Giải Nghĩa Lời Chúa Năm A

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật Lễ Lá Năm A

Tưởng niệm mầu nhiệm Chúa chịu chết

(Mt 21,1-11; Ys 50,4-7; Ph 2,6-11; Mt 26,14-27,66 hoặc 27,11-54)

 

Kiệu Lá:

Bài Phúc Âm: Mt 21, 1-11

"Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến".

Khi các ngài đến gần Giêrusalem, vào địa hạt Bếtphaghê, giáp núi Cây Dầu, Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi và bảo rằng: "Các con hãy đến làng trước mặt kia, sẽ gặp ngay một con lừa mẹ cột ở đó với con lừa con. Các con hãy mở dây, dẫn về đây cho Thầy; và nếu có ai bảo các con điều gì, thì hãy nói: Chúa cần đến chúng, và Ngài sẽ gởi trả lại ngay". Mọi việc này xảy ra để ứng nghiệm lời tiên tri đã phán:

"Các ngươi hãy bảo thiếu nữ Sion rằng: Kìa vua ngươi nhân ái đến cùng ngươi, ngồi trên lừa mẹ và lừa con, là con của con vật chở đồ".

Các môn đệ ra đi và làm theo lời Chúa Giêsu dạy bảo. Hai môn đệ dẫn lừa mẹ và lừa con về, trải áo lên mình chúng và đặt Chúa ngồi lên trên. Phần đông dân chúng trải áo xuống đường, kẻ khác thì chặt nhành cây trải lối đi. Dân chúng kẻ thì đi trước, người theo sau tung hô rằng: "Hoan hô con vua Ðavit! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời!"

Khi Ngài vào thành Giêrusalem, thì cả thành phố náo động và nói rằng: "Người đó là ai vậy?" Dân chúng trả lời rằng: "Người ấy là Tiên tri Giêsu, xuất thân từ Nadarét, xứ Galilêa".

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật Lễ Lá Năm A

Kiệu Lá: Mt 21,1-11

Không tuần lễ nào nhiều lễ nghi bằng tuần Thương khó này. Giáo hội cử hành mầu nhiệm trọng nhất, nên tuần lễ này đáng gọi là Tuần Lễ Thánh. Và để chúng ta dễ tham dự các mầu nhiệm cử hành, Phụng vụ tuần này đầy những biểu thị cụ thể, lọt vào mắt và rót vào tai. Chúng ta sẽ cố gắng tham dự hết.

Mở đầu, Phụng vụ mời gọi chúng ta cử hành việc Chúa long trọng vào thành Yêrusalem. Phụng vụ muốn chúng ta như diễn lại chính sự kiện ấy. Thế nên chúng ta làm phép lá ở chỗ này, để rồi rước vào nhà thờ, như Ðức Kitô ngày trước đã đến đứng ở Núi Cây Dầu rồi mới khởi hành vào Yêrusalem.

Như chúng ta ngày nay chọn chỗ này là chỗ thuận tiện nhất trong hoàn cảnh hiện đại để khởi sự cuộc kiệu, thì ngày trước Ðức Kitô cũng đã chọn nơi ý nghĩa nhất để đi vào thành. Yacaria ngày trước đã loan báo (14,4), khi đến cứu Dân, Chúa sẽ dừng chân trên Núi Cây Dầu, Núi ở trước mặt Yêrusalem về phía Ðông. Người Dothái tin ở lời tiên tri ấy. Khi một nhân vật nọ muốn xưng mình là Cứu Thế, ông đã hô hào dân chúng cùng ông lên Núi Cây Dầu để xem ông ta hóa phép giải cứu Yêrusalem như thế nào. Ông ta chỉ ngụy biện thôi, chứ có làm được gì. Tuy nhiên đối với dân chúng, lời tiên tri Yacaria không vì vậy mà mất giá trị. Hôm nay mô tả Ðức Kitô khởi hành vào Yêrusalem từ Núi Cây Dầu, các tác giả thánh muốn tuyên xưng Người là Cứu Thế và Người vào thành để cứu độ chúng ta.

