Giải Nghĩa Lời Chúa Năm C

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật 5 Mùa Chay Năm C

Ðức Giêsu Ban Ơn Cứu Ðộ

(Isaia 43,16-21; Philíp 3,8-14; Gioan 8,1-11)

 

Phúc Âm: Ga 8, 1-11

"Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi".

Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?" Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi". Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: "Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?" Nàng đáp: "Thưa Thầy, không có ai". Chúa Giêsu bảo: "Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa".

 

Suy Niệm:

Hôm nay là Chúa nhật V mùa Chay, có thể gọi là ngày Chúa nhật chót của cuộc hành trình 40 ngày đi tới mầu nhiệm tử nạn phục sinh. Chúa nhật sau đã là Chúa nhật thương khó, mở ra tuần lễ thánh cử hành những mầu nhiệm cứu độ quan trọng nhất. Chúng ta có thể thấy trong bài đọc thứ nhất hôm nay giai đoạn cuối cùng của lịch sử Cựu Ước chuẩn bị ơn cứu độ và trong bài Tin Mừng chúng ta thấy Chúa Giêsu đã thật sự đem ơn cứu độ này đến. Thế nên chúng ta sẽ bắt chước thánh Phaolô trong bài thư hôm nay, vứt bỏ mọi sự để chạy thẳng đến ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã mang lại, vì không có gì quý hóa và cần thiết hơn ơn cao cả này.

 

1. Cũ Ðã Qua, Mới Ðã Ðến

Thật vậy, chúng ta có thể coi bài sách Isaia hôm nay như muốn kết thúc mọi công cuộc chuẩn bị của Cựu Ước để mở sang thời đại mới. Chúng ta hãy ôn lại các bài Kinh Thánh Cựu Ước trong các Chúa nhật vừa qua. Hôm Chúa nhật I mùa Chay chúng ta được nghe biết Chúa bắt đầu gọi một người Aram phiêu bạt để trở thành tổ phụ của dân Israen. Sang Chúa nhật II, Chúa đã ký kết giao ước với Abraham. Ðến Chúa nhật III, Người sai Môsê đi cứu dân khỏi Ai Cập. Và Chúa nhật IV đã cho chúng ta thấy Giôsua đã đưa dân vào Hứa Ðịa.

Hôm nay, Isaia lên tiếng thay cho thế hệ tiên tri, thế hệ cuối cùng của Cựu Ước, nếu chúng ta có thể nói được như vậy, để nói với mọi người đừng nhớ đến cuộc xuất hành cũ nữa, vì kìa một điều mới đã hé rạng rồi.

Do đó thiết tưởng chúng ta có lý để coi ngày Chúa nhật hôm nay như là chặng chót của mùa Chay 40 ngày. Và chúng ta phải để tâm nghe lời Cựu Ước loan báo cho chúng ta về thời đại sắp đến.

Bài sách Giôsua rất cảm động, nó ôn lại thời buổi Chúa ra tay oai hùng cứu dân. Ðó là lần xuất hành qua biển đỏ. Ðoàn người nô lệ được bàn tay Chúa giải thoát khỏi Ai Cập. Họ tiều tụy, lếch thếch, nhưng vinh quang của Chúa phủ xuống trên họ bảo vệ khỏi sự đuổi theo của người Ai Cập; và nhất là rẽ nước biển cho họ đi qua ráo chân; rồi vùi dập binh mã Pharao xuống lòng nước. Sự kiện oai hùng ấy là kiêu hãnh của nhà Israen, là bia miệng của các lân bang một khi nói về dòng dõi Abraham. Thế mà hôm nay Isaia nói: "đừng nhớ tiếc những cái ban đầu, những chuyện xa xưa, đừng còn ôn lại. Này, Ta đang gầy dựng một điều mới. Kìa, nó hé rạng rồi".

Như vậy, lịch sử cũ đã qua. Thời đại mới bắt đầu Isaia nói mạnh hơn. Ông viết: đã có tạo dựng mới. Và ông mô tả nó thật kỳ diệu. Những chốn hoang vu khô cháy trước đây sẽ chằng chịt những dòng sông tươi mát. Và con đường của dân mới không còn thấy sa mạc nóng bỏng, nhưng chỗ nào Chúa cũng giải khát dân. Người ta không còn vừa đi vừa càm ràm như cuộc xuất hành xưa, nhưng dân mới sẽ chỉ cất tiếng hát ngợi khen Chúa.

Thật ra Isaia đã không thấy được thời đại mới này. Nhưng Chúa cho ông biết nó sẽ hoàn toàn trái ngược với những điểm thiếu sót trong cuộc Xuất Hành cũ. Không phải nó chỉ đẹp hơn; nhưng phải nói là mới hẳn. Thiên Chúa sẽ làm ra một tạo dựng mới khi đến cứu chuộc dân Người.

