Giải Nghĩa Lời Chúa Năm A
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúa Nhật 21 Thường Niên Năm A
Mầu Nhiệm Hội Thánh
(Ys 22,19-23; Rm 11,33-36; Mt 16,13-20)
Phúc Âm: Mt 16, 13-20
"Con là Ðá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời".
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người là ai?" Các ông thưa: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở". Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Ðức Kitô.
Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: "Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu". Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người".
Suy Niệm:
Chúa Nhật XXI Thường Niên A
Ys 22,19-23; Rm 11,33-36; Mt 16,13-20
Bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta đã được nghe đọc trong ngày lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Nó có hai phần rõ rệt: những câu đầu tuyên xưng Ðức Yêsu là Kitô; còn những câu sau tuyên bố Phêrô được đặt làm nền tảng xây lên Hội Thánh. Hai phần có thể tách rời nhau, vì quả thật Marcô và Luca đã không đính phần sau vào phần trước. Nhưng Matthêô đã có ý gom hai phần lại để nhấn mạnh sự liên hệ giữa việc Phêrô tuyên xưng đức tin và việc ông được chọn để xây lên Hội Thánh, cũng như giữa Ðức Kitô và con người được chọn để thay quyền Người dưới đất. Chúng ta hôm nay còn đọc lại cả bài Tin Mừng này cùng với hai bài đọc trên để hiểu rõ Hội Thánh và cảm tạ Thiên Chúa về Hội Thánh nhiều hơn.
A. Hội Thánh Là Mầu Nhiệm Ðã Ðược Tiền Ðịnh Từ Ðời Ðời
Bài sách Isaia đã thuật lại một câu truyện trong lịch sử Dân Chúa. Nhưng đó lại là câu truyện có tính cách tiên tri, loan báo kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa. Và vì thế rất có hệ đến chúng ta.
Vua Israel bấy giờ dùng một vị đại thần hầu như là Nhiếp chính, mặc dầu cấp bậc chính thức chỉ là giám hộ hay chủ hộ. Mọi việc trong triều đều do ông ta định đoạt. Nhưng ông lại là kẻ thuộc hạng "mới làm ăn lên", tài cán không biết thế nào, nhưng chắc chắn rất tham lam và ích kỷ. Chúa sai Isaia đến nói cho ông biết, Người sẽ truất phế và cất chức ông. Và sau đó, Người sẽ đặt Êlyaqim lên thế vị.
Ðiều đáng để ý trong câu truyện này là những lời sấm về Êlyaqim. Ðó là những lời tiên tri rất long trọng, kể ngay từ những chữ đầu tiên. Chúa phán: "Ngày ấy, Ta sẽ gọi tôi tớ Ta là Êlyaqim". Vì hễ lần nào muốn tuyên sấm về một biến cố trọng đại trong tương lai, Người cũng bắt đầu bằng hai chữ: "Ngày ấy". Nên những gì sẽ xảy ra trong ngày ấy cũng đều có ý nghĩa tiên tri, tức là nằm trong kế hoạch cứu chuộc mầu nhiệm của Chúa. Ở đây Chúa lại còn gọi Êlyaqim là tôi tớ, danh xưng mà Người chỉ dành cho những kẻ được chọn một cách đặc biệt như Abraham, Môsê và Ðavít, trước khi áp dụng một cách tuyệt đối và vĩnh viễn cho Ðấng Cứu Thế.
Chúng ta thật phải lấy làm lạ vì thấy Chúa săn sóc đến Êlyaqim một cách khác thường. Chính tay Người sẽ mặc áo dài cho ông, thắt lưng cho ông và đặt quyền bính vào tay ông. Chúa ban áo dài cho ai là muốn người đó được lãnh chức tư tế; và khi Người thắt lưng cho họ là muốn cho quyền bính của người đó được chặt chẽ và vững vàng. Người còn đặt chìa khóa nhà Ðavít trên vai Êlyaqim. Cử chỉ này chúng ta chỉ hiểu được khi nhớ tới thời phong kiến và xa xưa hơn nữa. Mọi thị trấn và thành phố đều có tường thành kiên cố vây quanh và các cửa ra vào đều hết sức quan trọng. Các cánh cửa thành do đó đều chắc chắn, nặng nề và khóa bằng các then gỗ lớn, không thể cầm bằng tay mà phải vác trên vai. Và vì thế khi đã đóng mở rồi thì chẳng ai ra vào trái lệnh được nữa.
