Giải Nghĩa Lời Chúa Năm C
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúa Nhật 9 Mùa Thường Niên Năm C
Cảm Phục Người Ngoại Giáo
(1 Các Vua 8,41-43; Galát 1,1-2.6-10; Luca 7,1-10)
Phúc Âm: Lc 7, 1-10
"Cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy".
Khi ấy, lúc Chúa Giêsu đã nói với dân chúng xong, Người vào Capharnaum. Bấy giờ một viên sĩ quan có tên đầy tớ thân tín bị bệnh gần chết, nghe nói về Chúa Giêsu, ông sai vài người kỳ lão Do-thái đi xin Người đến cứu chữa đầy tớ ông. Họ đến gần Chúa Giêsu và van xin Người rằng: "Ông ta đáng được Thầy ban cho ơn đó, vì thật ông yêu mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta". Chúa Giêsu đi với họ, và khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này sai mấy người bạn đến thưa Người rằng: "Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh. Vì tôi chỉ là một sĩ quan cấp dưới, tôi cũng có những lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; tôi bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này thì nó làm". Nghe nói thế, Chúa Giêsu ngạc nhiên và quay lại nói với đám đông theo Người rằng: "Ta nói thật với các ngươi, cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy". Và những người được sai đi, khi về tới nhà, thấy tên đầy tớ (đã) lành mạnh.
Suy Niệm:
Nếu chúng ta hiểu rõ bài thư Galát, thì cả ba bài Kinh Thánh hôm nay đều nói đến người "ngoại", ngoại kiều cũng như ngoại giáo. Phải chăng phụng vụ không muốn giáo huấn chúng ta về tinh thần truyền giáo? Và đơn sơ hơn, Lời Chúa hôm nay có lẽ muốn chúng ta xét lại quan hệ và thái độ xưa nay của mình đối với người ngoại.
Dĩ nhiên chúng ta có thể nghĩ ngay đến người ngoại giáo ở ngay chung quanh chúng ta cũng đừng quên những người ngoài xứ chúng ta... và nói chung những người ngoài truyền thống với mình. Quan hệ với những người ấy cũng cần được xét lại dưới ánh sáng và theo giáo huấn của Lời Chúa, để chúng ta không cư xử thiếu bác ái với bất cứ một hạng người nào.
1. Chấp Nhận Người Ngoại
Bài sách Các Vua trích lại đoạn kết trong Kinh cầu nguyện mà Salomon đã dâng lên Chúa trong ngày khánh thành cung hiến và Ðền thờ Giêrusalem. Chúng ta có thể tưởng tượng cảnh tưng bừng long trọng của ngày lễ hôm đó. Sau 7 năm huy động mọi khả năng và sức lực trong cả nước để hoàn thành kiến trúc huy hoàng quý giá, nhà vua và toàn dân đã tổ chức lễ cung hiến. Mọi rực rỡ, linh đình trong cả nước được bày ra, hợp với lòng hân hoan tự phụ của toàn thể cộng đồng con cái Israen, kèn trống, hương nến, tế vật, cộng với màu lễ phục lộng lẫy của hàng tư tế đông đảo làm cho cảnh đền thờ hôm ấy trở thành ngày hội lớn. Nhà vua uy nghi bước vào. Và trong sự thinh lặng, chăm chú và trang trọng của biển người tham dự, nhà vua đã cất tiếng cao giọng đọc kinh cầu nguyện. Người thờ lạy Thiên Chúa; cảm tạ lòng thương xót của Ðấng Tối Cao chiếu cố chấp nhận đến ngự trong ngôi đền thờ này. Từ nay xin Người đón nhận lời nguyện cầu của Dân được tuyển chọn, dâng lên Người trong nơi cực thánh này. Xin Người cũng thương đến cả người xa lạ không thuộc dân Israen của Người. Ðoạn trích hôm nay chính là phần kinh cầu nguyện cho những người xa lạ này.
Kể cũng khá hy hữu, việc Salomon đã dành một phần kinh cầu xin cho người ngoại. Thường con cái Israen vẫn nặng óc kỳ thị. Những người đạo đức thật thường tránh tiếp xúc với dân ngoại. Pháp luật cũng khắt khe với họ và luôn luôn họ cảm thấy bị phân biệt này; những người ngoại lại được nhà vua quan tâm như thế. Phải chăng là vì có một số người ngoại hiện diện trong buổi lễ? Họ là các đoàn đại sứ từ lân quốc tới? Hoặc là các kỹ sư thầu khoán ngoại quốc đã giúp vào việc xây dựng ngôi đền thờ hay là Salomon đã bắt đầu nhìn thấy có nhiều người từ phương xa mà đến vì danh Chúa, vì nghe biết danh Người, vì được kể lại các kỳ công của Người đã làm cho Dân, giống như nữ hoàng Phương Nam sau này nghe đồn về sự khôn ngoan của Salomon và đến để kiểm chứng. Dù bất cứ vì lý do nào, việc Salomon hôm nay cầu nguyện cho người ngoại cũng thật là ý nghĩa.
