Giải Nghĩa Lời Chúa Năm C

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật 3 Phục Sinh Năm C

Chúa đã dọn sẵn cho các thợ

phần thưởng ở Bến bình an

(Công vụ tông đồ 5,27-41; Khải huyền 5,11-14; Gioan 21,1-19)

 

Phúc Âm: Ga 21, 1-14 {hoặc 1-19}

"Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: "Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Ðiđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: "Tôi đi đánh cá đây". Các ông kia nói rằng: "Chúng tôi cùng đi với ông". Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: "Này các con, có gì ăn không?" Họ đồng thanh đáp: "Thưa không". Chúa Giêsu bảo: "Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được". Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: "Chính Chúa đó". Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.

Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: "Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây". Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: "Các con hãy lại ăn". Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi "Ông là ai?", vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.

[Vậy khi các Ngài đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy". Người lại hỏi: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy". Người hỏi ông lần thứ ba: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: "Con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến". Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: "Con hãy theo Thầy".]

 

Suy Niệm:

Bài Tin Mừng Chúa nhật trước cho chúng ta thấy Chúa sống lại đã hiện ra một cách đặc biệt cho Tôma; hôm nay chúng ta vừa nghe đọc, Người hiện đến với Phêrô một cách đặc biệt. Nhưng cả hai lần đều phải nói, Người đã muốn đến gặp gỡ tất cả các tông đồ, tức là toàn thể Hội Thánh chúng ta. Ðược sức mạnh của Chúa Phục Sinh thúc đẩy, Hội Thánh đã sinh hoạt rất đáng ngưỡng mộ. Chúa nhật trước chúng ta thấy các tông đồ làm nhiều dấu lạ điềm thiêng, hôm nay các ngài tỏ ra quả cảm trong việc rao giảng Tin Mừng. Người ta không thể nào hiểu được những điều này nếu không tin mầu nhiệm Chúa sống lại khiến Ðức Giêsu Kitô đã trở thành Chúa và là Thiên Chúa. Bài sách Khải Huyền tuyên xưng niềm tin ấy và chúng ta nên bắt đầu với bài sách này để hiểu hai bài Kinh Thánh kia hơn.

 

1. Chúa Tụng Chiên Con

Vẫn thánh Gioan là tác giả sách Khải Huyền nói với chúng ta. Người viết cho Hội Thánh về những mầu nhiệm mà Người được thấy mở ra ở trên trời, tức là nơi thế giới của Thiên Chúa. Ðó là những mạc khải nhằm an ủi Hội Thánh đang bị thử thách ở trần gian.

Vậy, Gioan nhìn thấy trên trời có đặt một chiếc Ngai. và chung quanh Ngai có đông đảo thiên thần. Số họ là vạn vạn ngàn ngàn. Cảnh tượng này thật ra cũng không lạ gì. Hễ ai nghĩ về thiên quốc đều có thể diễn tả như vậy. Ðiều lạ ở đây là vạn vạn ngàn ngàn thiên thần ấy hoan hô cả tiếng: Chiên Con đã chịu tế sát. Ở thời Gioan không thiếu gì nơi và người thờ các thiên thần. Nếu không thì người ta luôn sẵn sàng nghĩ rằng dưới Thiên Chúa là đến các thiên thần, chứ chẳng có bậc nào hơn được các thiên thần. Thế mà ở đây thiên thần dù đông vạn vạn ngàn ngàn, cũng chỉ đóng vai trò thờ lạy hoan hô... ai? Thiên Chúa ư? Không, họ hoan hô chúc tụng Chiên Con đã chịu tế sát.

Chúng ta ai cũng biết Chiên Con đã chịu tế sát là chính Ðức Giêsu Kitô trong mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh, là Ðức Giêsu Kitô đã sống lại nhưng còn mang trên mình các thương tích của cuộc khổ nạn. Người đã trở thành Chiên Vượt qua của đạo mới để giải thoát dân Người ra khỏi cõi âm u tội lỗi mà đưa vào Nước sáng láng của Người. Bây giờ Người đang ở trên trời, không là Ðấng ngự trên Ngai nhưng cũng được tung hô chúc tụng như chính Ngài.