Matthêô còn thêm chi tiết hai con lừa. Ông trích dẫn Yacaria (9,9) để làm chứng thêm Ðấng vào Yêrusalem hôm nay là Vị Cứu tinh hiền hòa. Chỉ có điều ông đọc lời tiên tri hơi méo mó một tí. Ông cắt bớt mấy câu trước quá hân hoan khải hoàn để cuộc vào thành của Ðức Kitô có vẻ khiêm tốn hơn. Và nhất là thay vì đọc "một lừa con, con của lừa mẹ" ông muốn có cả hai lừa mẹ cùng lừa con. Ông vẫn có thói quen tính gấp đôi như thế trong tác phẩm. Ông là người "khôn ngoan trong Nước Trời biết rút tự trong kho điều mới và điều cũ" (13,52). Yacaria chỉ nói đến "lừa con, con của lừa mẹ", là cốt nhấn mạnh tính cách mới mẻ, chưa ai động tới, chưa ai cỡi của con vật để Ðấng Cứu Thế dùng. Matthêô không bỏ điều ấy, nhưng cũng không muốn thấy Ðức Kitô cỡi nguyên trên một lừa con yếu ớt. Ông muốn có cả lừa mẹ, để nhấn mạnh thêm tính cách chắc chắn của việc Chúa sắp làm; và như vậy cả mới cả cũ, cả con lẫn mẹ đều được sử dụng. Tuy nhiên ý tưởng chính vẫn là việc Ðức Kitô cỡi lừa vào thành hôm nay thể hiện rõ rệt lời sách Yacaria và làm chứng Người là Cứu Thế vào thành để cứu độ trong thái độ dịu hiền, khiêm tốn.

Người được đón tiếp như một Hoàng đế theo kiểu Ðông phương: dân chúng tấp nập, kẻ trước người sau, trải áo trên đường, rắc lá cho sang, reo hò inh ỏi. Những tiếng "Hosanna, Con Vua Ðavít Ðấng đến nhân danh Thiên Chúa" nói lên niềm tin Ðức Yêsu là Thiên Sai, Cứu Thế.

Nhưng đó chỉ là ý kiến của quần chúng, của những kẻ đơn sơ khó nghèo. Vào tới thành, chỗ ở của những người giàu sang, Ðấng Thiên Sai hiền từ khiêm nhu không được đón tiếp như vậy nữa. Và nếu chúng ta còn nhớ: thánh Matthêô hay có những suy nghĩ về Giáo hội khi viết tác phẩm của người; và Nagiarét xứ Galilê đối với người là biểu tượng về dân ngoại, thì câu kết bài Tin Mừng vừa nghe đọc có nghĩa là: Ðức Yêsu, vị Tiên Tri thành Nagiarét xứ Galilê, Vị Thủ Lãnh của Giáo hội gồm đa số các tín hữu từ dân ngoại, đang ở giữa Yêrusalem cũ, đối nghịch và không muốn chấp nhận Tin Mừng.

Như vậy, khi thuật lại việc Chúa vào thành hôm nay, Matthêô không những chỉ muốn giới thiệu Người là Ðấng Thiên sai cứu thế hiền từ và khiêm nhu, đến để chịu nạn; nhưng tác giả còn muốn nhắc nhở chúng ta về thân phận của Hội Thánh, của mọi cộng đoàn Dân Chúa, của mọi tín hữu hết thảy đã đến từ dân ngoại: tất cả chỉ là hiện thân của Vị Tiên tri thành Nagiarét xứ Galilê đang đi vào đời và ở trong đời với lý tưởng cứu thế mà vẫn bị hất hủi. Thế thì chúng ta phải xin Người cho chúng ta được những tâm tình của Người để làm công việc vào Ðền Thờ hôm nay, để rồi vào đời cứu thế như Người. Chúng ta hết thảy hãy tiến lên với những tâm tình ấy.

