Giải Nghĩa Lời Chúa Năm C

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật 21 Thường Niên Năm C

Gò mình hơn vào con đường hẹp

(Isaia 66,18-21; Thư Hipri 12,11-13; Tin Mừng Luca 13,22-30)

 

Phúc Âm: Lc 13, 22-30

"Người ta sẽ từ đông chí tây đến dự tiệc trong nước Chúa".

Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: "Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?" Nhưng Người phán cùng họ rằng: "Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào và đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: 'Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi'. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi từ đâu tới'. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: 'Chúng tôi đã ăn uống trước mặt ngài và ngài đã giảng dạy giữa các công trường chúng tôi'. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi tự đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta'. Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết và những người trước hết sẽ nên sau hết".

 

Suy Niệm:

Ngày lễ Ðức Mẹ hồn xác lên trời hẳn còn để lại nhiều âm vang trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta cứ giữ lấy hình ảnh về Ðức Mẹ lúc này đang hạnh phúc ở trên trời, để hiểu rõ các bài đọc Kinh Thánh hôm nay. Bài sách Isaia không mô tả trước hạnh phúc chung cuộc dành cho mọi dân tộc đó sao? Ðể đạt được hạnh phúc ấy, tức là được vào Nước Trời, bài Tin Mừng hôm nay nói chúng ta phải đi qua cửa hẹp. Và kiểu nói này được bài thư Hípri giải thích để chúng ta biết đi qua cửa hẹp tức là chấp nhận đi vào con đường nhiều thử thách và phấn đấu.

Ðó là những quan niệm không lạ lùng gì; nhưng phải đem ra thực hành và vì thế cần được suy nghĩ thấu đáo. Chúng ta hãy bắt đầu với bài sách Isaia, rồi bài Tin Mừng và cuối cùng đến bài thư Hípri.

 

1. Chúa Hứa Ban Nước Trời

Ðoạn sách Isaia hôm nay chấm hết tác phẩm dầy những 66 chương mang tên một vị đại tiên tri. Nhiều người coi nó như phần phụ lục, mãi sau này mới được đính vào toàn bộ tác phẩm đã được viết từ lâu. Ðiều ấy không quan trọng, vì đàng nào đây cũng là một đoạn sách thánh, một chương Lời Chúa, có giá trị mạc khải dẫn dắt đời sống chúng ta.

Chúa mở ra trước mắt chúng ta chân trời của thời kỳ cánh chung, tức là sau hết. Người không phải chỉ là Chúa của một dân tộc hay của riêng những kẻ giữ đạo của Người. Ngay từ câu đầu tiên trong đoạn sách hôm nay, Người đã khẳng định chính Người linh động tư tưởng và hành động của các dân tộc. Và như vậy Người làm chủ lịch sử.

Lịch sử này sẽ kết thúc ra sao, thì đây là Lời Chúa: "Ta sẽ đến thâu họp tất cả các nước và các tiếng nói. Chúng sẽ đến và sẽ thấy vinh quang của Ta". Lời nói rõ ràng, chắc chắn, không cần mảy may chú thích. Chúng ta tin vào định mệnh tốt đẹp của các dân tộc. Thiên Chúa đã hứa, đã muốn dân của mọi thứ ngôn ngữ chung cuộc sẽ được nhìn thấy vinh quang của Chúa. Kiểu nói này có nghĩa rằng họ sẽ được hân hoan, hạnh phúc khi Chúa đến trong vinh quang. Chính ánh sáng của Người sẽ xua đuổi mọi u sầu đen tối ra khỏi họ. Hình bóng sự chết cũng sẽ phải lui đi. Và sự sống mới, sự sống bắt nguồn từ ánh sáng vinh quang của Chúa sẽ làm cho mọi loài được sống lại. Chúng ta có thể nghĩ đến quang cảnh của một buổi sáng. Ánh sáng mặt trời tỏa ra đến đâu, đêm tối lui đi đến đó và tất cả tạo vật được hồi sinh trong hạnh phúc. Hình ảnh này giúp chúng ta hiểu Lời Chúa vừa tuyên bố: mọi dân tộc sẽ nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa để được sống mới mẻ và trường cửu.

Nhưng Chúa sẽ thâu nạp các dân tộc lại bằng cách nào? Theo một kiểu trình bày rất quen thuộc trong giáo huấn của các tiên tri, ở đây Isaia nói rằng: Chúa sẽ đặt một dấu hiệu giữa các dân tộc để họ nhìn thấy mà đến. Ông không nói rõ dấu hiệu nào. Nhưng ai đọc Kinh Thánh nhiều và nhất là biết tác phẩm của ông thì dấu hiệu mà Chúa sẽ đặt lên làm cờ hiệu cho các dân tộc nhìn thấy để đến chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa là Giêrusalem và núi Sion khi được Thiên Chúa viếng thăm và được rực sáng trong ánh sáng vinh quang của Người, là dân còn sót lại sau thử thách luyện lọc, là Hội Thánh Chúa Kitô, là chính Ðức Kitô vinh hiển phục sinh... Từ ngày cây Thánh giá được dựng lên trên một quả đồi ở Sion và Giêrusalem, Thiên Chúa đã đặt một dấu hiệu giữa các dân tộc để chiếu giãi ánh vinh quang của Người cho họ được nhìn thấy.

