Giải Nghĩa Lời Chúa Năm A
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúa Nhật 14 Thường Niên Năm A
Hãy Sống Theo Thần Khí
(Za 9,9-10; Rm 8,9.11-13; Mt 11,25-30)
Phúc Âm: Mt 11, 25-30
"Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng".
Khi ấy, Chúa Giêsu lên tiếng nói rằng: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. - Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho.
"Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".
Suy Niệm:
Chúa Nhật XIV Thường Niên A
Za 9,9-10; Rm 8,9.11-13; Mt 11,25-30
Ngày Chúa Nhật, chúng ta họp nhau đông đủ để được Chúa dạy dỗ và nhất là nuôi dưỡng, hầu mạnh sức hơn tiếp tục cuộc sống ở giữa trần gian như những người con Chúa. Hôm nay Chúa tỏ ra tha thiết. Người kêu gọi chúng ta đang gồng gánh nặng nề, hãy đến với Người để Người bổ sức, hồi sinh. Vậy, chúng ta hãy chú ý đón nhận mọi lời từ miệng Chúa phán ra để chuẩn bị rước lấy chính Thịt Máu Người hầu thánh lễ này sẽ thật sự bổ sức cho chúng ta.
Chúa bắt đầu nói với chúng ta về chính Người qua bài sách Zacarya. Rồi tựa vào gương sáng của Người, Người khuyên nhủ chúng ta đi vào đường lối Người đã đi. Và nếu chúng ta chấp nhận, Người sẽ ban Thần Linh của Người đến giúp đỡ.
A. Trước Hết, Ðây Là Khuôn Mặt Thật Của Chúa
Nhiều ngôn sứ đã được sai đến nói với loài người về Thiên Chúa chúng ta. Ðặc biệt trong những giai đoạn bi thảm của lịch sử Dân Chúa. Dần dần người ta đã biết chờ mong một vị thiên sai cứu thế. Nói đúng hơn, Dân Chúa đã dần dần trông cậy Chúa là Cứu Chúa. Người sẽ cứu Dân như đã làm trong lịch sử, đặc biệt khi đưa Dân ra khỏi Aicập. Hơn nữa, lần cứu độ này sẽ có tầm mức rộng lớn. Chúa sẽ thi hành Lời Hứa với tổ phục Abraham và đưa mọi dân tộc vào hạnh phúc vô tận của dòng dõi được tuyển chọn.
Nhưng ở thời tâm lý Dân Chúa còn nặng mặt thế tục và cụ thể, người ta chỉ biết mong đợi một cuộc cứu độ trong uy quyền và võ lực. Người ta tin Chúa sẽ cứu Dân, nhưng chắc Người sẽ cứu với cánh tay mạnh mẽ của Ðấng uy hùng chiến sĩ. Người ta khó hiểu được những lời ngôn sứ Zacarya hôm nay nói. Lời của ông thật rõ ràng. Chúa sẽ đến. Chắc chắn như vậy. Người sẽ đến như Ðấng công chính, hay nói đúng hơn, với tư cách của Vị đến để xét xử công minh, phân biệt dứt khoát người lành-kẻ dữ. Người cũng sẽ đến như Ðấng cứu chuộc, và nói đúng hơn như Vị được cứu vớt, tức là như đấng được lãnh trọn ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Bằng hai từ ngữ và danh xưng đó, Zacarya đã loan báo chính Ðấng mà muôn dân đang trông đợi. Người ta đang chờ Ðấng đến tái lập công chính, đem ơn cứu độ cho mọi dân. Thế mà vị Ngôn sứ lại nói Ðấng công chính xét xử và cứu thế độ nhân sẽ đến. Hơn nữa, ông còn tuyên bố Người là Hoàng đế, và lời này thật hợp với tâm lý những người đang chờ mong vì họ không thể nào không tưởng tượng Cứu Chúa sẽ là Hoàng đế của Dân Người.