Sau cùng Chúa còn hứa cắm Êlyaqim xuống như một cái đanh nơi đất cứng, để giống như một lều vải đã được cột chặt vào đất, không ai nhổ lên được nữa... Triều đại của Êlyaqim không những sẽ vững bền mà còn vẻ vang và được lòng dân (câu 21 và 23).
Nhưng lịch sử cho thấy sự thật không được như vậy. Êlyaqim được lên chức giám hộ thật: nhưng rồi cái đanh ấy cũng đã bị nhổ đi. Dân Chúa suy nghĩ lại về những lời sấm long trọng kia. Người ta nhận ra rằng Êlyaqim chỉ là hình ảnh và là cớ để Chúa mạc khải kế hoạch cứu độ sâu xa của Người. Ðấng mà Người nhắm kêu gọi và tuyển chọn sẽ không là ai khác ngoài chính Ðức Yêsu Kitô; và cũng không phải chỉ là Ðức Kitô lịch sử sinh sống ở Dothái mà là Chúa Yêsu Kitô viên mãn hằng ở cùng Hội Thánh.
Do đó bài sách Isaia hôm nay nói về Ðức Yêsu và là Ðức Yêsu đang cai trị Hội Thánh. Bài sách ấy nói về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và về Hội Thánh trong kế hoạch ấy. Chúng ta hãy xem Hội Thánh đã được xây lên như thế nào để đáp ứng lời tiên tri trên.
B. Phêrô Là Ðá Xây Lên Hội Thánh
Hôm ấy Ðức Yêsu đi cùng môn đệ đến địa hạt Caisaria. Chi tiết nơi chốn này cũng đáng để ý hầu chúng ta thấy rằng Hội Thánh của Chúa sẽ vượt ra khỏi ranh giới Dothái ngày xưa và bao gồm tất cả dân ngoại.
Ðức Yêsu hỏi môn đồ: dư luận người ta nghĩ Người là ai? Người muốn biết tâm tư của mọi người sau một thời gian giảng đạo để chuyển sang một giai đoạn mới.
Môn đồ trả lời: kẻ bảo là Yoan Tẩy giả; kẻ bảo là Êlya; kẻ khác lại nghĩ là Yêrêmya hay một tiên tri nào khác. Thực ra môn đồ đã bắt đầu nói đến ý kiến của Hêrôđê vì ông này có mặc cảm đã giết Yoan Tẩy giả nên thấy Ðức Yêsu dường như là hiện thân của vị tiền hô. Rồi họ đã kể đến dư luận chung hơn, nghĩ Ðấng Thiên sai sẽ là Êlya trở lại. Một mình Matthêô đưa ra ý kiến Ðức Yêsu là Yêrêmya vì có dư luận cho rằng Ðấng Thiên sai cũng sẽ là nhà tiên tri bị bắt bớ. Nhưng nếu chẳng ý kiến nào trên đây được ưu thế, thì đây là ý kiến chắc không thể sai được: Ðức Yêsu là một trong các vị tiên tri thời danh kia. Ðó là dư luận chính thức của Dothái giáo thời bấy giờ. Giới tư tế cho rằng thời tiên tri đã mãn. Vậy nếu Ðấng Thiên sai sẽ đến là tiên tri, thì Người chỉ có thể là một trong các tiên tri "lớn" trước đây trở lại.
Dù sao cách trả lời của môn đồ cũng cho thấy mọi người đã công nhận uy thế của Ðức Yêsu. Người ta chưa biết đúng Người là ai, nhưng họ đã tin Người là Ðấng được Thiên Chúa tuyển chọn để làm một công việc rất lớn lao nào đây. Nếu dùng lại danh xưng trong bài đọc 1 nói về Êlyaqim, ta có thể bảo thiên hạ bấy giờ đều coi Ðức Yêsu là "người tôi tớ của Thiên Chúa" rồi.
