Giải Nghĩa Lời Chúa Năm A

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật 5 Mùa Thường Niên Năm A

Trở nên ánh sáng

(Ys 58,7-10; 1 C 2,1-5; Mt 5,13-16)

 

Phúc Âm: Mt 5, 13-16

"Các con là sự Sáng thế gian".

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn sử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó.

"Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời".

 

Suy Niệm:

(Chúa Nhật 5 Thường Niên A)

(Ys 58,7-10; 1 C 2,1-5; Mt 5,13-16)

Chúa dạy chúng ta phải là muối đất và ánh sáng của thế gian. Người bảo chúng ta phải làm việc lành để ánh sáng của chúng ta rực sáng lên trước mắt mọi người. Tiên tri Isaia đan cử một số việc lành để thật sự chúng ta là ánh sáng; đang khi thánh Phaolô khẳng định chính việc người rao giảng Ðức Kitô bị đóng đinh là sự khôn ngoan soi sáng cho mọi người. Như vậy chủ đề trong Lời Chúa hôm nay là Ánh Sáng. Và chúng ta phải suy nghĩ về vai trò ánh sáng của mình.

 

A. Chúng Ta Là Ánh Sáng Thế Gian

Chúng ta chỉ là người như mọi người. Hơn nữa xét về nhiều mặt, chúng ta còn thua kém nhiều người. Chính Chúa đã gọi chúng ta là đàn chiên nhỏ và thánh Phaolô đã có lần nhìn vào Giáo hội và bảo: anh em chỉ là những gì không không trước mặt thế gian. Thế mà hôm nay Chúa lại khẳng định chúng ta là muối đất và là ánh sáng của thế gian; Người muốn chúng ta phải vươn lên, sáng lên ở trước mặt mọi người, chẳng khác nào thành xây ở trên núi và như đèn đặt trên đế. Dung hòa thế nào được giữa những quan niệm mâu thuẫn như vậy? Bài giảng trên Núi, đọc ngày Chúa nhật trước, bảo chúng ta phải khiêm nhường, hiền lành, sẵn sàng chịu khinh bỉ, bắt bớ... Hôm nay tiếp nối Bài giảng ấy Chúa lại dạy chúng ta phải sáng lên trước mặt mọi người. Như thế không mâu thuẫn sao? Và phải hiểu thế nào đây?

Chắc chắn chúng ta không được bỏ mất những kết quả đã thu lượm được trong khi suy nghĩ về Bài giảng trên Núi. Chúng ta luôn luôn phải có tinh thần khó nghèo. Và chính tinh thần này phải giúp chúng ta đón nhận Lời Chúa hôm nay.

Trước hết không nên bỏ qua Lời Chúa dạy: chúng ta là muối đất. Hình ảnh này khiêm tốn hơn. Nó giúp chúng ta suy nghĩ về câu sau: chúng ta là ánh sáng thế gian. Chữ "muối đất" đã làm tốn mực của nhiều học giả. Muối ướp đồ ăn hay là phân muối? Muối thường hay là muối dùng rắc trên các tế vật? Muối ước mặn thì chắc chẳng bao giờ hóa nhạt được. Phân muối thì có thể hư đi được lắm vì đó là một hóa chất, không thể để lâu. Dù sao hình ảnh muối đất cũng rất khiêm tốn. Hơn nữa, đi với câu Chúa phán sau, nó tạo nên một cảm giác đáng sợ. Chúa bảo: nếu muối nhạt nó sẽ bị ném ra ngoài cho người ta đạp lên. Quả thật, phân muối hư rồi thì sẽ bị quẳng đi. Nhưng Lời Chúa ở đây gợi lên những câu khác về ngày thẩm phán: con cái trong nhà sẽ bị hất ra ngoài, tống vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Phải, ở đây cũng như ở nhiều đoạn Tin Mừng khác, Chúa cảnh cáo chúng ta nếu không sống đầy đủ ơn gọi của mình sẽ bị gạt ra ngoài Nước Trời. Những ý tưởng này chúng ta không nên quên khi suy nghĩ về vai trò ánh sáng của mình, vì chính Chúa đã gợi lên, trước khi dạy: "Chúng con là ánh sáng thế gian".

Tự nhiên, chúng ta không phải là ánh sáng. Trước kia chúng ta cũng ở nơi tối tăm. Nhưng dân đi trong tăm tối đã nhìn thấy một ánh sáng lớn. Chính Chúa là Ánh sáng đã soi dọi chúng ta, đưa chúng ta ra khỏi tối tăm, đi vào Nước Ánh sáng của Con yêu dấu Người. Như vậy mọi vẻ sáng ở nơi chúng ta chỉ là thứ vay mượn sao? Không phải thế. Chúa yêu chúng ta vô ngần, không những đã đưa ta vào Nước sáng láng để ta được sáng, mà còn cho ta tham dự vào bản tính sáng láng của Người để thật sự chúng ta trở thành ánh sáng. Chúng ta mang trong mình sự sống của Chúa, chúng ta mang Ðức Kitô trong mình, chúng ta là Kitô hữu. Như vậy, nhờ phép Rửa tội, chúng ta thật sự đã trở nên tạo vật mới; chúng ta không còn là con cái của tối tăm, nhưng đã là con cái sự sáng. Ngày chịu phép Rửa tội, chúng ta được trao cây nến sáng, thắp từ ngọn nến Phục sinh biểu hiệu của Ðức Kitô sống lại, để chúng ta đi trong ánh sáng và soi sáng mọi người mọi nơi.

