển cận mới ba hoa tuyên bố các ngu xuẩn của mình.
Ðặc biệt, những người khôn ngoan luôn biết định mức các kiến thức của mình. Tác giả bài sách hôm nay là một trong những người như vậy. Ngay từ đầu, ông phân biệt rõ phạm vi ý định của Thiên Chúa và giới hạn tư tưởng của loài người. Thế giới của Thiên Chúa siêu việt. Khả năng của loài người bất lực trước các chân lý của Người. Ðiều này hiển nhiên không cần bàn cãi. Nhưng còn hiển nhiên không kém, là tư tưởng của loài người cũng yếu ớt dễ sợ ngay trong phạm vi của mình. Kiến thức của họ lỏng chỏng chứ không bền vững. Và tác giả nói rõ lý do vì sao. "Quả thật xác hư nát đè nặng linh hồn, lều đất làm trĩu xuống linh hồn đăm chiêu".
Chúng ta có cảm tưởng ông muốn nói với người Hy Lạp và phê bình giá trị tư tưởng của họ. Họ tự phụ có nền triết học cao. Nhưng đấy cũng chỉ là sản phẩm của trí tuệ và linh hồn con người. Thế mà linh hồn cũng như trí tuệ ở trong xác mà con người Hy Lạp vẫn coi như tù ngục và vât chất. Xác thịt lôi cuốn tinh thần xuống, đè nặng trên các tư tưởng của con người, khiến triết học của họ yếu ớt và lỏng chỏng. Người ta ước lượng các việc dưới đất một cách khó khăn; và nhiều điều trước mắt người ta cũng phải vất vả mới nhìn ra được. Khổng Tử cũng không nói khác khi ông tuyên bố: Việc đời này tôi cũng chưa rành, tại sao lại phải hỏi tôi về việc đời sau?
Phải, sự khôn ngoan của con người có hạn. Kiến thức của họ lỏng chỏng yếu ớt. Người khôn phải có thái độ thế nào? Salômon tự thú: Nếu Thiên Chúa không ban, tôi không thể có được sự khôn ngoan. Nên tôi đã thưa với Chúa và cầu xin Người: Xin ban cho tôi khôn ngoan chung ngự ngai Người và đừng loại tôi khỏi số con cái của Người.
Ước gì chúng ta được lòng đạo đức ấy! Gặp nền văn hóa mới, gặp những tư tưởng mới, chúng ta noi gương tác giả sách Khôn ngoan. Chúng ta xin Chúa hướng dẫn và tìm trong Mạc khải của Người ánh sáng cứu độ cho cuộc đời trần gian. Thiên Chúa đã nói với chúng ta, nơi Ðức Giêsu Kitô là Ngôi Lời chung ngự ngai Thiên Chúa. Ngài đang mạc khải ý định của Ngài nơi Sách Thánh và trong Hội Thánh. Chúng ta có biết để các kiến thức của loài người dưới chân sự khôn ngoan của Thiên Chúa, mới hy vọng nhận được ánh sáng soi dẫn cuộc đời trong chân lý. Giờ đây chúng ta cũng phải làm như thế để đón nhận lời dạy của Ðấng Khôn ngoan đang tuyên bố con đường cứu độ trường sinh.
2. A Muốn Làm Môn Ðệ Chúa
Chúa Giêsu nói với những ai muốn làm môn đệ Người. Người nói với quần chúng đông đảo, làm chứng Người muốn kêu gọi hết mọi người và muốn mọi người được hạnh phúc. Do đó, Lời của Người không dành riêng cho một nhóm người nào. Ðừng bảo những lời ấy chỉ có giá trị đối với người Do Thái đồng thời với Người. Cũng đừng nói ngày nay những lời ấy chỉ dành cho linh mục và tu sĩ. Chúa Giêsu nói với tất cả chúng ta ngày hôm nay. Người bảo: Muốn đến với Người và làm môn đệ của Người phải ghét cha mẹ, vợ con, anh chị em mình và cả mạng sống của mình nữa. Lại phải vác khổ giá mình mà đi sau Người. Và phải từ bỏ của cải mình đi hết thảy.