Còn tâm tư của chính các môn đồ thì sao?
Phêrô "lên tiếng", tức là đã nói thay cho cả đoàn rằng: "Thầy là Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".
Có thật Phêrô đã nói như thế không? Vì trong Marcô và Luca, ông chỉ thưa: Thầy là Kitô. Còn những chữ "Con Thiên Chúa hằng sống" là của riêng sách Tin Mừng Matthêô và dường như là thành ngữ tuyên xưng đức tin của Hội Thánh sau ngày Ðức Yêsu hiển vinh. Nếu thực sự như vậy thì càng chứng tỏ trong đoạn Tin Mừng này, Phêrô được coi như gắn liền với Hội Thánh. Lời tuyên xưng của ông trở thành đức tin đã được ban cho Hội Thánh. Hội Thánh đang nằm ở trong con người ông. Nói đúng hơn, Hội Thánh đang được xây lên từ ông.
Quả vậy, ông vừa dứt lời thì Ðức Yêsu đã mừng rỡ tuyên bố như đứng trước một mạc khải mới: "Con có phúc, hỡi Simon con Yôna, vì không phải thịt máu mạc khải cho con biết điều ấy, nhưng là Cha Ta Ðấng ngự trên trời". Nếu không phải "những yếu tố" loài người nói lên điều tuyên xưng kia, thì Simon đã trở thành dụng cụ của Cha trên trời rồi.
Chúa Cha muốn dùng Simon vào việc nào đây? Ðức Yêsu sắp ra đi chịu chết cứu chuộc nhân loại , thì hẳn Simon được thiên định hợp tác trong công cuộc này, một công cuộc còn phải nối dài trong mọi thế hệ. Và như vậy lời tiên tri về Êlyaqim, như đã nói trên, cũng phải được thực hiện nơi Simon qua Ðức Yêsu.
Thế nên Ðức Yêsu đã phán tiếp: Simon, từ nay con sẽ gọi là Phêrô, là Thạch, là Ðá; con sẽ có một định mệnh mới là trở nên Ðá kiên cố để Ta xây Hội Thánh của Ta trên Ðá này. Cửa hỏa ngục, tức là sức mạnh của tử thần và tà thần muốn công phá cũng không làm gì được. Vì như trên đã nói "Cửa thành" là nơi tung sức trong thành ra và cũng là ngõ để kẻ thù tấn công vào. Nói cho đúng, Phêrô không phải là cửa thành vì chính Ðức Yêsu mới là cửa vào đàn chiên; nhưng Hội Thánh xây trên Ðá Phêrô sẽ phải chịu sức tấn công của cửa hỏa ngục. Và khi nói như vậy, chúng ta không được hình dung Hội Thánh luôn luôn ở thế thủ. Chúa không nói Hội Thánh chịu tấn công. Người khẳng định: cửa hỏa ngục không làm gì được Hội Thánh. Vì khi làm việc rao giảng Phúc Âm và làm các Bí tích, Hội Thánh đâu có ở thế thủ. Nhưng hỏa ngục vẫn không làm gì được. Người ta vẫn tin theo lời giảng dạy của Hội Thánh và đi vào Nước Trời.
Như vậy Hội Thánh đã thực hiện lời tiên tri về Êlyaqim: đó là cái đanh Chúa đã cắm xuống đất cứng không thể nhổ lên được nữa. Và như Êlyaqim đã được trao chìa khóa thành, thì Phêrô đã được trao chìa khóa Nước Trời. Mà chìa khóa ở đây như trên kia đã nói không nhỏ bé nhẹ nhàng đâu, nhưng là then gỗ thật lớn phải vác; và khi đã đóng mở thì chẳng ai làm ngược lại được nữa. Ở đây Ðức Yêsu còn đi xa hơn, coi công việc của Phêrô là chính công việc của Thiên Chúa; Phêrô và Hội Thánh làm thế nào ở dưới đất, trên trời cũng quyết định như vậy.
