Giải Nghĩa Lời Chúa Năm A
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúa Nhật 8 Thường Niên Năm A
Người Biết Rõ
Các Ngươi Cần Ðến Các Ðiều Ấy
(Ys 49,14-15; 1 C 4,1-5; Mt 6,24-34)
Phúc Âm: Mt 6,24-34
"Các con chớ áy náy về ngày mai".
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người nầy, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ nầy, và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và Tiền Của được. Vì thế Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư?
Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không trang phục được bằng một trong những đóa hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin.
Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: "Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy".
Suy Niệm:
Chúa Nhật VIII Thường Niên A
Ys 49,14-15; 1 C 4,1-5; Mt 6,24-34
Ðời sống chúng ta hiện nay còn nhiều khó khăn. Vấn đề lương thực là một và có lẽ phải đứng hàng đầu. Chúng ta đầu tắt mặt tối mà vẫn chưa đủ cơm ăn áo mặc. Thế mà Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay lại bảo chúng ta đừng lo lắng! Chúng ta có thể bình thản sống như Lời Chúa dạy không?
Thiết tưởng trước hết phải hiểu đúng ý của Chúa đã! Và cho được như vậy, chúng ta phải nhờ chính Phụng vụ hôm nay giúp đỡ. Không phải vô lý mà trước khi đọc cho chúng ta nghe bài Tin Mừng, Phụng vụ đã công bố mấy lời của sách Isaia. Và chúng ta sẽ thấy những lời thư Phaolô cũng giúp chúng ta thi hành Lời Chúa.
A. Hơn Một Người Mẹ Thương Con
Chắc chắn những lời sách Isaia hôm nay không phải của nhà tiên tri đã hoạt động trong dân Israel trước khi dân này mất Nước và bị đem đi lưu đày. Sấm ngôn của vị tiên tri này chỉ chiếm 39 chương đầu trong sách Isaia thôi. Những chương 40-55 là của một ngôn sứ khác, mai danh ẩn tích, thường được gọi là Isaia II. Và người ta phải nói đến một Isaia III làm tác giả cho những chương cuối cùng của sách Isaia hiện nay, gồm những chương 56-66.
Bài trích đọc hôm nay nằm trong Isaia II. Tác giả bấy giờ đang sống trong cảnh lưu đày với con cái Israel ở Babylon. Ông được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng cứu độ: Người sắp tái tạo và tái sinh Dân Người, tức là phục hồi Israel và trùng tu lại Yêrusalem.
Sứ mạng không dễ đâu. Sion đã kiệt quệ rồi. Nó chỉ còn biết nói: "Yavê đã bỏ tôi, Ðức Chúa đã quên tôi". Và bề ngoài rõ ràng như vậy. Con cái Israel đã tha phương lâu quá rồi. Các tin tức từ Yêrusalem cho biết Ðất Nước đã trở thành của ngoại bang; Ðền thờ chẳng còn gì nữa; và ở tại nơi lưu đày này, đa số đã xây dựng cơ nghiệp như là vĩnh viễn. Có chăng chỉ còn một thiểu số đạo đức chẳng bao giờ chịu quên Sion và chỉ muốn được trở về để làm lại Dân Chúa. Nhưng đó là thành phần khó nghèo, hy vọng gì làm được công việc đáng kể. Người ta hiểu rằng "quyền năng của Thiên Chúa hay viên thành nơi sức yếu đuối của con người", tức là Thiên Chúa càng biểu lộ sự cứu độ của Người khi con người tỏ ra bất lực.
Ðó chính là trường hợp lúc bấy giờ, khi Thiên Chúa sai Isaia đến với Dân. Thay mặt Người, ông phải công bố cho họ biết Thiên Chúa sắp ra tay cứu Dân. Họ tưởng Người bỏ họ và quên họ rồi sao? Chỉ có họ đã bỏ Người và đường lối của Người, nên họ mới như ngày hôm nay. Họ đã quên Người và huấn giáo của Người nên mới nghi ngờ lòng tốt và quyền năng của Người. Trước kia, Người đã thi thố bao nhiêu kỳ công cho họ, đâu phải vì họ xứng đáng? Chính lúc họ thất vọng, chán nản như đã quên Người thì Người đã đến phục hồi họ. Tất cả quá khứ của lịch sử Israel là như vậy. Và bây giờ cũng sắp như thế. Bởi vì:
"Mẹ nào lại quên con đẻ của mình...?".
Isaia cho chúng ta một hình ảnh khác về Êzêkiel. Nhà tiên tri này nói đến Thiên Chúa như là một người chồng trung thành. Không những chính Người đã làm ra thân thể kiều diễm, lộng lẫy của Dân Người khi lôi kéo nó ra khỏi cảnh bỏ rơi nhớp nhúa, đói ăn, xấu xí; Người đã đem về tắm rửa, dưỡng nuôi, may mặc và trang sức và dạy cho yêu thương... nhưng rồi nó đã trở thành bạc phục, chạy theo trăng gió để phá hoại thân thể và đời sống. Tuy nhiên Thiên Chúa luôn trung thành và mãi mãi trung thành. Người sẽ tìm cách đưa bạn Người vào sa mạc để khuyên nhủ, để cải hóa... Theo Êzêkiel, tình yêu của Thiên Chúa nói lên sự trung thành không thể nào tưởng tượng được.
