Giải Nghĩa Lời Chúa Năm A
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúa Nhật 17 Thường Niên Năm A
Phúc cho ai có niềm tin
(1V 3,5.7-12; Rm 8,28-30; Mt 13,44-52 hoặc 13,44-46)
Phúc Âm: Mt 13, 44-46 {hoặc 44-52}
"Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng đó".
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.
{"Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Trong ngày tận thế cũng vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?" Họ thưa rằng: "Có".
Người liền bảo họ: "Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái mới, cũ trong kho mình".}
Suy Niệm:
Chúa Nhật XVII Thường Niên A
1V 3,5.7-12; Rm 8,28-30; Mt 13,44-52 hoặc 13,44-46
Tư tưởng của các bài đọc Kinh Thánh hôm nay chưa hoàn toàn dứt khỏi giòng suy nghĩ của Chúa Nhật trước. Bài đọc 1 còn nói đến sự khôn ngoan. Và trong bài Tin Mừng dài còn gợi lên vấn đề và số phận kẻ dữ. Tuy nhiên ta có thể nói hôm nay, Kinh Thánh chú trọng đến người khôn nhiều hơn. Và ta có thể nhờ cả ba bài đọc trong Thánh lễ hôm nay để thấy Chúa dạy chúng ta phải sống khôn ngoan thánh thiện như thế nào.
A. Người Khôn Theo Cựu Ước
Cựu Ước ca tụng Salômon là người khôn ngoan nhất đời. Và các sách Khôn Ngoan coi ông như sư tổ. Chúng ta hẳn đã được nghe nhiều truyện về sự khôn ngoan xét xử của ông. Ðặc biệt ai mà không biết truyện nữ hoàng phương Nam nghe tiếng sự khôn ngoan của ông đã làm một cuộc hành trình đến tận Yêrusalem để chứng nghiệm. Ngay trong đoạn trích sách các Vua quyển 1 hôm nay cũng chứng tỏ Salômon thật là người khôn ngoan, xứng đáng được gọi là minh quân.
Thuở ấy ông mới lên ngôi kế vị cha là Ðavít. Ông hành hương đến Gabaon, cách Yêrusalem chừng 9 cây số về phía tây, vì Gabaon bấy giờ là cao đàn lớn, tức là nơi thờ phượng chính yếu. Ở đó, ông đã được Thiên Chúa hiện ra. Người hỏi ông xin gì? Ông không xin những điều như các vị hoàng đế thời ấy hằng ước nguyện, tức là được giàu sang và thế lực. Ông chỉ xin "được tấm lòng biết nghe để phân xử việc dân, để biết biện minh điều phải trái". Ông chỉ xin sự khôn ngoan.
Chính việc ông đến Gabaon để dâng lễ đã là một thái độ khôn ngoan rồi. Khác với Saul và Ðavít, ông không phải là vị vua được xức dầu, theo nghĩa được Chúa tuyển chọn. Ông làm vua theo di chúc của cha là Ðavít, tức là theo truyền thống loài người cha truyền con nối. Sự kiện này không thuận lợi một tí nào ở nơi một dân tộc mà truyền thống ai trị dân chỉ điều hành thay mặt Chúa. Salômon cần được tư cách thần quyền ấy. Ông đã khôn ngoan đi dâng lễ ở Gabaon. Và ông đã được Chúa công nhận khi hiện ra với ông.
Ông cũng khôn ngoan khi trả lời câu Chúa hỏi. Ông vào đề rất khéo, gợi đến lòng nhân nghĩa lớn lao của Người, đặc biệt đối với Ðavít thân phụ ông. Ông hạ mình tự xưng còn như một đứa trẻ bé mọn, chưa biết ngõ ra lối vào, tức là các cách cư xử ở đời. Thế nên ông chỉ xin được sự khôn ngoan của bậc trị dân, là biết phân xử công minh... Và ông thật sự đã khôn ngoan khi quan niệm chính việc trị dân này. Theo ông, muốn cai trị khôn ngoan phải có tấm lòng biết nghe Luật Chúa, nghe tiếng nói của lương tri, nghe lẽ phải của chân lý để đem ra mà phân xử và biện minh.
Tuy nhiên ngày nay ta có thể nói: Salômon vẫn chưa khôn ngoan hoàn toàn. Ông xin được ơn cai trị khôn ngoan mà quên nghĩ đến việc sống khôn ngoan. Nghĩa là ông sẽ khôn việc của người, mà dại việc của mình. Lịch sử đã cho thấy như vậy. Ông phân xử việc dân một cách tuyệt diệu; nhưng đời tư của Salômon lại mù quáng sống theo dục vọng, để cho nhiều phụ nữ dân ngoại kéo vào con đường tà giáo lầm lạc. Như vậy, ông vẫn chưa phải là người khôn ngoan hoàn toàn. Lý tưởng khôn ngoan của Cựu Ước còn phải được bổ khuyết. Nói đúng hơn, sự khôn ngoan xử thế chưa bảo đảm hạnh phúc. Tiếng nói cuối cùng, lời mạc khải hoàn toàn về sự khôn ngoan đã được chính Ðấng Khôn Ngoan tuyên bố trong bài Tin Mừng hôm nay khi Người mô tả con người khôn ngoan của Nước Trời.
