Giải Nghĩa Lời Chúa Năm C

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Áp Chúa Nhật cuối tháng 10

Chúa Nhật Lễ Truyền Giáo Năm A

Ơn gọi Kitô hữu và ơn gọi tông đồ là một

(Isaia 2,1-5; Công Vụ 11,19-26; Tin Mừng Gioan 17,11b.17-23)

 

Lời Chúa: (Gioan 17,11b.17-23)

(11) Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.

(17) Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. (18) Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. (19) Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến. (20) Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, (21) để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.

(22) Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: (23) Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.

 

Suy Niệm:

Hôm nay, ngày Chúa Nhật Truyền Giáo, Hội Thánh muốn chúng ta suy nghĩ về việc đem Tin Mừng cứu độ của Chúa Yêsu Kitô đến cho lương dân, để làm cho họ cũng trở nên môn đệ của Người. Chúng ta đừng vội kêu lên: làm sao chúng tôi làm được việc ấy? Ngay việc giữ đạo cũng đã khó rồi, huống nữa còn nói đến việc truyền giáo! Ðàng khác, chúng tôi đến với lương dân thế nào được? Ai làm việc nhà thay cho chúng tôi? Dễ gì mà tiếp xúc với người ta? Và ai mà lại không có lập trường? Vấn đề làm cho người khác "trở lại" xem ra không còn dễ như ngày trước nữa...

Nhưng nói gì thì nói, rõ ràng Lời Chúa hôm nay muốn sai chúng ta đến với lương dân. Và chúng ta không thể sống đẹp lòng Chúa nếu không thao thức làm cho lương dân trở thành môn đệ của Người. Vậy, chúng ta phải tìm hiểu lý do tại sao chúng ta được sai đi, sai đi để làm gì và phải làm việc ấy thế nào?

 

A. Lý Do Truyền Giáo

Chính Ðức Yêsu hôm nay trong bài Tin Mừng đã nói lên lý do tại sao chúng ta được sai đến với lương dân. Người nói: "Như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian". Qua lời vắn tắt ấy, Chúa Yêsu công khai sai các môn đệ của Người đi. Người chọn họ để sai đi. Ơn gọi Kitô hữu và ơn gọi tông đồ là một, vì tông đồ chỉ có nghĩa là được sai đi. Thế nên Công đồng Vatican II đã khẳng định Giáo Hội là Giáo Hội truyền giáo. Giáo Hội gồm những người được sai đi. Và Truyền giáo là lẽ sống của Giáo Hội. Mọi người trong Giáo Hội phải truyền giáo. Không truyền giáo là không thi hành ơn gọi của mình.

Và Chúa Yêsu không thể làm thế khác. Người không thể cứu chuộc ai mà đồng thời lại không sai họ đi. Người không thể nhận ai vào thân thể của mình mà lại không để cho họ thông phần vào sự sống của Người. Mà sự sống của Người là làm theo ý Chúa Cha, là tham dự sự sống của Chúa Cha, là chia sẻ tất cả những gì Chúa Cha có. Thật sự, chẳng ai thấy Chúa Cha bao giờ... Và chẳng ai biết được Người, ngoại trừ Chúa Con. Thế mà Chúa Cha đã cho chúng ta biết: Chúa Cha yêu thương loài người đến nỗi đã ban Con của Người cho họ để họ được sự sống của Người. Nghĩa là chúng ta đã được biết Chúa Cha là Bác ái, Yêu thương; là Ðấng thương yêu loài người và muốn cứu chuộc loài người. Chính vì lòng yêu thương vô vàn đó mà Người đã sai Con của Người xuống thế. Và Con của Người đến với loài người không để làm công việc nào khác ngoài chính việc thi hành lòng yêu thương của Chúa Cha muốn cứu độ mọi người. Thế nên khi chúng ta đang còn là tội nhân, thì Chúa Con đã hy sinh dâng mình làm lễ tế cứu chuộc chúng ta. Người là Sứ giả của Chúa Cha, là Tông Ðồ của Chúa Cha sai xuống cứu độ trần gian. Người đã làm công việc ấy khi trở thành giá cứu chuộc mọi người trong mầu nhiệm tử nạn - phục sinh. Và chính khi làm công việc này, Người đã muốn sai chúng ta vào thế gian, như lời bài Tin Mừng hôm nay chúng ta vừa nghe đọc.

