Giải Nghĩa Lời Chúa Năm A

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Năm A

Phát xuất từ một Thánh Thần

(Cv 2,1-11; 1C 12, 3b-7.12-13; Yn 20,19-23)

 

Phúc Âm: Ga 20, 19-23

"Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần".

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại".

 

Suy Niệm:

Phụng vụ hôm nay cống hiến cho chúng ta hai bài tường thuật việc Chúa ban Thánh Thần cho các Tông đồ, tức cũng là cho Hội Thánh và cho chúng ta, để ngày nay chúng ta sống như lời thư Phaolô vừa nghe đọc. Hai bài tường thuật ấy khác nhau, nhưng bổ túc cho nhau, để chúng ta hiểu rõ việc Chúa Thánh Thần xuống trên Giáo hội, vừa rộng rãi vừa sâu xa. Dĩ nhiên chúng ta sẽ bắt đấu với bài sách Công vụ, vì dường như bài đó muốn tường thuật biến cố mầu nhiệm mà chúng ta cử hành hôm nay. Nhưng khi xem đến bài Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy bài đó giúp chúng ta đi sâu vào Thánh lễ này.

 

A. Thánh Thần Hiện Xuống

Bài sách Công vụ có vẻ rõ ràng sáng sủa. Hôm ấy là lễ Ngũ Tuần. Các môn đệ hội họp ở một nơi. Bỗng dưng Thánh Thần hiện xuống; họ liền nói nhiều thứ tiếng khiến ai đến xem cũng nghe thấy họ ca ngợi các kỳ công của Thiên Chúa trong ngôn ngữ của mình.

Nhưng trong hiện tượng sáng sủa ấy lại toàn những điều kỳ diệu làm nên nội dung phong phú của ngày lễ hôm nay.

Trước hết đối với người Dothái, hôm nay là ngày lễ lớn, một trong ba ngày lễ lớn nhất trong năm. Lễ cử hành 50 ngày sau lễ Vượt qua, nên gọi là lễ Ngũ Tuần. Vượt qua đưa họ ra khỏi nô lệ Aicập, thì 50 ngày sau họ cử hành lễ này để ghi nhớ ký kết giao ước ở chân núi Sinai. Ít ai ở thời các Tông đồ còn để ý đến nguồn gốc xa xưa hơn nữa của ngày lễ này. Vì thực ra, khởi đầu lễ Ngũ Tuần chỉ là một lễ nông nghiệp. 50 ngày sau khi xuống đồng cắt bó lúa đầu tiên đưa lên Ðền thờ cảm tạ Yavê, Dân Chúa hôm nay đem nhiều bột, nhiều bánh và nhiều súc vật lên hân hoan tạ ơn Thiên Chúa đã cho mùa màng phong phú. Lễ Ngũ Tuần vì thế ngay từ đầu đã nô nức vui tươi. Từ ngày mặc lấy ý nghĩa kỷ niệm ngày ký kết giao ước, lễ này lại có tính cách dân tộc vì là ngày dân bắt đầu có "hiến pháp", có pháp luật. Thế nên rất nhiều người Dothái ở xa cũng về Yêrusalem dự lễ.

Chính trong bầu khí hân hoan, nô nức của ngày lễ Ngũ Tuần Dothái mà chúng ta được chứng kiến sự kiện lạ lùng xảy ra nơi nhà các môn đệ Chúa đang hội họp.

Theo lệnh Chúa, họ đang ở tại Yêrusalem chờ đợi "điều Cha đã hứa". Thì này, "bỗng xảy đến tự trời một tiếng rào rào như thể tiếng cuồng phong thổi đến, vang dậy đầy cả nhà". Ðang sống trong bầu khí của ngày lễ Ngũ Tuần, ai mà không liên tưởng tới ngày hiện tượng hùng vĩ đã xảy ra trên núi Sinai xưa. Cả núi đều rung chuyển mạnh vì có tiếng sấm của Yavê vang lớn ở trên cao. Và ngày xưa đã có chớp, rồi khói bốc lên như khói lò thiêu; thì nay kìa "có những lưỡi như thể bằng lửa hiện ra cho họ và phân tán ra đậu trên mỗi người trong họ". Và như ở Sinai hôm đó toàn dân đã tập họp lại dưới chân núi để nghe ban bố Luật pháp, thì nay toàn thế giới trong con người của những dân nói tiếng khác nhau cũng đến nghe họ nói những kỳ công của Thiên Chúa.