Nhưng Zacarya đã bắt đầu đi xa quan niệm của người ta và đi ngược với suy nghĩ của họ khi mô tả thêm: Cứu Chúa sẽ là Ðấng khó nghèo và sẽ đến ngồi trên lưng lừa, một con lừa con rất nhỏ. Ai chấp nhận được những lời như thế? Nhất là người ta đang nhìn thấy một vị tân hoàng đế đi lên: một nhà vua Hylạp mà danh hiệu là A-lịch-sơn. Ông đang đánh đông dẹp tây. Ðế quốc của ông không ngày nào không bao trùm thêm một số đất đai. Danh tiếng của ông nơi nào cũng biết. Ông lại còn trẻ, khoảng độ 30. Ðó mới thật là hình ảnh về Vị Hoàng đế thống trị hoàn vũ. Thế mà Zacarya lại tuyên bố Cứu Chúa là con người nghèo khó, cỡi lừa chứ không ngồi trên ngựa trận, mà lại là một con lừa rất nhỏ, hiền từ nếu không phải là yếu đuối. Không, Cứu Chúa không thể như vậy, vì như vậy Người sẽ là một đứa con nít đứng cạnh hoàng đế A-lịch-sơn đại thắng. Các người nghe Zacarya đã bịt tai, đã cố quên những điều vừa nghe, để cố bám lấy hình ảnh quen thuộc về Cứu Chúa. Thế nên khi Ðức Yêsu Kitô đến cứu đời, phần đa số dân chúng đã không nhận ra Người là Ðấng muôn dân trông đợi. Chỉ có một lần khi Ðức Yêsu vào Yêrusalem ngồi trên lừa con, những trẻ thơ ngây đã đón nhận Người như Vị Cứu Thế. Nhưng chỉ trong giây lát thôi. Và những đầu óc suy nghĩ trong Dân là kỳ mục và biệt phái vẫn phủ nhận vị tiên tri nghèo khó đến ngồi trên lưng lừa.
Thật uổng, bởi vì người ta đã không chịu nghe tiếp những lời tiên tri của Zacarya. Ông đã nói thêm: "Xe trận, Ta sẽ cất phăng khỏi Ephraim, và ngựa trận khỏi Yêrusalem. Và Ta sẽ nói lên thái bình cho chư quốc". Ðó là những lời thật thích hợp về Chúa cứu dân. Mọi ngôn sứ đều loan báo và mọi người đều tin tưởng. Ðấng Thiên sai cứu thế sẽ hủy bỏ chiến tranh cho cả hai miền Bắc Nam Dân Chúa, sẽ tái lập hòa bình cho Ðất Nước của họ và triển khai thái hòa cho chư quốc.
Zacarya nói đúng truyền thống các tiên tri và y như Lời Chúa đã từng hứa hẹn. Ông chỉ cho thấy một điểm khác, nói đúng hơn, một điều mới: Ðấng thi hành công cuộc cứu thế sẽ khó nghèo và hiền lành. Nhưng tại sao lại không có thể như thế! Ðavít không là vị hoàng đế khó nghèo và hiền lành sao? Ngay cả Môsê khi được mang tên "cứu vớt" cũng chỉ là một trẻ nhỏ nằm trong một cái thúng ọp ẹp, trôi nổi trên dòng sông Nil. Người ta ít nhìn vào lịch sử Dân Chúa. Họ hay ngưỡng vọng nề nếp của các dân tộc chung quanh. Họ hy sinh lời nói của Zacarya để duy trì hình ảnh về một hoàng đế A-lịch-sơn chẳng hạn. Nhưng suy nghĩ của họ không giống như của Chúa. Ngài không chịu người ta tưởng tượng ra Ngài. Người ta muốn chấp nhận Ngài thì phải chấp nhận đúng Ngài và chính Ngài, chứ không phải là ngẫu tượng xuyên tạc bản chất của Ngài.
Và bản chất của Ngài, Zacarya hôm nay đã loan báo rõ ràng. Và Chúa Yêsu đã thực hiện như vậy. Người bảo ta hôm nay hãy đến học với Người để trở nên như Người là Ðấng có lòng hiền từ và khiêm nhường. Không ý tứ, hôm nay chúng ta cũng sẽ giống như người Dothái ngày xưa. Họ đã bỏ rơi Lời Chúa. Muôn khỏi như vậy, chúng ta phải làm gì?