B. Người Khôn Trong Nước Trời
Kẻ khôn ngoan đó là người kia gặp thấy một kho báu giấu trong ruộng liền vui mừng đi bán tất cả những gì anh có mà tậu thửa ruộng ấy. Kẻ đó cũng là thương gia nọ rảo tìm ngọc quý, gặp được một viên ngọc trai đắt giá, liền đi bán sạch mọi điều ông có mà mua lấy. Cuối cùng kẻ khôn ngoan đó cũng là người gia chủ biết rút tự trong kho tàng của ông ra điều mới và điều cũ.
Chúng ta đã hiểu những ví dụ ấy chưa? Hồi Chúa Yêsu kể các dụ ngôn như thế cho các môn đệ, họ đã hiểu. Họ biết Người nói về họ và Người khuyên bảo họ. Hầu hết những người trong bọn họ đều đã may mắn gặp được Ðức Yêsu. Họ thấy Người có lời hằng sống, nên họ bỏ mọi sự kể cả cha mẹ, lưới thuyền để đi theo Người. Một vài người đã trở thành môn đệ một cách hơi khác. Họ giống như thương gia rảo tìm ngọc quý, tức là ưu tư thao thức đi tìm chân lý. Họ đã tò mò nhìn theo Ðức Yêsu, rồi đến ở với Người và đã khám phá ra Người.
Nhưng bây giờ, sau khi đã được làm quen với giáo lý mới mẻ của Người, họ còn phải tiến bộ hơn nữa, bắt chước người gia chủ biết rút tự trong kho điều mới và điều cũ. Muốn hiểu hình ảnh này, chúng ta phải nhớ tới thời xa xưa, khi mà của cải và phương tiện vật chất không được dồi dào và khó mua sắm. Người nào khôn cũng phải có kho, có lẫm. Và hễ có được của gì là phải chất vào kho để khi cần thì lôi ra; và thường lôi của mới trước và của cũ sau. Thế thì người khôn ngoan trong Nước Trời cũng vậy, phải lấy giáo lý mới của Ðức Yêsu ra mà sống; nhưng đồng thời cũng không được bỏ những cái cũ là giáo lý của Cựu Ước.
Như vậy, đối với Chúa Yêsu, người khôn chính là kẻ phải biết từ bỏ mọi sự mà đi theo Người; và khi đã đi theo Người, phải sống hết lời mạc khải mới và cũ của Chúa. Ai làm như thế sẽ là những cá tốt trong ngày cánh chung. Còn ai không đón nhận Nước Trời mà Ðức Yêsu mang lại, sẽ là cá xấu bị loại ra trong ngày sau hết.
Do đó, Ðức Kitô đã đề ra một lý tưởng về sự khôn ngoan khác với Salômon. Vị hoàng đế khôn ngoan này đã nghĩ rất đúng khi quan niệm người khôn phải biết nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Nhưng ông thu hẹp phạm vi áp dụng nguyên trong lãnh vực chính trị xã hội. Ông đã khôn ngoan trong việc xử thế trị dân, nhưng đã ra mù quáng trong đời tư khi chạy theo dục tình và phụ nữ ngoại bang. Cuối cùng cơ đồ do ông gây dựng đã sụp đổ ngay sau khi ông mất vì nó chỉ có vẻ hào nhoáng bên ngoài, còn bên trong thì hư nát.
Ðức Kitô đã đến tuyên bố đây có Ðấng còn cao trọng hơn Salômon. Người đặt lý tưởng khôn ngoan nơi thái độ biết hy sinh từ bỏ mọi sự vì Nước Trời và biết sử dụng mọi khả năng trong kho tàng của mỗi người. Và như vậy bất cứ ai cũng có thể trở thành người khôn. Và người khôn như vậy sẽ xây dựng được cơ đồ tồn tại đến muôn đời, không sợ bị loại bỏ trong ngày chung thẩm.
Nói đúng hơn khi kể dụ ngôn về lưới cá tiếp theo hai dụ ngôn về kho tàng và viên ngọc, dường như thánh Matthêô muốn cảnh giác chúng ta đừng quá vui mừng vì đã tìm được Nước Trời mà quên viễn tượng ngày phán xét. Người ta phải lo việc phần rỗi với lòng kính sợ vì "kính sợ Chúa là đầu sự khôn ngoan".
Tất cả những giáo lý trên đã được thánh Phaolô đem ra thực hành. Và ít có ai xứng đáng hơn người để mang tước hiệu "người ký lục đã được thụ giáo về Nước Trời". Chính người đã khẳng định nhiệt tình với Luật cũ hơn bất cứ đồng bạn Biệt phái nào; nhưng lại được mạc khải cho biết chiều sâu, chiều rộng, chiều dài của kế hoạch thâm sâu cứu độ mới. Chúng ta hãy nghe người khuyên nhủ chúng ta hôm nay về niềm tin của người khôn.