Ông cho thấy đền thờ Giêrusalem đây sẽ không phải chỉ là nơi thờ phượng của con cái Israen. Và Ðấng Thiên Chúa ngự nơi đền thờ này không phải chỉ là dân của một dân tộc nhỏ bé. Người ngoại cũng sẽ đến thờ phượng ở đây.
Thế nên xin Thiên Chúa cũng nghe tiếng họ cầu xin để cho hết thảy các dân thiên hạ được biết Danh Người. Salomon tỏ ra đã có quan niệm về tôn giáo phổ cập. Ông đã đi trước tâm lý của đa số người đồng thời. Ông xứng đáng là vị Hoàng đế Khôn Ngoan. Hoặc là chúng ta phải nghĩ rằng, trong khi cầu nguyện trước mặt Chúa, ông đã được ơn lạ lùng để nói tiên tri vừa để nói thay mặt Chúa vừa để tiên báo về tương lai. Sau này các dân thiên hạ sẽ nghe biết Danh Chúa, và khẩn cầu xin Người vì Người là Chúa duy nhất, Chúa của hết thảy mọi dân nước và các thế hệ loài người.
Chúng ta ghi nhớ bài sách Các Vua hôm nay. Và mỗi khi bước vào nhà thờ, ước gì lời cầu nguyện của Salomon lại vọng lên trong tâm trí chúng ta, để chúng ta nhớ nhà thờ nhỏ bé của chúng ta phải là nơi để cho nhiều người ngoại cũng đến. Chúng ta cầu xin cho lương dân nghe và nhận biết Danh Chúa. Chúng ta phải có tâm hồn và thái độ như Salomon để đón tiếp dân ngoại. Không cần nói thêm nữa, những suy nghĩ trên đây đã khiến chúng ta nhận ra dân "Công giáo" và những người "Công giáo" theo đạo "phổ cập" mà vẫn còn hẹp hòi; lòng trí chưa mở rộng đủ để bao quát mọi người trong tình mến. Không những chúng ta có thể còn thua kém Salomon... mà sánh với viên sĩ quan ngoại giáo trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng còn có thể cảm thấy một phần nào tự ti...
2. Cảm Phục Người Ngoại Giáo
Thật vậy, chính Chúa Giêsu đã phải ngạc nhiên nói với những người Do Thái đi theo Người hôm đó rằng: Ta chưa hề gặp một lòng tin lớn như thế trong Israen. Do đó câu chuyện kể trong bài Tin Mừng hôm nay muốn nói rõ về lòng tin của một người ngoại giáo. Người ấy là một viên bách quản, tức là một sĩ quan điều khiển một đơn vị chừng 100 quân. Có lẽ là một toán biên phòng. Không tất nhiên viên sĩ quan ấy phải là người Rôma. Chắc chắn ông là người ngoại giáo, nhưng có thiện cảm với tôn giáo của người Do Thái. Ông có thuộc hạng người "kính sợ Chúa" không? Ðiều này chúng ta không cần biết. Chính những người niên trưởng Do Thái đã công nhận; Ông ta quý mến dân Israen và chính ông ta đã xây cất hội đường cho họ. Do đó quan hệ giữa ông và người Do Thái phải là tốt đẹp. Và được như vậy là vì ông. Người ta phải có cảm tình với ông. Người ta nên biết giữa đám dân ngoại không thiếu gì những con người đặc sắc như thế, nếu chúng ta chịu khó đọc và tìm ra trong các sách Tin Mừng và sách Công vụ các Tông đồ.
Nhưng viên bách quản trong câu chuyện hôm nay tỏ ra là một người ngoại giáo quá đặc biệt. Ông có tên đầy tớ ốm liệt gần chết. Ông quý mến nó. Ông nghe biết Ðức Giêsu hay làm phép lạ. Ông tin Người nhưng lại không dám đến gặp, vì nghĩ mình là người ngoại. Không phải ông sợ bị hất hủi. Ông chỉ nghĩ đến sự bất xứng của mình. Do đó ông nói với người niên trưởng Do Thái để họ đi tiếp xúc với Ðức Giêsu. Lập tức Người lên đường đi đến nhà ông. Nghe biết việc này, ông lại càng thấy mình bất xứng, mặc dù chắc chắn lòng ông cảm động vô cùng. Ông vội phái người đi chặn Ðức Giêsu lại, xin Người đừng đến nhà ông. Ông thật bất xứng với ơn quá lớn lao như vậy, chỉ cần Người phán cho một lời, đứa đầy tớ sẽ được khỏi tức khắc, bởi vì lời của Người có quyền năng thì muốn sao cũng được. Ðứng trước một con người có những tâm tình cao cả và sâu xa như thế, Chúa Giêsu đã phải kinh ngạc. Người không thể không thốt ra lời phán xét: Ta bảo các ngươi, Ta chưa hề gặp được một lòng tin lớn thế trong Israen.
