Giải Nghĩa Lời Chúa Năm A

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật trong Tuần Bát Nhật Lễ Giáng Sinh

Lễ Thánh Gia Thất Năm A

Chúa Yêsu Trong Các Gia Ðình Kitô Giáo

(Hc 3,2-6.12-14; Co 3,12-21; Mt 2,13-15.19-23)

 

Phúc Âm: Mt 2, 13-15. 19-23

"Hãy đem Con Trẻ và mẹ Người trốn sang Ai-cập".

Khi các đạo sĩ đã đi rồi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: "Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người". Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrôđê băng hà, hầu làm cho trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: "Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập".

Bấy giờ Hêrôđê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama, người ta nghe những tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa.

Khi Hêrôđê băng hà, thì đây thiên thần Chúa hiện ra cùng Giuse trong giấc mơ bên Ai-cập và bảo: "Hãy chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm hại mạng sống Người đã chết". Ông liền chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel. Nhưng nghe rằng Arkhêlao làm vua xứ Giuđa thay cho Hêrôđê là cha mình, thì Giuse sợ không dám về đó. Ðược báo trong giấc mộng, ông lánh sang địa phận xứ Galilêa, và lập cư trong thành gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua các tiên tri rằng: "Người sẽ được gọi là Nadarêô".

 

Suy Niệm:

(Lễ Thánh Gia Thất)

(Hc 3,2-6.12-14; Co 3,12-21; Mt 2,13-15.19-23)

Hôm nay Giáo hội muốn chúng ta nhìn vào gia đình Chúa Yêsu, Ðức Mẹ và thánh Yuse như là gương mẫu của đời sống gia đình Kitô giáo. Nhưng ba bài Kinh Thánh chúng ta vừa nghe đọc lại không phục vụ hoàn toàn mục tiêu trên. Cả ba bài, có thể nói, chẳng cho chúng ta thấy gì về nếp sống hàng ngày của Thánh gia thất. Bài sách Huấn ca của Cựu Ước khuyên người ta kính yêu cha mẹ. Bài thư Phaolô nói đến bổn phận của mỗi hạng người trong gia đình, nhưng không lấy Thánh gia làm gương mẫu. Còn bài Tin Mừng kể lại một truyện xảy ra trong đời sống của Thánh gia thất, nhưng cũng chẳng ngụ ý khuyên nhủ những nhân đức của đời sống gia đình. Muốn lấy Thánh gia thất làm mẫu mực cho các cách ăn nết ở trong nhà, chúng ta phải tìm đọc những bài Kinh Thánh khác.

Nhưng sao Phụng vụ lại không làm như vậy? - Thưa chỉ vì ý nghĩ lấy Thánh gia thất làm gương mẫu cho đời sống gia đình là một sáng kiến đến muộn trong lịch sử phụng vụ. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, Ðức Thánh Cha Lêô XIII mới lập ra lễ này. Còn trước đó, sau lễ Chúa Giáng sinh, Phụng vụ chỉ quan tâm kính nhớ những mầu nhiệm liên quan tới thời thơ ấu của Ðức Yêsu. Thành ra bài Tin Mừng hôm nay có trước. Ðời Ðức Lêô XIII mới thêm những bài Kinh Thánh về đời sống gia đình vào, mà không quan tâm đến các liên hệ với bài Tin Mừng. Do đó chúng ta có thể dựa vào hai bài đọc trước để nói về đời sống gia đình; và tìm hiểu bài Tin Mừng để biết thêm về mầu nhiệm của Chúa.

Ở đây, chúng ta thử tìm hiểu bài Tin Mừng để nhận ra ơn cứu độ qua một sự kiện đã xảy ra trong cuộc đời của Ðức Yêsu; rồi chúng ta tìm cách đưa ơn cứu độ đó vào đời sống gia đình. Có thể lúc ấy hai bài Kinh Thánh kia sẽ thêm ý nghĩa.