Người ta dễ nhìn thấy đây là cảnh tượng trái ngược hẳn với câu truyện xây tháp Babel, vì một bên là người trong cùng một nhà bỗng nói những ngôn ngữ khác nhau thành ra chia rẽ tản mác đi mỗi người một ngã; còn ở đây các dân tộc nói những thứ tiếng khác nhau trở thành một cộng đoàn hiệp thông. Nhưng người ta còn phải thấy rằng sỡ dĩ được như thế này là nhờ việc các Tông đồ nói được những thứ tiếng khác lạ của người nghe, tức là Hội Thánh phải biết nói "ngôn ngữ của mọi thời, mọi nơi mới có thể biến cả thế giới nên một cộng đoàn duy nhất. Và điều đó thể hiện được, vì theo lời Phêrô tuyên bố hôm nay, Thiên Chúa đã đổ Thần trí của Người xuống trên mọi xác phàm, như lời Yoel đã đoan hứa và như Chúa Giêsu đã bảo phải chờ đợi.

Như vậy, xảy ra trong bối cảnh của ngày lễ Ngũ Tuần Dothái, việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ nói lên cao điểm của mầu nhiệm Vượt qua mới. Ðức Giêsu Kitô đã giải phóng chúng ta trong sự chết và sự sống lại của Người. Nay Người tổ chức chúng ta lại thành một dân duy nhất, khi ban Thần trí Người xuống trên Giáo hội. Các Tông đồ của Người sẽ ra đi cho đến tận cùng mặt đất để nói lên các kỳ công của Thiên Chúa trong ngôn ngữ và văn hóa của mọi dân tộc khiến mọi người trên khắp thế giới cũng nhận một Cha chung trên trời và sống làm anh em với nhau theo giáo lý của Ðức Kitô.

Do đó ngày hôm nay có thể coi như ngày ra mắt của Dân Mới, ngày Hội Thánh hữu hình khởi sự đi vào lòng các dân tộc, ngày chúng ta phải ý thức mình là công dân của Nước Trời và là anh em với mọi người.

Nhưng khi chúng ta muốn tìm đến nguồn gốc sâu xa hơn nữa của ngày lễ hôm nay, thì chỉ bài Tin Mừng Yoan mới nêu lên được phương hướng phải đi vào.

 

B. Chúa Yêsu Ban Thánh Thần

Lập tức chúng ta thấy như ngỡ ngàng. Thánh Yoan thuật rằng ngay lúc xế chiều ngày thứ nhất trong tuần, Chúa phục sinh đã hiện diện với các môn đệ, thở hơi trên họ và nói: Hãy chịu lấy Thánh Thần. Như vậy, họ đã được chịu lấy Thánh Thần ngay chiều hôm lễ Phục sinh. Tại sao Luca lại kể mãi đến ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần mới hiện xuống trên các thánh Tông đồ?

Chúng ta có thể giải đáp một cách đơn sơ rằng Thần trí của Chúa đã hoạt động trên mặt đất ngay từ thời sáng thế. Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy, như lời kinh Tin Kính nói. Người đã phủ bóng trên Ðức Trinh Nữ và đỗ xuống trên Ðức Kitô. Chính Luca cũng nói ở đầu sách Công vụ: Ðức Giêsu đã chọn các Tông đồ dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Nghĩa là như lời thư Phaolô hôm nay nói: ơn Thần khí phát biểu ra nơi mỗi người mỗi khác, tùy ích chung. Và như vậy không phải chỉ có một lần Chúa Thánh Thần hiện xuống; và Người có thể đến với mọi người nhiều lần trong đời sống để làm những công việc khác nhau. Nhưng phải nói Người xuống trên cộng đoàn các môn đệ trong ngày lễ Ngũ Tuần có một giá trị và ý nghĩa đặc biệt, không tiền khoáng hậu, để đánh dấu một chuyển biến lớn trong Lịch sử cứu độ.