Có lẽ Isaia đã nghĩ đến ngày chấm dứt cuộc lưu đày Babylon. Nhưng Thánh Thần linh ứng cho ông đã hướng ngòi bút của ông về thời đại xa xôi hơn, và nhất là về thời đại mới, thời Ðấng Thiên Sai cứu thế đến ban ơn cứu độ. Và nếu chúng ta thấy lời Isaia hôm nay đầy hứng thơ thì đó chính là vì ông không nói đến những thực tại trần gian, mà là viết về những đổi thay tinh thần. Ông tạo cho chúng ta được tinh thần tươi mát để hiểu và đón nhận những mầu nhiệm thần linh mà ông thấy đã hé rộng cho chúng ta nơi Ðức Giêsu Cứu thế. Chúng ta hãy nhìn Người trong bài Tin Mừng hôm nay.

 

2. Ðức Giêsu Ban Ơn Cứu Ðộ

Người ta hồ nghi không biết có phải chính Gioan đã viết ra đoạn văn này; hay nó là của Luca, một tác giả chuyên môn nói về lòng thương xót của Chúa và có những nét bút độc đáo về phụ nữ. Nhưng dù là của tác giả nào, câu chuyện vẫn xảy ra trong cuộc đời của Chúa Giêsu và nó làm chúng ta biết Người, hiểu Người một cách thắm thiết.

Vậy hôm ấy, Người ra núi cây Dầu, chắc chắn là để cầu nguyện. Người vẫn làm như vậy. Và theo Luca, chẳng bao giờ Người nói và làm một điều gì quan trọng mà không cầu nguyện trước.

Hơn nữa, Người làm chứng không thể sống đạo mà không cầu nguyện, và cầu nguyện là thành phần quan trọng trong đời sống đạo đức. Người lại còn quen cầu nguyện ban đêm, khi tất cả đều tịch mịch, để cho Lời cầu nguyện được sáng sủa và thánh thoát. Nhưng vừa rạng đông, Người đi vào Ðền thờ để làm việc. Mỗi khi ở Giêrusalem, Người vẫn có thói quen ấy. Ở đấy, Người có nhiều dịp để nói với người ta về Thiên Chúa.

Và toàn dân đến với Người. Họ thấy Người không giảng như các luật sĩ. Lời Người có sức mạnh phi thường. Và việc này khiến các ký lục, luật sĩ, biệt phái... những người lãnh đạo dân khó chịu. Họ mất ảnh hưởng. Họ sợ địa vị lung lạc, vì Ðức Giêsu không phải chỉ giảng khéo hơn họ, mà nguy hiểm hơn nữa, Giáo lý của Người có vẻ rất khác. Và như hôm Chúa nhật I mùa Chay chúng ta đã thấy: có lối giải thích Lời Chúa để vận dụng theo ý mình và có lối giải thích ép mình vào các đòi hỏi của Lời Chúa. Ðức Giêsu tuyên bố rõ ràng: Người đến để làm theo ý Ðấng đã sai Người; đang khi các luật sĩ và biệt phái lại lấy truyền thống của loài người mà làm chết Luật Chúa. Sự xung đột giữa hai bên không thể kéo dài. Không thể để "thấy" Giêsu giảng dạy khác những "thầy" khác.

Một cơ hội đến với phe thù địch Ðức Giêsu. Họ dẫn một người phụ nữ đến, bắt đứng giữa đám, và nói với Người: "Thưa thầy, phụ nữ ngoại tình này bị bắt tại trận; luật Môsê truyền ném đá hạng đàn bà như thế; Thầy dạy sao?"

Trông họ không có gì giận dữ. Ngược lại mắt họ sáng lên vì mừng rỡ. Họ không buồn bực vì có kẻ phạm tội. Họ mừng trước việc Ðức Giêsu sẽ mắc bẫy họ.

Theo họ, Người không tài nào trốn thoát được. Nếu Người bảo phải ném đá như Luật dạy, Người cũng sẽ như họ thôi và dân chúng chẳng có gì mà phải chạy theo nghe lời Người. Người chẳng có giáo lý nào mới. Người chẳng có thể cứ đi lại mãi với hạng thu thuế và tội lỗi. Hạng này cũng sẽ mở mắt ra mà thấy Người cũng chẳng bênh đỡ được họ và cứu họ như Người vẫn thường nói có lòng thương xót đối với tội nhân. Do đó đây là một thử thách ghê gớm. Nó là cái bẫy công khai không sao thoát nổi. Người có thể bảo không ném đá người đàn bà hư hốt kia ư? Bấy giờ Người sẽ bị ném đá tức thời vì Người công khai phá luật Môsê.

