Giải Nghĩa Lời Chúa Năm A

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật 6 Mùa Thường Niên Năm A

Giáo huấn chung của Tân Ước

(Hc 15,15-20; 1 C 2,6-10; Mt 5,17-37)

 

Phúc Âm: Mt 5, 17-37

"Người xưa đã bảo như thế, còn Ta, Ta bảo thật các con thế này".

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai hủy bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; Trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời.

Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.

Các con đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẩn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là ngốc, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục.

Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với ngươi, thì ngươi hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ngươi trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hòa với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa ngươi ra trước mặt quan tòa, quan tòa lại trao ngươi cho tên lính canh và ngươi sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho ngươi biết: "Ngươi sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!"

Các con đã nghe nói với người xưa rằng: "Chớ ngoại tình". Còn Ta, Ta bảo các con: "Hễ ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ, thì đã ngoại tình với họ trong lòng rồi.

Nếu con mắt phải của con nên dịp tội cho con, thì hãy móc nó mà ném xa con; vì thà mất một chi thể còn lợi hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục. Và nếu tay phải con nên dịp tội cho con, thì hãy chặt mà ném nó xa con; vì thà mất một chi thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục".

Cũng có lời dạy rằng: "Ai ly dị vợi mình, trừ trường hợp tà dâm, thì làm cớ cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ đã ly dị, cũng phạm tội ngoại tình".

Các con cũng đã nghe có lời bảo người xưa rằng: "Chớ thề gian, nhưng hãy giữ trọn lời mình thề với Chúa". Còn Ta, Ta bảo các con: "Ðừng thề chi cả; đừng lấy trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì đất là bệ chân Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả. Cũng đừng chỉ đầu ngươi mà thề, vì ngươi không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hay đen được.

Nhưng lời nói của các con phải là: Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra".

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật VI Thường Niên A

Hc 15,15-20; 1 C 2,6-10; Mt 5,17-37

Phụng vụ Mùa Thường niên không đề cao một mầu nhiệm nào đặc biệt, nhưng chỉ trình bày giáo huấn thông thường của Hội Thánh liên quan đến đời sống hàng ngày của tín hữu. Hôm nay chúng ta vừa được nghe một đoạn sách Huấn ca, một khúc thơ Phaolô và một số lời Tin Mừng theo thánh Mátthêô. Nếu được phép tổng hợp, chúng ta có thể nói Lời Chúa hôm nay khuyên chúng ta hãy lựa chọn đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa và đến với Ðức Yêsu Kitô là Ðấng đang rao giảng sự khôn ngoan của Thiên Chúa cho loài người.

 

A. Chúng Ta Hãy Lựa Chọn Ðường Lối Khôn Ngoan

Huấn ca là một tác phẩm trong loại sách khôn ngoan của Thánh Kinh Cựu Ước. Ngay trong đoạn trích đọc vắn tắt hôm nay, người ta đã có thể nhận ra mấy sắc thái chính yếu của tác phẩm cũng như của loại sách khôn ngoan này. Tác giả kêu gọi sự tự do lựa chọn của con người. Không có sự tự do, không thể nói đến triết học và khôn ngoan. Do đó các sách khôn ngoan không có tính cách giáo điều. Luôn luôn độc giả được kêu mời tự do lựa chọn. Hơn nữa, hạnh phúc mà người ta tìm kiếm nằm ngay ở tầm tay của họ. Giơ tay nắm lấy cái gì, hạnh phúc hay bất hạnh, thì người ta sẽ được ngay cái đó.

Như vậy, tư tưởng của Thánh Kinh không có gì là "định mệnh" cả. Chính con người làm chủ vận mạng của mình. Và điều này, ngay trang đầu của bộ Kinh Thánh cũng đã khẳng định. Thiên Chúa bấy giờ dựng nên Ađam-Evà. Người đặt họ trong "vườn địa đàng" có đủ mọi thứ cây ngon lành có thể thỏa mãn sự thèm khát của con người. Nhưng giữa vườn cũng có một cây "lành dữ", mà nếu giơ tay bất quả nó mà ăn, con người sẽ có kinh nghiệm mất mát tất cả những gì đang có và bắt được những gì ngược hẳn với nếp sống hiện nay. Lúc này họ đang sống trong tình giao hữu hạnh phúc với Thiên Chúa là nguồn mọi sự sống. Bứt quả cây trái cấm mà ăn, họ sẽ rơi vào tình trạng thù địch với Người và nếm biết sự chết đời đời. Ađam-Evà đã được đặt trong tình trạng tự do để lựa chọn tương lai cho mình và con cháu. Trái cây hạnh phúc và bất hạnh ở ngay tầm tay của họ. Họ có thể lựa chọn giữa sự sống và sự chết, giữa "lửa và nước" như lời sách Huấn ca hôm nay viết, bởi vì "lửa" là hình ảnh về sức mạnh tiêu diệt, tàn phá và chết chóc, còn "nước" lại nói lên nguồn mạch sinh ra sự sống và sự sống dồi dào. Con người muốn lựa chọn đàng nào cũng được.

