Giải Nghĩa Lời Chúa Năm A

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Thánh Lễ Ðêm Thánh Phục Sinh A

Chúng Ta Ðang Ði Trong Sự Sống Mới

(Rm 6,3-11; Mt 28,1-10)

 

Phúc Âm: Mt 28, 1-10

"Ngài đã sống lại và sẽ đến xứ Galilêa".

Qua chiều ngày Sabbat, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa tảng sáng, Maria Mađalêna và bà Maria khác đến thăm mồ. Bỗng chốc đất chuyển mạnh vì Thiên Thần Chúa từ trời xuống và đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên đó. Mặt Người sáng như chớp và áo Người trắng như tuyết. Vì thế những lính canh khiếp đảm run sợ và hầu như chết. Nhưng Thiên Thần lên tiếng và bảo các người nữ rằng: "Các bà đừng sợ. Ta biết các bà tìm Chúa Giêsu, Người đã chịu đóng đinh. Người không có ở đây vì Người đã sống lại như lời Người đã nói. Các bà hãy đến mà coi nơi đã đặt Người và đi ngay bảo các môn đệ Người rằng: Người đã sống lại, và kìa Người đến xứ Galilêa trước các ông: Ở đó các ông sẽ gặp Người. Ðây Ta đã báo trước cho các bà hay".

Hai bà vội ra khỏi mồ, vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Người. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: "Chào các bà". Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: "Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó, họ sẽ gặp Ta".

 

Thánh Lễ Ðêm Thánh Phục Sinh

Rm 6,3-11; Mt 28,1-10

Chúng ta không thể ghi nhớ mọi lời Kinh Thánh đã nghe trong Phụng vụ đêm nay. Càng không thể đúc kết được quá nhiều giáo lý sâu xa như vậy. Nhưng chúng ta phải thấy rõ mình đang đứng ở chỗ nào và trong trạng thái nào để cử hành mầu nhiệm Chúa Phục sinh.

 

A. Chúng Ta Ðang Ði Trong Sự Sống Mới

Bài thư Phaolô xác định vị trí và hoàn cảnh của chúng ta hiện nay. Chúng ta đã chịu phép Rửa trong Ðức Kitô, đã cùng chịu mai táng với Người trong sự chết cho tội lỗi, thì bây giờ chúng ta đang đi trong sự sống mới.

Quả thật, Phụng vụ đêm nay đã cho chúng ta thấy rõ điều đó. Lúc đầu khi vào nhà thờ, chúng ta như bị dìm trong bóng tối sự chết. Nhưng rồi ánh sáng Ðức Kitô đã bừng lên, dẫn chúng ta vào Nước ánh sáng huyền diệu của Người để tất cả chúng ta trở nên con cái sự sáng, chan hòa ánh sáng mới mẻ của mầu nhiệm Phục sinh.

Rồi chúng ta cũng đã dần dần được soi sáng trong tâm trí. Các bài Cựu Ước từ từ mạc khải cho chúng ta con đường lịch sử cứu độ, để chúng ta thấy nhân loại đã được Chúa dẫn dắt đi vào con đường mỗi ngày một sáng.

Nhất là qua nghi lễ Rửa tội và tuyên lại lời hứa của Bí tích Thánh tẩy, chính chúng ta đã quyết tâm nhờ ơn Chúa từ bỏ nếp sống cũ kỹ tối tăm đi vào sự sống ân sủng và chân lý của Con Thiên Chúa.

Bài thư Rôma đúc kết mọi tư tưởng trên và cho chúng ta thấy rõ nền tảng của tình trạng hiện nay của chúng ta. Chúng ta được như vậy là vì đã đồng hóa với sự chết của Ðức Kitô, đã đóng đinh xác thịt vào Thập giá của Người, đã chết cho tội lỗi trong sự mai táng của Người: chính việc kết hợp với Ðức Kitô nhờ lòng tin cậy mến biến chúng ta nên những con người khác thường. Bề ngoài chúng ta như tất cả mọi người; nhưng giờ đây tin Ðức Kitô và liên kết với Người, chúng ta đã cùng Người ra khỏi quyền lực sự chết và hưởng ánh sáng mới của sự sống phục sinh. Tất cả thân phận chúng ta tùy thuộc vào niềm tin và ý chí kết hợp đó. Ra khỏi bầu khí đức tin hiện tại và rời khỏi tình liên kết mật thiết với Ðức Kitô, chúng ta lại trở thành phàm nhân trần tục. Mà bầu khí đức tin và tình liên kết này không giả tạo. Nó căn cứ trên ý chí dứt khoát của chúng ta đã từ bỏ tối tăm tội lỗi và lựa chọn đi vào Nước ánh sáng thánh thiện của Con Thiên Chúa. Nó tồn tại mãi mãi trong đời sống của chúng ta, bao lâu trong thực hành chúng ta vẫn từ khước tội lỗi và chạy theo sự thánh thiện. Và chúng ta chỉ sẵn lòng và phấn khởi làm như vậy khi chúng ta tin mãnh liệt vào việc Chúa sống lại. Thế nên chúng ta luôn cần suy nghĩ về sự kiện này.