B. Hội Thánh Là Môi Trường Ðón Nhận Chúa
Không phải Zacarya đã không chuẩn bị tâm hồn người nghe đón nhận mạc khải của ông. Trước khi tuyên bố Ðấng đem hòa bình đến cho muôn dân không cỡi ngựa trận nhưng ngồi trên lưng lừa con, ông đã muốn tạo bầu khí khi viết: "Hãy nhiệt liệt nhảy mừng, nữ tử Sion! Reo hò lên, nữ tử Yêrusalem!" Ðó là những tiếng kêu mời đi vào một cuộc liên hoan thánh. Một cuộc rước phụng vụ chẳng hạn. Vì những lời ấy gợi lên hình ảnh một Ðavít hôm nào nhảy múa trước Hòm Bia Thánh đang được người ta khiêng về đặt ở Sion. Nói cách khác, để đón nhận lời mạc khải về Thiên Chúa đến cứu dân trong khó nghèo và khiêm nhu, người ta phải đặt mình vào bầu khí đạo đức, phải trở nên đơn sơ vô tội để có thể thấy tất cả những gì cao cả thì đơn sơ và thanh bạch.
Trước khi kêu gọi chúng ta đến trường học hiền từ và khiêm nhu trong lòng, Chúa Yêsu cũng đã làm như thế. Người đã ngước mắt lên trời cầu nguyện. Người cho người ta thấy ở trước mắt Thiên Chúa không có những hạng thông thái và khôn ngoan kiểu thế gian, nhưng chỉ có những trẻ nhỏ. Thiên Chúa là Thượng đế nhưng lại không như các hoàng đế. Càng những hoàng đế như Nabucôđônôsor lại càng xa với Người. Vị hoàng đế này cỗ tiệc linh đình với quần thần và tài cán trong nước. Nhưng không một ai đọc được mấy chữ mà một ngón tay vừa viết ra ở trên tường. Những khối óc nổi tiếng thông thái nhất cũng tái mét mặt đi không biết đọc làm sao. Thế mà một em bé, một đứa nhỏ trong Nước Trời, tên là Ðaniel đã đứng ra đọc vanh vách, rồi giải nghĩa phân minh. Quả thật, Thiên Chúa đã ban trí tuệ cho những kẻ khiêm nhường và bé mọn hiểu các mầu nhiệm của Người.
Chúa Yêsu đã ý thức rõ điều ấy, Người chắc chắn rằng chỉ những trẻ thơ ấu mới được Chúa Cha mạc khải sự thật về Thiên Chúa. Thế nên, trước khi kêu gọi chúng ta đến với Người để học biết Người, và nhận biết Người đến giải cứu chúng ta khỏi các gánh nặng tội lỗi, Người đã muốn tạo một bầu khí cầu nguyện và đạo đức. Người là như Zacarya khi muốn mạc khải con người đích thực của Cứu Chúa. Thái độ ấy cho phép chúng ta kết luận: phải sống trong bầu khí phụng vụ, phải ở trong cộng đoàn cầu nguyện, phải hiệp nhất với Hội Thánh mới đón nhận và hiểu được Thiên Chúa với đường lối cứu thế của Người. Không ra khỏi não trạng của thế gian, xác thịt, sẽ không sẵn sàng đón nhận mạc khải cứu sống của Chúa; sẽ không chấp nhận đường lối khó nghèo của Phúc Âm để được an thái trong tâm hồn.
Vậy làm thế nào để có tinh thần đơn sơ bé mọn? Bài thư Phaolô đã trả lời cho chúng ta.
C. Anh Em Hãy Sống Theo Thần Khí
Chúng ta hết thảy đều vất vả và gánh nặng. Không nói đến những gánh nặng bên ngoài đè trên vai chúng ta, để có cuộc sống đầy đủ và an vui cho bản thân và gia đình. Những gánh nặng đó sẽ trở nên nhẹ nhõm khi trong mình có sức mạnh và vui tươi. Nhưng khốn nỗi chính trong lãnh vực của tâm linh thường khi chúng ta cũng vất vả và nặng nề. Xác thịt đè nặng trong các ham muốn của tính dục. Nhiều tật xấu nào đó kìm hãm tinh thần chúng ta. Và sức mạnh của con người cũ không chịu buông tha để chúng ta đi theo Chúa. Dùng tiếng của thánh Phaolô trong bài thư hôm nay, chúng ta dường như còn mắc nợ xác thịt, nghĩa là còn sống theo nó nhiều quá. Và như vậy, chúng ta còn sống xa Thiên Chúa, chưa đi vào đường lối khó nghèo Người vạch ra và còn cảm thấy nặng nề chưa được giải thoát.