Tuy nhiên chưa đủ. Chúa còn sai những người trong số dân còn sót lại sau thử thách tinh luyện mà ở đây tác giả gọi là những kẻ "thoát nạn", đi đến các nước. Tức là Chúa sẽ sai các thánh của Người đến với các dân tộc, để những tông đồ này nói cho mọi dân về Chúa, để những kẻ chưa bao giờ thấy vinh quang của Chúa, thì nay được thấy và được sống.

Không phương trời nào không được Chúa sai tông đồ đến. Cả những đảo xa xôi nhất và những miền rừng rú mà thổ dân còn sống bằng nghề cung tên. Bất cứ nơi nào cũng sẽ được nghe nói về Chúa và thấy vinh quang của Người. Các dân tộc sẽ trở nên như anh em của người rao giảng Phúc Âm. Họ sẽ tuôn về với Chúa như các đoàn người tiến về Giêrusalem. Họ đi cáng, đi lạc đà, đi đủ mọi thứ phương tiện. Họ giống như các người Do Thái đang mang lễ dâng lên bàn thờ. Hơn nữa, Chúa còn chọn trong đoàn người đang tiến lên đó những tư tế và Lêvi mới cho Người.

Chắc hẳn khi viết câu này, Isaia có lẽ chỉ nghĩ đến các người Do Thái kiều cư nơi dân ngoại tiến về Giêrusalem vào các dịp lễ. Và trong bọn họ sẽ có những kẻ được chọn làm tư tế. Nhưng vì lời Isaia là lời tiên tri, nên chúng ta có thể hiểu tất cả theo mạc khải của Chúa Giêsu. Và chúng ta sung sướng nghĩ rằng các lời tiên tri của sách Isaia quả thật hướng lòng trí chúng ta về thời cánh chung. Thiên Chúa chọn Ðức Giêsu với thánh giá và Hội Thánh của Người làm cờ hiệu cho các dân tộc. Người sai các tông đồ mới đã thoát nạn thế gian và tội lỗi đến nói với các nước về Chúa và Tin Mừng cứu độ. Các dân tộc sẽ hân hoan đứng lên tiến về với Chúa. Người làm cho họ trở nên vương quốc tư tế của Người...

Một viễn tượng như vậy không làm nức lòng chúng ta sao? Ðó thật là những "lời an ủi", danh từ mà người ta vẫn dùng để nói về các lời Isaia trong các chương sau cùng nơi tác phẩm của ông. Tuy nhiên vẫn có những người đọc sách thánh mà không hiểu. Họ không dám tin hoàn toàn vào Lời Chúa. Não trạng ấy Ðức Giêsu đã bắt gặp khi Người đang hành trình truyền giáo, như bài Tin Mừng hôm nay kể. Chúng ta hãy xem Người dạy dỗ như thế nào?

 

2. Người Ta Phải Ði Vào Ðường Hẹp

Tác giả Luca không nói rõ cho chúng ta biết hôm ấy là ngày nào và Ðức Giêsu đang ở chặng đường nào. Chỉ biết Người đang rảo qua các làng mà dạy dỗ và hành trình lên Giêrusalem. Tác giả Luca dùng cuộc đi đường này để thuật lại những Lời Chúa giáo huấn cho các môn đệ và cho tất cả chúng ta trên đường đi về Nước Trời. Tác giả cho có một người đến hỏi Chúa: "Thưa Ngài, có ít người được cứu thôi phải không?". Người hỏi ấy là ai, chúng ta không cần biết. Ông ta nói lên tâm trạng của một số người và có thể nói của nhiều người nữa. Thời bấy giờ - cũng như thời nay - người ta hay tranh luận với nhau xem số người được cứu nhiều hay ít vì trong mạc khải có chỗ nói Chúa sẽ cứu các dân tộc, nhưng cũng có chỗ viết: Ơn cứu độ chỉ dành cho những kẻ thoát nạn. Người ta tranh luận với nhau như thế để làm gì? Nếu cuối cùng chẳng phải chỉ là để thỏa mãn tính tò mò? Hoặc hơn nữa, để có một lời hứa lạc quan, tránh cho người ta phải nỗ lực phấn đấu?

