Giải Nghĩa Lời Chúa Năm C

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật 11 Thường Niên Năm C

Muốn được ơn tha thứ

phải có nhiều lòng tin và lòng mến

(2Samuen 12,7-10.13; Galát 2,16.19-21; Luca 7,36-8,3)

 

Phúc Âm: Lc 7, 36-50 {hoặc Lc 7, 36 - 8, 3}

"Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều".

Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn. Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái đã mời Người nghĩ thầm rằng: "Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai và thuộc hạng người nào: là một người tội lỗi". Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: "Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông". Simon thưa: "Xin Thầy cứ nói".

- "Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?" Simon đáp: "Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn". Chúa Giêsu bảo ông: "Ông đã xét đoán đúng". Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon: "Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi; còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít".

Rồi Người bảo người đàn bà: "Tội con đã được tha rồi". Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: "Ông này là ai mà lại tha tội được?" Và Người nói với người đàn bà: "Ðức tin con đã cứu con, con hãy về bình an".

{Sau đó Người rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: Maria gọi là Mađalêna, đã được chữa khỏi bảy quỷ ám, Gioanna vợ của Cusa viên quản lý của Hêrôđê, Susanna và nhiều bà khác: họ đã lấy của cải mình mà giúp Người.}

 

Suy Niệm:

Thiên Chúa đã bỏ qua lỗi lầm cho Ðavít; Chúa Giêsu đã tha tội cho một người phụ nữ. Những bài Kinh Thánh như vậy đáng được những ai biết mình có tội, đọc lại và ngẫm nghĩ. Những người chưa thấy ngay tội lỗi của mình cũng hãy đọc lại để không bỏ mất ơn Chúa. Và nếu họ tiếp tục tưởng mình xa lạ với những câu chuyện trên, bài thư Phaolô sẽ đến để giúp họ suy nghĩ đúng về đời sống đạo đức.

Do đó cả ba bài Kinh Thánh ngày hôm nay đều gần chúng ta và muốn xây dựng chúng ta lớn lên trong ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta hãy đọc lại với lòng yêu mến, biết ơn.

 

1. Ðavít Ðược Chiếu Cố

Bài sách Samuen nhắc lại chuyện Ðavít. Ông là vị hoàng đế được con cái Israen yêu chuộng. Họ còn tin vào Lời Chúa hứa ban cho dòng dõi Ðavít một triều đại vững bền. Do đó nghĩ đến Ðavít, con cái Israen chỉ có một lòng kính yêu. Dù vậy, các tác giả thánh cũng không bỏ qua các lỗi lầm của Ðavít. Các người vẫn còn nhắc lại. Phải chăng để nói với chúng ta rằng: Chẳng có ai vô tội trước mặt Chúa? Các tác giả thánh còn nói đến các hình phạt Thiên Chúa giáng xuống trên Ðavít vì tội lỗi của ông. Há chẳng phải để nói rằng: Chúa vẫn không dung tha lỗi phạm của cả những người được Người tuyển chọn? Tuy nhiên khi kể lại các tội của Ðavít, các tác giả thánh dường như chú trọng nhiều hơn đến lòng thống hối ăn năn của nhà vua được mến chuộng ấy, và để nói lên lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với Ðavít, cả khi ông lỗi phạm. Ít ra đó là những điều chúng ta gặp thấy trong bài sách Samuen hôm nay.

Ðể dễ hiểu chúng ta vắn tắt nhắc lại câu chuyện mà nhiều người đã biết. Vào buổi chiều nọ, Ðavít dậy khỏi giường và đi tản bộ trên sân thượng. Ông thấy một phụ nữ đang tắm, dáng vẻ rất xinh đẹp. Ông sai người đi hỏi tung tích, mời nàng ấy đến và rồi nàng có thai. Chẳng may nàng đã có chồng, và ông đang ở ngoài mặt trận. Ðavít cho người đi, liệu cách giết người chồng xấu số kia và Ðavít cưới người phụ nữ ấy.

Thiên Chúa sai tiên tri Natan đến gặp Ðavít. Natan bắt đầu gợi cho Ðavít biết những tội ông vừa phạm thật là nặng nề. Chúa đã xử với ông quá đại lượng. Người đã tuyển chọn, đặt ông làm vua, ban cho ông đủ mọi sự; và nếu ông còn cho như thế là ít, thì Chúa sẽ ban thêm gấp mấy ngần ấy nữa... Thế là ông đã khinh Lời Chúa; dám làm sự dữ trước mắt Người, đã cướp vợ người khác lại còn dùng gươm đâm chết chồng người ta, và họ là dân ngoại... Thế nên gươm sẽ không rời khỏi nhà ông bao giờ nữa.

