Giải Nghĩa Lời Chúa Năm A

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật 5 Mùa Chay Năm A

Từ Tinh Thần Phục Sinh

Sang Ðời Sống Phục Sinh

(Ez 37,12-14; Rm 8,8-11; Yn 11,1-45)

 

Phúc Âm: Ga 11, 1-45

"Ta là sự sống lại và là sự sống".

Khi ấy, có một người đau liệt tên là Ladarô, ở Bêtania, làng quê của Maria và Martha. (Maria này chính là người đã xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Em trai bà là Ladarô lâm bệnh). Vậy hai chị sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt". Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: "Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển".

Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: "Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa". Môn đệ thưa: "Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm ném đá Thầy, mà Thầy lại trở về đó ư?" Chúa Giêsu đáp: "Một ngày lại chẳng có mười hai giờ sao? Nếu ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì người ta thấy ánh sáng mặt trời; nhưng kẻ đi ban đêm sẽ vấp ngã vì không có ánh sáng". Người nói thế, rồi lại bảo họ: "Ladarô bạn chúng ta đang ngủ, dầu vậy Ta đi đánh thức ông". Môn đệ thưa: "Thưa Thầy, nếu ông ta ngủ, ông sẽ khoẻ lại". Chúa Giêsu có ý nói về cái chết của Ladarô, nhưng môn đệ lại nghĩ Người nói về giấc ngủ. Bấy giờ Chúa Giêsu mới nói rõ: "Ladarô đã chết. Nhưng Ta mừng cho các con, vì Ta không có mặt ở đó để các con tin. Vậy chúng ta hãy đi đến nhà ông". Lúc đó Tôma, cũng có tên là Ðiđimô, nói với đồng bạn: "Chúng ta cũng đi để cùng chết với Người".

Ðến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. (Bêtania chỉ cách Giêrusalem chừng mười lăm dặm). Nhiều người Do-thái đến nhà Martha và Maria để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy". Chúa Giêsu nói: "Em con sẽ sống lại". Martha thưa: "Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại". Chúa Giêsu nói: "Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?" Bà thưa: "Thưa Thầy, vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian".

Nói xong bà về gọi Maria em gái bà và nói thầm với em rằng: "Thầy ở ngoài kia, Thầy gọi em". Nghe vậy, Maria vội vàng đứng dậy và đi đến cùng Chúa. Vì lúc đó Chúa Giêsu chưa vào trong làng, Người còn đang đứng ở nơi Martha đã gặp Người. Những người Do-thái cùng ở trong nhà với Maria và an ủi bà, khi thấy bà vội vã đứng dậy ra đi, họ cũng đi theo bà, tưởng rằng bà đi ra khóc ngoài mộ. Vậy khi Maria đến chỗ Chúa Giêsu đứng, thấy Người, bà liền sấp mình xuống dưới chân Người và nói: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt đây, thì em con không chết". Khi thấy bà khóc nức nở và những người Do-thái theo bà cũng khóc, Chúa Giêsu thổn thức và xúc động. Người hỏi: "Ðã an táng Ladarô ở đâu?" Họ thưa: "Thưa Thầy, xin đến mà xem". Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: "Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!" Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: "Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?" Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ. Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: "Hãy đẩy tảng đá ra". Martha là chị người chết, thưa: "Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày". Chúa Giêsu lại nói: "Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: "Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con, nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con". Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: "Ladarô! Hãy ra đây!" Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: "Hãy cởi ra cho anh ấy đi".

Một số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người.