Ađam-Evà đã lựa chọn thế nào thì chúng ta ai cũng đã biết. Chúng ta có thể tức vì tại hai ông bà đã chọn điều dữ, nên loài người chúng ta ngày nay đang sống trong tình trạng sa đọa. Nhưng ngay trong tình trạng này, con người chúng ta vẫn có sự tự do lựa chọn. Mặc nhiên, mọi người đều tin như vậy. Chỉ mấy triết gia suy đi tính lại tỉ mỉ quá mức mới dám hoài nghi: không biết cuối cùng con người có còn tự do hay không? Hay là họ đã nằm trong bàn tay của một "con tạo đa đoan" và định mệnh của họ đã được ghi khắc một lần thay vì tất cả ngay cả từ trước khi họ sinh ra ở đời. Hai câu cuối của bài sách Huấn ca hôm nay phi bác mọi luận điệu như thế. Tác giả viết: Thiên Chúa không truyền cho ai phạm tội; Người không ủy lạo kẻ dối trá. Ngược lại truyền thống Thánh Kinh luôn khẳng định: vì là Ðấng tốt lành, Thiên Chúa không muốn ai phải chết: Người luôn ra tay cứu độ; tất cả những gì Người làm chỉ là hướng dẫn con người về đường ngay nẻo chính để họ được sống và được sống dồi dào. Lựa chọn sự dữ và bất hạnh là quyền lợi - nói đúng hơn, là quyền hạn - của con người. Ðúng hơn nữa, đó là lạm dụng quyền tự do mà Thiên Chúa đã ban cho mình.

Chúng ta có nhiều kinh nghiệm về thái độ của nhiều người khác. Rõ ràng họ được tự do hoàn toàn để lựa chọn điều hay, hay là điều dở, đặc biệt trong các quan hệ với chính chúng ta. Chúng ta tạo mọi điều kiện để giữa họ và ta có những tương quan thuận lợi. Thế mà dường như có một cái gì như cố chấp ở nơi họ. Mối tình giữa họ và ta chẳng sao xây dựng được và khả quan hơn. Tất cả, theo quan điểm của ta, chỉ vì họ không muốn.

Có lẽ bài sách Huấn ca đã đi từ kinh nghiệm ấy. Tác giả mở đầu bằng mấy chữ "nếu muốn". Nếu muốn thì con người sẽ giữ lệnh truyền của Chúa; và như vậy họ sẽ được sống. Bằng không họ sẽ tra tay vào lửa và lựa chọn sự chết. Tư tưởng của Thánh Kinh vì thế đề cao sự tự do của con người . "Từ đầu Thiên Chúa đã dựng nên họ và trao họ cho tâm thuật của họ" (Hc 15,14), tức là để cho họ được tự do làm theo ý mình. Tuy nhiên "Người biết hết mọi sự và toàn năng". Mắt Người nhìn xuống những kẻ kính sợ Người…

Thế nên sự khôn ngoan của sách Huấn ca cũng như của tư tưởng Kinh Thánh là con người hãy đi theo đường lối của Thiên Chúa. Chính đó là sự khôn ngoan. Con người giữ lệnh truyền của Thiên Chúa sẽ chắc chắn đi trong đường lối khôn ngoan dẫn đến sự sống, vì sự "khôn ngoan của Thiên Chúa thật vạn năng".

Chân lý này, người tín hữu nào cũng công nhận. Khó khăn nằm ở chỗ thực hành. Trong đời sống thực tế, không phải lúc nào cũng dễ tuân giữ lệnh truyền của Thiên Chúa. Chính dân Israel ngày xưa cũng vậy. Mặc cho các tiên tri kêu gọi họ trở về đường lối mà Chúa đã vạch ra trong Luật pháp, họ vẫn đi theo đường lối của họ. Nói đúng hơn, họ muốn sống như mọi dân tộc khác và khước từ cố gắng chu toàn ơn gọi làm Dân Riêng của Chúa. Chúng ta, những kẻ ở trong Dân Mới của Người, cũng không hơn gì họ. Chính vì vậy mà chúng ta cần lắng nghe lời khuyên bảo của thánh Phaolô.