Ðức Giêsu hiểu não trạng ấy. Người không để ai lợi dụng mình. Ở đây cũng như ở mọi chỗ khác, khi thấy người ta tò mò muốn biết về tương lai để sống ỷ lại, Ðức Giêsu vẫn từ chối trả lời. Về số người được cứu rỗi, cũng như về ngày giờ cứu độ, và về chỗ ngồi bên hữu hay bên tả Nước Trời, tất cả những điều ấy nằm trong bí mật của Thiên Chúa. Người không cho biết kẻo chúng ta trở nên những kẻ thụ động. Lời hứa cho chúng ta đã rõ ràng, phương hướng cứu rỗi đã được đề ra; được rỗi hay không cũng còn tùy ở mỗi người. Ðức Giêsu chỉ có the åthương người ta bằng cách giới thiệu đường lối cứu độ rõ ràng hơn. Thế nên Người bảo: "Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào".

Lời nói này đã được xác định thêm trong câu Người nói tiếp: "Một khi gia chủ dạy khóa cửa rồi và các ngươi đứng ngoài gõ cửa... xin mở... thì sẽ được đáp lại; Ta không biết các ngươi từ đâu đến".

Như vậy, chúng ta có thể hình dung Nước Trời như là nhà của Chúa. Lúc này cửa nhà ấy đang mở để chúng ta vào. Nhưng nó hẹp. Người ta phải cố gắng mà lách vào; kẻo khi chủ nhà đứng lên và đóng cửa lại, không ai còn vào được nữa. Chúng ta có thể hình dung hơn nữa: Nước Trời là nhà Chúa đang mở tiệc cưới. Người ta phải mau mau đi qua cửa hẹp mà vào, kẻo đến khi khai tiệc, cửa sẽ đóng lại và không ai ra vào nữa.

Nhưng vẫn có những kẻ sẽ không vào được. Họ là ai? Ở đây tác giả Luca nói: đó là những người đã ăn uống ở trước mặt Chúa và đã thấy Người đi lại giảng dạy nơi phố xá của họ, nhưng vẫn làm điều tàn ác. Ðó là người Do Thái đồng hương, đồng thời với Ðức Giêsu mà không đổi đời theo lời Người giảng dạy. Họ sẽ bị xua đuổi ra khỏi nhà đang có các tổ phụ và các tiên tri vui hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Họ sẽ bị tống ra ngoài, nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng; đang khi ấy những kẻ bên Ðông bên Tây, tức là dân ngoại lại được vào dự tiệc Nước Trời. Há chẳng chứng nghiệm lời ca dao tục ngữ này sao? Có những người cuối sẽ lên đầu hết và có những kẻ đầu hết sẽ nên cuối hết? Không phải hết mọi người trước hết được nghe Lời Chúa, tức là người Do Thái đều bị xua đuổi. Nhưng có những kẻ trong bọn họ vì không thi hành Lời Chúa nên sẽ bị đuổi ra, để nhường chỗ cho những người cuối hết, là dân ngoại nghe Lời Chúa sau dân Do Thái mà trở lại. Những người lương dân ấy sẽ lên trước hết trong Nước Thiên Chúa.

Ðiều này đã đúng ngay thời Ðức Giêsu, vì đang khi rất nhiều người Do Thái không tin Người, thì có những kẻ lương dân lại được lòng tin. Nhưng điều ấy còn rõ ràng hơn nữa ở thời Luca, vì đang khi các dân ngoại chen chúc nhau đi vào Hội Thánh, phần lớn người Do Thái vẫn có thái độ thù nghịch. Vì sao?

Ðức Giêsu đã nói: Vì họ không chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào. Cửa hẹp đây, dĩ nhiên là các đòi hỏi của đức tin. Nhưng chúng ta sẽ có lý hơn khi nhớ chính Ðức Giêsu đã tự nói mình là cửa chiên. Ai muốn được cứu độ phải tin vào Người và đi qua Người, qua mầu nhiệm tử nạn phục sinh của Người, để đến với Chúa Cha. Người Do Thái không tin ở Người nên ở ngoài Hội Thánh là nhà Chúa; đang khi các dân tộc thực hiện lời sách Isaia, thấy Ðức Giêsu và Hội Thánh của Người là cờ hiệu Thiên Chúa, đã dựng lên để cứu thế, đang chen chúc nhau đi vào Nước Trời.

Nhưng trong kế hoạch cứu độ, những gì dân Chúa đã sống, từng Kitô hữu cũng phải kinh nghiệm. Và vì thế ai ai cũng phải chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào sản nghiệp Chúa đã hứa ban cho các dân tộc. Và cửa hẹp của chúng ta, theo lời thư Hípri, là những thử thách hàng ngày.

 

3. Chúng Ta Phải Tu Chỉnh Lại

Quả vậy, đời sống con người quá nhiều đau thương, đời sống Kitô giáo lại thêm nhiều thử thách khác, vì đức tin con người không biết lướt thắng đau thương sẽ thất bại; và người Kitô hữu không vượt qua được thử thách sẽ mất sản nghiệp Nước Trời mà Chúa đã hứa ban.