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật V Mùa Chay A

Ez 37,12-14; Rm 8,8-11; Yn 11,1-45

Cả ba bài Kinh Thánh hôm nay đều nói lên sự sống lại; không phải sự sống lại của Chúa mà là của ta, để ta sống lại trong tinh thần, hầu có khả năng tham dự Tuần lễ Phụng vụ lớn nhất trong năm, cử hành từ Chúa nhật tới. Ðó cũng là phương pháp Ðức Kitô đã dùng đối với các môn đệ của Người. Chỉ ít ngày trước khi bước vào tuần lễ Vượt qua, ra đi chịu chết một cách nhục nhã trên Thập giá, Người củng cố đức tin của các môn đệ. Người cho Lazarô sống lại để khi thấy Người nằm xuống, họ vẫn không mất niềm tin ở nơi Người. Thế nên bài Kinh Thánh chủ chốt trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay là bản văn Tin Mừng chúng ta vừa nghe đọc. Nhưng hai bài kia cũng rất giàu ý nghĩa.

 

A. Từ Phục Sinh Thân Xác Ðến Phục Sinh Tâm Hồn

Không ai có thể lầm về bài sách Êzêkiel. Ông là vị Tiên tri bấy giờ đang sống với dân lưu đày ở Babylon. Thoạt đầu Dân cứ tưởng cuộc lưu đày chỉ tạm thời thôi. Chúa phạt Dân một lúc rồi sẽ cứu độ. Người ta chờ được giải phóng từng ngày, từng giờ. Giêrêmia đã cảnh giác người ta: không như vậy đâu, hãy thích nghi với hoàn cảnh mới, hãy xây dựng đời sống trên những cơ sở mới mà thi hành Ý Chúa. Nhưng phải đợi khi Yêrusalem bị tàn phá, Dân mới thôi ảo tưởng... Khốn nỗi, họ lại bước sang một thái cực khác. Chẳng hy vọng có ngày hồi hương nữa, họ đâm chán Chúa và muốn bỏ Người. Êzêkiel bấy giờ được sai đến. Ông rao giảng niềm tin: Chúa sẽ ra tay cứu Dân. Người sẽ đem Dân lưu lạc về. Bài sách của ông chúng ta vừa nghe nằm trong lời giáo huấn đó. Và vì ông có óc tưởng tượng mãnh liệt, ông diễn tả việc Chúa hồi phục dân như việc mở cửa mồ cho người chết sống lại. Thật ra hình ảnh đó cũng không quá đáng. Dân lưu đày bấy giờ cũng như kẻ chết ở trong mồ. Mọi khí phách đều đã tiêu tan và nhất là không còn hy vọng nào chỗi dậy được nữa. Chỉ có Chúa có thể cứu độ. Và đưa Dân ra khỏi cảnh nô lệ sẽ khác nào như làm cho kẻ chết sống lại ra khỏi mồ. Hơn nữa Chúa còn hứa sẽ đặt Thần trí Người vào trong những xác chết kia, để sống lại rồi, ra khỏi nơi lưu đày Dân sẽ sống theo tinh thần của Chúa.

Bài sách Êzêkiel chắc chắn đáng suy nghĩ trong Mùa Chay. Những người tội lỗi nhất vẫn không có gì phải thất vọng. Những gia đình nhiều rủi ro nhất vẫn còn lý do để cậy trông. Hơn nữa chúng ta phải cầu nguyện cho tất cả Giáo hội được niềm tin mãnh liệt vào mầu nhiệm Phục sinh. Mọi vấn đề và khó khăn trong cơ thể của Chúa không phải là không có lối thoát. Chúa có thể làm cho kẻ chết sống lại: đó là lời Êzêkiel còn để lại cho chúng ta. Và thật sự Người đã làm như thế. Người đã đưa dân ra khỏi nơi lưu đày. Người đã ban tinh thần và định mệnh mới cho Dân. Dùng hình ảnh phục sinh thân xác, lời tiên tri khuyên nhủ ta tin vào sức mạnh phục sinh tinh thần. Niềm tin này cần cho mọi thời và cho chúng ta.

Nhưng có phúc hơn Êzêkiel, chúng ta còn có niềm tin vào quyền năng Chúa phục sinh thân xác thật sự để đưa chúng ta vào sự sống đời đời.