Ðó là việc Chúa làm cho chúng ta một cách nhưng không, hoàn toàn do lòng thương xót vô bờ. Nếu có ai tự phụ, thì cũng chỉ được tự phụ trong Chúa. Nhưng tốt hơn, nên chú tâm tìm hiểu ánh sáng mình đang mang và cố gắng để nó khỏi tắt.

 

B. Ánh Sáng Ðó Là Gì?

Như trên đã nói, bản chất chúng ta không phải là ánh sáng. Các việc chúng ta làm chỉ là tối tăm. Nhưng nhờ ơn phép Rửa, chúng ta đã trở nên ánh sáng. Ðó là một sự gì mới ở nơi chúng ta cần được tìm hiểu.

Nói thật ra, chính sự sống mới mà phép Rửa mang đến cho chúng ta là ánh sáng ở nơi ta. Ðó là sự sống Thiên Chúa, sự sống của Ðức Kitô phục sinh. Người đồng thời là sự sống và là sự sáng. Nhưng diễn tả sự sống thần linh và phục sinh ấy như thế nào để người ta có thể hiểu được? Trực tiếp trình bày sự sống ấy chắc chắn là khó. Có lẽ dễ hơn nếu ta thử trỏ cho người ta thấy những gì đem lại sự sống đó cho chúng ta.

Khi đó chúng ta sẽ thấy chính Lời Chúa mà chúng ta tin đã khiến chúng ta được lãnh nhận sự sống của Chúa vì: "Ai tin và chịu phép Rửa, sẽ được sống đời đời". Như vậy, Lời Chúa và đức tin đã đưa chúng ta vào Nước sáng láng của Con Chúa. Lời Chúa và đức tin đã soi sáng chúng ta và đang hướng dẫn ta đi trong ánh sáng. Chúng ta là ánh sáng thế gian, khi mang Lời Chúa và đức tin trong mình. Lời Chúa và đức tin càng sáng và càng sống ở nơi ta, ta càng có khả năng soi sáng cho người khác. Do đó khi bảo ánh sáng của ta phải sáng lên trước mắt mọi người và phải đặt lên nơi cao như đèn trên đế, như thành trên núi, Tin Mừng Luca muốn dạy chúng ta phải suy tôn Lời Chúa, phải sống đức tin, phải đem Lời Chúa vào đời sống, phải lấy niềm tin mà suy nghĩ cùng hành động. Cá nhân chúng ta có được vinh dự thì cũng chỉ như cây đèn mang ánh sáng. Cây đèn không chiếu sáng; ánh sáng mà mọi người được nhờ, phát ra từ ánh sáng trên cây đèn. Chúng ta có thể nói như Yoan: Người phải tiến lên, tôi phải nhỏ đi, vì Yoan cũng đã được ví như cây đèn và Ðức Kitô mới là ánh sáng thật đến trong thế gian.

Và khi đến, không những Người đã trở thành Lời hằng sống ban đức tin, nhưng còn ban Thịt Máu và chính sự sống Người cho chúng ta. Các Bí tích Người đã lập đều quy về Thánh Thể đều đem lại sự sống hay gia tăng sự sống và sự sống của Người là ánh sáng. Thế nên các bí tích chúng ta lãnh nhận thêm sức sáng cho chúng ta. Phát triển các ơn bí tích là soi sáng thêm cho thế gian. Lễ nghi bí tích nào mà không huy hoàng? Rửa tội, Thêm sức, Thánh Thể, Hôn nhân, Truyền chức... tất cả đều được Giáo hội cử hành để làm sáng con người. Và nếu người ta phát triển ơn bí tích đã lãnh nhận, đời sống nhất định phải đẹp, phải sáng. Sự sáng này không phát xuất từ con người tín hữu, nhưng từ các bí tích mà họ đã lãnh nhận. Do đó người ta sẽ ca tụng Cha trên trời hơn là khâm phục người mang ơn.

