Giải Nghĩa Lời Chúa Năm C
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Ngày 15 tháng 8
Lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Ðể cho được lên cao như Ðức Mẹ
(Khải Huyền 11,19a; 12,1.3-6a.10ab; Thư 1 Côrintô 15,20-26; Tin Mừng Luca 1,39-56)
Phúc Âm: Lc 1, 39-56
"Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại: Người nâng cao những người phận nhỏ".
Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabeth, và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:
"Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện".
Và Maria nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời".
Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà Mình.
Suy Niệm:
Trong ba bài học Kinh Thánh hôm nay, bài sách Khải Huyền và bài Tin Mừng như trực tiếp muốn nói với chúng ta về Ðức Mẹ. Còn bài thư Phaolô gợi lên niềm hy vọng của chúng ta cũng sẽ được sống lại để lên trời cả hồn và xác như Ðức Mẹ. Xét theo thời gian chúng ta hãy đọc bài Tin Mừng trước và bài Khải Huyền sau.
Bài Tin Mừng đưa chúng ta nhìn lại một chuyện đã xảy ra trong cuộc đời của Ðức Mẹ ở trần gian. Còn bài Khải Huyền mở cho chúng ta thấy một quang cảnh ở trên trời với hình một người phụ nữ rất đặc biệt. Chúng ta sẽ phải hỏi người phụ nữ đó là ai? Và áp dụng vào Ðức Mẹ thì hình ảnh ấy nói lên sự kiện nào trong đời sống của Người? Nhưng trước hết chúng ta hãy chiêm ngưỡng Người trong câu chuyện Người đến thăm Elisabeth.
1. Người Diễm Phúc
Ðức Maria vừa được thiên thần truyền tin... Người thật vui như lời thiên thần đã chào Người. Ðó là niềm vui to lớn mà càng suy Người càng thấy không thể tưởng tượng được. Bên tai Người còn văng vẳng lời thiên thần: "Thánh Thần sẽ đến trên Người, và quyền năng Ðấng Tối Cao trên Người rợp bóng; bởi thế mà trẻ sắp sinh được gọi là thánh, là Con Thiên Chúa". Những lời ấy nói lên những việc phi thường và trọng đại... Lòng Người đang cưu mang những điều ấy. Không niềm vui nào to lớn hơn. Ðó là niềm vui dân Chúa đón chờ từ đời các tổ phụ. Ðức Maria càng nghĩ, đôi chân Người càng đon đả đi lên miền sơn cước, hướng về thành của Elisabeth, là một người trong hàng thân thích đã già nua son sẻ mà thiên thần lại bảo là mới thụ thai. Ðây cũng là việc lạ Chúa làm mà Người đã mạc khải cho Maria. Người thấy ngay tiếng gọi phải đi thăm Elisabeth vì sự việc xảy đến cho bà hẳn có liên hệ đến ơn mầu nhiệm chính Người đã mang đầy trong lòng.
Vậy Người đã chỗi dậy lên đường không trì hoãn. Niềm vui to lớn trong lòng làm Người quên mọi nhọc nhằn nguy hiểm của "thân gái dặm trường". Người đã vào nhà Elisabeth và chào người bà con. Lập tức bà này thấy rộn ràng trong lòng và được đầy Thánh Linh... Bà thấy rõ ơn Chúa đến với mình, nói đúng hơn, với hài nhi trong lòng mình. Và ơn Chúa đến từ lòng người trinh nữ trước đây là bà con với mình nhưng bây giờ đã trở thành khí cụ của Thiên Chúa. Elisabeth liền chào lại Maria với những lời mà ngày nay trên khắp thế gian ngày nào con cái Hội Thánh cũng không ngừng dâng lên Ðức Mẹ trên trời: Chào Bà có phúc hơn mọi người nữ. Và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.
Niềm vui to lớn Maria mang trong mình bây giờ người ta đã biết và trở thành công khai. Người thấy ngay bổn phận phải công khai nói lên lòng biết ơn vô vàn đối với Chúa. Do đó Người đã bắt đầu kinh "tôn dương" Chúa.
Những ai biết Kinh Thánh và hiểu đường lối cứu độ đều thấy ngay những lời Ðức Maria thốt ra đã làm vọng lại cả một bầu trời Cựu Ước. Ðó là tiếng nói của dân trông đợi ơn cứu thế phải phát biểu khi ý thức ơn đó đã đến cho mình. Ðó là tâm tình của hết thảy mọi người khi thấy mình được cứu độ theo như đường lối của Thiên Chúa. Chính vì vậy có thể nói Ðức Maria đã nói thay cho dân cũ; Người đã phát biểu đại diện cho dân mới. Lời kinh của Người là mẫu mực để chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì công trình cứu độ của Người. Do đó, Hội Thánh thật có lý khi hát ca vãn của Ðức Mẹ vào giờ kinh chiều, giờ nhìn lại ơn cứu độ của Thiên Chúa đã diễn ra trong ngày và trong lịch sử.