Hôm ấy, trước giờ chịu nạn, Chúa Yêsu đã ngước mắt lên cầu nguyện. Người ý thức Chúa Cha đã sai Người vào thế gian. Này đây, Người dâng mình "tự thánh hóa" để thánh hóa chúng ta, tức là cứu độ chúng ta. Không phải để chúng ta tiếp tục sống sự sống của mình và cho mình, nhưng là để chúng ta nhận được sự sống mới đang chảy đến cho các tín hữu của Chúa từ cạnh sườn Ðấng bị đâm thâu, đang thống thiết cầu xin Chúa Cha tha tội cho mọi người. Sự sống mới đến với chúng ta, do đó, là ơn tha thứ, ơn xóa bỏ tội lỗi, ơn giao hòa tội nhân với Thiên Chúa, ơn đưa tội nhân vào dòng nước thanh tẩy, ơn muốn những ai được tha thứ lại đi cứu vớt người khác. Chính vì thế mà trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Yêsu lại nói: "Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ nhờ lời chúng mà tin vào Con". Nghĩa là không những Ðức Kitô chỉ thánh hóa chúng ta. Người gián tiếp dạy chúng ta đã được thánh hóa thì phải ra đi làm cho kẻ khác cũng được thánh hóa để tất cả nên một.

Như vậy rõ ràng sứ mệnh được sai đi gắn liền với vinh dự được thánh hóa. Ơn gọi truyền giáo gắn liền với danh hiệu Kitô hữu. Hết mọi tín hữu phải làm tông đồ, cho dù danh xưng này nhiều khi được dành để gọi những người chuyên môn làm việc truyền giáo. Nhưng cho dù có các chuyên viên truyền giáo, hết mọi người vẫn phải truyền giáo vì sự sống mới của Chúa Yêsu mang vào thế gian là chính tình yêu của Chúa Cha muốn cứu vớt mọi người. Ai nhận được sự sống ấy, phải ra công cứu thế; bằng không, nó sẽ không phát triển và dần dần sẽ hao hụt đi. Sự sống mà không vươn lên thì nó sẽ tắt đi. Chỗ nào không truyền giáo, sự sống ở nơi đó sẽ suy yếu.

Ý thức lý do truyền giáo như thế, chúng ta sẽ thấy đây là vấn đề nhiệm vụ và là lẽ sống của chúng ta. Chúng ta bị động, vì bàn tay Chúa đã để trên chúng ta, vì chúng ta đã nhận được sức sống mạnh mẽ của Thiên Chúa muốn cứu vớt mọi người. Chúng ta "bị bắt" làm tiên tri vì Chúa chứ không phải vì người ta, nếu nói được như vậy. Và chúng ta nên nói như thế để khi đến với lương dân, chúng ta không có thái độ tự tôn, coi mình như kẻ làm ơn đến kéo họ ra khỏi nơi tối tăm lầm lạc. Chúng ta sẽ theo gương Chúa Yêsu đã được Chúa Cha sai đến với loài người. Người khiêm tốn đến tìm các người em đi lạc của Nhà Cha trên trời. Người mang tình yêu của gia đình đến. Người khơi lên những tâm tình sâu sắc bị chôn vùi dưới nhiều cảm nghĩ sai lầm. Người dạy chúng ta đến với lương dân như để họ và ta cùng khám phá ra cả hai đều có một Cha chung trên trời và chúng ta thật sự là anh em với nhau. Việc đó làm cho Danh Cha cả sáng, nhưng đồng thời cũng làm cho chính chúng ta hết thảy thêm phong phú... Truyền giáo như vậy không phải chỉ là trao ban mà còn đón nhận. Và ai dám nói bên nào nặng hơn bên nào? Thực tế nhiều khi chúng ta ra đi chưa làm được gì cho người khác, nhưng đã mang về nhiều kết quả cho mình rồi vì mình đã sống đạo mạnh mẽ. Như vậy, lại thêm lý do nữa để chúng ta nhiệt tình hơn với việc truyền giáo.