Thật vậy, tất cả những kiểu nói: quyền năng, phú quí, khôn ngoan, dũng lực, danh dự vinh quang và chúc tụng đều là những công thức qui định để tung hô Thiên Chúa. Nay vạn vạn ngàn ngàn thiên thần đứng quanh Ngai Thiên Chúa để hoan hô cả tiếng Chiên Con chịu tế sát với chính những lời quy định ấy. Ðiều này chứng tỏ Chiên Con đã được đồng hàng với Thiên Chúa. Lời chúc tụng của các thiên thần, công nhận Chiên Con là Chúa.

Mà không phải chỉ có các thiên thần, tất cả tạo thành trên trời, dưới đất, dưới gầm đất, nơi lòng biển, cùng toàn thể vạn vật nơi các chốn ấy cũng tung hô "Kính bái Ðấng ngự trên Ngai cùng Chiên Con" với những lời thánh thiện kia.

Cuối cùng bốn sinh vật tượng trưng cho tứ phương và các lão công tiêu biểu cho tất cả Hội Thánh cũng phục mình thờ lạy, làm chứng Chiên Con bị tế sát, tức là Ðức Giêsu tử nạn phục sinh, được tất cả trời đất vạn vật tôn thờ như Thiên Chúa. Tác giả Gioan nói cả đến gầm đất và lòng biển không phải chỉ để kể tên cho hết mọi nơi trong trời đất và tất cả vạn vật. Nhưng theo quan niệm ở thời của Người đó còn là thế giới của tử thần. Và như vậy Người muốn nói Ðức Giêsu Kitô tử nạn phục sinh bây giờ, cũng là Chúa của những nơi ấy, vì sự chết của Người đã toàn thắng sức mạnh của âm phủ.

Do đó bài sách Khải Huyền hôm nay là một bài tuyên xưng mạnh mẽ vương quyền cao cả của Chúa Giêsu Kitô tử nạn phục sinh. Việc tác giả nhấn mạnh đến từ ngữ "chịu tế sát" khi nói về Chiên Con chứng tỏ Người muốn cho chúng ta hiểu về giá trị thập giá của Ðức Kitô. Người đã chết, nhưng đã sống lại. Và cuộc tử nạn của Người bây giờ đang được tôn vinh.

Ðó không phải chỉ là sự chết, nhưng là sự chết đã trở thành sự sống sau khi đã chiến thắng và nắm giữ được quyền lực của thế giới tử thần. Ðiều này không làm phấn khởi lòng Hội Thánh trong khi bị thử thách sao? Niềm tin phục sinh là sức mạnh lớn nhất cho thân phận những người đang là lữ khách trần gian. Câu chuyện về các Tông đồ hôm nay còn làm chứng điều ấy.

 

2. Các Tông Ðồ Tuyên Chứng

Trước kia, các tông đồ là những người như thế nào ai ai cũng biết. Họ làm nghề chài lưới, ít học và rất sợ người Do Thái. Phêrô có lúc sợ cả một đứa ở gái. Thế mà hôm nay đứng trước công nghị nghe Thượng Tế cấm không được rao giảng Danh Ðức Giêsu nữa, Phêrô đã trả lời khẳng khái: Phải vâng phục Thiên Chúa hơn là người ta.

Nhờ đâu đã có một sự thay đổi như vậy? Chúng ta cứ nghe Phêrô. Ông đang tuyên chứng trước công nghị, tức là cơ quan quyền lực tối cao của người Do Thái. Chính cơ quan này đã lập tòa xử án Ðức Giêsu và đã hành động để Người bị treo lên cây gỗ. Nhưng, Phêrô nói: "Thiên Chúa đã cho Ðức Giêsu sống lại". Thiên Chúa đã tỏ rõ phán quyết của Người. Người ta đã treo Ðức Giêsu lên cây gỗ; còn Thiên Chúa lại nhắc Ngài lên bên hữu Người. Vậy phải theo ai? Nhất định phải vâng lời Thiên Chúa hơn là người ta. Thiên Chúa đã tôn vinh Ðức Giêsu, thì nhất định chúng ta phải rao giảng Danh Ngài. Mà rao giảng Ngài có thiệt hại gì ai? Trái lại, Ngài được Thiên Chúa nhắc lên làm Cứu tinh và Cứu thế. Rao giảng Ngài chỉ là để ban cho Israen ơn hối cải và tha tội.