Ðavít thấy lỗi của mình. Ông đã phạm những tội tày đình. Ông thật là người nhà giàu đã đi bắt con chiên nhỏ của người nhà nghèo đem về làm thịt đãi khách, đang khi ông có cả một đàn chiên lớn. Ông làm cho Danh Thiên Chúa bị nhục trước mặt dân ngoại. Có lẽ ông đã suy nghĩ không kỹ. Nhưng bây giờ được người của Thiên Chúa mở mắt cho, ông cúi đầu thú nhận: "Tôi đã phạm tội nghịch với Giavê".

Không phải ai cũng biết mau nhận lỗi như Ðavít. Càng không có nhà vua nào có thể khiêm nhường ngay như thế. Rõ ràng Ðavít chưa bỏ mất hẳn tính đơn thật chất phác của thời được Chúa gọi. Lòng thành nhận biết tội lỗi như thế quả thật đã kéo xuống được lòng chạnh thương cứu độ của Chúa.

Natan bây giờ nói với Ðavít: "Cả Giavê nữa, Người cũng bỏ qua lỗi lầm của ông". Nhưng sự việc này đã để lại trong cuộc đời của Ðavít nhiều hậu quả. Gươm vẫn không rời khỏi nhà Ðavít. Nhất là một tâm tình hối tiếc ăn năn không ngớt dâng lên trong lòng nhà vua, khiến ông trở thành hình ảnh gương mẫu cho những kẻ sám hối và nhiều thánh thi thú nhận tội lỗi đã được truyền tụng như là của ông.

Tuy nhiên vẫn có thể nói Ðavít vẫn chưa được phúc như người tội lỗi trong bài Tin Mừng hôm nay. Ông đã gặp Natan chứ không phải Chúa Giêsu. Và điều này khiến chúng ta thấy lòng thống hối trong Cựu Ước chưa gặp được niềm hân hoan cứu độ thực sự. Nhưng chúng ta hãy bắt đầu đọc lại bài Tin Mừng đã.

 

2. Người Tội Lỗi Ðược Tha Thứ

Nhiều người coi đoạn văn này như một kiệt tác của nhà văn Luca. Nhưng phân tách một chút người ta thấy có một vài nét hơi bất thường. Câu chuyện hai người mắc nợ lồng trong câu chuyện người phụ nữ được tha thứ, có cần hẳn không? Nó làm cho bài tường thuật dài ra. Cắt bỏ đi, nó chẳng làm thiệt hại gì. Ðàng khác trong câu chuyện hai người mắc nợ, Chúa bảo: Ai được tha nhiều thì mến nhiều. Còn câu chuyện người phụ nữ tội lỗi Chúa lại khẳng định: bà ta được tha nhiều vì mến nhiều. Như vậy, hai lời tuyên bố không ăn với nhau, khiến hai câu chuyện không cần và theo lẽ không nên đi với nhau.

Rồi trong các sách Tin Mừng khác, cũng có chuyện một người phụ nữ xức dầu cho Chúa Giêsu ở Bêtania. Câu chuyện của Luca kể hôm nay có phải là câu chuyện của các tác giả kia không? Những thắc mắc này, cuối cùng, như chúng ta sẽ thấy, chỉ làm tăng giá trị cho bài tường thuật của Luca thôi. Và đó là điều nên để ý.

