Giải Nghĩa Lời Chúa Năm C

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật 14 Thường Niên Năm C

Chúa Muốn Cứu Ðộ Mọi Người

(Isaia 66,10-14c; Galát 6,14-18; Luca 10,1-12.17-20)

 

Phúc Âm: Lc 10, 1-9 {hoặc Lc 1-12. 17-20}

"Sự bằng yên của các con sẽ đến trên người ấy".

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: 'Bình an cho nhà này'. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.

"Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: 'Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi'.

{"Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: 'Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần'. Ta bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này".

Bảy mươi hai ông trở về rất vui mừng và nói rằng: "Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con". Người bảo: "Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rít, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con, nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời".}

 

Suy Niệm:

Chúa nhật trước đã cho chúng ta thấy đòi hỏi tổng quát quyết liệt của ơn gọi tông đồ nói riêng và ơn gọi Kitô hữu nói chung. Mọi người muốn theo Chúa đều phải từ bỏ bản thân, dứt khoát với nếp sống cũ kỹ của con người xác thịt và thế gian. Hôm nay bài Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa sai những con người từ bỏ mọi sự mà đi theo Chúa, và cánh đồng truyền giáo. Người sai họ đi khắp nơi, làm công việc cứu thế. Người bảo đảm thành công cho họ. Vì kế hoạch cứu thế làm cho cả nhân loại được hạnh phúc là điều Chúa đã hứa ban ngay từ thuở ban đầu, như bài sách Isaia hôm nay loan báo. Tuy nhiên các tông đồ và tín hữu của Chúa phải bắt chước Phaolô trong bài thư hôm nay, trung thành yêu mến mầu nhiệm thánh giá Chúa Giêsu.

Chúng ta hãy xem Chúa dự định cứu nhân loại thế nào? Người thi hành việc ấy làm sao? Và chúng ta sẽ góp phần gì vào công việc cứu thế này?

 

1. Chúa Muốn Cứu Ðộ Mọi Người

Bài sách Isaia có giá trị cho mọi thời vì nói lên kế hoạch cứu độ trước sau như một của Thiên Chúa. Ðoạn sách ấy trích trong phần thứ ba, hay quyển thứ ba sách Isaia, nói về thời sau lưu đày.

Chúng ta biết dân Chúa ngày xưa phải lưu đày sang Babylon trên dưới 40 năm. Nhiều người đã chán nản, nghĩ rằng chẳng bao giờ khôi phục được Giêrusalem nữa. Nhưng một số ít người đạo đức, thuộc thành phần khó nghèo, vẫn tin tưởng vào Chúa là Ðấng trung tín sẽ giữ lời giao ước. Chính Người sẽ ra tay cứu dân và đưa họ về quê cha đất tổ mặc dầu họ không xứng đáng. Niềm tin ấy đã không phải hổ ngươi, vì quả thật khi Hoàng đế Cyrô lên ngôi, ông đã ban phép và khuyến khích những ai yêu mến Giêrusalem hãy trở về xây dựng lại đền thờ.

Ðó là niềm vui bất ngờ. Người ta kéo nhau về hân hoan như được sống lại. Công cuộc tái thiết bắt đầu rất hăng say. Nhưng chẳng bao lâu mây đen đã kéo đến chân trời. Các khó khăn liên tiếp và dồn dập xảy ra. Do các mối bất hòa đến từ tứ phía, các cánh tay đang tái thiết bỗng rã rời và chỉ muốn buông xuống. Chính lúc ấy tiếng tiên tri lại vang lên, an ủi khuyến khích và phấn chấn lòng người. Người của Chúa không đưa ra những luận lý mới mẻ. Ông không tự ý hứa hẹn những điều hão huyền. Là phát ngôn viên trung thành của Thiên Chúa, ông chỉ lặp lại, nhắc nhở kế hoạch cứu độ ngàn đời của Người. Ông hô: hỡi những ai yêu mến Giêrusalem hãy hân hoan lên vì nó; hỡi những ai đã có lần khóc lóc với nó (trong cảnh cùng quẫn), hãy với nó phấn khởi lên vì Chúa sẽ đem hòa bình đến cho Giêrusalem: nó sẽ trở nên trù phú: mọi dân sẽ tuốn đến uống sữa no nê của nó vì chính Chúa sẽ bồng bế mọi người ở Giêrusalem để hết thảy sẽ được hồi sinh và tươi mát.