 

B. Mầu Nhiệm Chúa Phục Sinh

Bài Tin Mừng Matthêô bề ngoài như muốn thuật lại việc Chúa sống lại. Nhưng đọc kỹ, chúng ta chỉ thấy những sự việc trước và sau khi Chúa sống lại. Còn chính sự kiện Chúa Phục sinh là một mầu nhiệm, vượt ra ngoài sự hiểu biết khả giác vì chẳng ai đã thấy Chúa sống lại lúc nào và như thế nào. Matthêô chỉ thuật truyện "như" đã xem thấy mà thôi. Ông kể: sáng sớm Ngày thứ nhất trong tuần hai bà đã thấy mộ trống. Nhưng ông đã lợi dụng lúc hai bà đang đi trên đường đi để hình dung việc Chúa sống lại theo các hình ảnh quen thuộc trong Cựu Ước. Nói đúng hơn, ông dùng lối văn hiển linh để diễn tả việc Thiên Chúa Phục sinh Ðức Kitô. Trước hết phải có động đất để báo hiệu có hiển linh, tức là có việc Thiên Chúa can thiệp mạnh mẽ vào đời sống nơi dương gian. Rồi đến chính sự hiển linh, tức là hành động của Thiên Chúa: Thần sứ Người từ trời xuống, vần tảng đá ra, ngồi lên trên nó trong trạng thái bá chủ hoàn toàn. Rồi những nét tả về Khuôn mặt và Y phục cũng chỉ lấy lại mọi hình ảnh quen thuộc của các cuộc hiển linh.

Thành ra, Matthêô đã không mô tả việc Ðức Kitô sống lại. Ông chỉ diễn tả niềm niềm tin Thiên Chúa đã phục sinh Người bằng những hình ảnh quen thuộc của các cuộc hiển linh. Ông cũng không quên nói đến tác động của những cảnh tượng như thế nơi con người, ông viết: bọn lính canh mộ khiếp sợ và ra như chết. Nhưng có thể nói đó chỉ là những điều mà Matthêô đã suy diễn từ niềm tin vào mầu nhiệm Phục sinh và diễn tả theo lối văn hiển linh. Thật sự ông đã thấy gì?

Ông đã thấy hai bà ra viếng mộ. Và tới nơi họ thấy mồ trống. Họ chẳng hiểu gì và muốn được giải thích. Lúc đó thần sứ Chúa đã bảo họ hãy nhớ lại Lời Người đã nói, đã hứa sẽ sống lại và đi đón họ ở Galilê. Matthêô đã tâm lý khi mô tả họ vội vã bỏ mồ, vừa sợ vừa vui, chạy về báo tin cho môn đệ. Họ sợ vì gặp chuyện quá sức không ngờ; nhưng lại vui vì niềm tin vào Lời Chúa đã nhóm lên ở trong lòng. Và để khẳng định niềm tin chắc chắn của mình vào việc Chúa sống lại, Matthêô kể thêm chuyện Chúa hiện ra với hai bà và việc hai bà thờ lạy Người.

Như vậy, Matthêô đã cố gắng truyền đạt niềm tin của mình vào việc Chúa sống lại. Ông căn cứ vào sự kiện mồ trống và vào việc Chúa hiện ra với các phụ nữ. Ðó không phải là chính việc Chúa phục sinh, nhưng chỉ là những sự kiện làm chứng cho Lời Người đã nói sẽ sống lại và sẽ đi đón môn đệ ở Galilê. Chính Lời Thánh Kinh giúp các môn đệ hiểu sự kiện mồ trống và việc Chúa hiện ra. Niềm tin vào việc Chúa phục sinh cuối cùng vẫn tựa vào lời tiên tri vậy.

Ðến lượt chúng ta phải tin và truyền đạt niềm tin vào việc Chúa phục sinh. Chúng ta đã tin rồi. Và niềm tin ấy căn cứ vào chứng từ của các Tông đồ khiến chúng ta tin vào Lời Chúa. Thì đến lượt chúng ta cũng chỉ truyền đạt được niềm tin nếu chứng từ của chúng ta khiến người ta tin vào Sách Thánh. Ở nhà thờ này, tham dự thánh lễ này, chúng ta là những người tin. Và hôm nay đặc biệt tin Chúa đã phục sinh . Ra khỏi buổi lễ phụng vụ ở đây, chúng ta phải truyền đạt niềm tin ấy bằng chứng từ của đời sống. Thế mà theo thư Phaolô, muốn làm chứng Ðức Kitô đã phục sinh, chúng ta phải nhận thức mình đã chết cho tội lỗi và đang sống cho Thiên Chúa trong Ðức Yêsu Kitô. Thánh lễ này đang mang chúng ta vào trong Ðức Yêsu Kitô để chúng ta nên một với Người hầu chúng ta sẽ luôn sống cho Thiên Chúa. Cầu chúc anh chị em dự lễ sốt sắng để thật sự từ nay sống mới mẻ trong Ðức Yêsu Kitô phục sinh.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page