Giải Nghĩa Lời Chúa Năm A
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúa Nhật 32 Thường Niên Năm A
Mến Chuộng Ðức Khôn Ngoan
(Kng 6,12-16; 1Th 4,13-18; Mt 25,1-13)
Phúc Âm: Mt 25, 1-13
"Kia chàng rể đến, hãy ra đón người".
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: "Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong số đó có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo; còn những cô khôn ngoan đã mang đèn lại đem dầu đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả.
"Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa chàng rể đến, hãy ra đón người. Bấy giờ các trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: "Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả". Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: "E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra (nhà) hàng mà mua thì hơn". Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến. Những trinh nữ đã sẵn sàng thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. Sau cùng các trinh nữ kia cũng đến và nói: "Thưa Ngài, xin mở cửa cho chúng tôi". Nhưng Người đáp lại: "Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi".
"Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào, giờ nào".
Suy Niệm:
Chúa Nhật XXXII Thường Niên A
Kng 6,12-16; 1Th 4,13-18; Mt 25,1-13
Sắp hết năm Phụng vụ, Lời Chúa hôm nay hướng chúng ta về lúc cuối đời. Sẽ có sự chết nhưng cũng có sự sống lại. Biết như vậy, chúng ta phải có nếp sống thế nào cho khôn ngoan? Ðấy là những tư tưởng mà chúng ta có thể tìm thấy trong các bài đọc hôm nay.
Khác với mọi khi, chúng ta thử bắt đầu tìm hiểu bài thư Phaolô trước. Chúng ta nhìn thẳng vào sự chết, xem có gì đáng sợ không? Rồi từ đó, chúng ta sẽ lắng nghe Chúa dạy trong bài Tin Mừng để thấy rõ ý nghĩa của bài sách Khôn ngoan.
A. Hãy Vịn Vào Lời Chúa Mà An Ủi Nhau
Thánh Phaolô đã khuyên nhủ giáo đoàn Thessalônikê như thế. Họ đang buồn và đang sợ. Họ buồn cho số phận những anh em tín hữu đã qua đời. Và họ sợ cho bản thân họ cũng phải khổ như thế. Là vì khi theo đạo, họ được biết rằng Chúa Yêsu sẽ trở lại. Hiện nay Người đã về trời, nhưng chỉ để dọn chỗ cho các môn đệ của Người trong nhà Chúa Cha. Người sẽ trở lại trong vinh quang và mau lẹ vì Người đã gọi thời gian này là thời gian cuối cùng và căn dặn mọi người phải tỉnh thức vì Người sẽ trở lại bất thần như kẻ trộm. Nếu thế thì tội lỗi quá cho các tín hữu đã an giấc ngàn thu. Họ phải chết và không được nhìn thấy ngày Chúa quang lâm. Và như thế cũng sẽ tội nghiệp cho chúng ta nếu phải chết trước ngày Chúa trở lại.
Ðó là nỗi buồn và nỗi sợ của tín hữu ở Thessalônikê. Chúng ta khó hiểu được nỗi buồn và nỗi sợ thật sự của họ vì chúng ta không được sống những giây phút như họ. Chúng ta bây giờ tin rằng rồi đây Chúa sẽ trở lại, nhưng có lẽ không mấy ai nghĩ rằng Người sẽ trở lại khi mình đang còn sống. Nhưng các tín hữu ngày xưa thì khác. Họ sống trong bầu khí, tưởng rằng Chúa có thể trở lại nay mai. Nên họ có buồn và có sợ như tín hữu ở Thessalônikê cũng là điều dễ hiểu. Và vì thế thánh Phaolô viết bức thư này. Người trả lời cho giáo dân của người. Nhưng chúng ta cũng được lợi vì tư tưởng của người cũng cần thiết cho chúng ta.
Mở đầu thánh Tông đồ nói rằng: chúng ta phải hiểu rõ về số phận các tín hữu để đừng có buồn rầu, sợ hãi như những người không có hy vọng. Người ám chỉ những người Hylạp thời bấy giờ nghĩ rằng chết là hết và chẳng có đời sau. Nhưng tư tưởng của người cũng có thể áp dụng cho những kẻ không có đức tin xác đáng về số phận những người đã chết.
Và luận lý căn bản của thánh Phaolô là: tất cả những ai đã kết hợp với Ðức Kitô, thì Người thế nào họ sẽ như thế. Vậy nếu chúng ta đã tin rằng Người đã chết và đã sống lại, thì chúng ta phải nhớ những ai đã chết với Người thì cũng sẽ cùng Người sống lại.