Dĩ nhiên Chúa chẳng vô lý đòi chúng ta bỗng dưng phải bỏ cha mẹ, bạn hữu, mạng sống và của cải. Con người ở đời phải có những sự ấy. Và nếu những sự ấy giúp chúng ta đến với Chúa và làm môn đệ của Người, thì có chi mà phải ghét bỏ? Nhưng khi mà những sự ấy trở thành chướng ngại vật cho chúng ta trên đường đi theo Chua, thì hôm nay Người bảo chúng ta phải dứt khoát lựa chọn: hoặc bỏ chúng để được Người, hoặc giữ chúng mà mất Người. Không có lối thoát nào khác. Không phải vì Chúa quá đòi hỏi; nhưng giữa ánh sáng và tối tăm, giữa tình yêu và hận thù, người ta phải lựa chọn.
Thế nên, tiếp theo Chúa bảo người ta phải suy nghĩ, cân nhắc. Như người muốn xây tháp, như vua sắp đi giao chiến, phải suy tính kỹ lưỡng kẻo tháp xây không nổi, đánh trận sẽ thua, khiến không những bị cười nhạo mà cuộc đời cũng tiêu luôn.
Người ta phải suy nghĩ trước khi đi theo Chúa. Và theo Chúa không như theo bất cứ một ai. Những người Do Thái đồng thời với Ðức Giêsu còn có thể hiểu lầm được, chứ ngày nay chúng ta đã thấy rồi, Chúa đã đi con đường thập giá, ai muốn đi sau Người, cũng phải mang lấy thập giá.
Tôi tưởng đây là câu chính trong bài Tin Mừng hôm nay. Kẻ muốn làm môn đệ của Chúa Giêsu Kitô phải vác thập giá đi sau Ðấng đã vác thập giá mở đường cứu độ cho muôn người. Ðối với những thính giả ở thời Ðức Giêsu, điều này có một ý nghĩa rất cụ thể. Người ta vẫn thấy những tên tù tội phải vác thập giá đi đến nơi chịu tử hình. Ngày nay chúng ta đã thấy Ðức Giêsu đi như thế. Ai đi sau Người tất bị khai trừ bởi những ai phủ nhận đường lối Người đã đi. Không chấp nhận bị khai trừ như vậy không thể làm môn đệ của Người được. Và khi đi vào con đường thập giá như vậy, làm sao còn có thể bám vào của cải thế gian nữa? Do đó hãy hiểu hai đòi hỏi "ghét cha mẹ" và "từ bỏ của cải" như là điều kiện và hậu quả của việc lựa chọn đi vào đường lối của Chúa, khi tình yêu tự nhiên và của cải thế gian ngăn trở người ta bước đi sau Chúa để trở thành môn đệ của Người.
Có khi nào như vậy không? Thường ra thì không như trong trường hợp của chúng ta hiện nay. Cha mẹ, vợ con, anh chị em đâu có cản trở chúng ta đi theo đường lối của Chúa. Ngược lại, cha mẹ thường muốn con cái giữ luật Chúa, vợ ao ước chồng giữ các giới răn của Chúa, anh chị mong muốn các em sống đời đạo đức. Có khi vì vậy mà con cái ghét cha mẹ, chồng khó chịu với vợ, và các em giận hờn anh chị. Những sự ghét bỏ ở đây là tội lỗi và bất công. Nhưng hồi Ðức Giêsu giảng đạo tại thế, các môn đệ của Người phải bỏ cha mẹ, vợ con mới đi theo Người được. Và trong lịch sử nhiều cuộc cấm đạo, người đi theo Chúa buộc lòng phải ghét bỏ cả cha mẹ, vợ con, anh chị em và sự sống của mình mới có thể vác thập giá theo chân Chúa Giêsu đi đến chỗ tử đạo được, khi những người kia cản trở mình trung kiên trong đức tin.
Ðó là những trường hợp hy hữu và điển hình để khẳng định dứt khoát chân lý sau đây: không được yêu thích người nào, vật nào hơn Chúa; và phải kính yêu Người hơn hết thảy mọi sự, mọi người. Ðiều không phải là người ta không thi hành chân lý này mọi nơi, mọi lúc. Quá nhiều khi họ nghe theo cám dỗ, thích các ham muốn xác thịt hơn Luật Chúa và vị nể người này người khác mà không dám làm theo tiếng lương tâm. Họ không xứng đáng làm môn đệ của Chúa Giêsu, Ðấng đã vác thập giá đi trước để mở đường cứu độ cho những ai chấp nhận vác thập giá của mình đi sau.
Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay cũng đặt Philêmon trước một lựa chọn. Ông có thể xử sự theo lẽ tự nhiên hoặc thi hành tiếng gọi của Chúa? Ông sẽ lựa chọn theo sự khôn ngoan của loài người hoặc sẽ nhờ sức mạnh Thánh Thần khôn ngoan của Thiên Chúa mà hành động? Ông sẽ tỏ mình là môn đệ của Chúa hoặc chỉ sống như một người thế gian? Chúng ta đọc qua đọc lại đoạn thư này để thấy Lời Tin Mừng đòi buộc áp dụng cụ thể và chỉ những ai nhận được sự khôn ngoan của Thiên Chúa mới có thể là môn đệ của Người.
3. Bạn Sẽ Xử Sự Thế Nào?
Philêmon là một người giàu có. Có thể chính Phaolô đã làm cho ông theo đạo. Ông có một tên nô lệ gọi là Ônêsimô. Anh này bỏ trốn. Phaolô đã gặp anh và làm cho anh theo đạo. Nhưng Người phải xử trí thế nào đây? Không trả Ônesimô lại cho Philêmon hoặc để anh trốn đi nơi khác, là bao che một kẻ phạm pháp và gây ra nhiều hiểu lầm tai hại cho Ðạo Thánh. Phaolô một mặt khuyên Ônêsimô trở về và mặt khác viết một thư để anh cầm theo mang đến cho Philêmon.
Lá thư vắn tắt nhưng thống thiết, chan chứa tình người và nhất là hối thúc đức ái siêu nhiên. Phaolô nại đến tuổi già của mình và hoàn cảnh đang bị cầm tù vì Ðức Giêsu Kitô. Những lý do này khiến Người có thể đòi hỏi Philêmon bất cứ điều gì. Nhưng Người không muốn áp đặt mà chỉ muốn chính Philêmon phải lựa chọn. Ônêsimô trước đây khi trốn đi là tên nô lệ; nhưng bây giờ khi trở lại, anh đã trở thành con Chúa và là anh em của chúng ta.
Hơn nữa, anh đã được sinh ra trong tuổi già và xiềng xích của Phaolô. Philêmon sẽ đón nhận anh như một chủ thế gian gặp lại tên nô lệ đã trốn đi; hoặc ông sẽ cư xử như một môn đệ của Chúa, đón nhận anh như một đồng đạo, và do đó như một người anh em và bạn hữu? Chúng ta không được biết Philêmon xử trí như thế nào. Nhưng một bức thư thống thiết, đầy tình nghĩa và lý tưởng cao như vậy, chắc chắn đã có hiệu quả tốt đẹp. Philêmon bỏ lòng giận dữ, khước từ quyền lợi thế gian và xã hội cho phép mình đón nhận lời Phaolô như sự khôn ngoan và Thánh Thần của Thiên Chúa, để cư xử như một người môn đệ tốt của Chúa Giêsu Kitô, xứng đáng lưu tên tuổi lại trong bộ Kinh Thánh, trở thành gương mẫu cho chúng ta khi nghe tiếng Chúa kêu gọi trong những trường hợp rất cụ thể thuộc đời sống trần gian. Chúng ta ghi nhớ bài thư hôm nay để thấy rõ Lời Chúa rất cụ thể. Người kêu gọi chúng ta luôn biết từ bỏ thế gian xác thịt để trở thành môn đệ của Người. Và chúng ta chỉ làm được như vậy khi thâm tín Lời Chúa và lệnh truyền của Chúa là sự khôn ngoan Thánh Thần vượt xa mọi luận lý phàm nhân của chúng ta.
Chúng ta hãy cầu xin được thêm lòng xác tín mọi lệnh truyền của Chúa, được nhiều ơn Thánh Thần hơn để mạnh mẽ khước từ và ghét bỏ các cám dỗ, hầu sống xứng đáng là môn đệ của Chúa. Thánh lễ này muốn mang đến tất cả những ơn đó.
Ðặc biệt nơi bàn thờ sẽ nhắc nhở và thực hiện mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô không những vác thập giá mà còn chết trên thập giá để cống hiến Thịt Máu Người cho chúng ta được sống.
Chúng ta không thể đón nhận một tình yêu như vậy mà không quyết tâm từ bỏ tất cả để vác thập giá của mình và đi theo Người. Xin Người đến hộ sức cho chúng ta.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)