C. Niềm Tin Của Người Khôn
Người khôn, như Chúa dạy, phải biết rút tự trong kho ra điều mới và điều cũ. Thánh Phaolô, trong câu đầu bài thư hôm nay cũng nói: với những ai yêu mến Thiên Chúa, thì Người đồng công cộng tác biến mọi sự nên lành. Chúng ta cứ đồng hóa người khôn với người yêu mến Thiên Chúa, thì mọi sự đều nên lành cho người ấy. Không những các điều mới và cũ đều tốt cho họ, mà hoàn cảnh thuận cũng như nghịch đều nên lành cho họ. Bởi lẽ người ấy đã nằm trong tiền định của Thiên Chúa.
Quan niệm tiền định này có thể gây ra nhiều thắc mắc. Nó thường khiến chúng ta hình dung Thiên Chúa từ đời đời đã quyết định cho một số người được cứu vớt và một số người khác phải hư đi. Rồi nó khiến chúng ta đưa ra những kết luận kỳ quặc: nào là con người mất tự do; cố gắng hay không, số phận cũng đã được đặt định rồi.
Chúng ta không biết rằng suy nghĩ như vậy là lầm lạc và rối đạo. Khi nói Thiên Chúa tiền định cứu vớt chúng ta, thánh Phaolô muốn nói đến ý chí cương quyết của Thiên Chúa muốn cứu vớt mọi người. Quan niệm tiền định của người gắn liền với ý tưởng Thiên Chúa muốn cứu chuộc mọi dân nước. Người muốn cứu rỗi tất cả chúng ta nguyên vì lòng nhân đạo của Người, trước khi chúng ta có ý tưởng trở về với Người để được rỗi. Người sáng nghĩ ra kế hoạch chuộc tội trước khi chúng ta có ý tưởng về việc đó. Người yêu chúng ta trước đang khi chúng ta còn là tội nhân chẳng có gì đáng thương.
Quan niệm tiền định chỉ có ý nghĩa như vậy. Nó nói lên bước đi trước nhưng không của Thiên Chúa đến với chúng ta. Nó cho ta thấy Người yêu thương chúng ta trước. Người đặt ra kế hoạch cứu độ mọi người, trước mọi suy tư hành động về phía chúng ta.
Và như vậy, quan niệm tiền định chỉ nói lên lòng tốt nhưng không của Thiên Chúa; ý chí thương yêu cứu độ từ đời đời của Người. Còn việc người này người nọ được cứu độ hay không là tùy ở người ấy có muốn đón nhận ơn Chúa và đáp lại kế hoạch cứu độ của Người hay lại từ chối và bác bỏ. Thiên Chúa biết trước thái độ của mỗi người, nhưng Người không định. Thái độ của con người là do chính con người định đoạt. Họ có thể quyết định theo Chúa hay không theo Chúa. Còn chính Thiên Chúa thì Người đã tiền định cứu vớt mọi người và đã sai Con Một Người chịu chết để đền bù tội lỗi của hết thảy chúng ta.
Và ý chí tiền định cứu độ này thật là quyết liệt và dứt khoát. Thánh Phaolô trong câu nói cuối cùng của bài thơ hôm nay đã khẳng định điều ấy. Người nói vì Thiên Chúa đã tiền định cho chúng ta được cứu độ, nên Người đã kêu gọi chúng ta; kêu gọi rồi, Người giải án tuyên công cho chúng ta, tức là tha thứ tội lỗi cho chúng ta và ban cho chúng ta quyền làm nghĩa tử và thừa tự; và sau khi đã được như thế, chúng ta sẽ được tôn vinh sau này ở trên trời.
Phúc cho ai có niềm tin như vậy. Ðó là người khôn của Nước Trời, là người nắm lấy tất cả Lời Hứa Cũ và Mới, là người được cả đời sau lẫn đời này, chứ không nhu Salômon chỉ ao ước được cuộc sống hiện tại. Vì con người như thế sẽ "đồng hình đồng dạng với hình ảnh của Con Thiên Chúa" và Ngài nên Trưởng tử giữa một đàn em đông đúc.
Chúng ta giờ đây tham dự Thánh lễ. Chúng ta mong gì nếu không phải là muốn được kết hợp với Chúa Yêsu Kitô nên một thân thể, để chúng ta đồng hình đồng dạng với Người và để Người là Ðầu của tất cả chúng ta là anh em đông đúc của Người. Chúng ta làm được công việc ấy là đi vào tiền định của Thiên Chúa muốn cứu độ chúng ta. Chắc chắn chúng ta được giải án tuyên công và sau này được tôn vinh hiển trị. Công việc duy nhất hàng ngày phải làm là cố gắng đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô và tôn dương Người là Trưởng tử của một đàn em đông đúc, tức là cố gắng sống theo gương Chúa Yêsu và phục vụ Người nơi anh em. Cố gắng ấy, chúng ta làm được khi có niềm tin của người khôn trong Nước Trời, niềm tin mà giờ đây chúng ta sốt sắng tuyên xưng để đi vào mầu nhiệm Thánh lễ.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)