 

B. Từ Sự Sống Lại Ðến Sự Sống Ðời Ðời

Quả thật Ðức Kitô đã không phục sinh thân xác Lazarô để ông sống thêm một số năm tháng ở trần gian; nhưng qua việc làm cho ông sống lại Người muốn ban cho chúng ta sự sống đời đời. Vì thế câu then chốt trong bài Tin Mừng hôm nay là chính lời Chúa phán: "Phục sinh và sự sống chính là Ta! Ai tin vào Ta, thì dẫu chết cũng sẽ sống và mọi kẻ sống mà tin vào Ta, sẽ không phải chết bao giờ. Ngươi có tin thế không?" (c.25). Và để giúp người ta tin như thế, Người đã cho Lazarô sống lại.

Câu truyện này, thánh Yoan đã thuật lại khá dài; và theo một cách thức khác hẳn khi kể chuyện Chúa chữa người mù. Có thể nói trong câu chuyện người mù, phép lạ đi trước để sau đó nói lên sự xung đột giữa ánh sáng và tối tăm, và tối tăm đã không triệt được sự sáng. Còn ở đây, phép lạ lại đến cuối cùng để củng cố và bảo đảm cho niềm tin đã nói trên. Thế nên vai chính ở đây không phải là Lazarô, mà là các môn đệ, chị em Martha và Maria, và nhất là người Dothái. Dĩ nhiên tất cả đều tùy thuộc vào Ðức Kitô.

Người muốn dẫn đưa mọi người vào niềm tin ở nơi Người là sự sống lại và là sự sống. Không phải bây giờ Người mới dạy người ta điều đó. Từ ngày ra đi rao giảng Tin Mừng. Người không ngớt làm cho mọi người tin Người có sự sống đời đời đem đến cho người ta. Nhưng hôm nay, sắp bước vào con đường khổ tử nạn, Người thấy phải khẳng định mạnh mẽ, quyết liệt hơn để củng cố niềm tin của mọi người cũng như để nói lên ý nghĩa của việc Người chấp nhận sự chết.

Người thấy ngay cơ hội đã đến, khi người ta báo tin Lazarô bạn Người lâm bệnh. Vì "vinh quang Thiên Chúa" (c.4), Người còn lưu lại hai ngày nơi đang ở; chứ như vì tình bạn thắm thiết đó là những ngày chẳng sung sướng gì. Ðến khi Người ngỏ ý ra đi, các môn đồ lại muốn cản chân. Người phải nhắc lại cho họ bài học hôm trước. Nào là chúng ta phải lao công vào việc của Ðấng đã sai Ta, bao lâu còn là ngày; nào là việc Lazarô đã chết mà Ta không có mặt ở đó là để Thiên Chúa được hiển vinh, vì để các ngươi tin. Cuối cùng họ đã phải chịu "ra đi để chết với Người".

Họ có lý, vì cuộc lên đường này sẽ dẫn Người đến thập giá. Nhưng Người còn có lý hơn, vì nhìn xa hơn và đã thấy trước mầu nhiệm Phục sinh. Chẳng vậy mà Người lại chọn ngày thứ ba để lên đường, sau hai ngày ở lại đau khổ vì nghĩ đến người bạn đã chết.

Người đã chuẩn bị đức tin của môn đồ để hiểu việc Người sắp làm. Nhưng còn bao nhiêu người khác nữa: nào Martha, nào Maria, nào vô số người Dothái đến chia buồn với họ. Người chọn Martha là chủ nhà để dạy dỗ bà và mọi người khác về niềm tin Người là sự phục sinh và là sự sống. Lazarô đối với Người không quan trọng, mặc dầu Người rất thương ông. Người chẳng hỏi thăm gì về cái chết của ông. Người chỉ quan tâm đến đức tin của những người đang có mặt. Martha lưu ý Người rằng: "Ðã nặng mùi rồi, vì đã được 4 ngày". Người trả lời ngay: Ta đã chẳng nói với ngươi rồi sao? Là nếu ngươi tin, ngươi sẽ thấy vinh quang của Thiên Chúa. Và để khẳng định một lần cuối cùng mục đích và ý nghĩa của việc sắp làm, Người ngước mắt lên mà nói: "Ngõ hầu họ tin rằng Cha đã sai Con". Nói thế rồi, Người lớn tiếng gọi Lazarô; và ông đã ra khỏi mồ... khiến nhiều người tin vào Người. Nhưng đó chỉ là niềm tin tạm, niềm tin khởi đầu. Phải đợi đến hôm thấy chính mộ của Người đã trống và Ðấng chịu đóng đinh hiện đến trước mắt họ, niềm tin vào Người từ đó mới không lay chuyển. Nhưng để có niềm tin hoàn toàn này, đã phải có niềm tin hôm nay sau khi Lazarô được gọi ra khỏi mồ.