 

B. Nhưng Truyền Giáo Thế Nào?

Không ai ra đi nếu không được sai phái. Có những người được chính thức sai đi. Ðó là các nhà truyền giáo. Nhưng chính họ cũng chỉ đuợc sai đi chính thức vì sứ mệnh nội tại của Giáo hội và vì tiếng gọi tông đồ khẩn thiết của chính ơn gọi làm Kitô hữu, như chúng ta đã trình bày ở trên. Do đó, trước khi nói đến việc ra đi đến với lương dân, phải chú trọng đến sức sống Kitô giáo mạnh mẽ ở trong tâm hồn. Thế mà nhiều khi chúng ta không có điều kiện này. Những khi đó, ước gì chúng ta được như Isaia.

Nhà tiên tri hồi ấy sống trong một hoàn cảnh bi đát. Dân Chúa dường như không có tương lai. Miền Bắc và miền Nam không thống nhất. Hai bên càng ngày càng tiêu điều. Chung quanh, các dân tộc chỉ chiến tranh chém giết. Suy nghĩ con người chỉ có bi quan yếm thế. Nhưng nhà Tiên tri có niềm tin vào mạc khải. Ông biết Chúa đã chọn Dân Người. Người muốn cứu độ các dân tộc. Người đã mạc khải như vậy ngay từ thời Abraham. Thế nên Isai lên tiếng giữa cảnh tang thương. Ông tuyên bố Sion sẽ được khôi phục. Muôn dân sẽ tiến về đó. Khắp nơi sẽ bước theo đường lối của Chúa. Và người ta sẽ uốn lưỡi gươm thành lưỡi cày; và thay vì chém giết lẫn nhau, các dân tộc sẽ hân hoan đồng hành theo ánh sáng của Chúa.

Ở thời bấy giờ mà Isaia đã có được niềm tin như vậy. Ông đã nói lên được kế hoạch yêu thương cứu độ của Thiên Chúa. Và ông không ngớt chia sẻ cái nhìn cứu thế ấy cho mọi người. Còn chúng ta, những người đã được nhìn thấy ơn cứu độ tỏ hiện của Thiên Chúa, nhiều khi chúng ta không nhìn xa thấy rộng. Chúng ta chỉ quanh quẩn với các vấn đề sinh nhai của mình. Chúng ta ít sống bằng niềm tin và không đặt mình vào giòng lịch sử. Thiên Chúa đang đưa lịch sử đi mà chúng ta không tham gia. Người đang đưa muôn dân vào trong Nước của Con Yêu Dấu Người mà chúng ta không để ý nhìn xem. Chỉ vì chúng ta đang sống sự sống của phàm nhân chứ chưa phải sự sống mà Ðức Kitô đã đặt trong chúng ta. Chúng ta sống chứ không để Người sống trong chúng ta.

Ngược lại, nếu Người đang sống trong chúng ta thì ít nhất Người cũng làm được công việc Người đang làm ở trên trời mà không có sự cộng tác của chúng ta. Ðó là việc Người cầu bầu, thỉnh nguyện cho tất cả loài người. Người sẽ nói lên như trong bài Tin Mừng hôm nay: "Lạy Cha, Con không những cầu xin cho chúng mà thôi, mà còn cho mọi kẻ tin vào lời chúng nữa để hết thảy nên một". Và khi đó chúng ta sẽ tự nhiên muốn hợp ý với Người mà cầu nguyện cho việc truyền giáo.

Chúng ta sẽ truyền giáo trước tiên bằng việc cầu nguyện. Cầu nguyện cho các chuyên viên truyền giáo và các kẻ tin vào lời họ rao giảng. Lời cầu nguyện truyền giáo làm chứng chúng ta kết hiệp với Chúa, Ðấng đầy yêu thương muốn cứu vớt mọi người. Nó chứng tỏ chúng ta có sự sống mạnh mẽ của Chúa, Ðấng hằng sinh ra và tái tạo mọi loài. Nó nói lên lòng bác ái thật sự của chúng ta, không quanh quẩn chỉ nghĩ đến cái thế giới bé nhỏ của mình nhưng luôn luôn có một đức tin công giáo muốn bao trùm tất cả nhân loại. Lời cầu nguyện truyền giáo cho thấy chúng ta đã biết cầu nguyện như Chúa dạy, vì theo kinh "Lạy Cha" chúng ta trước tiên phải cầu cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Thế mà chúng ta lại thường thiếu sót việc cầu nguyện truyền giáo. Và cũng chính vì vậy mà chúng ta không biết làm gì thêm nữa để truyền giáo.