 

Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Lá:

Ys 50,4-7; Ph 2,6-11; Mt 26,14-27,66 hoặc 27,11-54

Bản văn đã dài. Chúng ta không muốn nghe ai nói gì khác nữa. Có lẽ chúng ta còn muốn được yên lặng để tưởng niệm mầu nhiệm Chúa chịu chết. Nhưng việc tưởng niệm này sẽ ít có kết quả nếu không được hướng dẫn. Và nếu thiếu hướng dẫn, bản văn dài mà chúng ta vừa nghe đọc có lẽ cũng sẽ không để lại nhiều âm vang sâu sắc. Chúng ta phải nói với nhau về bài tường thuật việc Chúa chịu chết; chúng ta phải nhận ra ơn Chúa muốn cứu độ chúng ta trong Thánh lễ Chúa nhật Thương khó hôm nay.

 

A. Bài Tường Thuật Việc Chúa Chịu Chết

Cả bốn sách Tin Mừng đều dụng công thuật lại việc Chúa chịu chết. Ðó là điều hơi lạ. Trước hết việc ấy "ai đã đến Yêrusalem" mà không biết? (Lc 24,18). Rồi các Tông đồ phải là "những chứng nhân về việc Chúa sống lại", thế mà lại dài dòng tỉ mỉ về việc Chúa chịu chết; và dài dòng tỉ mỉ hơn cả khi các ông giảng về việc Chúa phục sinh nữa. Sự kiện ấy khiến chúng ta phải khẳng định: không thể coi việc Chúa chịu chết như là chuyện đã biết rồi, không cần nói tới nữa. Trái lại đó là sự kiện phải suy nghĩ mãi mãi. Mà như thế là vì việc Chúa chịu chết đã không thuộc về dĩ vãng, nhưng luôn luôn được hiện đại hóa vì Chúa chỉ cứu độ chúng ta ngày hôm nay trong sự chết và sống lại của Con Người mà thôi. Tử nạn và Phục sinh không phải chỉ là hai sự kiện kế tiếp nhau: tử nạn qua rồi và hiện nay chúng ta chỉ cần biết Chúa phục sinh. Không, Chúa Phục sinh hiện mang các dấu thánh. Người nhắc nhở chúng ta nhớ đến việc tử nạn, không phải như một giai đoạn bi đát phải trải qua, nhưng như chính con đường loé sáng việc phục sinh. Và như việc phục sinh đã chói sáng trong việc Chúa chịu nạn, thì ơn cứu độ cũng rực lên trong chính cuộc đời đầy phấn đấu của ta. Như thế, suy nghĩ về việc Chúa chịu chết là nhận ra ơn cứu độ ngay trong đời sống nhiều thử thách của mình. Ðạo của chúng ta là đạo nhập thể, đạo dạy chúng ta biết sống, nên giáo lý của đạo phải nhấn mạnh đến việc Chúa chịu chết.

Cả bốn sách Tin Mừng đều dụng công thuật lại việc này. Và điều lạ thứ hai: cả bốn sách đều giống nhau khi làm công việc này hơn khi viết về những việc khác. Do đó người ta có thể quả quyết: khi thuật lại việc Chúa chịu chết, các tác giả đã trình bày suy nghĩ chung của Hội Thánh hơn là viết ra những ý nghĩ cá nhân của mình. Nhiều người nhìn thấy sự giống nhau ấy đã vội tưởng không có gì phải để ý trong cách thức tường thuật của mỗi sách Tin Mừng. Và họ nghĩ: biết một bài tường thuật là đủ; hơn nữa có thể chọn bất cứ bài nào làm cơ sở rồi thêm những chi tiết của ba bài khác vào. Nhưng làm như vậy là không hiểu gì hết! Chúng ta cứ thử để mỗi tác giả đưa chúng ta đi theo con đường tử nạn của Chúa. Tâm tình của mỗi vị sẽ giúp ta thấy mầu nhiệm Chúa chịu chết thật phong phú vô cùng.

Hôm nay chúng ta theo thánh Matthêô. Người mở đầu bài tường thuật bằng việc Yuđa mặc cả với Hội đồng Dothái về số tiền thưởng y muốn được để nộp Ðức Kitô cho họ. Tác giả rõ ràng đã hàm ý vụ án sắp diễn ra là một chuyện mua bán, tội lỗi, và bẩn thỉu. Và bẩn thỉu thật, cái hôn nộp thầy của tên môn đồ phản phúc!