Ngày nay chúng ta dễ hiểu những lời tiên tri này. Ðây không phải là những lời hy hữu, lẻ loi, nhưng chỉ diễn tả đề tài cố hữu và chính yếu của mạc khải. Ngay từ thời Abraham, Thiên Chúa đã hứa cho ông được dòng dõi đông đúc và hạnh phúc. Dòng dõi này sẽ bao trùm mọi sắc dân. Với Môsê Chúa đã tái xác nhận như vậy. Các tiên tri không làm gì hơn là giúp người Do Thái biết hiểu giao ước và lời hứa theo ánh sáng siêu nhiên và phổ quát hơn. Bài sách Isaia hôm nay nằm trong viễn tượng và cố gắng ấy. Tội nghiệp cho những ai không tin rằng: Lời Chúa sẽ được thực hiện. Nhưng cũng tội nghiệp không kém cho những kẻ chỉ hiểu Lời Chúa hứa theo ý nghĩa xác thịt và thế gian.

Giêrusalem của lời hứa không phải đô thị ở trên mảnh đất Do Thái. Thái độ này chỉ là hình ảnh và điểm tựa để Thiên Chúa nói đến Nước ân sủng của Chúa Cứu Thế, nơi Người sẽ tập họp hết mọi người được cứu độ. Chính Ðức Giêsu đã bảo: cứ phá Giêrusalem vật chất đi, Người sẽ xây lại nó trong ba ngày. Người muốn nói thân thể phục sinh của Người và mọi dân được cứu độ. Ở đó, nơi thân thể có cạnh sườn mở ra của Người sẽ có dòng nước Thánh Thần chảy theo dòng máu hy sinh của Người để làm cho mọi người được no nê, hồi sinh và tươi mát. Thiên Chúa sẽ yêu dấu chúng ta nơi Ðức Giêsu Kitô, người con chí ái của Người.

Lời sách Isaia hôm nay, cuối cùng là như vậy. Nó là sứ điệp Tin Mừng Thiên Chúa gửi đến cho mọi người ở mọi thời, tác giả sách Isaia đã nhắc lại lời hứa ấy trong một hoàn cảnh đen tối của lịch sử dân Chúa để gây tin tưởng nơi lòng mọi người. Hôm nay và hằng ngày trong cuộc sống, đặc biệt trong những lúc bi đát và nao núng niềm tin, Lời Chúa vẫn còn đó để nhắc nhở chúng ta. Người là Ðấng trung thành đã hứa thì sẽ giữ mọi điều của kế hoạch yêu thương cứu độ. Tất cả chỉ còn tùy nơi chúng ta có muốn tin hay không?

Thực ra chúng ta có điều kiện để dễ tin hơn các thế hệ ngày trước. Bởi vì từ ngày có lời tiên tri trong sách Isaia, đã có biết bao nhiêu biến cố lịch sử chứng tỏ Thiên Chúa hằng trung thành thực hiện dần dần kế hoạch cứu độ của Người.

Ðặc biệt đã có cuộc đời và sự nghiệp của Ðức Giêsu mà đoạn sách Luca hôm nay còn nhắc lại một trong rất nhiều biến cố rất ý nghĩa.

 

2. Chúa Muốn Các Dân Tộc Ðược Cứu Vớt

Nếu thực sự được phép nối liền hai bài Tin Mừng của Chúa nhật trước và Chúa nhật này, chúng ta thấy đoạn văn hôm nay thổi lên một luồng gió phấn khởi. Chúa nhật trước, bài sách Luca nói đến thái độ của dân Samari chặn đứng cuộc hành trình của Ðức Giêsu khiến hai môn đệ tức giận chỉ muốn xin lửa từ trời xuống đốt dân thành ấy. Hôm nay, Ðức Giêsu và các môn đệ của Người như đang đứng trước toàn những đô thị dân ngoại. Nhưng Người giơ tay trỏ cho họ thấy kìa mùa gặt rất phong phú. Nhưng sao ít thợ gặt thế! Hãy xin chủ ruộng sai thêm thợ đến gặt lúa chín của Người. Và Ðức Giêsu đã sai 72 môn đệ đi giảng đạo trong mọi đô thị và xóm làng mà Người sẽ đến.

Tác giả Luca đã có nhiều ý kiến khi thuật lại câu chuyện này. Ông nói đến 72 môn đệ chứ không phải chỉ 12 tông đồ được sai đi. Ông nghĩ đến các thế hệ tông đồ sau này sẽ được gởi đến mọi nơi trên mặt đất sao? Hay ông nghĩ đến các người đi giảng đạo ở thời ông mà không phải là đoàn 12. Rất có thể là ông đã theo gương tác giả sách Khởi nguyên đoạn 10, tính tổng số các dân ngoại là 72 do 3 người con của ông Noe sinh sản ra. Dù sao ngụ ý của tác giả ở đây là muốn cho việc truyền giáo các dân ngoại được phát xuất và khởi sự ngay từ Ðức Giêsu. Chính Người đã sai môn đệ đi tới hết mọi dân tộc và mọi nơi chốn mà Người (tức là ơn cứu độ của Người) sẽ đi đến. Bởi vì với việc đi lên Giêrusalem chịu chết và sống lại của Người, cả thế giới đã trở thành như ruộng lúa chín vàng đang chờ thợ gặt.