Ngược lại, ai nhiệt tình với việc cầu nguyện truyền giáo sẽ có khả năng làm được nhiều việc khác nữa cho việc Phúc Âm hóa các dân tộc. Họ sẽ như các tín hữu tiên khởi mà bài sách Công vụ các Tông đồ hôm nay còn kể lại. Những người ấy đi đến đâu cũng ưu tư loan Tin Mừng cứu độ của Ðức Kitô cho người khác. Biết nói tiếng Do Thái thì họ nói với người Do Thái. Mà biết tiếng HyLạp, thì họ nói với người HyLạp. Họ không đến với người ta như các chuyên viên truyền giáo, tức là không đến với mục đích giảng đạo. Thời cuộc đã phân tán họ đi. Họ đi vì hoàn cảnh bó buộc. Vì lý do sinh sống, nếu được nói như vậy. Nhưng đi đâu họ cũng sống đạo. Và sống đạo là sống đức ái yêu thương của Thiên Chúa, nên ở hoàn cảnh nào họ cũng nói với người ta về Tin Mừng cứu độ của Chúa Yêsu. Họ khuyến khích chúng ta truyền giáo, mặc dầu không phải là các chuyên viên tông đồ. Còn các vị này lại dạy thêm chúng ta một bài học nữa.

Barnaba là một tông đồ. Ông được Hội Thánh cử đến Antiokia. Thấy công việc truyền giáo ở đấy, ông tạ ơn Chúa và khuyến khích mọi người. Rồi thấy người khác có thể đóng góp vào công việc chung này một cách hữu hiệu, ông đã đi Tarsô tìm Saulô, để ông này trở thành Phaolô Tông đồ các dân ngoại.

Chúng ta cũng năng gặp những hoàn cảnh tương tự. Có người ở ngoài chợ muốn theo đạo hoặc có người khác ở nơi nọ muốn biết giáo lý. Chúng ta không có khả năng trực tiếp giúp đỡ. Tại sao chúng ta không đi tìm cho họ một người tông đồ? Và tại sao chúng ta không nghĩ đến việc khuyến khích, giúp đỡ các chuyên viên tông đồ? Họ sẽ được sai đi bởi Chúa đang hoặc đã sống trong chúng ta. Và như vậy chúng ta cũng tham gia thật sự vào việc tông đồ của họ.

Têrêsa Hài Ðồng Yêsu nay là Bổn mạng các xứ truyền giáo. Người không đặt chân đến một nơi truyền giáo nào; cũng chẳng đào tạo một lớp tông đồ nào để sai đi. Nhưng người chia sẻ tâm tình cứu thế của Chúa. Người cầu nguyện hy sinh cho việc truyền giáo. Người kêu gọi khuyến khích các tâm hồn tông đồ. Người sống như thể đang ra đi, đang rao giảng, đang chịu đau khổ, đang rửa tội cho lương dân. Giáo hội đặt người làm Bổn mạng các xứ truyền giáo để toàn thể Dân Chúa thấy phải tha thiết với việc truyền giáo như thế đó.

Giờ đây, đi vào thánh lễ, chúng ta hãy kết hiệp với Ðức Kitô. Người muốn tự hiến thánh mình để thánh hóa chúng ta và mọi kẻ sẽ tin vào lời chúng ta. Chúng ta hãy dâng mình với Người để được đưa vào mầu nhiệm cứu thế hầu thánh hóa mình ở đây rồi ra đi thánh hóa tha nhân và lương dân trong đời sống, để tất cả nên một trong tình yêu hạnh phúc của Thiên Chúa, Ðấng đã sai Chúa Con vào thế gian thế nào cũng đang muốn sai chúng ta vào thế gian như vậy.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page