Isaia cũng nói đến tình yêu ấy. Nhưng nơi ông nó tha thiết, sâu xa, vô vị lợi và êm ái như lòng mẹ. Và hơn lòng mẹ, bởi vì cho dù "chúng quên được con mình, thì phần Ta, Ta sẽ không bao giờ quên ngươi".
Thiết tưởng không cần giải thích thêm. Ai có thể phủ nhận tình hiền mẫu? Ai không biết nó chân thật, sâu xa, êm ái và vô vị lợi? Nó đáng tin và đáng tin hơn hết: vì người ta có thể đặt những nghi vấn về tình yêu vợ chồng hay bạn hữu, nhưng chẳng ai dám nghi ngờ gì về tình yêu của người mẹ.
Isaia có thể kéo được lòng con cái Israel trở về với Thiên Chúa nhờ lời sấm chân thật, đơn sơ và cảm động này. Chúng ta hoan hô các bà mẹ. Chúng ta cảm mến lòng các bà mẹ, nhất là các bà mẹ Việt Nam. Chúng ta hãy đi từ đó để hiểu về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, để hiểu lời Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta về Cha trên trời.
B. Người Biết Rõ Các Ngươi Cần Ðến Các Ðiều Ấy
Thật vậy, Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Người đã sinh ra chúng ta, nên Người không thể bỏ và quên chúng ta được. Loài người lầm lạc sa ngã, thì Người đã sai Con của Người đến để tìm gặp chúng ta, nơi Ðức Yêsu Kitô.
Nhưng rất ít kẻ đón nhận Con Một Thiên Chúa giáng sinh làm người. Ðại đa số bộ phận nhân loại vẫn dửng dưng với lời loan truyền Tin Mừng Cứu Ðộ. Vì sao, nếu không phải vì như lời nhận xét của chính Chúa Cứu thế? Là: Không ai có thể làm tôi hai chủ; người ta không thể làm tôi Thiên Chúa và Tiền của được.
Nhưng chúng ta muốn thưa lại với Người: Chúng tôi không tìm tiền của thì chúng tôi ăn gì, mặc gì? Thế là chúng ta mặc nhiên bỏ Thiên Chúa và quên Người đi, để lo có cơm ăn áo mặc. Những yêu cầu này khẩn trương và bức thiết quá!
Tuy nhiên chính vì vậy mà Thiên Chúa sai Con của Người đến. Người mời chúng ta coi chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào lẫm và Cha các ngươi, Ðấng ngự trên trời, nuôi nấng chúng. Các ngươi không hơn chúng sao? Chắc chắn chúng ta phải hơn chúng, không phải chỉ vì chúng ta linh ư vạn vật, nhưng nhất là vì Ðấng nuôi chim trời lại là Cha của chúng ta. Người phải săn sóc đến chúng ta trước chứ. Lẽ tự nhiên là vậy; sau chúng ta yếu tin vậy?
Còn về áo mặc chúng ta lo làm gì? Kìa xem cỏ đồng nội nay còn mai sẽ quăng vào lò mà Thiên Chúa còn cho mặc đẹp hơn cả Salômon trong vinh hoa đời ông, huống chi là chúng ta, con của Thiên Chúa toàn năng và đầy tình yêu thương?
Lời Chúa dạy rất đơn sơ, chí lý. Nó chân thật rõ ràng. Nhưng sao chúng ta khó tin vậy. Phải chăng chúng ta mới chỉ nhìn thấy khía cạnh tiêu cực trong lời giáo huấn kia mà chưa đi sâu vào phương diện tích cực. Chúng ta mới chỉ nghĩ tới việc "đừng" lo ăn lo mặc. Nhưng Chúa không bảo chúng ta như vậy. Cùng lắm, chúng ta có thể hiểu rằng Người bảo chúng ta "chớ lo đến ngày mai, mai sẽ lo cho mai; khó ngày nào đủ cho ngày ấy". Tuy nhiên đó cũng chưa phải là giáo huấn tích cực, sâu xa và cốt yếu của Người. Ðiều Người muốn nói với chúng ta là "hãy tìm kiếm Nước Ðức Chúa Trời trước đã, và các sự ấy sẽ được ban thêm cho các ngươi". Vì Cha trên trời biết rõ chúng ta cần những điều ấy. Người không thể bỏ và quên chúng ta. Chúng ta có lo cũng chẳng có thể thêm cho đời mình một gang nữa. Khởi đầu sự khôn ngoan chân thật là lòng kính sợ Thiên Chúa, là tin vào tình thương của Người, là được sự bình an của Người, rồi nhờ Người hướng dẫn sống trong sự bình an ấy.