Câu chuyện có thể chấm dứt được rồi. Người ta đã thấy rõ tư cách và lòng tin của một người ngoại giáo. Không cần phải nói gì thêm nữa, vì ai cũng đã phải hằng phục một lòng tin như thế. Do đó tác giả Luca chỉ cần viết: khi trở lại nhà, các kẻ được phái đi đã gặp tên đầy tớ an lành khỏe mạnh. Chính một câu kết như vậy cũng cho thấy rõ mục đích của tác giả không phải là viết về một cuộc chữa bệnh lạ lùng, nhưng chỉ muốn nói đến đức tin của một người và người đó là người ngoại... Nói đúng hơn, tác giả muốn chúng ta phải bắt chước Chúa Giêsu ngạc nhiên và thán phục trước một lòng tin như thế. Tác giả cũng đã muốn người ta để ý đến những tư cách nhân bản và xã hội của viên bách quản, hầu người ta phải thay đổi rất nhiều quan niệm và thành kiến với người ngoại.
Chúng ta có thể nghĩ: vì Luca là người ngoại đã tòng giáo và thường làm việc nơi các giáo đoàn người Hy Lạp, nên dễ có cảm tình như thế với dân ngoại. Có thể như vậy. Tuy nhiên nếu so sánh với thái độ của Phaolô, vị tông đồ của dân ngoại, người ta vẫn phải công nhận nơi tác giả Luca có những nét độc đáo. Trong bài Tin Mừng hôm nay, rõ ràng Người cho thấy quan hệ Do Thái - dân ngoại kể là thoải mái: viên bách quản giúp người Do Thái, những người này giúp lại ông... Nếu tác giả ở đây có vẻ đề cao dân ngoại hơn, thì người ta cũng nên biết dường như người cũng có một ẩn ý khi viết: Viên bách quản nhờ mấy niên trưởng Do Thái đến xin Chúa Giêsu chữa cho tên đầy tớ của mình. Há Người chẳng có ý nói rằng: Ơn cứu độ đến bởi người Do Thái sao?
Chúng ta ghi nhận mọi ý kiến này và biết chắc bài Tin Mừng hôm nay không những muốn chúng ta phải có quan hệ tốt với người ngoại, mà hơn nữa chúng ta còn phải biết ngạc nhiên và thán phục trước tư cách nhân bản và đời sống đạo đức của bà con lương dân, hầu thấy công việc của Chúa đang muốn thực hiện cả nơi dân ngoại. Những cảm tình và thái độ như thế không luôn dễ dàng đâu. Còn nhiều tồn tại và thành kiến của quá khứ, khiến có thể chúng ta phải can đảm như Phaolô mới thi hành được ý Chúa. Chúng ta phải xem người trong bài thư hôm nay.
3. Truyền Giáo Cho Dân Ngoại
Thánh Tông đồ biên thư cho giáo dân ở Galát. Họ đang gặp một nguy hiểm lớn. Có những người Do Thái, nói đúng hơn có một số môn đồ Do Thái, đã theo đạo Chúa nhưng còn nặng óc thủ cựu, họ đến Galát định tâm đập phá công trình mà Phaolô đã xây dựng ở đây. Họ không ưa ngài vì đến giảng đạo chỗ nào ngài cũng chỉ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu và tuyệt nhiên không nói gì đến các tập tục Do Thái. Họ muốn rằng khi rao giảng Chúa Giêsu, người ta cũng phải loan báo và thiết lập những truyền thống Do Thái nữa, nhất là việc cắt bì và Luật pháp Môsê. Thiên Chúa đã không dùng dân Do Thái để mở đường cứu độ cho muôn dân sao? Người há đã chẳng hứa rằng mọi dân tộc sẽ được chúc phúc trong dòng dõi của Abraham sao?
Thế mà không công nhận cắt bì thì làm sao có thể được kể là thuộc miêu duệ nhà tổ phụ này? Ơn cứu độ đến tự người Do Thái, thì người ta chịu Do Thái hóa mới được lãnh nhận ơn này. Nghĩa là dù trong Ðạo Mới, người Do Thái cũng phải hơn người ngoại.