Còn thái độ của những người khác thế nào? Các Tông đồ muốn chống cự, lấy sức mạnh chống lại sức mạnh. Nhưng Ðức Yêsu gạt bỏ lập trường ấy vì là đường lối lẩn quẩn không có lối thoát: kẻ dùng gươm sẽ chết vì gươm. Người cũng phủ nhận ý kiến của những kẻ muốn xin Thiên Chúa một sự can thiệp lạ lùng, vì là đường lối không cứu được kẻ có tội và do đó không cứu thế. Người nhấn mạnh nhiều lần: hãy để cho lời Kinh Thánh nên trọn; hãy chấp nhận kế hoạch của Thiên Chúa, vì chết chưa phải là hết...

Hai chủ đề trên tiếp tục được Matthêô khai triển trong suốt bài tường thuật. Tội lỗi bẩn thỉu của bọn Yuđa và Dothái lại được phơi ra trong câu chuyện Yuđa đem trả 30 đồng bạc. Người Dothái không muốn nhận nhưng rồi cũng phải lấy và đem mua thửa ruộng máu. Rõ ràng bọn chúng đã nhận tội; và một lần nữa rõ ràng việc Ðức Yêsu chịu chết đã được viết trong Kinh Thánh, mà Người chấp nhận làm cho nên trọn.

Nhưng như trên đã nói, Matthêô luôn suy nghĩ về Giáo hội trong khi viết Tin Mừng. Ở đây cũng vậy, trong bài tường thuật việc Chúa chịu nạn, tác giả đã có nhiều đoạn ám chỉ Giáo hội đặc biệt khi viết lại vụ án trước tòa Philatô. Ông quan ngoại đạo này muốn tha Ðức Yêsu. Vợ ông cũng can ông đừng nhúng tay vào vụ người công chính này. Ðang khi đó các tư tế lại xúi dân Dothái xin đóng đinh Người họ quen biết và xin tha bổng cho Baraba, một tên tử tội. Ðó là hình ảnh về Giáo hội gồm đa số dân ngoại và về cộng đồng Dothái tội lỗi. Hình ảnh ấy còn được Matthêô vẽ lại một lần nữa khi kể chuyện: ở dưới chân Thánh giá, các thượng tế cùng ký lục và hàng niên trưởng chế diễu Chúa (27,41), trong khi viên bách quân và tùy viên của ông là dân ngoại lại kinh hãi mà nói: "Ðích thực, Ông này là Con Thiên Chúa" (27,54).

Tuy nhiên, nói cho đúng, dân ngoại chỉ được ơn đức tin sau khi Chúa đã chịu chết. Lúc ấy màn phân nơi cực thánh xé ra, cho phép mọi người kể cả lương dân được vào. Người Dothái không còn đặc quyền và độc quyền Lời Hứa nữa. Chức tư tế của đạo cũ cũng bị hủy luôn. Thế giới cũ đổ vỡ khi đất động và đá vỡ tung. Ðức Yêsu đã cứu thế rồi khi nhiều mộ mở ra và nhiều xác thánh sống lại. Sự chết của Người đã ban đức tin cho viên bách quân, đã tập họp môn đệ và các phụ nữ đạo đức lại, hướng họ về niềm tin phục sinh, đang khi khiến người Dothái lúng túng đặt lính gác mồ một cách vô ích.