 

A. Ðức Yêsu Sống Ở Nagiarét

Câu chuyện trẻ Yêsu được đưa đi lánh nạn bên Aicập rồi được đưa về sống ở Nagiarét, chỉ được nói đến một lần mà thôi trong Kinh Thánh. Ngay cả Luca, tác giả về thời niên thiếu của Ðức Yêsu, cũng không ám chỉ đến câu chuyện này. Một mình thánh Mátthêô đã kể lại câu truyện chúng ta nghe đọc hôm nay. Người viết nó nơi phần đầu trong tác phẩm của người, phần mà người ta biết có tính thần học hơn là lịch sử. Bởi vì lịch sử cuộc đời Ðức Yêsu có thể nói chỉ công khai khởi sự từ khi Người chịu phép rửa của Yoan cho đến khi Người tử nạn - phục sinh. Thánh Phêrô đã quy định lời rao giảng của các Tông đồ về Chúa Yêsu trong quãng thời gian đó. Những bài viết về việc Người giáng trần và sống trong gia đình đã đến sau để bổ túc cho "lời giảng" của các Tông đồ. Chúng nặng tính cách suy tư thần học hơn là viết lại các câu truyện lịch sử.

Vậy Matthêô có những ưu tư và suy nghĩ nào khi thuật lại những việc xảy ra trong cuộc đời niên thiếu của Ðức Yêsu? Chúng ta có thể coi những bài viết về cuộc đời của Người trước khi chịu phép rửa tại sông Hòa giang như những chương giới thiệu "bản Tin Mừng" sẽ được viết ở các chương sau. Và những bài đề tựa ấy tóm tắt và cô đọng giáo lý sẽ được diễn tả sau này. Có thể nói Matthêô đã muốn giới thiệu Ðức Yêsu trong những chương đầu tiên với tất cả sự hiểu biết và niềm tin của người, để độc giả không bao giờ quên chân tướng đích thực của Ðức Yêsu trong các diễn tiến của các năm Người hoạt động ở đất Dothái. Matthêô tin Người là Ðấng Thiên Sai đến thi hành mọi lời tiên tri. Thế nên Người phải thuộc dòng tộc Ðavít. Matthêô nhấn mạnh đến Yuse trong các chương đầu của tác phẩm Tin Mừng cũng vì lý do này. Có thể nghĩ tác giả đã quan tâm đến các truyền thống về phía thánh Yuse hơn là về phía Ðức Maria, để làm chứng Ðức Yêsu thuộc dòng dõi Ðavít. Nhưng không vì vậy mà ông quên việc Ðức Yêsu "sinh ra bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần" để ngay từ đầu độc giả phải nhìn nhận Người là Con Thiên Chúa.

Người sinh ra để cứu thế; nên cũng ngay từ đầu Matthêô cho chúng ta thấy ơn cứu độ của Người đã lan ra khắp thế giới. Câu truyện Hài Nhi tỏ mình ra cho các đạo sĩ từ phương Ðông đến có mục đích phục vụ quan điểm này. Nhưng Người chỉ cứu thế bằng con đường Tử nạn - Phục sinh; nên sau bài tường thuật trên, Matthêô đã kể lại câu truyện chúng ta đọc hôm nay về trẻ Yêsu.

Ở đây, Yuse vẫn đóng vai chủ chốt, làm chứng đây còn là di tích của những câu truyện được truyền tụng trong đám họ hàng thân thích của Yuse, đề cao ý nghĩa Ðức Yêsu thuộc dòng dõi Ðavít. Yuse đóng vai chính trong câu truyện này, nhưng chỉ là vai trò phục viên, làm tất cả mọi việc vì Chúa Yêsu và cho Chúa Yêsu. Matthêô không nhắc đến tên Hài Nhi để biểu lộ cả một lòng tôn thờ. Ông nhìn thấy "mệnh" của Người trong những lời tiên tri Hôsê, Yêrêmia và sách Xuất hành. Ông tin rằng Người mới đích thực là Israel của Thiên Chúa. Thế mà Israel đã được đưa từ Aicập về nên câu truyện Hài Nhi phải đưa sang Aicập rồi được đưa từ đó về, há không muốn viết lại lịch sử Israel cũ sao? Và đã nói đến cuộc Xuất hành khỏi Aicập, làm sao có thể không nghĩ tới Môsê? Nhưng đối với Matthêô, Môsê đích thực là chính Chúa Yêsu. Thế nên ông không thể viết câu truyện Hài Nhi được cứu thoát khỏi bàn tay Hêrôđê mà không nghĩ tới truyện Môsê ngày trước được cứu khỏi nước, rồi được đưa sang vùng đất Mađian cho tới khi "chúng đã chết rồi, mọi kẻ tìm hại mạng Người" (Xh 4,19-20). Khi viết lại câu Kinh Thánh này, rõ ràng Matthêô muốn tuyên xưng niềm tin Chúa Yêsu là Môsê mới.