 

C. Từ Tinh Thần Phục Sinh, Sang Ðời Sống Phục Sinh

Chúng ta ngày nay có niềm tin đầy đủ. Không những chúng ta tin Ðức Yêsu Kitô Chúa chúng ta đã chết và đã sống lại, mà chúng ta còn tuyên xưng thân xác chúng ta sẽ được phục sinh trong ngày sau hết. Hơn nữa chúng ta còn tin rằng khi đã cùng chết với Người trong bí tích Rửa tội, chúng ta đã được Người ban cho sự sống phục sinh và đời đời của Người. Nói cách khác chúng ta đã là những người được phục sinh trong tinh thần chờ ngày được sống lại trong thân xác.

Niềm tin thật rõ ràng và thật chắc chắn. Nhưng có sống động không? Người tín hữu có sống đức tin của mình không? Cứ dấu nào, người tín hữu biết mình đang sống đức tin Con Thiên Chúa đã phục sinh và đã ban ơn phục sinh cho mình? Thánh Phaolô trả lời trong bài Thánh thư: nếu Ðức Kitô ở trong anh em thì tuy thân xác vẫn là đồ chết dở (vì tội), nhưng Thần khí là sự sống (vì đức công chính). Thánh Tông đồ cho chúng ta phương thế để đạt được điều Êzêkiel từng trông chờ. Nhà Tiên tri mong đợi Chúa ban Thần trí cho Dân để họ được phục hồi như kẻ chết được ra khỏi mồ. Chúng ta đã nhận được Thần trí ấy nhờ mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh của Ðức Kitô, vì sau khi Người được vinh hiển thì Thánh Thần đã được đổ xuống chan hòa trên mọi xác phàm. Chúng ta mà để Thần trí ấy hoạt động trong chúng ta thì đời sống chúng ta sẽ không còn những công việc của xác thịt nữa, nhưng mọi hành vi ngôn ngữ đều đã đầy Thánh Thần. Và như thánh Phaolô nói tiếp, nếu Thần khí của Ðấng đã cho Ðức Yêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ tái sinh thân xác chết dở của chúng ta. Nghĩa là thân xác chúng ta sẽ được sống lại vinh hiển, nhờ Thần khí của Chúa cư ngụ trong chúng ta.

Do đó chúng ta có thể có sự phục sinh và sự sống đời đời ngay từ bây giờ, nếu chúng ta mang trong mình chính Ðức Kitô phục sinh. Người đang đến ban ơn đó cho chúng ta trong thánh lễ. Người sẽ theo chúng ta vào đời để tác sinh, hầu chúng ta luôn làm những công việc không phải của xác thịt nhưng của Thần khí. Chúng ta sẽ tích cực trong mọi công việc tốt lành, đặc biệt trong mọi công việc đem lại phục hồi cho Dân Nước. Chúng ta sẽ thể hiện lời tiên tri Êzêkiel và tin chắc nhân loại sẽ phục sinh trong ngày sau hết như Lazarô đã sống lại trong bài Tin Mừng. Và được như vậy là vì Ðức Yêsu Kitô đã sống lại và đã ban ơn phục sinh của Người cho chúng ta.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page