Như vậy Matthêô đã có cả một lối suy nghĩ độc đáo về việc Chúa chịu chết. Như mọi người đã đến Yêrusalem vào dịp lễ Vượt qua năm đó, ông đã thấy các sự kiện diễn ra. Chính lúc ấy ông chỉ biết ghi nhận. Nhưng khi Ðức Yêsu đã phục sinh và đã tập họp các Tông đồ lại, đức tin của ông được củng cố đến đâu thì các việc đã ghi nhận kia cũng tập họp lại đến đó và dính vào nhau làm thành một bài tường thuật dưới ánh sáng của mầu nhiệm Phục sinh. Việc Chúa chịu chết không phải là chuyện tình cờ. Bề ngoài nó có do việc mua bán bẩn thỉu và tính toán gian dối cũng như sai lầm của kỳ mục Dothái. Nhưng bên trong đó là diễn tiến của kế hoạch cứu độ đã được viết trước trong Kinh Thánh để đưa dân ngoại vào Lời Hứa và người Dothái phải trở lại; và để như Lời Ðức Yêsu nói trước tòa Dothái, từ nay các ngươi sẽ thấy Con Người, ngự bên hữu Quyền Năng và đến trên mây trời; tức là từ lúc Ðức Kitô bị xét xử, người ta sẽ thấy Quyền Năng Thiên Chúa ở với Người và Người cứu độ chúng ta trong vinh quang Thập giá. Chính tội lỗi của loài người làm nổi bật sự vô tội của Người, và chính cái chết trong sự vô tội có giá trị cứu chuộc chúng ta. Do đó sự sống công chính của chúng ta không những đã chảy ra từ các thương tích của Người, mà còn phải được minh chứng và tăng lên qua mọi thử thách đớn đau.

 

B. Bài Học Chúa Ðể Lại Cho Chúng Ta

Thánh Phaolô không bao giờ viết một bài tường thuật dài về việc Chúa chịu chết. Nhưng bài thư Philip hôm nay có thể thay thế. Thể văn của bài thư cho phép chúng ta có thể nghĩ đây là một ca vãn dùng trong phụng vụ thời thánh Phaolô, nói về mầu nhiệm Chúa Kitô. Và như vậy, đây là bản tuyên xưng đức tin của Giáo hội. Nó không thể khác với bài tường thuật của thánh Matthêô vì chúng ta cũng đã nói, các bài tường thuật về việc Chúa chịu chết trong bốn sách Tin Mừng đều khá giống nhau, nên cũng chỉ diễn tả giáo lý chung của Hội Thánh mà thôi. Ðọc các bài tường thuật này, chúng ta phải chia sẻ đức tin của Giáo hội. Thánh giá Ðức Kitô nói lên sự vô tội thánh thiện của Người ở giữa những người mà Người đã gọi là anh em nhưng lại thật là độc dữ. Chính cái chết vô tội thánh thiện của Người khiến chúng ta nhận ra Người là Người Tôi Tớ Thiên Chúa gánh tội thiên hạ để cứu chuộc chúng ta. Chúng ta chỉ tuyên xưng Người chân thật như thế khi tham dự vào mầu nhiệm Thập giá của Người để chấp nhận cuộc đời phấn đấu như là đường lối nên thánh và cứu thế.

Isaia ngày trước đã được linh ứng để viết về thân phận Người Tôi Tớ Thiên Chúa, tức là về thân phận Ðức Kitô và thân phận mọi Kitô hữu. Mọi người tôi tớ Thiên Chúa phải "sáng sáng, mở tai nghe Lời Chúa như môn sinh; phải có lưỡi trung thành của môn sinh để lấy Lời Chúa chống đỡ kẻ kiệt sức; và cuối cùng phải giơ lưng cho người ta đánh đập, chìa má cho kẻ nhổ râu, trơ trơ như đá trước mọi nhục nhằn khạc nhổ, biết rằng chung cuộc mình sẽ không phải thẹn thuồng...". Isaia thật đã vẽ trước khuôn mặt và đời sống của Ðức Kitô. Mọi lời của ông được bài tường thuật của Matthêô làm cho sáng tỏ. Phaolô trong bài thư Philip đã suy nghĩ và thấu hiểu đường lối Thiên Chúa trong cuộc đời của Ðức Kitô. Phụng vụ hôm nay dùng cả ba bài đọc này đưa chúng ta vào mầu nhiệm Thánh giá cử hành trên bàn thờ để chúng ta nhận lấy Ðức Kitô chịu chết và sống lại, đem theo mình vào đời mà chiếu tỏa ánh sáng phục sinh ngay trong mọi phấn đấu của đời sống, tiếp tục con đường nên thánh và cứu thế của Ðức Kitô, xứng đáng với danh hiệu Con Thiên Chúa.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page