Ðó là phần giáo lý quan trọng nhất trong đoạn thư này. Nhiều thư Phaolô khác sẽ lặp lại điều ấy. Và chúng ta phải tựa vào tư tưởng nòng cốt ấy để hiểu những lời Phaolô cắt nghĩa về thứ tự những người sẽ được tham dự vào ngày Chúa quang lâm.
Chắc chắn mọi tín hữu trung kiên của Chúa sẽ được tham dự. Người Thessalônikê lầm khi nghĩ rằng các tín hữu đã chết không được nhìn thấy ngày vinh quang này. Ngược lại, họ sẽ có ưu thế hơn. Bởi vì những kẻ đã an nghỉ trong Ðức Yêsu, thì Thiên Chúa sẽ đem họ đi làm một với Ngài. Họ sẽ sống lại trước, rồi những tín hữu đang sống lúc đó mới được biến đổi và được quyện lên các tầng mây làm một với họ và cùng nhau đi vào vinh quang Thiên Chúa.
Chúng ta hãy để sang một bên vấn đề trước-sau này. Thánh Phaolô chỉ nói đến có một lần ở đây. Trong các thư khác, người chỉ nhấn mạnh niềm tin rằng hết mọi người an nghỉ trong Chúa sẽ được sống lại vì Ðức Kitô là Ðầu của Thân thể, đã sống lại là để các chi thể của Người sẽ được phục sinh. Ðó là niềm tin của chúng ta. Không tin như vậy, thì theo lời Phaolô, chúng ta là những người dại nhất trên đời và lời rao giảng về Chúa phục sinh trở nên hão huyền.
Vậy, đúng như lời thánh Phaolô hôm nay kết luận, chúng ta hãy vịn vào Lời Chúa mà an ủi nhau mỗi khi buồn phiền hoặc hoang mang về số phận những người đã chết, hay về chính việc mình sẽ có ngày phải chết. Bởi vì chúng ta có niềm trông cậy: chết không phải là hết, nhưng là biến đổi để được sống lại và sống mãi. Niềm tin này bó buộc chúng ta phải biết sống. Và vì thế chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa dạy bảo trong bài Tin Mừng.
B. Hãy Sống Sẵn Sàng
Chúng ta quen gọi đây là dụ ngôn 10 trinh nữ. Nhưng chắc chắn ở nơi môi miệng Ðức Yêsu, thì đó chỉ là 10 cô thiếu nữ, 10 cô phù dâu như thói quen trong các đám cưới nơi các dân tộc. Nhưng khi thánh Matthêô đọc lại dụ ngôn này và viết lại thành văn bản để lưu lại cho hậu thế, thì lúc ấy ở trong Giáo hội đã có những người sống đồng trinh và Giáo hội rất hãnh diện vì những người trinh nữ này. Matthêô dùng danh từ trinh nữ như để chú ý đến sự hiện diện của họ ở trong Giáo hội và đồng thời cũng để khuyên bảo đề phòng họ đừng mất cảnh giác. Ðàng khác, bấy giờ quan niệm Hội Thánh là người Trinh Nữ vẹn tuyền dành cho tiệc cưới của Chiên Con cũng đã phổ thông. Nên khi dùng danh từ trinh nữ, Matthêô muốn nói với Giáo hội và mọi người ở trong, để đừng ai coi dụ ngôn này như không có hệ đến mình.
Và vì được viết trong hoàn cảnh mới mẻ đó, dụ ngôn từ miệng Chúa Kitô đã được uốn nắn lại ít nhiều để phù hợp với khung cảnh của Giáo hội. Có thể nói bây giờ nó nhằm phục vụ giáo lý của Hội Thánh, thành ra nó có hơi gò bó những nét tả về mộc cuộc đón dâu.
Dù sao ở đây cũng nói đến 10 cô thiếu nữ đang cùng với cô dâu chờ nhà trai đến xin rước dâu về. Có 5 cô khôn và 5 cô khờ. Nhờ trong một thái độ thôi, chứ không phải là những người khờ thật sự về hết mọi mặt. Vì chắc chắn cô dâu đã không mời nhiều những con người như thế để vây quanh mình. Phải nói đó là những cô được chọn lọc. Và nếu không có việc các cô sơ suất quên đổ dầu vào đèn thì chắc chắn các cô cũng là những thiếu nữ phù dâu lý tưởng như 5 cô kia.
