Giải Nghĩa Lời Chúa Năm A
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúa Nhật 10 Thường Niên Năm A
Lòng Nhân Nghĩa
(Hs 6,3b-6; Rm 4,18-25; Mt 9,9-13)
Phúc Âm: Mt 9, 9-13
"Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi".
Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra là khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như thế?" Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: "Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: 'Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải là hy lễ'. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi".
Suy Niệm:
Chúa Nhật X Thường Niên A
Hs 6,3b-6; Rm 4,18-25; Mt 9,9-13
Chúa chuộng nhân nghĩa chứ không phải là lễ tế. Ðó là chủ đề của ngày Chúa Nhật hôm nay, là tư tưởng chúng ta phải suy nghĩ trong suốt tuần lễ này. Và ngay bây giờ chúng ta cũng phải có lòng nhân nghĩa; nếu không, lễ vật chúng ta dâng cũng sẽ không được chấp nhận.
Nhưng muốn hiểu lòng nhân nghĩa mà Chúa mến chuộng, chúng ta phải tựa vào những bài Kinh Thánh hôm nay, đặc biệt là bài sách Hôsê và bài Tin Mừng Matthêô. Và muốn có lòng nhân nghĩa ấy, chúng ta phải theo gương Abraham như bài thơ Phaolô hôm nay khuyên nhủ.
A. Hôsê Rao Giảng Lòng Nhân Nghĩa
Ông là một trong những tiên tri văn sĩ kỳ cựu nhất của dân Dothái. Tên ông gắn liền với một quyển sách tiên tri ngắn gọn, nên người ta kể ông vào số các tiên tri nhỏ. Nhưng tư tưởng của ông rất phong phú. Ðặc biệt ông tả tình Chúa thương dân thắm thiết như nghĩa phu-phụ. Bài sách hôm nay không cho chúng ta thấy những điều ấy; nhưng được biết như vậy chúng ta mới hiểu rõ những lời sách Hôsê hôm nay.
Nhà tiên tri rao giảng ở miền Bắc nước Dothái, cũng gọi là Ephraim; nhưng ông cũng hiểu rõ tâm tình đạo đức của miền Nam, cũng gọi là Yuđa. Cả hai miền, tức là cả Dân được Chúa chọn đều chẳng ăn ở ra sao đối với lòng nhân nghĩa của Chúa. Người yêu dân như người ta yêu thương bạn mình. Và mối tình ấy sắt son vững bền vì Dân biết rõ Chúa thật tín nghĩa. Nhưng họ lại không lấy tình yêu đáp trả tình yêu. Những câu đầu của bài đọc hôm nay cho thấy rõ họ lạm dụng lòng nhân nghĩa của Chúa. Họ ăn ở không ra gì và cố chấp không cố gắng trở lại, vì họ nói: chắc chắn Chúa sẽ xuất hiện như rạng đông và Người sẽ đến như mưa cuối mùa. Ai có thể hồ nghi rạng đông không trở lại và cuối mùa không có mưa lớn? Thế thì, dù người ta ăn ở thế nào, cuối cùng Chúa cũng vẫn sẽ thương Dân. Nghĩ như vậy để cứ ăn ở bạc bẽo, há chẳng phải là lạm dụng lòng nhân nghĩa của Chúa sao?
Và chúng ta đã biết Chúa đã xử thế nào! Người không rút lòng nhân nghĩa. Người luôn trung tín. Người không cư xử với chúng ta như chúng ta đáng tội. Nhưng Người muốn chúng ta trở lại mà được sống. Thế nên giọng Người tha thiết hỏi Dân:
"Ta phải làm gì cho ngươi hỡi Ephraim?
Ta phải làm gì cho ngươi hỡi Yuđa?".
Chúa thương yêu cả hai miền. Người thương toàn Dân hết thảy. Người tự hỏi tình yêu của Người phải làm gì cho kẻ Người thương. Họ đã ví lòng trung tín của Người chắc chắn như rạng đông sẽ đến và như mưa sẽ đổ cuối mùa. Thì này Người cũng vạch ra cho họ thấy lòng dạ họ thay đổi như mây ban sáng và như màn sương sớm tan. Ðáp lại tình yêu chắc chắn của Người, lòng dạ họ luôn luôn đổi thay. Và lòng nhân nghĩa bền vững của Người chỉ gặp thấy nơi họ mối tình nhẹ nhàng chóng qua.
Họ đừng bảo họ vẫn dâng lên Người những lễ tế và thượng hiến. Lễ vật là gì sánh với tình yêu? Ai nào muốn nhận tặng vật không do những tấm lòng chân thành? Thế nên Thiên Chúa đã phải dùng miệng lưỡi Hôsê để tuyên sấm cho toàn Dân của Người biết: Người muốn nhân nghĩa chứ không phải là hy lễ; Người muốn người ta biết Người, yêu Người hơn là thấy họ cứ thượng hiến các lễ vật bề ngoài. Người muốn đạo tình yêu, đạo phu phụ chứ không phải là đạo lễ lạc và kinh kệ suông.
