Giải Nghĩa Lời Chúa Năm A
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúa Nhật 4 Mùa Vọng Năm A
Ðức Maria Ban Chúa Cứu Thế
(Ys 7,10-14; Rm 1,1-7; Mt 1,18-24)
Phúc Âm: Mt 1, 18-24
"Chúa Giêsu sinh ra bởi Ðức Maria, đính hôn với Thánh Giuse con vua Ðavít".
Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, bạn của bà, là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo.
Nhưng đang khi định tâm như vậy thì thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: "Hỡi Giuse, con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần: bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội".
Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng Tiên tri phán xưa rằng: "Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta".
Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.
Suy Niệm:
(Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm A)
(Ys 7,10-14; Rm 1,1-7; Mt 1,18-24)
Truyền thống vẫn gọi Chúa nhật này là Chúa nhật của Ðức Mẹ. Bài sách tiên tri Isaia nói về một Trinh nữ sẽ sinh con trai. Và bài Tin Mừng kể chuyện về việc Ðức Maria mang thai. Như vậy, Phụng vụ muốn ta suy nghĩ về việc Ðức Mẹ ban Chúa Cứu Thế cho chúng ta và chúng ta hãy đón nhận Người.
A. Ðức Maria Ban Chúa Cứu Thế
Thật ra, bài tiên tri Isaia không trực tiếp nói về Ðức Mẹ và Chúa Cứu Thế. Các học giả bàn nhiều về đoạn văn vắn tắt này. Ðại khái bối cảnh của đoạn văn như sau: Akkaz bấy giờ là vua xứ Yuđa. Mấy vua phía Bắc lăm le xâm lăng xứ sở của ông. Ông sợ hãi. Thay vì trông cậy vào Chúa, ông lại chỉ nghĩ đến việc xin viện trợ nước ngoài. Isaia đến can gián ông, khuyên ông tin tưởng vào Chúa. Ông vẫn không nghe và sai sứ ra ngoại quốc xin viện binh. Ðồng thời ông tiếp tục đường lối tội lỗi, lập các đền thờ quấy, đến nỗi thiêu sinh cả con mình để làm lễ tế. Isaia đến can thiệp lần nữa. Và để bảo đảm lời khuyên của mình, nhà Tiên tri giục vua cứ xin một dấu chỉ, dù ở trên trời hay ở dưới đất: tức là nhà vua xin dấu chỉ nào, Chúa cũng sẽ cho để làm chứng rằng lời tiên tri nói là thật. Nhưng nhà vua vốn không tin Chúa. Vua lại sợ xin được dấu chỉ sẽ phải tin lời tiên tri và phải từ bỏ tà thần để sống trung thành với Chúa. Ông giở giọng đạo đức, nói rằng loài người không nên thử thách Thiên Chúa, cốt ý để ông khỏi phải nghe Lời Chúa dạy. Isaia bực mình, coi nhà vua như dân ngoại rồi. Ông nói: làm loài người khó chịu thôi chưa đủ sao mà còn làm cực lòng Chúa tôi? Chúa tôi, chứ không phải là Chúa của các ông nữa, Isaia muốn nói như thế. Tuy nhiên, chẳng ai cưỡng lại được lệnh Chúa: Này, Chúa sẽ cho nhà Ðavít một dấu chỉ: Cô Nương sẽ sinh con trai và Danh Người là Chúa-ở-cùng-chúng-ta.
Ðây là một sự vô cùng bất ngờ. Người ta cứ tưởng dấu chỉ mà Chúa sẽ cho là một điềm dữ vì thái độ của Akkaz như vậy. Nhưng ngược lại đây là một điềm lành, một dấu chỉ vô cùng quý hóa. Nhà Ðavít sẽ có thái tử kế vị và vị hoàng đế này sẽ đẹp lòng Chúa, đến nỗi Chúa sẽ ở giữa dân. Như vậy không phải lo gì chiến tranh. Tương lai của Yuđa còn đó vì sau nhà vua này vẫn còn hoàng tử kế vị. Hơn nữa vị Vua tương lai sẽ được Chúa ở cùng và dân chúng sẽ được hạnh phúc.