Hình ảnh này, các sách Kinh Thánh vẫn dùng để gợi lên mùa cứu độ cũng như mùa xét xử. Ðức Giêsu đến là để nhiều người được chỗi dậy và nhiều kẻ bị hư đi, như lời Simêon tiên báo. Người mang tin mừng và Ơn cứu độ trải ra khắp địa cầu như người ta thả lưới để kéo vào và lượm ra các thứ cá. Việc rao giảng Nước Trời cũng giống như mùa gặt để thu lúa vào kho, còn rơm rạ thì đốt đi. Không dân tộc nào ngăn chặn được ảnh hưởng của công cuộc truyền giáo vì tiếng các ngôn sứ đã vang cùng thế giới. Kế hoạch đem mọi dân tộc vào hạnh phúc đã được hứa cho Abraham mà bài sách Isaia hôm nay cho thấy hằng được rao giảng qua mọi thế hệ, kế hoạch ấy đang thực hiện trước mắt các môn đệ của Chúa Giêsu.

Và họ được sai đi làm công việc ấy với những chỉ thị rõ ràng. Người bảo họ: hãy đi, này Ta sai các ngươi như chiên đi vào giữa sói. Câu nói này có thể hiểu theo nghĩa các tông đồ được sai đi làm một công việc khó khăn, nguy hiểm. Nhưng đúng hơn nên nhớ lại văn chương của Kinh Thánh thường so sánh dân ngoại như chiên với sói, để hiểu câu văn này chỉ có ý nói đến mệnh lệnh truyền giáo đi vào dân ngoại.

Chúa bảo các môn đệ đừng mang theo tiền nong, bao bị, giày dép và đừng chào hỏi những người qua đường vì Người muốn họ phải lanh lẹ, nhẹ nhõm đi lo việc Chúa. Tâm hồn họ chỉ để vào việc truyền giáo, nên vào nhà nào, họ phải nói ngay: Bình an cho nhà ấy. Ðó là lời chúc cổ điển của Kinh Thánh, lời bao gồm tất cả niềm tin ở giao ước. Muốn cho ai được bình an theo nghĩa đó, là muốn cho họ nhận được ân phúc mà Thiên Chúa đã từng hứa từ thời Abraham, để họ được ân sủng yêu thương của Người và được cứu độ, khiến họ không còn thiếu gì khác nữa. Với lời chào bình an, người tông đồ mang đến cho người ta kho tàng cứu độ và lời hứa trung tín của Thiên Chúa như bài Isaia trên kia đã cho chúng ta thấy. Việc được như vậy hay không là tùy thái độ của từng người. Còn người tông đồ cứ ở lại đó, tiếp tục rao giảng cho người ta về Nước Trời và chữa bệnh tật cho người đau yếu để làm chứng ơn cứu độ đã đến cho người ấy. Và người tông đồ luôn luôn chỉ quan tâm đến phận sự rao giảng, không chút mảy may để ý đến cách thức người ta cho mình ăn uống thế nào. Và nhất là không được nay ở nhà này mai đổi sang nhà khác để được tiếp đãi no đủ hơn.

Có thể có những tông đồ bị hắt hủi. Nhưng Chúa sẽ phán xét thái độ của người ta. Người tông đồ không nao núng, cứ rao giảng Nước Trời. Tuy nhiên, tác giả Luca không muốn chấm dứt bài tường thuật với giả thiết ít lạc quan ấy. Người nhìn thấy chung cuộc việc truyền giáo cho các dân ngoại rất kết quả. Người kể cho chúng ta ngày các tông đồ trở về hân hoan vì thấy ảnh hưởng của thần dữ đã bớt đi trên thế gian và Ðức Giêsu đã nhìn thấy Satan đã lao mình xuống khỏi trời như một tia chớp. Những tư tưởng này làm chứng rồi ra kế hoạch của Thiên Chúa sẽ toàn thắng. Mọi dân tộc sẽ được cứu vớt. Bình an và phúc lành của Thiên Chúa hứa cho loài người sẽ đánh tan ảnh hưởng xấu xa của Satan và tên các tông đồ sẽ được ghi ở trên trời.