 

B. Sự Khôn Ngoan Của Thiên Chúa

Thư 1 Côrinthô quen được coi như thư riêng của người Công giáo, theo nghĩa những người này thích đọc nó như người Tin lành thường thích đọc thư Rôma. Và quả thật, thư 1 Côrinthô có nhiều yếu tố để nói với các cộng đồng Công giáo. Nó có cả những đề tài, như lời mở đầu đoạn trích đọc hôm nay cho biết, dành cho những "người thành toàn", tức là những người đã tiến bộ trong đức tin và đời sống tín hữu. Trong số đó có đề tài về sự khôn ngoan mà bài đọc I hôm nay đã đề cập.

Sự khôn ngoan của đạo chúng ta, kể từ lời mạc khải đầu tiên cho đến lời Kinh Thánh cuối cùng, không phải là sự khôn ngoan của đời tạm này. Càng không phải là sự khôn ngoan của những đầu mục của đời tạm này. Nó là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, sự khôn ngoan mà các sách khôn ngoan trong Thánh Kinh Cựu Ước thường đem ra bàn. Tác giả sách Huấn ca đã thấy nó nằm trong các lệnh truyền của Thiên Chúa. Và những tác giả khác cũng đồng ý bảo nó nằm nơi Luật pháp mà Chúa đã ban cho Dân Riêng của Người.

Tuy nhiên Luật pháp thì dài và lệnh truyền thì nhiều. Hơn nữa dù vẫn nghe Luật pháp và Tiên tri trong các ngày Hưu lễ nơi Hội đường, người dân Israel ngày xưa vẫn không nhận ra sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Dường như vẫn còn có một tấm màn che mắt họ, khiến họ nghe đọc mà chẳng hiểu, xem thấy mà chẳng nhận ra. Mãi đến khi tấm màn trong Ðền thờ rách toang ra vào Giờ Chúa Yêsu chịu chết trên Thập giá, sự khôn ngoan của Thiên Chúa mới tỏ hiện. Người ta mới biết Ðức Yêsu là ai. Người là Ðấng Cứu thế! Và Thiên Chúa đã muốn tỏ hiện sự khôn ngoan của Người ở nơi Ngài: "Ngài là Con Chí Ái của Ta, các ngươi hãy nghe Ngài".

Chính vì vậy mà thánh Phaolô viết rằng, sự khôn ngoan của Thiên Chúa vẫn giữ kín từ đời đời cho đến lúc bấy giờ. Trước đó người ta đã được nghe nói về đường lối khôn ngoan cứu độ của Thiên Chúa. Người ta cũng đã thấy rất nhiều kỳ công mà Người đã làm. Tuy nhiên tất cả như còn là tiền ảnh và biểu tượng và như còn được nói bằng "dụ ngôn". Nhưng mọi sự đã trở nên sáng tỏ và mới hẳn trong mầu nhiệm của Ðức Yêsu Kitô, cách riêng trong biến cố Tử nạn - Phục sinh của Người. Ðứng trước mạc khải này, những người được ơn khôn ngoan nhất, cũng bàng hoàng như thể trong mơ. Không vậy thì người Dothái đã không đóng đanh Ðức Yêsu; và ngay các Tông đồ đã không lấy việc sống lại làm khó hiểu. Chỉ khi đã chắc chắn về biến cố Phục sinh, các môn đệ mới thấy Ðức Yêsu là "Chúa"; họ mới tuyên xưng Người là sự Khôn ngoan của Thiên Chúa; họ mới thấy Luật pháp và Tiên tri trước kia đã chỉ nói về Người.