Ðây không phải là một lời tuyên xưng cuồng tín vì lý luận như vậy thật chắc chắn. Phêrô không thể một mình làm như vậy được. Chính ông thú nhận khi nói: "Về các điều ấy, chúng tôi đây là chứng nhân cùng với Thánh Thần Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng phục Người". Ông phân biệt rõ những điều ông biết vì đã thấy, đó là việc Ðức Giêsu phục sinh từ cõi chết. Nhưng nói lên được những điều tuyên xưng mạnh mẽ sáng suốt kia, chính là công việc của Thánh Thần mà Phêrô nhận được nhờ tuân phục phán quyết của Thiên Chúa khi Ðức Giêsu Kitô đã sống lại. Và đứng trước một lời tuyên xưng như thế, người ta còn biết làm gì? Họ cho đánh đòn các tông đồ, cấm rao giảng thêm, rồi thả về. Nhưng đó là biện pháp của những kẻ đã thua. Chúng chẳng có hiệu lực gì. Chỉ đáng tức cười thôi. Thế nên ra khỏi công nghị, các tông đồ còn được thêm hân hoan vì thấy mình đã được chịu xỉ nhục vì Danh Chúa Giêsu.

Chúng ta hãnh diện về các ngài. Chúng ta tin tưởng Hội Thánh mà các ngài đã thiết lập. Bề ngoài, đây có vẻ chỉ là đàn chiên nhỏ; hơn nữa xét về mặt xã hội chẳng có gì đáng vênh vang. Nhưng trong Hội Thánh ấy có phụng vụ phục sinh, có lời tuyên xưng Chúa Giêsu đã chết và sống lại, thì đó đã là Nước Trời, đã là Thiên Quốc.

Nơi đây không phải chỉ có vạn vạn ngàn ngàn thiên thần tung hô Chiên Con chịu tế sát cùng với các tín hữu của Chúa, nhưng còn có Thánh Thần được ban xuống dồi dào cho các tâm hồn, để những kẻ vốn tầm thường trở nên những khí cụ rất giá trị cho công cuộc của Thiên Chúa. Trời với Ðất gặp nhau trong các cộng đoàn này, vì khi Hội Thánh cử hành Phụng Vụ Phục Sinh, những điều Gioan viết trong sách Khải Huyền và những điều Luca kể trong sách Công vụ rõ ràng gặp nhau. Hội Thánh ở dưới đất tuyên xưng cũng những mầu nhiệm như ở trên Trời. Và trời cao đã đổ ơn thiêng xuống để Hội Thánh dưới đất không ngừng rao giảng Danh Ðức Giêsu, Ðấng mà vạn vạn ngàn ngàn Thiên Thần trên trời không ngớt tung hô là Chiên Con chịu tế sát.

Tuy nhiên để có sự hòa hợp đó, Ðức Giêsu Kitô phải chịu chết và sống lại; và Người đã phải hiện ra với các tông đồ như chúng ta đọc trong bài Tn Mừng hôm nay. Không có việc hiện ra này, đã không có gì cả. Vì thế chúng ta cần đọc kỹ lại bài Tin Mừng.

 

3. Chúa Sống Lại Hiện Ra

Ngày nay, người ta đã thấy rõ chương cuối cùng (chương 21) trong tác phẩm Tin Mừng theo thánh Gioan là phần đã được đính thêm vào một quyển sách đã được viết xong rồi. Tác giả đã có lời kết thúc từ biệt (20,30-31); Không có lý do nào Người lại viết tiếp, rồi lại từ biệt một lần nữa. Nhưng vì tư tưởng và lời văn trong chương 21 này rất phù hợp với toàn tác phẩm Tin Mừng thứ tư, nên người ta nghĩ đã có một bàn tay môn đệ của Gioan đã khéo léo viết ra chương này để bổ túc một số ý tưởng mà ông cho là cần thiết. Ở đây chúng ta chỉ để ý vai trò (hay nói đúng hơn, ơn gọi) lãnh đạo của Phêrô.