Như vậy chúng ta có đáng giá quá cao lời kinh "tôn dương" của Ðức Maria không? Thiết tưởng công lao của tác giả Luca thật là nhiều. Người đã có công ghi lại tâm tình của Ðức Mẹ và mặc cho nó hình thức hiện nay. Người cho ta thấy tâm hồn của Ðức Maria trước hết là đang "nhảy mừng" vì ơn Chúa cứu độ. Từ ngữ "nhảy mừng" gợi lên cả một truyền thống Kinh Thánh mỗi khi muốn diễn tả lòng hân hoan cảm mến trước hành động cứu dân kỳ diệu của Thiên Chúa. Ở đây hành động cứu thế oai phong này lại xảy ra nơi thân phận mọn hèn tớ nữ của Người, ám chỉ quả có phúc nơi cung lòng trinh nữ Maria.
Ðúng như lời Elisabeth đã nói: Maria thật diễm phúc; nhưng không phải chỉ hơn hết mọi người nữ, mà hơn tất cả mọi người khiến mọi đời sẽ khen Maria có phúc. Ý thức ấy khiến Người phải ngợi khen Thiên Chúa.
Người biết nói gì, nếu không trở đi trở lại hai đề tài sau đây: một đàng ca tụng Chúa thật thánh thiện, uy quyền, nhân nghĩa; và đàng khác thấy mình thân phận mọn hèn tớ nữ bất xứng với ơn cao cả Chúa ban? Giao đi giao lại hai đề tài ấy, Ðức Maria không ngờ đã viết lại những nét chính yếu của lịch sử ơn Cứu độ. Bài ca của Người đã nói lên phong cách của Chúa trong tất cả lịch sử này. Nó diễn tả đường lối cứu độ, và có thể nói, chính bản chất của ơn này.
Cứu độ, theo kinh tôn dương, là những điều cao cả mà Ðấng quyền năng làm. Ngài làm chỉ vì Danh Ngài là thánh; và vì lòng nhân nghĩa của Người đặc biệt đối với nhà Israel. Cách thức Người thi hành tựu trung là một cuộc phân xử: Một bên hạ kẻ kiêu căng, quyền thế, giàu sang và bên kia nâng cao người kính sợ khiêm nhượng và đói khổ.
Ðức Maria thực ra đã chỉ muốn đi từ kinh nghiệm riêng của mình. Thế mà cụ thể kinh nghiệm ấy bây giờ chính là quả có phúc Người đang mang trong lòng. Thành ra khi mô tả kinh nghiệm riêng Người đã diễn tả ơn cứu độ và ơn này chỉ có Một từ đời nọ đến đời kia; nên bài ca của Ðức Mẹ trở thành lời phát biểu của mọi thế hệ về lòng nhân nghĩa của Thiên Chúa. Người đã nói thay cho cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Người đã nói thay cho chúng ta; tức là chúng ta luôn phải mượn lời ca của Người mà ngợi khen ơn cứu thế.
Tuy nhiên có thể nói đây mới chỉ là tiếng hát đầu tiên của Ðức Mẹ khi cưu mang Người con đầu lòng. Sẽ có một lúc khác, Người được lãnh nhận thêm thiên chức làm mẹ loài người. Lúc ấy tiếng hát của Người có một âm điệu đặc biệt mà dường như bài sách Khải Huyền hôm nay còn làm vọng lại.
2. Người Ðau Ðớn
Như mọi ánh văn chương Khải Huyền, đoạn văn này không dễ hiểu tức khắc. Và nhất là đừng giải thích theo nghĩa đen. Câu đầu tiên nói: Ðiện thờ Thiên Chúa trên trời đã mở ra và khám giao ước hiện ra trong điện ấy. Ðiều này chỉ có nghĩa là tác giả được xem thấy mầu nhiệm trên trời. Và đây không phải chỉ là một mầu nhiệm nhưng là tất cả kế hoạch thâm sâu của Thiên Chúa. Vì chúng ta biết Môsê đã được lệnh xây điện thờ Chúa ở dưới đất theo khuôn mẫu đã được thấy ở trên trời. Và trong đền thờ dưới đất, khám giao ước được đặt trong nơi cực thánh không ai được vào trừ vị Thượng tế mỗi năm một lần. Nay nói rằng điện thờ trên trời đã mở và khám giao ước hiện ra, thì chúng ta phải hiểu Thiên Chúa sắp cho tôi tớ của Người xem thấy tất cả mầu nhiệm về giao ước. Ðó là một mạc khải toàn diện.
