Giải Nghĩa Lời Chúa Năm B
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúa Nhật
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Năm B
Thánh Thần muốn tiếp tục hoạt động
(Cv 2,1-11; 1C 12, 3b-7.12-13; Yn 20,19-23)
Phúc Âm: Ga 20, 19-23
"Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần".
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại".
Suy Niệm:
Hôm lễ Lên trời, chúng ta đã thấy một cuộc lên trời hữu hình trước mắt các môn đệ khoảng 40 ngày sau khi Chúa sống lại; và có một cuộc lên trời vô hình, nhưng đích thực, xảy ra chính hôm phục sinh, khi Ðức Kitô đi vào vinh quang của Chúa Cha. Cũng vậy, hôm nay chúng ta cũng có thể nói đến hai cuộc hiện xuống. Một lần, như chúng ta vừa nghe đọc trong Phúc Âm vào chính buổi chiều ngày Chúa nhật Phục sinh, Chúa sống lại đã thổi hơi vào các Tông đồ và bảo: các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Và như vậy, Thánh Thần đã đến với các môn đệ ngay từ hôm Phục sinh. Nhưng cũng lại có một cuộc hiện xuống hữu hình công khai như sách Tông đồ Công vụ thuật lại cho chúng ta nghe trong bài đọc I hôm nay. Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần tức là 50 ngày sau lễ Vượt qua, lễ Chúa sống lại, các Tông đồ đã được lãnh nhận Thánh Thần một cách thật kỳ diệu.
Phụng vụ hôm nay chú trọng đến biến cố hiện xuống hữu hình, công khai này, nhưng mà để nhờ đó mà hiểu biết hơn về hành động âm thầm của Chúa Thánh Thần ở trong Giáo Hội trải qua các thời đại. Như vậy, chúng ta cũng phải tựa vào biến cố của ngày lễ Ngũ tuần hôm nay để biết quý hóa ơn Chúa Thánh Thần hằng hoạt động trong Giáo Hội và nơi ta.
Lễ Ngũ tuần trong dân Dothái thoạt tiên chỉ là một lễ nông nghiệp. Năm mươi ngày sau khi cắt bó lúa đầu mùa, nông dân làm lễ này như "để rửa công thợ" tức là như để liên hoan mừng mùa gặt tốt tươi. Sau đó, người ta đã mặc cho ngày hội nông dân này một ý nghĩa tôn giáo, cũng như người ta đã tôn giáo hóa ngày xuất quân đi gặt hái. Hôm đó người ta đã đem bó lúa đầu tiên về dâng trên bàn thờ. Còn hôm nay, 50 ngày sau mùa gặt, người ta đem bánh, đem chiên, đem bò, đem dê để dâng lễ, biểu lộ lòng biết ơn sâu xa của con người lao động đối với các ơn mưa móc bởi trời. Như vậy, ngày lễ 50 hoàn thành ngày lễ đầu mùa gặt hái và bầu khí tự nhiên sầm uất hân hoan hơn buổi lễ đầu tiên.
Dần dần, những ngày lễ nông nghiệp này được tôn giáo hóa thêm. Người ta đưa những buổi lễ đó vào bình diện giao ước, và dùng để gợi lại những biến cố trong lịch sử dân Chúa cũng là lịch sử ơn cứu chuộc. Lễ dâng bó lúa đầu mùa được đồng hóa với lễ Vượt qua, kỷ niệm lần đầu tiên dân được tế lễ Chúa sau khi thoát ách nô lệ, chấm dứt thời gian mà các tiên tri thường diễn tả bằng những hình ảnh đói kém, thiếu lúa rượu và dầu ăn. Ngày nông dân xuống ruộng gặt bó lúa đầu tiên khiến họ nhớ tới ngày được đặt chân vào đất chảy sữa và mật. Và 50 ngày sau, khi liên hoan chung quanh các vựa thóc, khỏi sao họ không nghĩ tới ngày hội lớn ở chân núi Sinai xưa. Thành ra ngày lễ Ngũ tuần được dùng ngay để kỷ niệm ngày ký kết giao ước Sinai. Và Chúa đã muốn dùng ngày lễ ấy để ban Thánh Thần xuống một cách dồi dào trên các môn đệ.