Hôm nay chúng ta thấy Người được đem đi lánh nạn rồi trở về Nagiarét. Hêrôđê đã hoài công làm đổ máu nhiều người vô tội. Chúa Yêsu đã không thoát khỏi tay Philatô và đang là Chúa sống lại ban sức mạnh cho các Tông đồ để khởi sự hoạt động của Hội Thánh từ "Galilê dân ngoại" đó sao? Như vậy, câu truyện Hài Nhi được cứu thoát hôm nay chẳng muốn diễn tả cuộc Tử nạn - Phục sinh của Chúa Yêsu đó sao? Matthêô trong câu truyện này muốn báo trước việc thế gian muốn giết Chúa Yêsu, nhưng Người đã sống lại mạnh hơn bao giờ hết từ cõi chết. Có lẽ đó mới là những điều Matthêô muốn diễn tả thật sự khi viết nên câu truyện này.

Chúng ta có thể tóm tắt được như sau: tác giả đã dùng một câu truyện truyền tụng trong đám bà con họ hàng của Yuse để giới thiệu Chúa Yêsu, không phải là một Hài Nhi ở Nagiarét mà là Ðấng Thiên Chúa đang sống động trong lời giảng của các Tông đồ. Người là Vị Thiên Sai của Thiên Chúa sinh ra trong dòng dõi Ðavít. Người là Israel mới mà Thiên Chúa cứu chuộc. Người là Môsê đích thực đã được cứu thoát để xây dựng Dân Mới cho Thiên Chúa. Ý đồ tương tự nơi Israel cũ trong thời gian ở Aicập và lưu đày ở Babylon. Nhưng nhất là nó báo trước cuộc Tử nạn - Phục sinh của Chúa Yêsu: thế gian tưởng giết chết được Người, nhưng kìa Người đã sống lại và đang ở "Babylon dân ngoại" tức là Hội Thánh của chúng ta hiện nay.

Chúng ta hãy nghe Matthêô tuyên xưng niềm tin phong phú ấy để yêu mến Chúa Yêsu nhiều hơn và lãnh nhận lấy ơn cứu độ từ nơi Người.

Nhưng Người có thể làm gì cho các gia đình Kitô giáo của chúng ta qua câu truyện hôm nay không?

 

B. Sự Sống Của Chúa Yêsu Trong Các Gia Ðình Kitô Giáo

Bài học đầu tiên mà chúng ta cò thể dễ dàng rút ra từ câu truyện kể trong bài Tin Mừng, là Thánh gia thất nêu gương sáng cho mọi gia đình Kitô giáo phải luôn tôn thờ và tuân phục Thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta đã nói, trong câu truyện này, thánh Yuse tỏ ra là một phục viên hoàn toàn. Người nghe theo. Ý Chúa tỏ ra qua lời dạy bảo của thiên thần. Ðang đêm người đã chỗi dậy mang Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn sang Aicập. Và hai ngài cũng để cho ông làm như ý muốn, chứng tỏ cả Thánh gia thất đều mật thiết một lòng một ý trong việc tuân theo Ý Chúa.

Ước gì mọi gia đình Kitô giáo duy nhất với nhau như vậy trong việc tôn thờ và thi hành Thánh Ý Thiên Chúa! Và trước hết ước gì mỗi người trong các gia đình Kitô giáo luôn nhớ rằng có một Thánh Ý Thiên Chúa đang muốn cho mình phải thi hành. Chúng ta không tự lập và gia đình chúng ta cũng không hoàn toàn tự lập. Có Ðấng Sinh Thành mọi loài ở trên chúng ta. Ngài có sẵn một chương trình mưu cầu hạnh phúc cho hết thảy mọi người. Hạnh phúc của mọi người và của xã hội là thi hành kế hoạch kỳ diệu ấy. Thế nên gia đình phải đạo đức, phải công nhận và tôn thờ Ðấng ở bên trên mình. Ðại hội các Giám mục Việt Nam năm 1980 viết: Gia đình Kitô giáo phải là nơi cầu nguyện, nơi tiếp xúc với Thiên Chúa để biết Thánh Ý Người đối với đời sống của chúng ta. Và chúng ta không thể làm được công việc này khi trong gia đình không có lòng yêu chuộng việc học hỏi Lời Chúa và Giáo lý. Qua việc đọc Thánh Kinh và các sách đạo đức, các người trong gia đình mới nhận ra được Ý Chúa muốn cho mình làm gì và sống thế nào để bản thân được hạnh phúc, gia đình được thuận hòa, xã hội được vinh quang. Bởi vì càng đọc Lời Chúa, chúng ta càng thấy Thiên Chúa mở ra trước mắt mình một chương trình cứu độ muốn làm cho mọi người được hạnh phúc, và các phương thế nào giúp thi hành các chương trình ấy. Giống như trong bài Tin Mừng hôm nay, khi thấy Ðức Yêsu được đưa từ Aicập về để sống ở Galilê, tác giả Matthêô đã nhìn thấy kế hoạch của Thiên Chúa muốn cứu Dân Mới là Hội Thánh của Người và làm cho Dân ấy ngày càng lan rộng ra các dân ngoại.