Hôm nay Chúa Yêsu gọi chúng ta đến với Người. Người muốn cất gánh nặng đi cho chúng ta. Ðúng hơn Người muốn đặt trên vai chúng ta một ách khác nhẹ nhàng thoải mái đến nỗi sẽ phục hồi con người vất vả của chúng ta. Chính Người nói: Hãy mang lấy ách của Ta vào mình, hãy thụ giáo với Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng và các ngươi sẽ tìm thấy sự nghỉ ngơi cho tâm hồn.
Chúng ta có thể lấy làm lạ vì sao Chúa lại dùng tiếng "ách". Cựu Ước đã dùng tiếng đó để nói về Lề Luật. Chúa tiếp tục dùng theo nghĩa đó. Người công nhận Luật nào cũng có khi làm cho khó chịu. Hơn nữa đối với Chúa, Luật nào cũng chỉ làm khổ con người. Luật Dothái không đem lại giải thoát. Luật lương dân cũng vậy. Không phải bản chất lề luật là làm khổ người ta. Chính lề luật vẫn tốt. Nhưng con người đã thêm thắt vào lề luật. Họ áp dụng theo dục vọng, khiến cuối cùng luật tốt lành của Thiên Chúa đã bị lãng quên vì bộ mặt rườm rà của các truyền thống loài người.
Luật Dothái ở thời Chúa Yêsu là một thí dụ điển hình. Nội dung cốt yếu của nó là lòng nhân nghĩa trong giao ước; nhưng dần dần người ta không còn nhớ các bổn phận nhân nghĩa nữa mà chỉ còn thắc mắc về việc giữ lễ lạc. Vì thế Chúa Yêsu mới thấy người ta đang vất vả dưới ách lề luật. Người kêu gọi họ đến để Người cất ách nặng ấy đi cho và thay vào ách của Người tức là Luật mới của Người. Luật của Người có lòng hiền từ và khiêm nhường. Nói đúng hơn nữa, Người sẽ đổ Thánh Thần xuống trong lòng chúng ta để chúng ta có Luật mới của Người là tình mến.
Thế nên thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy sống theo Thánh Thần. Nếu có Thánh Thần ở trong mình thì tuy thân xác còn vất vả ở đời này vì tội lỗi, tâm hồn cũng đã được sinh động và hân hoan nhờ sự sống của Thần Khí. Và như Thần Khí đã khiến Ðức Kitô phục sinh thế nào, thì Người cũng làm cho chúng ta được phục hồi mạnh sức khi thân xác còn vất vả vì thân phận tội lỗi.
Chúng ta có thể nói lên kinh nghiệm về những lần có dồi dào tình mến ở trong lòng thì mọi vất vả bề ngoài trở nên nhẹ nhõm. Chúng ta hãy từ đó suy lên lời của Thánh Tông đồ và sẽ hiểu Lời Chúa khi kêu gọi chúng ta nhận lấy ách của Người để được nghỉ ngơi trong tâm hồn.
Giờ đây Chúa cũng đến với chúng ta trong Bí tích khó nghèo và khiêm cung. Tấm bánh nhỏ có là gì ở trước mắt thế gian. Nhưng đức tin nói đấy là Thần Khí Ðức Kitô đến với chúng ta, để khi ở trong tâm hồn, Chúa dạy chúng ta sống hiền lành và khiêm nhường như Người là Ðấng khó nghèo. Những ai cố gắng đi vào con đường đó sẽ cảm thấy nhẹ nhõm thật sự ngay cả khi đang vất vả gánh nặng. Chúng ta hãy tin, hãy đến, hãy tham dự Bí tích khó nghèo, hãy nhận lấy Thần trí của Chúa; và Thần trí của Chúa sẽ giúp chúng ta sống.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)