Những con người như thế vẫn lo cơm ăn áo mặc; nhưng họ lo trong niềm tin vào tình yêu của Thiên Chúa. Cũng chẳng thể nói được rằng họ "lo", bởi vì niềm tin luôn giữ họ trong sự bình an. Họ không bị các lo lắng đời này lôi đi đến nỗi chưa hết hôm nay đã lo sang ngày mai, để cuối cùng không còn suy nghĩ, yêu mến gì khác nữa ngoài tiền của và những sự ở đời này. Họ đã bỏ và quên Chúa, vì không thể làm tôi vừa Thiên Chúa vừa tiền của được. Còn kẻ tin Chúa, luôn tìm Nước Ðức Chúa Trời và sự công chính của Người trước đã và sẽ tìm thấy mọi điều cần khác ở đó; và sẽ thấy chúng chỉ là những phương tiện sinh sống chứ không phải là đối tượng của đời sống con người. Những người như vậy dù có vất vả vẫn thư thái bình an vì Chúa chẳng bỏ quên họ, hay nói đúng hơn vì họ chẳng bỏ quên Chúa. Họ luôn thấy Chúa là Cha là Mẹ. Họ được an ủi nhất là thấy Chúa yêu thương mình và Người không thể không săn sóc mình hơn chim trời và hoa cỏ ngoài đồng nội.
Nhưng con người không sống chỉ nhờ bánh, mà còn cần vinh dự, cảm thông của xã hội. Chúng ta cũng lo điều này không ít. Lời thư Phaolô hôm nay có lẽ giúp được chúng ta.
C. Ðấng Xét Xử Tôi Chính Là Chúa
Chúng ta ít có khi nào đau đớn như thánh Tông đồ. Người đã vất vả hình thành ra đoàn chiên ở Côrinthô. Chính người đã sinh ra giáo đoàn ấy. Thế mà bây giờ vì có kẻ thọc gậy bánh xe, và cũng vì tâm lý những người Côrinthô bồng bột nhẹ dạ không những ưa mới nới cũ mà còn nông nổi thích chạy theo những sự bay bướm, uy tín của Phaolô đang mất dần. Không thiếu những kẻ xấu miệng phê phán người thế này thế khác. Nói đúng ra, thánh Tông đồ không buồn cho mình. Người chỉ sợ vì thế mà đức tin ở Côrinthô sa sút và lầm lạc.
Người không chủ quan, chỉ thấy những sự tốt ở nơi mình. Người có tự kiểm điểm và kiểm điểm cả những dư luận về mình. Nhưng người không mảy may bận tâm. Không phải những dư luận và đánh giá ấy làm cho người xao xuyến lo lắng. Ðấng xét xử tôi, người nói, chính là Chúa. Chỉ có Chúa là quan trọng. Chỉ có tình yêu của Người là cần thiết. Phaolô tìm Nước Ðức Chúa Trời trước đã và sự công chính của Người. Chính Người là Cha là Mẹ và hơn cả cha mẹ vô vàn. Cho dù trước lương tâm chúng ta không thấy có gì, nhưng không phải cứ thế là chúng ta được giải án tuyên công. Không phải xã hội và người ta hay lương tâm của mình sẽ trao tặng lời tán thưởng đời đời cho chúng ta, nhưng là Thiên Chúa, Ðấng xét xử chúng ta. Cho nên chúng ta đừng vội xét đoán trước khi Chúa đến và mọi dư luận trước đó cũng chỉ là không.
Tuy nhiên không vì vậy mà ai muốn sống thế nào cũng được. Trong xã hội, tất cả chúng ta đều là những người quản lý các mầu nhiệm Thiên Chúa. Và trong các sách Tin Mừng, nhiều lần Người đã nói đến vai trò quản lý này. Người đòi họ phải trung thành với chức vụ, phân phát các ơn của Chúa trong bác ái khiêm tốn, và tỉnh thức cần mẫn chờ đợi chủ về. Tất cả những tư cách ấy, Chúa dạy chúng ta phải đem ra thi hành trong đời sống xã hội. Nếu đã thi hành thì chúng ta cứ yên tâm, không phải xao xuyến vì các dư luận đánh giá đoán xét công việc và thiện ý của chúng ta. Chỉ có điều chúng ta có thật là người quản lý trung thành và khôn ngoan không?
Giờ đây chúng ta hợp dâng thánh lễ. Chẳng có điều gì cần hơn trong lúc này là đến gần bên Chúa để cảm thấy tình Cha, tình Mẹ của Người. Ðời sống của chúng ta đang có nhiều khó khăn và lo lắng ư? Kìa, Thiên Chúa đang ban Con Một của Người cho chúng ta; và Con Một của Người đang trao cả Mình Máu Người cho chúng ta. Thiên Chúa còn có thể tiếc gì, không muốn ban cho chúng ta khi hiến ban cho chúng ta mối tình to lớn như thế? Chúng ta hãy có niềm tin, đón nhận mối tình ấy, lãnh nhận chính Thiên Chúa. Chính Người ở trong chúng ta sẽ hướng dẫn chúng ta trong đời sống hàng ngày, để dù lam lũ vất vả, dù gặp những xét đoán bất lợi, chúng ta vẫn không mất niềm tin, vì có Chúa đang ở với chúng ta và giúp chúng ta là các người quản lý tốt ở trong một xã hội.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)