Như chúng ta vừa nghe đọc trong bài đọc I hôm ấy các môn đệ đang hội họp. Bỗng từ trời có tiếng gió thổi mạnh. Và có lửa hiện xuống, chia ra thành nhiều hình lưỡi đậu trên các môn đệ. Quang cảnh thật là kỳ lạ, nhưng lập tức ai cũng thấy ngay đây là việc của Chúa. Khi xưa ở trên núi Sinai, muốn chứng tỏ Người hiện xuống trên núi để hành động, Người cũng đã dùng tiếng sấm, tiếng sét. Và hôm ấy trên bài thờ giao ước, lửa trên trời cũng hiện xuống thiêu đốt tất cả lễ tế. Như vậy hôm nay, qua tiếng gió thổi mạnh và hình lưỡi lửa hiện đến Chúa cũng rõ ràng chứng tỏ Người đến hành động mạnh mẽ nơi các Tông đồ.
Mà thực vậy, người ta thấy các ngài bỗng dưng đầy Thánh Thần sốt mến, như các tiên tri trong những giây phút xuất thần và thiêng liêng nhất. Các Tông đồ nói tiếng lạ, ca tụng các kỳ công của Chúa. Người ta kéo nhau lại coi. Chắc chẳng ai đếm được số người bao nhiêu và thuộc những dân nước nào. Nhưng vì hôm đó là ngày lễ lớn, các người Dothái đi làm ăn nơi xa cũng về lễ, tác giả sách Tông đồ Công vụ kể tên 12 nơi, từ đông sang tây lấy Giuđêa làm chính, có ý ám chỉ rằng tất cả mọi nơi trên mặt đất này đều được Chúa gọi về để tham dự hồng ân Người đã từng hứa ban.
Gioel, người tiên tri của Chúa, đã từ lâu tuyên cáo rằng: sẽ đến ngày Ta đổ Thần trí Ta trên mọi người; già trẻ trai gái hết thảy sẽ nói tiên tri và tiếng lạ. Như vậy, ngày hôm nay, việc đó đã xảy đến. Quả thật Thiên Chúa đang hành động kỳ diệu nơi các Tông đồ. Họ là người Galilêa, thế mà mọi người đang nghe họ nói về Chúa trong thứ ngôn ngữ của mình. Rõ ràng Chúa muốn dùng họ để đoàn tụ muôn dân lại trong một niềm tin, khác với cảnh xây tháp Babel ngày xưa, anh em một nhà mà bỗng dưng nói tiếng xa lạ không còn hiểu nhau nữa. Gia đình nhân loại từ ngày đó đã phân rẽ và chia rẽ kình địch nhau vì họ muốn chống lại Chúa. Hôm nay những con người Galilêa kia đầy lòng yêu mến Chúa, đang nói lên những lời sốt sắng để muôn dân đoàn tụ lại trong một niềm tin.
Và nếu chúng ta muốn diễn tả thêm về ý nghĩa của lửa hiện xuống, sách thánh còn đó để giúp ta hiểu. Trong Cựu Ước, Chúa dùng lửa để báo hiệu việc Chúa hiện diện, để dẫn dắt dân đi trong u tối, để thánh hóa chấp nhận các lễ vật. Các lưỡi lửa hôm nay cũng nói lên việc Chúa hiện diện, thánh hoá, soi sáng, khích lệ các cộng đoàn Tông đồ. Nhưng cùng với việc các môn đệ nói tiếng lạ, lưỡi lửa hôm nay còn làm chứng Chúa Thánh Thần muốn đặt vào lòng Giáo hội sơ khai bản tính sốt sắng nhiệt thành để biến cả thế giới nên một gia đình đầy bác aí yêu thương.
Ý nghĩa thay ngày lễ Ngũ tuần của Tân Ước, ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống mà chúng ta mừng hôm nay. Nó vượt xa ngày hội lớn của dân Dothái khi Chúa ký kết giao ước ở chân núi Sinai. Còn nói đến lễ nông nghiệp kết thúc mùa gặt hái làm gì? Tuy nhiên, trong lễ hiện xuống này, Chúa muốn cho chúng ta sống lại tất cả ý nghĩa của các lễ kia, để chúng ta thấy hết mọi vẻ đẹp của ngày lễ Chúa Thánh Thần và nhất là để chúng ta đem tất cả những ý nghĩa đó vào đời sống đạo của chúng ta.