Nhưng mặc cho Hôsê và các ngôn sứ tuyên sấm, cả hai miền Dothái vẫn tiếp tục một nếp sống đạo vụ hình thức, kéo dài mãi đến thời Chúa Yêsu. Bài Tin Mừng Matthêô cho chúng ta thấy rõ điều ấy.
B. Ðức Yêsu Thực Hiện Lòng Nhân Nghĩa
Thời bấy giờ, Biệt phái là hạng người nổi tiếng trung thành với Luật pháp. Họ tự xưng và được công nhận là những người bảo vệ giao ước. Họ mang lệnh truyền của Chúa viết trên áo mũ cân đai họ mang hàng ngày. Họ chú ý đến từng dấu phẩy, dấu chấm trong Luật pháp, đến nỗi không còn nhận ra lệnh truyền căn bản nữa. Hôsê và các ngôn sứ đã kêu gọi trở về với lòng nhân nghĩa của Chúa, chứ đừng cậy dựa vào các lễ lạc bề ngoài. Nhưng Biệt phái lại chỉ xoi mói bắt bẻ người ta về việc giữ nghi lễ và không biết mở mắt ra mà xem: kìa, người ta đang trở về với Chúa.
Matthêô đang ngồi ở bàn thu thuế mà đã đứng lên đi theo tiếng Chúa gọi. Ông bỏ cái nghề mà đa số và nhất là Biệt phái vẫn coi là bất lương vì bóc lột đồng bào và vơ vét cho ngoại bang... Ðối với người Dothái, cái quân thu thuế cũng là bọn tội lỗi. Thế thì lẽ ra khi thấy ai bỏ cái nghề bất lương đó, người ta phải mừng mới phải. Nhưng những người Biệt phái lại không vui như vậy, sẵn những tâm tình chống đối Chúa Yêsu, họ công kích Ngài vì ngồi đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi.
Họ không thấy rằng bàn tiệc đang diễn ra trước mắt họ là hình ảnh về ngày cánh chung và về thời thiên sai mà các sứ ngôn hằng nói tới. Chính Chúa Yêsu đã nhiều lần tuyên bố: Nước Trời là bàn tiệc, mà kẻ bên đông người bên tây sẽ đến tham dự; và có đi lùa hết mọi người vào, bàn tiệc ấy vẫn còn nhiều chỗ dư để cho người ta có thể cứ vào thêm mãi.
Hạng Biệt phái không muốn nhận Chúa Yêsu là Thiên sai; nên họ cũng không thể nhận ra cảnh tượng diễn ra trước mắt họ là bàn tiệc Nước Trời. Họ chỉ có thể tạm coi Ngài như một Thầy dạy. Thế mà một người đã ở bậc thầy như họ đây, nhất định không thể chung cha bàn ăn với bọn thu thuế và tội lỗi. Do đó họ đã cự nự với Chúa.
Nhưng nào Ngài có chịu. Ngài nhắc lại cho các bậc thầy biết lệnh truyền của Chúa đã ghi trong sách Hôsê: Ta chuộng lòng nhân nghĩa chứ không phải lễ tế. Và để họ hiểu rõ lệnh truyền đó hơn, Ngài nói thêm: Ta không đến kêu gọi người công chính, nhưng kẻ tội lỗi. Ý Ngài muốn nói rằng người ở bậc thầy dạy Lời Chúa thì phải nhớ giáo huấn của các tiên tri, và phải khuyên bảo tội nhân trở về với Chúa. Nay Ngài đến làm công việc ấy. Ngài là Thầy dạy đạo lý. Và đạo lý Ngài dạy là chính giáo lý mà các tiên tri đã rao giảng. Ngài đang thực hiện nhân nghĩa.
Chắc chắn những người Biệt phái đã phải cảm thấy bẽ bàng. Hơn nữa họ phải suy nghĩ về lập trường đạo đức của mình: phải chăng mình đã chẳng sao lãng giáo huấn của các sứ ngôn?
Nhưng Lời Chúa đã không chỉ nói với người Biệt phái, mà còn nói với cả chúng ta và với mọi người ở mọi thời. Toàn bộ Cựu Ước luôn luôn nhắc nhở cho loài người nhớ: Thiên Chúa là Ðấng nhân nghĩa; Người yêu thương chúng ta; Người kết thân với loài người như qua một khế ước phu-phụ. Người dâng hiến tình yêu và chỉ chờ được đáp trả bằng tình yêu . Ðạo Người mạc khải là đạo tình yêu chứ không phải là đạo lễ lạc. Ðể cho chúng ta thấy rõ điều ấy, Người đã sai chính Con Một của Người xuống thế. Và Con của Người đã yêu cho đến chết và chết trên Thập giá, để làm chứng không ai yêu nhiều hơn Người thí mạng sống mình cho người mình yêu thương.