Như vậy, sự khôn ngoan của Thiên Chúa, sự khôn ngoan mang lại sự sống và hạnh phúc đời đời cho con người, không phải là Luật pháp và các Tiên tri, nhưng là Ðức Yêsu Kitô; mà cũng không phải là Ðức Yêsu Kitô như xác thịt cho biết, nhưng là "Chúa" Yêsu Kitô trong ánh sáng đức tin mà mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh của Người đã ban cho. Nhờ ánh sáng tỏa ra từ mầu nhiệm này, Luật pháp và Tiên tri mới minh bạch. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa giữ kín ở đó mới bộc lộ ra. Từ nay đọc lên người ta mới hiểu rõ vì họ đã nhận được Thánh Thần, Ðấng dò thấu mọi sự, cả những chiều sâu thẳm nơi Thiên Chúa. Và Thánh Thần chỉ được ban cho người ta sau khi Ðức Yêsu đã tử nạn-phục sinh lên ngự bên hữu Thiên Chúa để tuôn đổ xuống cho những kẻ có lòng tin.

Thế mà có những tín hữu cứ muốn luận lý với những người chưa có đức tin về đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa! Họ còn lầm hơn khi dám so sánh đường lối của Thiên Chúa với đường lối của thế gian. Lẽ ra họ đã phải cầu xin trước cho người ta được ơn đức tin. Họ phải lựa chọn Chúa trước rồi mới thấy được sự khôn ngoan của Người. Chính điều này cũng cần phải có để nhận ra ý nghiã của những lời Tin Mừng hôm nay mà Chúa Yêsu, sự Khôn ngoan của Thiên Chúa, đang nói với chúng ta. Người đang rao giảng sự khôn ngoan của Thiên Chúa ở trong Hội Thánh. Chúng ta hãy nghe Người.

 

C. Thiên Chúa Nói Sự Khôn Ngoan Của Người Với Chúng Ta

Chắc chắn không nên tìm trong đoạn này một bố cục chặt chẽ. Vì đây không phải là một bài luân lý; nhưng chỉ là mớ những lời dạy dỗ, có thể đã được nói trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, mà tác giả sách Tin Mừng đã lấy đặt đứng bên nhau để làm thành một "bài giảng".

Chúng ta có thể nhận ra một số câu mở đầu. Ðức Yêsu tuyên bố: "Ðừng tưởng Ta đến để bãi bỏ Lề Luật hay các Tiên tri; Ta đến không phải để bãi bỏ mà để làm trọn". Lời nói hết sức quan trọng. Lập tức, Chúa Yêsu đã khẳng định Người là Ðấng phải đến trong thế gian, tức là Vị Cứu thế mà Cựu Ước loan báo phải trông đợi. Uy quyền của Người át cả Lề luật và các Tiên tri. Tuy nhiên Người không phủ nhận và bãi bỏ họ. Người kiện toàn họ. Thế nên không được coi nhẹ một nét nhỏ nào trong Luật pháp. Câu này không có ý nói lên bất cứ một chút xíu nào trong khuynh hướng bảo thủ và vụ luật. Nó muốn tăng cường sức mạnh cho câu khẳng định ở trên: Ta đến không phải để bãi bỏ mà để làm nên trọn. Và cũng chính vì vậy mà người trong Dân Mới phải công chính hơn các Ký lục và Biệt phái trong Ðạo cũ. Những người này nổi tiếng là những người giữ Luật, thì những ai theo Ðấng đến làm cho Luật pháp nên trọn phải công chính hơn.

Chẳng han Luật xưa bảo: Chớ giết người! Thì nay, Ðấng đến làm trọn Lề luật truyền lệnh không được tức giận anh em mình. Người đòi hỏi một sự công chính lớn và sâu xa hơn. Người làm "trọn" luật chớ giết người, khi cấm ngay cả sự tức tối trong tâm hồn. Hễ bất hòa với ai, người ta phải mau mau hòa giải để có khả năng thờ phượng, tức là để xứng đáng ở lại trong Dân Mới của Thiên Chúa là Dân có bản chất tư tế. Ðàng khác người ta luôn phải sợ có tâm hồn bất hòa như thế mà phải gặp mặt Ðấng Chí Công phán xét khi Người bất thần kêu gọi họ ra khỏi đời này. Người muốn môn đệ của Người luôn sống trong trạng thái yêu mến, như Thiên Chúa là Ðấng Mến Yêu.

Một thí dụ khác, Luật xưa dạy: Chớ ngoại tình! Nay Ðấng kiện toàn Lề luật đến, Người tuyên bố: phàm ai nhìn người nữ để thỏa lòng dục thì đã ngoại tình với nó trong lòng. Và Người truyền: con mắt nào có những cái nhìn như thế, thì tốt hơn nên móc mà quăng nó đi. Vì thà mất một chi thể còn lợi hơn là có cả toàn thân mà bị xô vào hỏa ngục. Ý của Người muốn người ta phải tiêu diệt tội lỗi ngay từ trong lòng và nơi các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tội lỗi.