Thật vậy, ngày lễ Hiện xuống này nối liền với lễ Phục sinh đến nỗi kinh Tiền tụng chốc nữa nói: Chúa muốn dùng lễ Hiện xuống hôm nay hoàn thành và kết thúc lễ Phục sinh, khác nào như ngày lễ nông nghiệp 50 ngày sau khi gặt hái kết thúc lễ đầu mùa xuống đồng gặt hái vậy. Và cũng như ngày lễ Ngũ tuần nhắc nhở lại giao ước Sinai, kết thúc và hoàn thành lễ Vượt qua đặt chân vào hứa địa. Chính Chúa Giêsu sống lại trên trời hôm nay ban Thánh Thần Ngài chan hòa vũ trụ khiến ta có thể nói, hôm Phục sinh ánh sáng vinh quang của Chúa sống lại mới ló lên ở chân trời cho tạo vật bừng dậy sống một ngày mới; hôm nay Chúa lên trời như mặt trời giữa ngọ tỏa hết ánh sáng xuống trên hết mọi tạo vật... Nên chúng ta phải tung hô ca tụng Chúa hết sức mình và nhận ra sự nghiệp của Chúa phục sinh bây giờ đã tràn lan khắp trời đất. Và như tạo vật lúc giữa trưa được đầy ánh sáng mặt trời thế nào, hôm nay chúng ta được đầy ánh sáng hiểu biết và sốt sắng mến yêu đạo Chúa như vậy. Và nhất là như các môn đệ Chúa trong ngày lễ Hiện xuống được đầy Thánh Thần nói lên niềm tin đoàn tụ muôn dân lại thế nào, hôm nay chúng ta cũng phải trở thành những con người thu hút người ta về với Chúa và hợp với nhau thành một gia đình nhờ thái độ sống đạo sốt sắng, nhiệt thành của chúng ta.
Bởi vì hôm nay Thiên Chúa cũng vẫn đang còn muốn ban Thánh Thần Người cho những ai cầu xin. Và Thánh Thần muốn tiếp tục hoạt động trong các cộng đoàn Kitô hữu như ngày trước. Ðặc biệt trong thánh lễ này, Thiên Chúa đang muốn đổ Thánh Thần sốt mến xuống trên chúng ta đang sum họp nơi đây. Mọi lời kinh tiếng hát đều muốn hướng lòng chúng ta lên với Chúa và hòa giải chúng ta trong một tâm tình chung. Nhất là Thánh Thể mà chúng ta sắp chịu lấy, là Mình Máu Thánh Chúa, là sự sống hùng mạnh đầy yêu thương sáng tạo thoát ra từ lòng Chúa, để ai lãnh nhận, chính họ sẽ không sống nữa, nhưng là chính Chúa và Thánh Thần của Người sống ở trong họ. Họ sẽ ra về, tùy theo phận sự, mỗi người làm một công việc cho gia đình và cho xã hội; nhưng nếu họ tiếp tục để cho Chúa sống ở trong họ, thì như lời Thánh thư hôm nay nói, cũng chỉ là Thánh Thần làm việc, hành động ở trong mọi người. Và như vậy, một Thánh Thần sẽ hướng dẫn công việc của muôn người đi về cùng một mối là xây dựng một gia đình nhân loại trong tình yêu thương của Chúa. Các sự lầm lạc tối tăm và chia rẽ hận thù sẽ dần dần bị loại ra. Phúc Âm ở trong lòng mọi người dần dần thúc đẩy chúng ta hành động vì yêu thương và cho yêu thương. Ðời sống con người sẽ được hạnh phúc ngày ở đời này để cuối cùng muôn dân sẽ được kêu gọi tập họp lại trong Nước Trời vô tận.
Chúng ta cùng nhau đứng lên tuyên xưng niềm tin sâu xa đó và xin Chúa Thánh Thần hiện xuống trên chúng ta, sai chúng ta đi loan truyền tình yêu của Người đang muốn kết nạp mọi người.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)