Mà quả thật, các vua phương Bắc đã phải rút quân. Akhaz có hoàng tử kế vị là Ezêkia. Thoạt đầu nhà vua này rất đạo đức, khiến cả nước đều vui mừng. Nhưng về sau, ông đã tội lỗi, sa ngã... Như vậy ông chưa ứng dụng hết lời tiên tri. Có lẽ ngay từ cuối đời Isaia, người ta đã nghĩ lời tiên tri kia còn phải đi xa hơn nữa và phải đưa về Ðấng Cứu Thế. Do đó lời Isaia đã trở thành lời tiên báo về Ðấng Thiên Sai, mặc dầu gần thì đưa về Eāzêkia. Và truyền thống Tân Ước đã mau mắn dùng bản dịch HyLạp để đọc chữ "Cô Nương" trong lời tiên tri trên là "Trinh Nữ". Và từ đó ta có câu: "Một Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một Con Trai, được gọi tên là Emmanuel".
Ðặt trong bối cảnh của lịch sử, lời tiên tri này nói lên lòng Chúa tốt lành nhường bao! Ðang khi loài người, (như Akkaz vua Yuđa) tội lỗi và khước từ mọi cố gắng yêu thương cứu giúp của Chúa, Chúa đã không giận dữ, nhưng vẫn dự tính chương trình cứu chuộc đầy tình thương, không thể ngờ được.
B. Chúng Ta Ðón Nhận Thế Nào?
Chắc chắn không ai muốn bắt chước Akkaz. Nhưng trong thực tế nhiều người đã theo đường lối của ông. Thiên Chúa đã ban cho ta một Hài Nhi. Nhiều người không nhận, vì sợ phải bỏ nếp sống cũ. Lễ Giáng sinh sắp đến nhắc lại Ân ban của Chúa. Chúng ta sẽ đón nhận thế nào? Bài Tin Mừng hôm nay nêu cho chúng ta một gương mẫu. Chúa dạy Yuse hãy nhận lấy Maria và Con Trẻ. Câu truyện xem ra có nhiều điều khó hiểu. Chúng ta hãy nhớ lại bối cảnh và ý của thánh Matthêô khi viết bài này.
Ai cũng biết, các tín hữu thời Giáo hội sơ khai không quan tâm nhiều lắm đến cuộc đời thơ ấu của Ðức Kitô. Họ tin Ngài đã sống lại sau khi chết. Việc này làm chứng Ngài là Người Thiên Chúa Cha gửi tới, và là Thiên Chúa. Do đó phải nghe Lời Ngài, giữ lệnh Ngài và chờ đợi Ngài và chờ đợi Ngày Ngài trở lại. Thánh Matthêô, khi viết quyển Tin Mừng, cũng chỉ quan tâm trình bày những điều ấy. Và để cho người Dothái hiểu: Ðức Kitô thực sự là Ðấng Thiên Sai do Chúa Cha gởi tới, ngài phải làm chứng Ðức Kitô là con vua Ðavít. Thế mà ngài lại biết Ðức Kitô đã không sinh bởi ý muốn nam nhân, nhưng do tự Thiên Chúa Cha. Ðức Kitô chỉ có một người mẹ đồng trinh như lời Isaia đã tiên báo. Làm thế nào để có thể nói Ngài là Con Vua Ðavít? Thánh Matthêô đã phải tìm hiểu. Và bài Tin Mừng hôm nay là kết quả. Yuse, thuộc dòng dõi Ðavít đã đính hôn với Maria. Maria được chọn, được truyền tin. Yuse thắc mắc. Sứ thần Chúa hiện ra báo tin cho Yuse. Một người công chính chờ đợi Ðấng Thiên Sai như ông lập tức chỉ còn một thái độ: hân hoan đón nhận tin mừng; được tin này là được tất cả: không gì ở trần gian này còn đáng kể nữa; từ nay chỉ còn sống cho Tin Mừng, vì như lời Ðức Kitô nói sau này: Ai tìm được Nước Trời rồi sẽ bán tất cả, cho đi tất cả để nhận