Ðã có một phút nín thở. Cái nút đã xiết đang đòi phải mở. Tuy nhiên có lẽ đám đông hôm ấy cũng vẫn bình tĩnh. Họ có thể nhớ lại hôm nào Người cũng gặp một trường hợp tương tự. Biệt phái hỏi Người có nên nộp thuế cho Hoàng đế Rôma chăng? Hôm ấy Người đã trả lời tức khắc và khiến đối thủ phải bẽ bàng. Hôm nay phản ứng Người khác lạ. Thay vì trả lời tức khắc, Người cúi xuống vẽ (hay là viết) trên đất. Ðừng tưởng Người muốn suy nghĩ. Nét mặt Người vẫn bình thản như không. Cũng đừng tò mò muốn biết Người đã viết gì? Người chỉ muốn người ta yên lặng mà suy nghĩ. Câu chuyện nộp thuế hôm trước là việc đời. Câu chuyện hôm nay là vấn đề tội lỗi có hệ đến lương tâm. Câu trả lời không phải ở ngoài miệng như ở trong lòng. Người muốn mấy phút yên lặng cho người ta lục vấn lương tâm. Nhưng đây là điều lạ điều hạng tội lỗi rất sợ. Họ đã tới tấp hỏi thêm, giục Người trả lời cho lẹ.

Bấy giờ Người ngẩng lên và khoan thai bảo họ: "Trong các ông, ai vô tội thì ném đá người này trước đi". Chết rồi, Người lại hỏi ngược lại. Người ta đem Luật ra để bắt bí Ngài thì chính Luật pháp bây giờ lại tròng vào cổ người ta. Sách Thứ luật chương 17,5-7 đã qui định ai là người phải ném đá trước tiên vào tội nhân. Và sách Xuất hành chương 23,6-7 khuyến cáo người ta phải cẩn thận khi xét xử người khác.

Như vậy Pháp luật không xét xử cách máy móc đâu. Họ đọc lại những điều luật trên đây về xét xử để có tinh thần của Pháp luật. Phaolô sau này sẽ nói: mặt viết thì giết chết, nhưng tinh thần thì làm cho sống. Luật sĩ và biệt phái đọc mặt chữ mà không có tinh thần Luật pháp. Ðức Giêsu bảo họ cứ suy nghĩ đi. Và Người lại cúi xuống viết trên đất, để cho họ suy nghĩ...

Thế là kẻ trước người sau, họ rút lui hết, các kẻ cao niên dẫn đầu, họ thật đáng thương. Họ ra đi với lương tâm tội lỗi mà không thấy có ánh sáng cứu độ, để lại một mình Ðức Giêsu và người phụ nữ kia. Thánh Augustinô đã chú giải cảnh tượng còn lại này bằng hai chữ: Miseria et Misericordia (đó là hiện thân của sự khốn nạn và của lòng thương xót). Thánh nhân đã tỏ ra tuyệt diệu.

Nhưng, đó không phải là bức ảnh bất động. Khi lòng thương xót gặp cảnh khốn nạn, thế nào cũng có hành động cứu độ. Và Ðức Giêsu đã tỏ ra thật là cứu thế trong câu chuyện này.

Ngẩng lên, Người thấy người phụ nữ kia còn đứng đó. Người ấy không lợi dụng lúc người ta rút lui để đi theo. Người ấy còn chờ phán xét của Chúa, tức là đã công nhận quyền của Ngài xét kẻ tội nhân. Nhưng người ấy chờ đợi đầy tin tưởng; và đã không phải hổ ngươi, như Lời Chúa vẫn hứa. Quả thật, Chúa đã bảo người ấy: "Ta cũng không xử tội ngươi đâu. Ði đi và từ nay đừng phạm tội nữa".

Chắc chắn người ấy đã ra đi nhẹ nhỏm, nếu không bảo là hân hoan, khác với những người kia vì tất cả đều phải công nhận: Ðức Giêsu là Cứu thế. Ngài có quyền xét xử; nhưng đã thi hành bằng lòng thương xót. Ngài diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa, không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng đã cứu họ khỏi tội và được sống. Ngài thật là niềm hy vọng của chúng ta là nhân loại tội lỗi. Sự hiện diện của Ngài ở trần gian đã hé rạng cho chúng ta thấy một thời đại mới, một cuộc xuất hành mới, một tạo dựng mới, như lời Isaia hôm nay đã loan báo. Thánh Phaolô đã nhìn thấy như vậy và đã lựa chọn lập trường như sau:

 

3. Tôi Coi Mọi Sự Là Thua Lỗ

Thánh Tông đồ đang tâm sự với giáo dân Philíp. Người trìu mến họ và thấy họ thật đáng trìu mến. Do đó Người có thể chia sẻ mọi tâm tình với họ, nhất là những nỗi cực lòng về phía những người Do Thái và tông đồ giả. Những kẻ này chê bai Người chẳng có gì là vinh dự cả. Họ có ý nói đến những vinh dự thế gian theo nghĩa xác thật như địa vị xã hội, giàu sang, phú quý hay học thức uyên thâm... Có chứ, Người có nhiều lắm, và có thể kể ra từng chuỗi; nhưng Người bảo: "Tôi coi mọi sự ấy hết thảy là thua lỗ bất lợi cả sánh với cái lợi tuyệt vời là được biết Ðức Giêsu Kitô, Chúa tôi". Người còn nói mạnh hơn nữa: "Tôi coi tất cả là phân bón để lợi được Ðức Kitô và thuộc về Ngài".