Chúng ta biết trước khi Phêrô là thuyền chài. Ông có thuyền có lưới và có đồng bạn thường ra khơi đánh cá. Một hôm Chúa đã gọi ông và các bạn đi theo Người. Họ đã bỏ đồ nghề và mọi sự mà đi theo Chúa. Có phải vì họ đã thấy quyền phép của Chúa khi cho họ đánh được một mẻ cá nhiều lạ lùng như Luca kể không? Hay là như Gioan kể ở phần đầu sách, chỉ vì họ nghe tiếng Người gọi? Chắc chắn đã có hai việc: Có việc Chúa gọi các ông và có việc Chúa cho các ông bắt được một mẻ cá nhiều phi thường. Còn ghép hai việc lại với nhau nếu quả thực là những việc rời nhau, là công cuộc của các tác giả để làm nổi bật một ý nghĩa thần học nào đó.

Hôm nay, đoạn Tin Mừng này có thêm một ý tưởng nữa, rất sâu xa và phong phú. Tác giả cho rằng sau ngày Chúa sống lại, Phêrô và đồng bạn lại trở về nghề cũ. Sự thật như thế, hay là ở đây ông cũng muốn làm như Luca ở đoạn nói về hai môn đệ đi đến làng Emmaus? Các ông muốn nói lên điều này, là cuộc tử nạn của Chúa trên thập giá đã làm cho môn đồ của Ngài chán nản, thất vọng muốn trở về nghề xưa. Thêm vào ý tưởng ấy, tác giả Gioan ở đây còn nhấn mạnh ưu vị của Phêrô khi đưa sáng kiến đi đánh cá và được anh em họa theo tức thời. Nhưng cho dù có nhất trí và hăng hái, công việc loài người của họ cũng chỉ thất bại. Phải có Chúa Phục sinh hiện đến, sai đi và hướng dẫn, họ mới đạt được kết quả và kết quả dồi dào phi thường.

Người ta tò mò tự hỏi vì sao tác giả đếm kỹ đến thế? Họ đã bắt được 153 con cá lớn. Con số này có ý nghĩa gì không? Có phải tác giả theo quan niệm của các nhà sinh vật học ngày xưa cho rằng trong biến cố tất cả 153 loại cá? Hay là ông muốn làm một trò chơi toán học, lấy 17 số đầu tiên (cộng lại với nhau sẽ được 153), thay các số ấy bằng số các chấm, đặt các dấu chấm thẳng nhau và lần lượt trên dưới nhau, cuối cùng sẽ vẽ được hình ba góc ba cạnh đều và mỗi cạnh có 17 chấm.

Như vậy số 153 là một số lượng nhất định mà chỉ cần bớt đi một chấm nhỏ đã làm mất cả thăng bằng. Và mẻ cá 153 con sẽ diễn tả thực tại Hội Thánh vừa đông số vừa đủ số, vừa lớn lao vừa duy nhất. Nhưng thôi, chúng ta chỉ cần biết ý của tác giả là nhờ ơn Chúa Phục Sinh, công việc của Hội Thánh sẽ kết quả phi thường; cả nhân loại sẽ gia nhập Hội Thánh.