Nếu các người trong gia đình Kitô giáo luôn nhớ đến chương trình cứu độ của Thiên Chúa như vậy mà có lòng tôn thờ và vâng phục, thì gia đình mới khỏi là một tế bào khép kín và mới sống mở sang xã hội và mới đạt được mục đích mà Thiên Chúa đã đặt định khi lập ra nếp sống gia đình để loài người sinh sản ra thêm mãi cho đầy mặt đất và bá chủ trời đất này. Bấy giờ hai bài đọc kia, bài sách Huấn ca, và bài thư Phaolô mới thêm nhiều ý nghĩa.

Con cái sẽ thảo kính cha mẹ như lời sách Huấn ca dạy theo một tinh thần mới, tức là để tôn thờ Thánh Ý Chúa, để cho Chúa thấy lòng yêu mến của mình chứ không phải vì những lý lẽ tự nhiên và xác thịt. Phải, ở trong một xã hội đã đổi mới hoàn toàn, theo xác thịt nhiều khi con cái lớn lên không nhìn thấy cha mẹ là những người hợp thời và vì thế dễ mất lòng kính yêu cha mẹ. Nhưng những thái độ vô phép với cha mẹ chẳng bao giờ đem lại hạnh phúc. Ngược lại như cómột lời chúc dữ đang đè nặng trên tương lai của những người con dại dột ấy. Bài sách Huấn ca khuyên bảo con cái hãy có lòng đạo đức yêu mến Chúa trong cách cư xử với cha mẹ. Chắc chắn đó là con đường dẫn đến tương lai tốt đẹp và hạnh phúc.

Còn bài thơ Phaolô rất phong phú và muốn nói với hết thảy mọi người. Thánh Tông đồ khuyên chúng ta hãy mặc lấy đức mến là giềng mối của sự trọn lành. Và đức mến nói đây chính là sự bình an của Ðức Kitô ở trong lòng chúng ta, là Lời Ðức Kitô ngụ nơi tâm hồn để phàm điều gì chúng ta làm, ngôn hành bất luận, mọi sự thảy đều làm vì Danh Chúa Yêsu. Lúc ấy không phải chúng ta dễ nhường nhịn nhau và tha thứ cho nhau mà thôi, mà ai ai cũng sẵn có tinh thần muốn làm cho người khác được phong phú để cuộc đời của mình như để tận hiến cho người khác được hạnh phúc. Và như vậy há chúng ta chẳng chia sẻ một tâm tình như Thánh gia thất ngày xưa sao, vì bài Tin Mừng đã cho chúng ta thấy Thánh gia thất đã chỉ biết một việc là tuân theo Ý Chúa, và Ý Chúa là muốn Thánh gia thất về sống ở Galilê dân ngoại, tức là cống hiến đời mình cho công cuộc cứu thế.

Do đó, mừng lễ Thánh gia thất hôm nay chúng ta thêm lòng yêu mến thánh Yuse, Ðức Mẹ và Chúa Yêsu. Chúng ta cám ơn các Ngài đã hy sinh, vất vả vì chúng ta và để mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Chúng ta xin Thánh gia thất trở nên gương mẫu cho mọi gia đình Kitô giáo từ nay biết đặt Thánh Ý Chúa lên trên để không những biết sống thuận hòa yêu thương nhau, mà hơn nữa còn biết thi hành Thánh Ý Chúa là cởi mở sang cả thế giới, muốn phục vụ hạnh phúc của đồng bào và của mọi người, để có thể nói mọi gia đình Kitô giáo là một thánh gia thất ở Galilê dân ngoại, tức là biết chuyển ơn cứu độ của Chúa đến môi trường chung quanh. Muốn vậy chúng ta hãy bắt đầu bằng việc dâng lễ sốt sắng để nhờ việc Chúa ngự vào tâm hồn mọi trái tim chúng ta trở thành một thánh gia cho gia đình chúng ta và cho mọi gia đình khác.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page