Vậy tác giả sách Khải Huyền đã thấy gì? Những câu sau viết về một Bà có mặt trời bao quanh, chân trên mặt trăng, đầu có triều thiên mười hai sao; bà đang thai nghén, kêu la đau đớn, quằn quại sinh con. Chắc chắn những nét tả về mặt trời, mặt trăng và mười hai sao có thể khiến ta nghĩ về Ðức Mẹ trong vinh quang trên trời... Nhưng ý tưởng về sự đau đớn sinh con khó có thể hiểu ngay về Ðức Mẹ. Thật ra, ở đây Gioan trực tiếp muốn nói đến Hội Thánh mang mười hai sao trên đầu tức là có mười hai chi họ dân cũ, hay là có tất cả dân mới thuộc mười hai vị tông đồ. Hội Thánh có sự thánh thiện như được bao bọc trong ánh mặt trời; và Hội Thánh có vinh dự như đứng trên mặt trăng. Bản chất của Hội Thánh như vậy nhưng hiện tượng về Hội Thánh thì khác.
Bề ngoài Hội Thánh đang bị bắt bớ nên khác nào một bà đang thai nghén, kêu la, quằn quại. Hội Thánh được người con nào, Satan cũng rình bắt. Nhưng Chúa luôn gìn giữ cả Mẹ và Con trong thời gian 1,260 ngày, tức là trong thời gian bắt đạo vì người Do Thái coi cơn bắt đạo thời Antiochus Epiphane dài ba năm rưỡi là tiêu biểu cho mọi cơn bắt đạo, nhất là vào thời cánh chung.
Do đó bài sách Khải Huyền hôm nay trực tiếp nói về Hội Thánh để khuyến khích tín hữu trong lúc khó khăn. Nhưng áp dụng cho Ðức Mẹ, bài sách cũng rất thích hợp vì hầu hết những gì nói về Hội Thánh cũng hợp cho Ðức Mẹ; và ngược lại cũng vậy. Xét theo nhiều khía cạnh, Ðức Mẹ là hình ảnh và gương mẫu của Hội Thánh mặc dù xét theo một vài khía cạnh khác, Ðức Mẹ lại là con và là một phần tử của Hội Thánh. Vậy, áp dụng đoạn sách Khải Huyền hôm nay vào Ðức Mẹ, chúng ta thấy hình ảnh về Hội Thánh trong cơn đau sinh con cũng có lần lóe ra trong cuộc đời của Ðức Mẹ. Hôm ấy Người đứng dưới chân thánh giá trái tim như bị đâm thâu. Và đang cơn đau đớn ấy, Người được Chúa Giêsu trao cho trách nhiệm làm mẹ của Gioan, tức là của loài người. Ðức Maria trở thành Mẹ các tín hữu trong cơn đau đớn của mầu nhiệm thánh giá. Cơn đau sinh nở này, Người đã chịu từ ngày mật thiết kết hợp với Ðức Kitô; và khi Ðức Kitô khai sinh Hội Thánh trong mầu nhiệm tử nạn thì Ðức Maria trở thành Mẹ của chúng ta.
Do đó hôm nay phụng vụ đọc cho chúng ta nghe hai bài Kinh Thánh về Ðức Mẹ, nói về hai lần làm mẹ của Người; một lần cưu mang Chúa Giêsu và một lần sinh ra các tín hữu. Cưu mang Chúa thì vui và là năm mầu nhiệm đầu tiên chúng ta suy niệm khi lần hạt; sinh ra tín hữu thì đau đớn và là năm mầu nhiệm của chuỗi Mân Côi tiếp theo. Chúng ta có thể nghĩ bài đọc thứ ba hẳn sẽ nói về năm sự mừng và đưa chúng ta vào hy vọng sẽ được lên trời với Ðức Mẹ. Chúng ta thử xem có thể cắt nghĩa như vậy không?