Và Chúa đã dọn sẵn cho các thợ phần thưởng ở "Bến bình an". Họ đã thấy có bánh và cá, nướng hơ trên lửa để làm thỏa mãn những con người có lẽ đang đói và lạnh vì nước và gió biển. Người ta dễ thấy bánh có thể tượng trưng cho chính Chúa; nhưng còn cá nướng? Chúng ta biết ở những thế kỷ đầu các tín hữu vẫn vẽ hình con cá để làm tín hiệu cho nhau vì chữ Ictus (cá) cũng là những chữ đầu nói lên lời tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Cứu tinh nhân loại. Và như vậy cá nướng sẽ gợi lên ý tưởng Ðức Kitô chịu nạn. Có người còn nói thêm "lửa" kia chính là Thánh Thần. Và người ta kết kuận, Chúa đã dọn sẵn cho Hội Thánh khi lao nhọc chính Mình và Máu Người đầy Thánh Thần.

Nhưng điều ít mầu nhiệm hơn và dễ thấy hơn là việc Phêrô đưa thuyền vào bờ, nói lên chính ông sẽ làm việc nơi các người kế vị ông cho đến khi con thuyền Hội Thánh đưa tất cả các dân tộc vào bến bình an. Và như vậy chúng ta không càn giải thích nhiều nữa việc ông được Chúa đặt làm mục tử coi sóc cả đàn chiên Chúa. Dĩ nhiên đây là chủ đề của bài Tin Mừng hôm nay; nhưng tác giả đã sửa soạn kỹ quá, chúng ta thấy rõ ưu vị của Phêrô và hoạt động của ông; chúng ta sẵn sàng công nhận quyền lãnh đạo của ông khi Chúa đặt ông coi sóc chiên con và chiên mẹ.

Chắc chắn nhiều người vẫn hiểu việc Chúa hỏi Phêrô 3 lần về lòng mến như để bù lại 3 lần ông đã chối Người. Nhưng như thế cũng hơi lạ, vì nếu vậy, sao Chúa không đợi Phêrô trả lời xong 3 lần rồi hãy trao cho trách nhiệm chăn chiên? Do đó, nhiều nhà chú giải ngày nay nghĩ rằng: hỏi và thưa ba lần như vậy, cũng như được trao quyền 3 lần như thế, là để làm nổi bật ý nghĩa trọng đại của sự việc. Ấy là chưa kể ở thời kỳ chữ viết chưa phổ thông, việc lập lại lệnh truyền, hay lời thề ba lần là để nhấn mạnh sự chắc chắn và cho người làm chứng có thể nghe rõ ràng. Dù sao đây cũng là việc trao ban sứ mệnh quan trọng.

Và việc trao ban này đòi Phêrô phải mến Chúa Giêsu "hơn những người khác", vì thật là khó hiểu khi vị đại diện của Người trên trần gian lại không mến Người hơn những anh em khác? Và trách vụ chăn chiên đòi người ta phải theo gương vị Mục tử tốt đã hiến đến mạng sống mình vì yêu thương. Không có lòng yêu thương này, đã không có câu chuyện kể trong bài Tin Mừng hôm nay, và cũng đã không có những việc tốt đẹp thuật trong bài sách Công vụ các Tông đồ, và cũng chẳng có các buổi phụng vụ phục sinh ở dưới đất giống như Gioan nhìn thấy trong sách Khải huyền.

Chính Chúa đã thiết lập và để lại cho chúng ta Phụng vụ thánh thiện này để ở đây nơi bàn thờ này sẽ có Lửa Thánh Thần biến đổi bánh rượu nên Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô Tử nạn Phục sinh. Chúng ta hãy sốt sắng thờ phượng Con Chiên chịu sát tế như vạn vạn ngàn ngàn thiên thần ở trên trời.

Chúng ta hãy nhận lấy lương thực thiêng liêng này để thêm lòng mến Chúa Giêsu, dâng mình cho Người, sẵn sàng rao giảng Người bằng lời nói và hành động, và hợp tác với Hội Thánh và các vị chủ chăn trong việc đưa nhân loại về bến bình an nhờ Thánh Thần hoạt động nơi con người và đời sống yếu hèn của chúng ta; bởi vì Chúa Giêsu Phục Sinh đã giao cho Hội Thánh chúng ta sứ mạng ấy.

Chúng ta hãy đến với Người, tung hô Người, yêu mến Người, lãnh nhận Người, sống với Người và làm công việc của Người là cứu nhân độ thế.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page