Và để vắn tắt, không kể hết mọi yếu tố thần linh chiếu sáng nơi người tín hữu, chúng ta hãy nói đến điều mà thánh Phaolô gọi là sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Ðó chính là Thánh giá Chúa Kitô. Sự sống của Thiên Chúa du nhập vào thế gian và xác thịt, đã tỏ ra mạnh mẽ hơn hết, sáng láng hơn hết ở trong chính sự chết, khi làm nó nổ tung để chúng ta nhìn thấy sự sống lại. Chính Ðức Kitô đã coi việc Người bị treo lên Thập giá là đường đưa Người tới vinh quang. Người tuyên bố sẽ được vinh hiển khi bị treo lên. Ở nơi người tín hữu, Lời Chúa với đức tin và các ơn bí tích tỏ ra thần diệu một cách đặc biệt trong đau khổ và sự chết. Các tử đạo tức khắc được vinh quang. Các bậc chân tu dễ được người ta ngưỡng mộ. Thế nên chúng ta hiểu lời thánh Phaolô "Ước gì tôi đừng có vinh vang nơi một điều gì trừ phi là nơi Thập giá của Chúa chúng ta" (Ga 6,14). Hay như hôm nay người nói: tôi không muốn biết gì ngoài Ðức Kitô và là Ðức Kitô bị đóng đinh Thập giá.

 

C. Chiếu Giải Ánh Sáng Ðó

Như vậy chúng ta không cần nói thêm về thư Phaolô. Chúng ta đã biết ý của Chúa khi Người dạy: chúng con là ánh sáng thế gian, và ánh sáng của chúng con phải rực lên trước mắt mọi người. Chúng ta không sợ phải đề cao mình. Ngược lại khi biết ánh sáng chúng ta đang mang là của Chúa, chúng ta phải có tinh thần khó nghèo để luôn luôn nhận được thêm và phải có thái độ khiêm nhu kẻo "ánh sáng ấy tắt đi vì gió kiêu ngạo". Hơn nữa các bài Kinh Thánh hôm nay thúc giục chúng ta phải làm cho ánh sáng ấy rực lên.

Isaia đã đề ra một số các việc làm giúp ta thi hành bổn phận trên. Thực ra không phải Isaia, nhưng là một tác giả vô danh, một tiên tri mà ta không biết, đã sống với Dân Chúa sau thời lưu vong. Từ Babylon về xây dựng lại Thánh địa, người ta đã tổ chức lại đời sống tôn giáo, từ việc trùng tu Ðền Thờ đến việc cử hành lễ tế và tuân thủ Luật pháp. Dân muốn trở nên huy hoàng, cậy dựa vào đạo Chúa. Nhưng kết quả: đời sống vẫn không tiến bộ và dường như ánh sáng của Yêrusalem cứ tắt dần. Chính lúc đó, nhà tiên tri xuất hiện. Ông công bố Lời Chúa. Dân muốn sáng lên trong đêm tối và trở thành ánh sáng cho muôn nước, nhưng tại sao cứ làm những việc bất công? Không thể lấy các lễ nghi, kinh kệ mà phủ lấp được tội lỗi. Lời Chúa và đức tin, kinh kệ và các bí tích chỉ rực lên trong đời sống cụ thể của con người. Tách biệt đời sống đạo đời để chỉ thờ phượng bằng môi miệng và lòng thì ở xa Chúa, là giả hình, không phải tôn thờ chân thật.

Ðức Kitô đã cho ta một tiêu chuẩn đơn sơ, sáng tỏ để kiểm điểm việc thờ phượng chân thật là hãy thờ phượng trong ngôi đền mới, tức thân xác của Người đã sống lại sau 3 ngày nằm xuống trong mầu nhiệm Tử nạn. Chỉ trong Ðền thờ đó, chúng ta mới được soi sáng, mới trở nên ánh sáng và mới rực sáng lên trước mắt mọi người. Ði vào Ngôi đền đó, ở trong Thánh điện ấy, chúng ta phải chấp nhận kết hiệp với mầu nhiệm Thập giá. Ðọc Thánh Kinh mà không để Lời Chúa trở thành gươm hai lưỡi xé nát xác thịt, đức tin không thể chiếu sáng nơi chúng ta. Lãnh nhận các bí tích mà không tham dự vào mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh là làm một nghi lễ bề ngoài chứ không có ý lãnh nhận sự sống mới của Ðức Kitô phục sinh. Sau cùng sống đạo mà không đem tinh thần mới mẻ vào đời sống, không đưa mầu nhiệm Thập giá vào các sinh hoạt, nhưng luôn luôn vị kỷ và trục lợi, thì chỉ khiến người ta lăng nhục Danh Chúa.

Ðức Kitô làm Hiển Danh Chúa Cha khi đi vào mầu nhiệm Thập giá; và chính khi ấy cũng như chỉ khi ấy Ðức Kitô đã được tôn vinh. Ngày nay, đặc biệt trong các thánh lễ, Người còn mở ra con đường ấy để kêu gọi chúng ta đi vào. Nếu chúng ta chấp nhận từ bỏ mình, sự sống phục sinh của Người sẽ ùa vào trong chúng ta. Chúng ta sẽ trở nên con cái sự sáng; đời sống của chúng ta sẽ có khả năng chiếu sáng, khi trong thực tế chúng ta thực hiện tinh thần Thánh giá: hy sinh dục vọng ích kỷ và phát triển lòng bác ái phục vụ tha nhân. Chúng ta hãy tham dự Thánh lễ trong chiều hướng ấy.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page