lấy Tin Mừng, sống với Tin Mừng, hy sinh cho Tin Mừng. Thế nên thánh Matthêô đã không cần kể chuyện dài dòng. Những thắc mắc của ta, của những con người ít đạo đức, có thể nói là tiểu nhân thích để ý đến những chi tiết nhỏ mọn và bỏ rơi điều chính yếu, những thắc mắc của ta liên quan tới liên hệ giữa Maria và Yuse đã không được Matthêô gợi đến. Ta hãy theo gương thánh nhân: nhìn vào điểm chính yếu và Tin Mừng Chúa gởi đến cho ta. Qua miện sứ thần, Chúa báo tin: "Một Trinh Nữ sẽ sinh cho ta một Con Trai". Nghe tin ấy, Yuse đã đón nhận ơn cứu độ hằng chờ mong. Và nhờ việc ông đón nhận, và lãnh trách nhiệm đặt tên cho Con Trẻ, nhận Con Trẻ là con của mình, Ðức Kitô trở thành Con vua Ðavít như lời các tiên tri đã loan báo. Yuse thấy mình gần Maria hơn, hiệp nhất với nhau hơn cả những đôi bạn uyên ương, vì cả hai đã đồng thân đồng phận, trở thành dụng cụ cho chương trình của Thiên Chúa, được là những người đầu tiên lãnh nhận Lời Hứa từ bao ngàn năm để đem lại cho loài người. Chỉ những ai không hiểu giá trị ơn cứu chuộc và không đánh giá đúng mức tinh thần của Yuse và Maria, mới còn nêu ra những câu hỏi vụn vặt. Ngược lại, ai coi việc Chúa ban Ơn Cứu Ðộ là lớn, là hạnh phúc vượt quá mọi hạnh phúc và bao gồm hết thảy mọi phúc lộc, sẽ bắt chước Maria và Yuse, từ bỏ mọi sự, hy sinh mọi sự để đón nhận Ơn Chúa và cho đến chết sẽ chỉ còn biết sống cho Ơn đó.
C. Thái Ðộ Thực Tế
Lễ Chúa Giáng sinh đã gần đến. Chúng ta muốn đón nhận Chúa sâu xa ư? Hãy theo gương Ðức Maria và thánh Yuse. Lấy Chúa làm đủ và sẵn sàng hy sinh mọi sự vì Chúa. Và như Ðức Maria góp máu thịt với Ngôi Lời, như Yuse giúp Chúa trở thành Con vua Ðavít, chúng ta phải làm gì để đưa Chúa vào thế gian, vào xã hội? Mà thế gian, xã hội trước hết là con người và đời sống của ta. Nếu Chúa ngự trị trong con người của ta hơn, khi ta xua đuổi mọi tâm tư, cảm nghĩ, khuynh hướng xác thịt và thế gian đi, Chúa sẽ nhập thế nơi ta vì ta đã trở thành Kitô hữu nhiều hơn. Và nếu thái độ, hành vi của ta nơi xã hội chiếu tỏa tinh thần của Chúa, xã hội sẽ thấy Ơn Chúa hiện đến với mọi người và ta sẽ như Yuse đưa Chúa vào dòng dõi loài người.
Chúng ta không cần đợi đến lễ Giáng sinh để đón nhận Chúa và sống cho Chúa như vậy. Thánh lễ cử hành bây giờ cũng ban cho chúng ta một Hài Nhi. Nếu ta đón nhận như Ðức Maria và thánh Yuse, ra khỏi nhà thờ hôm nay ta có thể coi mình như một Phaolô: tôi đã được chọn làm Tông đồ của Ðức Yêsu Kitô. Ngài là Lời Hứa từ ngàn xưa, đã nhập thế trong lòng Ðức Maria và đã sinh ra là Con vua Ðavít nhờ thánh Yuse. Nay Ngài dùng tôi và đời sống của tôi đem Tin Mừng của Ngài đến cho mọi người, để tất cả chúng ta đều trở nên thánh thiện và chứa chan ơn lành và bình an.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)