Nhưng tại sao các cô lại khờ đến thế?
Sắm sửa xiêm y hẳn hoi và trang sức lộng lẫy mà lại quên đổ dầu vào đèn! Thật là xây nhà trên cát. Matthêô gọi tất cả những hạng người như thế là khờ. Ở đây 5 cô lại khờ đến hết chỗ nói. Ðã không có dầu thì chịu khó đi chung dưới ánh sáng của người khác, chứ ai lại khờ đến nỗi lúc đó còn đi mua dầu. Ðã có 5 cô có đèn dầu hẳn hoi thì 5 cô kia cứ việc đi chung vào đi đã sao! Nhưng họ khờ.
Nói đúng hơn Matthêô không chú trọng đến những chi tiết ấy. Người không quan tâm mô tả cuộc rước dâu. Người muốn nói lên những bài học đạo đức, nên người có tả một đám cưới hơi khác thường thì cũng chẳng sao.
Và quả thật, cuộc đưa dâu này hơi khác thường. Có lý nào nhà trai chậm đến đến nỗi nửa đêm mới tới? Và khi tới không có tiếng kèn tiếng hát, tiếng nói chuyện để làm cho nhà gái biết đã đến giờ hay sao mà lại phải có tiếng kêu lên: "Kìa vị lang quân đến, hãy ra mà đón". Và khi đã vào tiệc, người nhà ở đâu mà đến nỗi vị lang quân như phải đứng coi cửa? Nếu chú trọng đến những chi tiết như thế, người ta sẽ thấy dụng ý của Matthêô không phải là mô tả cuộc rước dâu, nhưng chỉ mượn khung cảnh này để diễn tả thần học đạo đức. Và chính những nét khác thường trong cách mô tả là những điểm giáo lý cần phải chú ý.
Chúng ta đã nói đến sự khờ khạo của 5 cô thiếu nữ. Chúng ta phải lưu tâm đến việc chàng rể đến trễ, trễ quá chừng, đến nỗi cả 10 cô phù dâu đều thiếp đi mà ngủ cả. Matthêô có ý nói đến việc Ðức Kitô trở lại trễ. Cả Giáo hội không còn nóng lòng như buổi đầu và như giáo dân ở Thessalônikê nữa. Nhưng nửa đêm chàng rể đã tới, vì việc Chúa trở lại là một hành động đặc biệt, giống như việc Người giải phóng Dân ra khỏi Aicập, như việc Người sống lại trong đêm phục sinh và như Người đã nói sẽ đến như kẻ trộm. Người chọn hình ảnh đêm tối để nhấn mạnh đến tính cách đột xuất và đồng thời cũng để nói lên ý nghĩa giải thoát cứu độ đem ánh sáng vào nơi tối tăm. Người sẽ trở lại để làm ra một cuộc phục sinh mới, phục sinh toàn diện và phục sinh đời đời. Chính tiếng kêu trong đêm tối cũng nói lên ý nghĩa đột xuất, và nhất là gợi lên tiếng hô cánh chung lay tất cả tạo vật đang mê ngủ phải tỉnh dậy.
Ðiểm đáng chú ý hơn nữa là thái độ của chàng rể. Chàng đứng ở cửa chờ lúc các cô khờ đến để nói vào mặt các cô: "Ta không biết các ngươi". Câu này đưa chúng ta nhớ đến Mt 7,22-23 và Lc 13,24-25. Ở cả hai đoạn, trong ngày chung thẩm Chúa sẽ nói Người không biết những kẻ chỉ kêu "Lạy Chúa! Lạy Chúa!" mà không thi hành Thánh ý của Người, hoặc không chịu đi vào con đường hẹp là con đường các lệnh truyền của Người.
Và như thế chúng ta đã có thể nắm vững được chủ đề của bài Tin Mừng hôm nay. Thánh Matthêô dùng dụ ngôn 10 cô thiếu nữ mà Ðức Yêsu đã giảng khi còn ở đời này để nói với Giáo hội và các tín hữu rằng: Chúa sẽ trở lại đưa chúng ta vào tiệc cưới Nước Trời. Vào giờ nào không ai biết vì Chúa là Chủ thời gian. Chắc chắn Người sẽ đến một cách đột xuất, nên ai khôn thì phải sẵn sàng. Kẻ khờ không sẵn sàng sẽ bị từ chối bằng câu rất đau đớn rằng: Ta không biết các ngươi! Thế nên đừng tưởng mình là Kitô hữu mà yên trí, đừng tưởng mình đang ở với nàng dâu là Hội Thánh mà yên tâm. Chỉ những ai ở trong Hội Thánh mà có thái độ và đời sống sẵn sàng mới được rước vào Nước Trời sau này.