Dĩ nhiên không ai trong chúng ta muốn có thái độ của người Biệt phái. Nhất là trong Thánh lễ này chúng ta đều ý thức hạnh phúc Chúa dành cho chúng ta là những người tội lỗi mà được đồng bàn với Người và được thông phần chính Mình Máu Người. Nhưng Thánh lễ này có chắc chắn không trở thành một lễ lạc suông không? Và muốn cho lòng đạo đức của mình thật nhân nghĩa, chúng ta phải làm gì?
C. Thánh Phaolô Tin Lòng Nhân Nghĩa
Bài thư Rôma vừa nói lên hạnh phúc chúng ta đang có, vừa chỉ dẫn phương thế thiết thực để gìn giữ hạnh phúc ấy. Chúng ta hết thảy là tín hữu. Chúng ta là những người tin Thiên Chúa đã phục sinh Ðức Yêsu Kitô, Ðấng đã nộp mình vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại để thánh hóa chúng ta. Tức là chúng ta là những người tin lòng nhân nghĩa của Chúa, biểu lộ đặc biệt trong việc Ðức Yêsu Kitô chịu chết để tha tội và thánh hóa chúng ta. Có đức tin như vậy, chúng ta đã được nên công chính, vì Thiên Chúa đã hứa công chính hóa mọi người có lòng tin, như Người đã làm cho Abraham.
Vị tổ phụ này đã được nên công chính hoàn toàn nhờ niềm tin vào lòng nhân nghĩa của Thiên Chúa, Ðấng thi hành mọi điều Người hứa, Ðấng trung tín giữ lời giao ước. Abraham đã tin và đã được nên công chính. Hơn nữa, còn được trở nên cha của nhiều dân, tức là nhiều dân khi tin như ông cũng sẽ được hưởng những lời Chúa hứa như ông và trở thành dòng dõi của ông. Vậy chúng ta là những người đã tin vào lòng nhân nghĩa của Chúa, thì chúng ta nay được công chính hóa. Chứng cớ là chúng ta sắp được đồng bàn với Chúa và được thông phần Mình Máu Người.
Hạnh phúc ấy chúng ta đã nhận được nhờ niềm tin thì cũng sẽ chỉ giữ được nhờ niềm tin. Chúng ta phải tin như Abraham. Thế mà lòng tin của ông thật to lớn! Ông không hề nao núng trước Lời Hứa. Ông đã già 100 tuổi và Sara bạn ông đã héo hon. Nhưng Lời Chúa đã hứa cho ông một dòng dõi đông đảo. Ông tin ở Lời Người. Ông thờ lạy Thánh Ý Người. Ông chắc chắn Chúa có khả năng thi hành mọi điều Người hứa. Chúa là Ðấng trung tín và nhân nghĩa, thì ông cũng đáp lại lòng nhân nghĩa bằng trung tín. Ông không giống như người Dothái sau này; đối với Chúa là Ðấng nhân nghĩa trung thành, họ chỉ có một tấm lòng thay đổi như sương mai sớm tan và như mây ban sáng tạm thời. Ông lấy nghĩa trả nghĩa chứ không như bọn Biệt phái đánh đổi lòng nhân nghĩa với những lễ lạc bề ngoài. Thánh Phaolô khuyên chúng ta bắt chước ông để ở trong dòng dõi của ông hầu được chia sẻ mọi Lời Chúa hứa.
Vậy như Abraham, chúng ta sẽ luôn luôn một niềm tin ở lòng nhân nghĩa Chúa. Người nhân nghĩa đối với chúng ta đặc biệt trong hành vi kêu gọi chúng ta là người tội lỗi đến đồng bàn với Người trong Bí tích Thánh Thể. Chúng ta phải tham dự thánh lễ này trong tinh thần ý thức mình là tội nhân cần ơn công chính hóa. Nhất là được cùng bàn với Chúa và với anh em, chúng ta phải để cho lòng mình thêm mật thiết hơn với Chúa và mọi người. Chúng ta không thể được hưởng thêm lòng nhân nghĩa của Chúa mà lại không mở lòng thêm tình nhân nghĩa với anh em. Bởi vì lòng nhân nghĩa của Chúa thật ra là lòng nhân nghĩa trong giao ước, lòng nhân nghĩa muốn kết hợp mọi dân tộc lại trong một tình yêu vững bền. Chúng ta chỉ có thể tham dự vào lòng nhân nghĩa tốt lành ấy khi thật sự từ bỏ tinh thần biệt phái, phân rẽ anh em như xa lìa với mình. Và ai bảo một lập trường cởi mở với mọi người như vậy lại không đòi hy sinh từ bỏ lòng vị kỷ? Nhưng đó mới là lễ dâng chân chính, lễ dâng do lòng nhân nghĩa, bắt chước và thông phần lễ dâng của Ðức Kitô trên bàn thờ. Chúng ta cố gắng dâng lễ hôm nay như vậy để được hưởng nhờ lòng nhân nghĩa của Chúa.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)