Nhưng đã nói đến ngoại tình, Người không thể mau lẹ bỏ qua một thắc mắc đang sôi nổi ở thời bấy giờ và có lẽ ở mọi thời, đặc biệt ở thời đại chúng ta. Luật xưa nói: ai rẫy vợ thì hãy cho vợ ly thư. Và ở nhiều nơi luật đời hiện nay cũng cho ly dị. Còn Chúa Yêsu, Ðấng đến kiện toàn Lề luật nghĩ thế nào?

Có lần Người đã khẳng định: Xưa Môsê nói như vậy là vì sự yếu đuối của con cái Israel, chứ tự nguyên thủy không như vậy và những gì Thiên Chúa đã kết hiệp, loài người không được phân rẽ. Ở đây, trong đoạn văn này, lập trường trên vẫn không thay đổi, vì ai cưới người vợ ly dị là phạm tội ngoại tình. Nhưng cũng vì con người yếu đuối, và cũng để tôn trọng chứ không phải bãi bỏ Luật xưa đã cho phép, sách Tin Mừng Matthêô hôm nay viết: mọi kẻ rẫy vợ - trừ phi là nố dâm bôn - là làm cho vợ ngoại tình. Tác giả cho phép có một nố trừ. Các nhà chú giải mặc sức tìm hiểu sự thật nố trừ này là gì. Ðiều chắc chắn là ngoài tác giả Matthêô ra, không một tác giả Tân Ước nào khác cho phép có luật trừ trong việc cấm ly dị. Sự kiện này cho phép chúng ta nghĩ rằng: trong toàn thể Hội Thánh thời các Tông đồ, đâu đâu cũng rao giảng giáo lý của Chúa tuyệt đối cấm ly dị. Nhưng ở những môi trường người Dothái theo đạo, người ta còn bám vào Luật Môsê; người ta nại đến việc Chúa không đến để bãi bỏ Lề luật; người ta muốn được áp dụng Luật mới một cách nhẹ nhàng... Có lẽ vì vậy tác giả Matthêô viết sách cho những môi trường này, đã đề cập tới một nố trừ nhưng vẫn khẳng định tính cách vĩnh viễn của hôn nhân. Nói theo danh từ của Giáo hội hiện nay, có những trường hợp được ly thân nhưng không được ly hôn vì ai cưới người vợ ly dị là phạm tội ngoại tình. Tuy nhiên muốn nói cho hết lẽ, chẳng bao giờ được phép tựa vào một câu để đi ngược lại với toàn bộ giáo huấn chung của Tân Ước và giáo lý sống động của Hội Thánh. Và điều này chúng ta cũng phải áp dụng ở đây.

Chúa Yêsu đang dạy dỗ dân chúng một cách sống động. Người là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đến với loài người. Dân chúng không thấy Người nói như các Luật sĩ và Biệt phái. Người có giáo lý mới "mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe". Người kêu gọi lòng tin. Người ta được tự do lựa chọn. Và bắt đầu người ta phải tin Người. Ðó chính là điều mới lạ. Và cũng là điều tồn tại mãi mãi trong đạo của Người, đạo của chúng ta.

Ngay trong giờ phút này và ở đây, chúng ta cử hành Thánh lễ. Ðây là mầu nhiệm đức tin. Chúng ta tự do lựa chọn thái độ. Mầu nhiệm nằm ở tầm tay chúng ta, theo nghĩa chúng ta có thể đón nhận với niềm tin hay không. Và tùy đó, chúng ta sẽ lãnh nhận sự sống của Thiên Chúa hay không. Chẳng sự khôn ngoan nào của loài người giúp chúng ta làm được công việc này. Chỉ có Lời của Chúa Yêsu Kitô, chỉ có uy tín của Người là sự khôn ngoan của Thiên Chúa khiến được chúng ta tin vào sự biến đổi của bánh rượu. Và khi chúng ta đã lãnh nhận Bí tích với niềm tin như thế, chúng ta sẽ được gia tăng đức tin, đức cậy và đức mến để thay đổi cuộc đời hàng ngày của chúng ta, không theo sự khôn ngoan của thế gian nữa, nhưng theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã được biểu lộ cho chúng ta trong Lời Chúa và Mình Thánh Chúa mà chúng ta đón nhận trong Thánh lễ này.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page