Không sự lựa chọn nào dứt khoát và thâm tín hơn. Và nếu chúng ta muốn biết lý do nào đã khiến thánh Phaolô cương quyết như vậy, thì chỉ cần đọc tiếp câu Người viết trong bài thơ hôm nay. Ðó là một lời thú nhận, gợi lên một sự đổi thay quan trọng trong cuộc đời của Người.

Người nhớ mình thuộc dòng giống Israen, họ Benjamin, Hipri sinh bởi Hipri, chịu cắt bì đúng ngày thứ 8; sống theo lề luật Biệt phái; nhiệt thành đến nỗi bắt bớ Hội Thánh; chiếu theo đức công chính trong lề luật thì thực vô phương trách cứ! Ai bì được với Người? Nhưng, vì Ðức Kitô, Người đã đành thua lỗ mọi sự, và coi là phân bón tất cả, để được sự công chính, không phải bởi công lao riêng, hay nại vào lề luật, nhưng là do Thiên Chúa ban xuống cho lòng tin vào Ðức Giêsu Kitô. Chính Ngài công chính hóa những ai đến với Ngài như bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Ngài đã công chính hóa người đàn bà tội lỗi. Lề luật đã công chính hóa người ấy; và những kẻ giữ luật chỉ sẵn sàng xô người ấy đến chỗ chết. Nhưng lòng thương xót của Chúa Giêsu Kitô đã đổi mới hẳn con người tội lỗi, đến nỗi chúng ta thấy những người tưởng mình công chính đã ra về với lương tâm tội lỗi; còn kẻ trước kia tội lỗi đã ra về được tha thứ và muốn sống thánh thiện.

Ðối với thánh Phaolô, Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Thế theo nghĩa đó. Chỉ ở nơi Người mới có ơn cứu độ; nên thánh Tông đồ chỉ biết chạy thẳng đến với Người. Người quên phía sau, là quá khứ sống trong chế độ lề luật trước đây, mà lao mình về phía trước, để được biết về Ðức Giêsu và quyền năng sống lại của Người, để đã thông phần vào sự thống khổ của Người thì cũng đạt đến ơn Phục sinh từ cõi chết.

Suy nghĩ về sự lựa chọn của thánh Phaolô, chúng ta thấy rõ Người có lý. Người giúp chúng ta biết phải làm gì khi đã thấy con người và vai trò cứu thế của Ðức Giêsu Kitô trong bài Tin Mừng Luca. Rõ ràng nếu muốn trở thành tạo vật mới có đời sống mới, như tiên tri Isaia đã báo trước, chúng ta phải tin vào Ðức Giêsu Kitô là tình thương xót của Thiên Chúa đến đổi mới thân phận khốn nạn của loài người chúng ta. Chúng ta phải lựa chọn Ngài, thi hành các đòi hỏi của Ngài cho dù có phải hy sinh tất cả mọi sự khác. Vì chỉ có ơn cứu độ ở nơi Ngài và chỉ Ngài có thể làm cho chúng ta nên công chính.

Những ngày này là những ngày chót đưa chúng ta lại với mầu nhiệm cứu thế của Ngài. Ðừng ai đến tham dự các mầu nhiệm Phụng vụ thánh với não trạng của luật sĩ và biệt phái; họ tự cho mình là công chính và muốn lên án kẻ khác. Nhưng chúng ta hãy như người đàn bà tội lỗi, đến với Chúa mà không che giấu tội lỗi của mình. Ngài sẽ thương xót, tha thứ và ban ơn đổi mới tâm hồn và đời sống chúng ta.

Chính giờ đây trong thánh lễ, Ngài đã muốn làm công việc này. Chúng ta hãy đến với tâm trạng khốn nạn vì tội lỗi. Lòng thương xót của Ngài lênh láng trong chén rượu đầy và nơi lời đầy xót thương. Này là Mình Ta sẽ chịu nộp vì chúng con. Chúng ta sẽ được hồi sinh và về với tinh thần đổi mới. Chúng ta góp phần vào làm ra một tạo dựng mới và một thời đại mới, thời đại của Chúa Kitô, tạo dựng ở nơi Ngài. Amen.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page