Ðộc giả của thư Hípri đang gặp thử thách. Tác giả viết thư này để an ủi và khích lệ họ. Người đã nại đến gương sống đức tin của các tổ phụ; đặc biệt Người đã bảo họ hãy ngắm nhìn Ðức Giêsu trong mầu nhiệm tử nạn phục sinh. Những thử thách họ đang chịu chưa đến nỗi làm cho phải đổ máu mà! Hãy còn là những chiến đấu nhỏ thôi. Và như vậy, họ nên nhớ lại lời sách châm ngôn: "...Chúa thương ai, Người muốn sửa dạy; con nào Người nhận, Người mới cho đòn".

Thật ra, mới nghe, chúng ta có thể coi thường một lời an ủi như thế. Nó phản ánh một kinh nghiệm thông thường: con người lớn lên cần phải giáo dục và giáo dục đòi sửa dạy. "Vì còn gì là con, kẻ người cha không dạy?". Nhưng điều rất tự nhiên trong gia đình lại khó được chấp nhận ở môi trường khác. Và đó là cảm tưởng của chúng ta những khi gặp đau khổ. Chúng ta thấy Chúa không an ủi được chúng ta. Chúng ta phàn nàn vì sao Ngài không chăm sóc chúng ta hơn? Tác giả thư Hípri nghĩ rằng: Chính những lúc ấy chúng ta đã quên Chúa là Cha. Người đã chọn chúng ta giữa muôn muôn người làm con cái Người. Thế thì Người phải sửa dạy chúng ta hơn. Chúng ta phải gặp thử thách hơn những người khác. Không như vậy, làm sao có thể nói chúng ta là con cái Chúa? Và nếu Chúa không sửa dạy, thì làm sao, chúng ta có thể lớn lên làm người trong đời sống Kitô hữu?

Ðàng khác bị sửa dạy thì trước mặt không vui nhưng sau này sẽ thấy lợi ích. Ðây cũng còn là một kinh nghiệm loài người. Nhưng tác giả Hípri đã hướng dẫn chúng ta suy nghĩ sang bình diện đạo đức. Ông nói: Lợi ích của sửa dạy là hoa quả bình an công chính. Con cái Chúa có thể cảm thấy mau lẹ hơn con cái loài người; vì có thể nói ngay khi chấp nhận thử thách người Kitô hữu đã thấy nó như mầu nhiệm tử nạn chứa chấp mầu nhiệm phục sinh, đang khi con cái trong nhà có thể chưa mau mắn nhận ra lợi ích của việc cha mẹ sửa dạy. Các tín hữu khi chấp nhận đau khổ với tinh thần đạo đức sẽ thấy ngay được bình an công chính.

Nói như vậy có phải để chúng ta ao ước thử thách không? Tác giả thư Hípri không đi quá xa như vậy. Ông rất chân thực, và chỉ đưa ra một câu kết luận: chúng ta hãy dùng thử thách để chạy thẳng tắp trên đường đạo đức, chứ đừng đi dệu dạo nữa. Ông muốn nói, vì chúng ta còn hai lòng và chưa hoàn toàn trong đời sống thánh thiện, nên Chúa gởi thử thách đến sửa dạy. Chúng ta hãy tỉnh ngộ đi vào đường ngay. Thử thách sẽ sinh ra bình an công chính. Chúng ta sẽ thành thân hơn và đạt tới những điều Chúa hứa.

Người đã hứa tương lai và đời sống tốt đẹp cho chúng ta như bài sách Isaia đã nói. Người còn xác định phải qua cửa hẹp để vào hạnh phúc. Những thử thách gặp phải trong đời sống đạo đức nhắc nhở chúng ta gò mình hơn vào con đường hẹp. Chúng ta chấp nhận, sẽ thấy hạnh phúc.

Giáo huấn này không phải chỉ rõ trong Lời Chúa hôm nay, nhưng còn cụ thể hơn nữa trong mầu nhiệm Thánh Thể.

Ở đây, chúng ta cử hành lễ Vượt qua của Ðức Giêsu, để kết hợp với cuộc tử nạn của Người, chúng ta mong đạt được các hiệu quả của việc Người phục sinh. Chúng ta phải có tinh thần muốn đi vào con đường hẹp trong thánh lễ này là dâng mình và dâng đời sống làm hy lễ cho Thiên Chúa. Chúng ta có thêå không thực hành tinh thần ấy sau khi dâng lễ sao? Ngược lại, chắc chắn chúng ta sẽ có tinh thần đi vào con đường hẹp nhiều hơn để được vào Nhà Chúa và bàn tiệc của Người sau này cùng với tất cả các dân tộc.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page