Thật ra để chỉ công việc của Phêrô, Ðức Yêsu không nói là đóng mở, mà là trói mở. Nhưng trói mở là cột lại và tháo ra, là cho vào và cấm vào; và như vậy cũng là đóng mở cửa Nước Trời. Và nếu phải xác định rõ hơn công việc này, có lẽ chúng ta có thể dừng lại ý tưởng của Ðức Kitô khi nói về Biệt phái. Người trách họ đã không để cho ngưòi ta vào Nước Trời, vì "giáo lý" của họ. Như vậy, quyền đóng mở cửa Nước Trời của Phêrô trước tiên nên được hiểu là quyền giáo huấn, dạy dỗ đức tin để người ta được sống đời đời.
Do đó, chúng ta thấy lời tiên tri về Êlyaqim trở nên lu mờ trước Lời Chúa phán với Phêrô, chứng tỏ Cựu Ước chỉ là hình ảnh báo trước thực tại Tân Ước; và khi thực tại đến, hình ảnh không còn giá trị như trước nữa. Vậy nếu Dân Chúa đã mừng rỡ hân hoan đón nhận lời tiên tri về Êlyaqim như là lời cứu độ, thì chúng ta ngày nay càng phải hân hoan mừng rỡ hơn nữa khi đọc Lời Hứa về Phêrô và Hội Thánh. Ðó là tâm tình mà bài Thánh thư hôm nay muốn gợi lên.
C. Tạ Ơn Thiên Chúa Về Mầu Nhiệm Hội Thánh
Phaolô muốn kết thúc những chương suy nghĩ về số phận dân ngoại và nhất là số phận Israel. Người thấy đó là kế hoạch Thiên Chúa đã trù liệu cho Hội Thánh. Cả dân ngoại, cả Israel đã lầm lạc và lầm than trong tội bất vâng phục, để làm nổi bật tình thương nhưng không và vô biên chan chứa trong Hội Thánh. Thế nên Thánh nhân kêu lên: "Ôi! Thẳm sâu thay sự giàu có, khôn ngoan và thượng trí của Thiên Chúa".
Ðó là tiếng nói của tâm hồn dạt dào tình cảm mến, nhưng cũng là những tư tưởng thật đắn đo. Lịch sử dân ngoại và lịch sử Israel là gì nếu chẳng phải là lịch sử cứu độ, lịch sử Chúa trải tình thương vô biên quảng đại trên loài người tội lỗi? Dĩ nhiên ơn cứu độ của Người nằm trong mầu nhiệm Chúa Kitô. Nhưng mầu nhiệm này không phải là một sự kiện xảy ra trong một lúc. Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi như thế. Mầu nhiệm Chúa Kitô đã chan chứa suốt thời Cựu Ước chi phối cả lời tiên tri về Êlyaqim; mầu nhiệm ấy đang lan rộng trong Hội Thánh cho đến ngày nào đạt tới tầm mức tuyệt vời của Thân thể Ðức Kitô.
Ðó là kế hoạch sâu thẳm chỉ Thánh Thần mới dò được. Mọi sự giàu có phong phú đang chảy ra trong kế hoạch này. Thật là kế hoạch khôn ngoan mà thượng trí Thiên Chúa đã nghĩ ra để chúng ta được mọi ơn thiêng trong Ðức Kitô và nơi Hội Thánh. Và tất cả như vậy là vì Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước, đã tự ý ban Ðức Kitô cho chúng ta, đã chọn Phêrô một cách nhưng không để xây nên Hội Thánh. Mọi sự đều do Người, nhờ Người và vì Người.
Do đó chúng ta phải tạ ơn Người. Và biết ơn cụ thể nhất là đi vào trong kế hoạch thâm sâu của Người, tức là vào sống trong mầu nhiệm Ðức Kitô và mầu nhiệm Hội Thánh.
Chính những mầu nhiệm ấy sắp được cử hành trên bàn thờ bây giờ để khi tham dự, chúng ta được kết hợp với Ðức Kitô là người tôi tớ mà Thiên Chúa đã sủng mộ và tuyển chọn một cách đặc biệt để đưa chúng ta, tức là cả dân ngoại và Israel vào Hội Thánh xây trên Ðá Phêrô.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)