Thật ra câu chuyện hai người mắc nợ lồng giữa câu chuyện người phụ nữ tội lỗi không cần thiết. Nhưng nếu cắt bỏ đi thì thật là tiếc. Nó không làm tăng giá trị cho câu chuyện chính, nhưng có một tác động tâm lý rất quan trọng để người ta được điều kiện đón nhận bài học đạo đức sâu xa. Chúng ta cứ xem. Khi Ðức Giêsu vào nhà người Biệt phái để dùng bữa, người ta để ý quan sát Người biết mấy. Nhất là khi đột xuất có một người phụ nữ bước vào đi đến gần Người. Ai cũng sửng sốt vì biết rõ bà ta nổi tiếng tội lỗi ở trong thành. Kìa, bà ta đến đứng đàng sau Ðức Giêsu, khóc lóc nức nở. Thấy nước mắt mình chảy xuống làm ướt đẫm chân Người, bà vội cúi xuống, lấy ngay tóc xõa trên đầu cố lau cho sạch, rồi tha thiết hôn chân Người và lấy dầu thơm đổ xuống. Bằng ấy cử chỉ của bà ta chẳng làm cho người ta ngạc nhiên. Lạ thật! Họ vẫn suy nghĩ một cách cũ kỹ: Nếu Người là tiên tri ắt biết đứa động đến mình kia là ai. Nó là đứa tội lỗi mà... Ði thẳng vào vấn đề và lý luận cho họ hiểu ư, Ðức Giêsu thấy không được. Người phải nhẹ nhàng lôi cuốn họ đến chân lý. Người dùng khoa sư phạm của các bậc thầy thời bấy giờ. Người nói với chủ nhà: Simon, tôi có điều muốn nói với ông... Rồi Người kể một dụ ngôn, tức là câu chuyện về hai người mắc nợ. Người lôi cuốn suy nghĩ và tâm lý của người ta đến một chân lý dễ hiểu để từ đó so sánh với thực tại họ đang sống. Và vì là so sánh nên hai việc không nhất thiết phải hoàn toàn giống nhau. Những câu chuyện trong dụ ngôn chỉ là bàn đạp cần thiết cho người ta nhảy lên những thực tại tự nhiên khó nhận ra.

Và quả thật, sau khi nghe câu chuyện hai người mắc nợ, người ta đã được chuẩn bị tâm lý và tâm hồn để hiểu sự việc đang xảy ra trước mắt. Người ta thấy gì? Một người đàn bà tội lỗi ư? Không, bà ta đến đây không còn là người tội lỗi nữa. Bà đã chà đạp dư luận và những cái nhìn phán xét để đến đứng đàng sau Ðức Giêsu. Bà khóc lóc nức nở, biểu lộ tâm hồn ăn năn hối lỗi; bà lấy tóc mình mà lau chân Chúa; bà còn hôn chân Người một cách tha thiết. Bà đổ cả dầu thơm nữa. Bà có lòng mến nhiều. Không ai chối cãi được. Và đây là lòng mến sám hối tìm lại được con đường thánh thiện. Nó đã xuất từ một niềm tin, tin Ðức Giêsu là Ðấng Thánh, có thể làm cho mình khỏi tội. Không có niềm tin này, bà đã không làm như vậy. Niềm tin ấy còn gia tăng, từ khi bà có ý tưởng đến gặp Chúa Giêsu. Thoạt đầu bà đã dám đến đứng đàng sau Người; rồi bà khóc; rồi không thấy bị đuổi và thấy nước mắt mình làm ướt chân Người, bà đã vội vụng về lau bằng chính tóc của mình. Rồi bạo dạn thêm, bà hôn chân Chúa và đổ dầu. Bao nhiêu cử chỉ là bằng ấy chứng cớ về mức độ gia tăng của lòng tin và lòng mến. Bà không còn là người tội lỗi nữa. Bà đã đủ điều kiện để được nghe lời an ủi: "Tội của ngươi đã được tha... Hãy đi bằng yên". Chắc chắn bà đã được sung sướng hơn Ðavít, bà được tiếp xúc thẳng với Thiên Chúa. Người hiền từ và thông cảm làm sao! Người bênh vực kẻ tội lỗi. Người ban ơn tha tội. Người để họ ra về bình yên vì Người đã đổi mới họ.

Tất cả chúng ta đã được hưởng kinh nghiệm êm ái của người phụ nữ trong bài Tin Mừng hôm nay. Khi viết câu: "Tội của ngươi đã được tha. Hãy đi bằng yên", tác giả Luca không ám chỉ đến ơn tha tội và công thức tha tội trong Hội Thánh của chúng ta sao? Và nếu như vậy, hẳn người cũng đã muốn nói với chúng ta rằng: muốn được ơn tha thứ, phải có nhiều lòng tin và lòng mến.