Còn khi Người đến trên các Tông đồ vào buổi chiều ngày Phục sinh như thánh Yoan kể thì lại có ý nghĩa khác. Có thể nói rằng: đối tượng của bài Tin Mừng hôm nay không phải là đối tượng của bài sách Công vụ. Rõ ràng thánh Luca muốn thuật lại việc Chúa Thánh Thần hiện xuống; còn thánh Yoan chỉ muốn cho chúng ta thấy Chúa sống lại hiện ra. Và đọc kỹ đoạn Tin Mừng này chúng ta phải ngỡ ngàng vì tác giả có nhiều ẩn ý sâu xa.

Thoạt đầu, thánh Yoan cho ta thấy bối cảnh của buổi chiều Chúa nhật Phục sinh. Các Tông đồ ở với nhau, nhưng cửa đóng cài chặt vì sợ người Dothái. "Thì Chúa Giêsu đã đến". Yoan dùng chữ "đến" chứ không dùng chữ "hiện ra". Chữ ấy ngài vẫn dùng trong các tác phẩm của ngài và đặc biệt trong câu kết của sách Khải huyền: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến! Như vậy bối cảnh của buổi chiều ngày Chúa nhật là bối cảnh của một cuộc hội họp, phụng vụ. Nói đúng hơn, việc Chúa đến đã làm cho cuộc họp mặt của các Tông đồ trở thành buổi họp phụng vụ. Người chào họ bằng câu chúc bình an là muốn đem Nước Trời đến cho họ. Người chỉ tay và cạnh sườn Người cho họ, để họ thấy đây chính là Người, Người đã chịu đóng đinh, Người đã trở thành Chiên Vượt qua sát tế. Nên Yoan đã dùng chữ "chỉ" giống như Yoan Tẩy giả đã chỉ vào Ðức Giêsu và tuyên bố: "Ðây là Chiên Thiên Chúa gánh tội thiên hạ". Ðược thấy Chúa, các môn đệ mừng rỡ; vì Yoan luôn luôn nói "thấy" Chúa là được sự sống, là được cứu độ, và "thấy" Ðức Chúa Cha là được thỏa mãn.

Lẽ ra Yoan đã có thể dừng lại ở đây. Việc Chúa sống lại hiện đến với môn đồ đã đạt tới mục đích rồi. Họ đã được cứu độ nhờ việc Chúa Tử nạn Phục sinh đến với họ. Nhưng Yoan còn viết thêm. Và những lời sau đây cũng được xếp đặt tương tự như vừa kể ở trên. Người ta có cảm giác Yoan lặp lại những điều vừa viết. Ðúng, ông nói lại nhưng đào sâu thêm. Ông viết: một lần nữa, Người nói với họ: bằng yên cho các ngươi. Nhưng lần này, Người không gửi sự bằng yên đến với họ để biến họ nên "những con người được sai đi" để sai họ đi như Cha đã sai Người. Nhưng họ chỉ có thể ra đi khi đã được lãnh nhận Thánh Thần. Thế nên nói thế rồi Người đã thổi hơi trên họ và nói: Hãy chịu lấy Thánh Thần. Câu này Yoan đã viết song song với câu ở trên: Nói thế rồi, Người chỉ tay và cạnh sườn Người cho họ. Câu sau lặp lại câu trước nhưng sâu xa hơn. Và phải nhờ câu trước để hiểu câu sau. Câu trước nhắc đến Ðức Kitô trên Thập giá chịu lưỡi đòng đâm thâu. Câu sau diễn tả ý nghĩa của sự kiện "Nước cùng Máu" đã chảy ra tự cạnh sườn Ðấng bị đâm thâu, tức là Thánh Thần được ban cho Giáo hội do việc Tử nạn của Ðức Kitô.

Chịu lấy Thánh Thần rồi, Giáo hội có sự sống mới, có khả năng tác sinh, mà cụ thể là tha tội cho người ta trở nên con cái Thiên Chúa. Thế nên, nếu trên kia khi thấy Chúa, các môn đồ đã được vui mừng, thì bây giờ khi đã chịu lấy Thánh Thần là nội dung của sự vui mừng, các Tông đồ có thể làm nên Hội Thánh khi tha tội cho người ta.