Nhưng thế nào là sẵn sàng?
C. Hãy Mến Chuộng Ðức Khôn Ngoan
Bài Tin Mừng kết thúc bằng câu: "Hãy tỉnh thức vì các ngươi không biết ngày nào giờ nào". Ðó là một câu ở nơi khác đã được đính vào bài dụ ngôn trên. Vì trong bài dụ ngôn cả 5 cô khôn cũng đã thiếp đi mà ngủ cả. Do đó muốn hợp lý chúng ta phải hiểu chữ "hãy tỉnh thức" ở đây chỉ có nghĩa là "hãy sẵn sàng" như Matthêô đã viết một cách tương tự ở đoạn trên (24,44). Và nếu muốn cắt nghĩa thế nào là sẵn sàng chúng ta có thể dựa ngay vào tư cách của 5 cô thiếu nữ "khôn" mà nói. Khi ấy bài đọc I có thể soi sáng cho chúng ta.
Bài sách này nói: những ai mến chuộng đức khôn ngoan, đức khôn ngoan sẵn sàng cho gặp; ai xứng đáng với đức khôn ngoan, đức khôn ngoan sẽ rảo quanh tìm kiếm; trên các nẻo đi, khôn ngoan đon đả hiện hình; mỗi ý xảy ra, khôn ngoan liền ra đón gặp.
Chúng ta cứ thử coi đức khôn ngoan là Chúa thì chúng ta sẽ được một bài học rất cụ thể. Và chúng ta phải làm như vậy, vì ở đây quả thật khi nói đến đức khôn ngoan, tác giả Kinh Thánh muốn chúng ta hiểu về chính Thiên Chúa.
Người là sự khôn ngoan sáng láng, không hề tàn úa như câu đầu của bài đọc hôm nay. Những ai tìm kiếm Người tất sẽ được Người cho gặp vì chính Người đã phán: ai tìm sẽ gặp, ai gõ cửa sẽ được mở cho. Người ở trên mọi nẻo đường ta đi...; và trong mọi ý tưởng của ta đều đã có Người.
Như vậy muốn gặp Chúa phải tìm kiếm; nhưng chỉ ai yêu mến Chúa mới tìm kiếm Người. Duy trì được lòng yêu mến Chúa là có thái độ sẵn sàng; và ai làm như thế là người khôn. Vì để chỉ người "khôn" thánh Matthêô đã dùng một từ ngữ phronimos, có nghĩa là có lòng, có lòng đối với tha nhân, tức là có lòng yêu mến; còn kẻ khờ thiếu lòng yêu mến nên không thi hành Ý Chúa (Tv 14,1; Mt 7,24). Vậy người khôn có đèn cháy sáng trong tay để sẵn sàng đi gặp Chúa là người có đức mến đã được đốt cháy khi chịu phép Rửa tội và đã nhận lấy một cây đèn cháy.
Với những tư tưởng này, chúng ta có thể thấy mọi nét chính trong các bài Kinh Thánh hôm nay. Hội Thánh khuyên nhủ chúng ta trong thời gian chờ ngày Chúa trở lại hãy giữ lòng mến Chúa cháy mãi. Hãy luôn luôn tưởng nhớ và yêu mến Người. Nhất là hãy luôn luôn thi hành giới răn Người để lại là thi hành lòng bác ái. Như thế, Người đến lúc nào chúng ta vẫn sẵn sàng để vào dự tiệc đời đời với Người.
Giờ đây tiệc Thánh Thể sắp khởi sự. Chúng ta hãy đốt lòng mến lên. Không những chúng ta phải giục lòng mến Chúa mà còn phải muốn hòa hợp với anh em để cùng nhau dự tiệc bác ái này. Và có tinh thần dự lễ như vậy và được đốt cháy lòng mến như thế, chúng ta phải tiếp tục giữ mãi ngọn lửa bác ái trong đời sống để không lúc nào là không sẵn sàng đón Chúa trở lại.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)