Như vậy bài Tin Mừng hôm nay đã thực hiện lời tiên tri trong sách Isaia. Chúng ta được chỉ dẫn cho thấy kế hoạch cứu độ ngàn đời của Thiên Chúa đang thực hiện qua Giêrusalem mới là Hội Thánh với đoàn tông đồ đông đảo đang được sai đi đến các dân tộc để nhân danh Ðức Giêsu đem phúc bình an đến cho mọi người. Chúng ta để ý đến chương trình cứu độ chắc chắn đầy thành quả của Thiên Chúa; nhưng cũng không nên quên các yêu sách của chương trình này mà tác giả Luca đã một phần nào gợi lên khi đưa ra các chỉ thị truyền giáo. Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay đã tóm tắt các yêu sách lại trong một quan niệm: hãy mang lấy các đau khổ của Ðức Giêsu Kitô.

 

3. Miễn Là Chúng Ta Sống Mầu Nhiệm Thánh Giá

Chắc chắn là không ai bằng thánh Phaolô có khả năng nói với chúng ta về kinh nghiệm truyền giáo. Người đã mở đường và đi tiên phong trong việc đem Tin Mừng đến cho dân ngoại. Kế hoạch cứu độ các dân tộc của Chúa nhờ Người đã đem lại những kết quả cụ thể. Và bài thư hôm nay là những lời tâm huyết của Người, viết ở cuối bức thư gửi người Galát. Chính tay Người thảo ra những dòng chữ "lớn lao" này để khẳng định một lần cuối cùng rằng: muốn cho các dân tộc được cứu độ, phải cư xử theo thánh giá Chúa Kitô. Người nói như vậy vì Người thấy có nhiều kẻ muốn làm tông đồ và rao giảng ơn cứu độ của Thiên Chúa nhưng lại dùng đường lối không phù hợp với thánh giá. Họ sợ gặp khó khăn khi thi hành việc giảng đạo, nên tuyên bố tín hữu phải cắt bì để lấy lòng người Do Thái và để hạng người này không phá rối việc giảng đạo của họ. Nhưng như vậy còn nói đến Tin Mừng của Ðức Giêsu Kitô làm gì nữa? Chính Người đã đến để giải thoát người ta ra khỏi luật pháp Do Thái cũng như mọi luật tôn giáo khác để mọi người từ nay được cứu độ nhờ Niềm Tin. Thế mà bây giờ có những tông đồ còn bảo tín hữu phải chịu cắt bì! Không, họ không phải là tông đồ đâu. Họ không rao giảng ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa ban. Thế thì họ giảng đạo làm gì, nếu chẳng phải nguyên để được vinh dự và tiếng tăm!

Không, không ai được gọi là tông đồ nếu không được sai đi. Và người được sai đi phải thấy việc rao giảng Tin Mừng là một sứ mệnh đè xuống trên vai mình và bắt mình phải hy sinh chứ không phải để được tiếng tăm và vinh dự. Người tông đồ chân chính không những phải rao giảng niềm tin vào mầu nhiệm Thánh giá, mà hơn nữa còn phải nên như thập giá sống động ở trước mặt mọi người. Họ phải nói như Phaolô: Tôi không lấy gì làm vinh dự, ngoài Thánh giá Chúa Giêsu Kitô, nhờ đó thế gian đã bị đóng đinh cho tôi và tôi cho thế gian. Chỉ những ai cư xử như vậy mới được bình an và lòng thương xót của Thiên Chúa. Chỉ tông đồ nào như thế mới đem lại bình an và thương xót của Chúa cho các dân tộc và cho mọi người. Tất cả chúng ta muốn sống đạo và truyền đạo phải lấy đó làm nguyên tắc hành động. Mỗi người phải suy nghĩ và diễn tả nguyên tắc mang Thánh giá Ðức Giêsu Kitô ra trong đời sống. Ai mang trong thân mình những vết hằn (tức là những dấu vết) của Thánh giá như Phaolô, mới là tín hữu và tông đồ chân chính.

Nhưng ai trong chúng ta lại đã không được ghi dấu thánh giá? Không những từ ngày chịu phép rửa tội, mà hằng ngày không biết bao lần chúng ta được ghi dấu thánh ấy? Chỉ còn phải hỏi đời sống và hành động của chúng ta có phù hợp với thánh giá hay không? Thánh lễ này đưa chúng ta vào mầu nhiệm thánh giá một cách đặc biệt. Chúng ta cố gắng tham dự thánh lễ tốt. Nhưng chúng ta còn phải quyết tâm hơn nữa đưa tinh thần mầu nhiệm thánh giá nơi bàn thờ đây vào trong đời sống. Chỉ khi nào chúng ta thi hành tinh thần ấy, ơn cứu độ mới được ban cho chúng ta và đời sống của chúng ta mới mang ơn cứu độ đến cho người khác. Chương trình và kế hoạch cứu độ từ ngàn đời của Thiên Chúa mới thực sự được thi hành cho chúng ta và nhờ chúng ta cho mọi người.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page