Bài Tin Mừng Yoan như thế có hai phần song song rõ rệt. Phần sau phải tựa vào phần trước khiến cả hai phần chỉ là một diễn ra càng đi càng sâu. Nhờ việc Chúa sống lại, môn đồ được thấy Người và được vui mừng. Nhờ hơi thở của Người, họ được lãnh nhận Thánh Thần và có thể xây dựng Hội Thánh. Họ chỉ được ơn sau, nhờ đã thấy tay và cạnh sườn Người trước, tức là đã tin mầu nhiệm hy tế Thập giá: Thánh Thần như nước thanh tẩy đã chảy ra tự cạnh sườn máu me của Ðấng chịu đóng đinh.

Yoan không thể bỏ phần sau, vì như vậy sẽ dừng lại ở việc Chúa sống lại hiện ra; và tin việc Chúa sống lại để làm gì, nếu mầu nhiệm đó không có giá trị cứu thế, tức là ban Thánh Thần để tha tội? Yoan nhắc nhở cho chúng ta biết: mầu nhiệm Phục sinh phải bao hàm và đạt tới mầu nhiệm Hiện xuống; việc Chúa Thánh Thần hiện xuống là ơn tuôn trào từ mầu nhiệm Vượt qua vì Ðức Kitô có "ra đi" thì Thánh Thần mới được ban xuống cho loài người.

Và nếu mầu nhiệm Phục sinh - Hiện xuống chỉ là một, thì Hội Thánh huy hoàng trong ngày lễ Hiện xuống không được quên mình đã được sinh ra từ cạnh sườn Chúa Cứu Thế. Chính Nước Thánh Thần chảy ra từ các vết thương của Chúa chịu đóng đinh đã rửa Hội Thánh và chính hơi thở của Chúa sống lại đã sai các Tông đồ đi trong Thánh Thần để kết nạp Hội Thánh. Bài Tin Mừng Yoan hôm nay đưa chúng ta vào chiều sâu và nguồn gốc của hiện tượng kể trong bài sách Công vụ. Cả hai bài cho chúng ta thấy ý nghĩa sâu xa của lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Và bổn phận của những người đã lãnh nhận Thánh Thần là phải thực hiện lời thư Phaolô.

 

C. Xây Dựng Nhiệm Thể

Sở dĩ chúng ta đã được lãnh nhận Thánh Thần là vì chúng ta đã đi qua mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh của Ðức Kitô trong phép Rửa. Trước khi chịu phép Thêm sức, người ta đã phải lãnh nhận bí tích Rửa tội. Không phải khi chịu phép Rửa tội người ta chưa trở nên Ðền thờ của Chúa Thánh Thần. Người ta cũng đã có "sự vui mừng" như các Tông đồ buổi chiều lễ Phục sinh, tức là đã được mầm mống của Thánh Linh nhờ hơi thở của Chúa sống lại. Nhưng cũng như các Tông đồ phải chờ đón nhận Thánh Thần trong ngày Ngài hiện xuống để ra đi tiếp nối sự nghiệp của Chúa Cứu Thế, thì sau khi chịu phép Rửa tội, người ta cũng còn phải được Thêm sức để đi thi hành sứ mệnh ở đời. Và sứ mệnh này, thư Phaolô nói, có rất nhiều diện và mặc nhiều hình thức, nhưng tất cả đều phát xuất từ một Thánh Thần và quy về cùng một đối tượng là xây dựng nhân loại nên một thân thể Ðức Kitô.

Nỗ lực xây dựng nào cũng tốt và cũng cần. Ðiều quan trọng không phải là sự khác biệt trong công việc, nhưng là cơ sở phát xuất, mục tiêu nhắm tới và thiện chí thi hành. Nếu ai cũng để cho Thánh Thần thúc đẩy và nhiệt tình xây dựng xã hội loài người nên một, thì tất cả chúng ta sẽ là tông đồ của ngày lễ Hiện xuống năm nay.

Và đó là điều mà Thánh lễ này muốn thực hiện. Chúa Tử nạn Phục sinh sẽ đến với chúng ta. Người ban lương thực bổ sức bằng Thánh Thần để chúng ta hết thảy không những được vui mừng vì thấy Người, mà còn được Thần khi Người thổi cho những tư tưởng sáng tạo, những nhiệt tình phấn khởi, muốn chung sức với mọi người để xây dựng một gia đình duy nhất, một dân tộc đoàn kết, một xã hội hòa bình.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page