Nhưng Phaolô thì lại rao giảng khác hẳn. Người không buộc dự tòng và tân tòng cắt bì và giữ luật Môsê. Dĩ nhiên dân ngoại mừng lắm. Nhưng người Do Thái - kể cả các người Do Thái đã theo Ðạo Mới - bực mình khó chịu. Nhiều người trong bọn họ đến Galát để đã phá công việc truyền giáo của Phaolô. Họ nói xấu ngài, bảo rằng ngài không phải là tông đồ. Ngài đã không "ra vào" với Chúa Giêsu khi Người còn sống, như các tông đồ khác. Ngài không có tước hiệu nào để xưng mình là tông đồ.
Do đó công việc truyền giáo của ngài bất hợp pháp; Tin Mừng ngài rao giảng không đúng sự thật. Người Galát phải sửa chữa lại, tức là phải cắt bì và giữ luật Môsê.
Ở xa, Phaolô nghe biết sự việc. Ngài không chịu nên đã cầm bút viết ra bức thư này, mà hôm nay phụng vụ chỉ trích đọc mấy câu đầu.
Nhưng ngay từ câu thứ nhất, Phaolô đã tỏ ra cương quyết. Ai bảo ngài không phải đã là tông đồ? Chính Ðức Giêsu Kitô và Thiên Chúa Cha đã đặt ngài trong chức vụ này. Ngài đâu có như mấy người Do Thái hung hăng, đang làm náo loạn cộng đoàn Galát? Ai trao cho họ công việc họ đang làm? Nếu họ đã không tự phụ, tự ý làm công việc ấy, thì cùng lắm họ cũng đã chỉ được một người nào đó thôi tuyển dụng. Toàn là phàm nhân và công việc của loài người.
Trong khi ấy Phaolô làm công việc của Ðấng tuyển chọn ngài làm tông đồ. Chính Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh đã kêu gọi ngài trên đường Ðamas. Phải, xưa kia Phaolô đã không "ra vào" với Ðức Giêsu Kitô khi Người còn tại thế. Nhưng sức mạnh tông đồ nơi Phêrô, Gioan, Giacôbê... do tự đâu? Chỉ khi sống lại rồi, Người mới ban Thánh Thần cho môn đệ và các ông mới có sức mạnh tông đồ. Công cuộc truyền giáo của các ông chỉ đầy thần lực nhờ ơn Phục Sinh. Do đó ơn gọi tông đồ do tự Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã được Thiên Chúa Cha làm cho sống lại từ cõi chết. Và chính Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh đã kêu gọi và đặt Phaolô làm tông đồ. Thế nên Phaolô không thua kém một tông đồ nào cả. Tin Mừng ngài rao giảng đầy thần lực phục sinh. Kẻ nào nói có một Tin Mừng khác, thì dù nó là thiên thần, cũng hãy là đồ chúc dữ. Do đó các tín hữu ở Galát hãy kiên vững ở những điều Phaolô dạy. Thiên Chúa đã tỏ ra không kỳ thị dân tộc nào. Ở đâu có người tin Chúa thì Người làm cho họ nên một dân, Dân Mới của Người; cho dù họ là Do Thái hay Hy Lạp, từ nay họ chỉ còn là con cái Thiên Chúa và là anh em với nhau. Ðiều đáng kể duy nhất là lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã đến mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa đang kêu gọi mọi người chung phần Ơn cứu độ.
Hiểu biết tâm tư của thánh Phaolô như vậy, ai trong chúng ta còn muốn duy trì thành kiến nào nữa đối với dân ngoại. Nếu hai bài đọc Cựu Ước và Tin Mừng chưa khiến chúng ta giũ bỏ được mọi ý nghĩ tự tôn đối với những người ấy, thì lập luận tông đồ của bài thư Phaolô buộc chúng ta phải quý mến họ trong tinh thần truyền giáo. Và giờ đây cử hành mầu nhiệm Chúa Giêsu hiến dâng Thịt Máu Mình cho phần rỗi của mọi người, ta không thể dửng dưng nghĩ đến nhiều anh em lương dân, chưa nghe biết Danh Chúa và chưa đến thờ lạy Người, mặc dù đó là những người rất đáng cảm phục về tư cách và lòng đạo đức.
Xin Chúa ban thêm ơn cho những người giống như viên bách quản ngày xưa. Xin Chúa đưa them nhiều người vào cầu xin Danh Chúa trong các ngôi đền thờ của Hội Thánh. Nhất là xin Chúa cho xuất hiện thêm nhiều tông đồ dân ngoại và đừng để những người "đạo dòng" như chúng con cản trở lương dân yêu mến Chúa vì đời sống thiếu đạo đức và bác ái của chúng con. Ý thức được như vậy và cố gắng sống phù hợp hơn với Lời Chúa dạy dỗ trong các bài Kinh Thánh hôm nay, chắc chắn sẽ có thay đổi lớn trong các quan hệ giữa chúng ta và dân ngoại. Và việc này không khỏi tạo nên một bầu khí phấn khởi, tốt đẹp trong xã hội của chúng ta.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)