Rồi khi kết thúc bài Tin Mừng hôm nay, Luca viết có nhiều phụ nữ được chữa lành khỏi quỉ dữ đã đi theo Chúa và phục vụ Người. Tác giả há không muốn ngụ ý rằng: sau khi được tha tội, chúng ta ra đi bằng yên bằng cách đi theo và phục vụ Chúa sao? Nhưng phục vụ thế nào?

 

3. Phaolô Phục Vụ Chúa

Thánh Tông đồ nêu gương cho chúng ta. Người đang tranh luận với những kẻ muốn duy trì tinh thần và tập tục Do Thái giáo ở ngay trong Hội Thánh. Họ muốn người dân Galát phải cắt bì và giữ luật Môsê, cho rằng chỉ những việc này mới ban ơn tha tội khiến con người được trở nên công chính. Như vậy, Ðức Giêsu Kitô và sự nghiệp của Người sẽ bằng thừa. Người ta cứ theo luật mà làm thì tội lỗi sẽ được tha và người ta được nên công chính. Ðức Giêsu Kitô không còn chỗ đứng nào nữa trong một quan niệm như vậy. Và điều này phủ nhận hẳn kinh nghiệm sâu xa của Phaolô và làm cho cuộc rao giảng Tin Mừng trở nên vô ích.

Phaolô là người như ngày nay không phải vì các việc làm theo lề luật. Ngược lại những việc này đã biến Phaolô nên người hăng say đi tìm bắt những kẻ theo đạo. Chính nhờ sự tỏ hiện của Chúa Giêsu Kitô và nhờ lòng tin của Người mà Phaolô được ơn tha thứ và trở nên công chính. Từ đó nhìn lại Luật pháp Môsê, người ta đã thấy chính Tổ phụ của dân đang giữ luật này cũng đã được công nhận là công chính, không phải do các việc ông làm, nhưng tự lòng ông đã tin Lời Chúa. Rồi hiện nay dân Do Thái đang làm không biết bao nhiêu việc theo lề luật, mà tội lỗi họ vẫn còn y nguyên đó.

Qua miệng các tiên tri, Thiên Chúa còn nói rõ: nhờ đau khổ, người Tôi Tớ của Người sẽ công chính hóa các tội nhân. Ðức Giêsu Kitô trong mầu nhiệm thánh giá không phải là người Tôi Tớ này hay sao? Do đó Phaolô viết: Ðời sống của tôi lúc này trong thân xác, tôi sống nó trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và phó nộp mình vì tôi. Chính Chúa Giêsu Kitô khi bị lề luật đóng đinh vào thập giá, đã đóng đinh lề luật vào sự chết của Người, để khi sống lại Người ban cho những ai tin vào Người ơn tha thứ tội lỗi và sự sống mới, không phải sự sống theo lề luật nữa, nhưng là sự sống làm con Thiên Chúa nhờ lòng tin và lòng mến.

Chúng ta đã sung sướng đồng ý với thánh Phaolô rồi khi Người nói: Chính nhờ lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh và sống lại mà chúng ta đã được tha thứ tội lỗi. Chúng ta còn phải thi hành cũng chính lời Người đã nói theo cùng một ý đó rằng: nay tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Ðức Kitô sống trong tôi. Tức là chúng ta phải phát huy sự sống của Ðức Giêsu Kitô Cứu Thế trong thân xác và cuộc đời của chúng ta. Không những chúng ta phải từ bỏ nếp sống tội lỗi trước đây, mà còn phải bày tỏ đời sống làm con Thiên Chúa và làm anh em đồng bào với mọi người.

Chính Chúa Giêsu, trong mầu nhiệm cử hành nơi bàn thờ bây giờ muốn làm công việc ấy nơi chúng ta. Người ban ơn tha tội, cho chúng ta nhận lấy Người để chúng ta được làm con Thiên Chúa hơn và làm anh em với mọi người hơn. Ðời sống của chúng ta phải là đời sống phục vụ, như chính Chúa Giêsu đã đi trên đường phục vụ khi ở trần gian. Chúng ta không phải chỉ như người phụ nữ trong bài Tin Mừng: được tha thứ rồi bà sung sướng đi theo phục vụ Chúa. Chúng ta còn được thay mặt Chúa để làm công việc cứu thế. Và như vậy hạnh phúc của chúng ta trổi vượt hơn Ðavít ngày xưa biết mấy. Xin cho chúng ta biết đón nhận và sống ơn Chúa hôm nay ban như vậy.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page