3. Người Lên Trời
Quả thật, như năm sự mừng trong chuỗi Mân Côi bắt đầu với Mầu nhiệm Chúa Giêsu sống lại thì bài thánh thư hôm nay cũng khẳng định điều ấy trước hết. Và vì Người là Adong mới trong mầu nhiệm Phục sinh, nên sự sống lại ở nơi Người trở thành mầm mống sự phục sinh sau này của những ai kết hiệp với Người. Ðiều này tuy là mầu nhiệm, nhưng cũng có thể hiểu được. Bởi vì nếu mọi người đã liên đới với Adong, thì hết thảy cũng đồng phận với Adong mới. Adong cũ vì lỗi phạm đã đưa mọi người vào vòng tội và sự chết, thì Adong mới nhờ lễ đền tội, cũng đem hết thảy chúng ta vào sự thánh thiện và sự sống lại. Chỉ có một điều khác, là chúng ta tự nhiên đã liên đới với Adong cũ vì huyết nhục; còn muốn liên đới với Chúa Kitô là Adong mới, người ta phải có tinh thần muốn kết hợp với Chúa Kitô. Nhưng chắc chắn ai đã kết hiệp với Chúa Kitô thì sẽ đồng phận với Người vì Thiên Chúa đã muốn như thế; và ý muốn của Thiên Chúa luôn có hiệu lực. Và riêng trong trường hợp này, nếu không chúng ta sẽ khó hiểu được sự liên đới với Adong cũ. Người ta phải nhìn đích điểm để hiểu khởi nguyên; nhìn vào ơn cứu độ để hiểu mầu nhiệm tội lỗi; nhìn vào Adong mới để hiểu Adong cũ; như khi nhìn vào mặt thật để hiểu mặt trái của sự vật và sự việc.
Vậy Chúa Kitô đã sống lại chỉ là "tiên thường" và là đầu đi trước để cả thân thể đi sau. Tác giả thư Côrintô nói rõ: tiên thường là Ðức Kitô, rồi đến các kẻ thuộc về Người, ai theo thứ tự nấy, sẽ được tái sinh. Và áp dụng lời này, Hội Thánh cho đến nay chỉ công nhận sau Ðức Kitô mới có Ðức Maria được lên trời hồn xác. Không phải chỉ vì Ðức Mẹ hồn xác vẹn tuyền đã mật thiết kết hiệp với Ðức Kitô trong mọi sự, nhưng còn vì Ðức Mẹ là hình ảnh và tiêu biểu cho Hội Thánh. Dù sao xác thánh phục sinh của Chúa Kitô cũng gợi lên hình ảnh thân thể của Người là Hội Thánh gồm tất cả những ai được cứu độ. Thế nên thánh Phaolô ở chỗ khác đã viết: Sự sống của chúng ta hiện nay đã được tiềm ẩn với Ðức Kitô ở trên trời. Mầu nhiệm Ðức Mẹ hồn xác lên trời làm cho những điều trên đây trở nên cụ thể. Và chúng ta được thêm vững vàng trong niềm tin xác thịt chúng ta sẽ sống lại và Hội Thánh của chúng ta sẽ được vinh quang trên trời.
Như vậy ngày lễ hôm nay đem vui mừng phấn khởi đến cho chúng ta. Mọi người thêm tin tưởng. Hình ảnh Ðức Mẹ hồn xác lên trời thu hút chúng ta. Và cho được lên cao như Ðức Mẹ, chúng ta phải đi qua con đường vui buồn Người đã đi.
Người đã vui khi đón nhận ơn cứu độ, nhưng đã đau khi muốn cứu thế với Ðức Kitô Con Người. Chúng ta hãy bắt chước Người tán dương Chúa đã đoái thương số phận hèn chúng ta mà ban cho chúng ta được mang Ðức Giêsu trong mình. Không những chúng ta được mang danh Kitô hữu nhưng nhất là được mang chính sự sống ân sủng của Người. Có kho tàng quí hóa ấy trên đường đời dĩ nhiên đã phải phấn đấu vất vả với Satan muốn cướp giựt, khác nào Ðức Mẹ cũng đã phải đi trên đàng thánh giá. Nhưng lúc đau đớn nhất là khi phải quằn quại sinh Ðức Giêsu nơi người khác, làm ra các Kitô hữu mới, trở thành mẹ thiêng liêng của các linh hồn. Thế mà ơn gọi của hết thảy chúng ta phải như vậy. Chúng ta phải đem ơn cứu độ đến mọi nơi. Những hy sinh khó nhọc của chúng ta trong tương quan với người khác có giá trị cứu thế. Chúng ta phải can đảm, quảng đại, để như Ðức Mẹ làm cho mọi người sau này được phục sinh và lên trời.
Chúng ta hãy có tâm tình như vậy khi tham dự thánh lễ này. Chúng ta có thể hình dung Ðức Mẹ đứng dưới chân thánh giá. Nhưng lập tức hình ảnh ấy có thể biến ngay sang hình ảnh một bà già có mặt trời bao quanh, chân đạp mặt trăng và có triều thiên 12 sao. Ðó là Ðức Mẹ trên trời... Nhưng đó đúng ra là Hội Thánh và chúng ta sau này. Chúng ta hãy cố gắng lên trời như Ðức Mẹ và để ở với Ðức Mẹ.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)