Giải Nghĩa Lời Chúa Năm A

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Phụng Vụ Thứ Sáu Tuần Thánh B

Tình Yêu Mạnh Hơn Cái Chết

(Ys 52,13-53,12; Hr 4,14-16;5,7-9; Yn 18,1-19,42)

 

Phụng Vụ Thứ Sáu Tuần Thánh B

Ys 52,13-53,12; Hr 4,14-16;5,7-9; Yn 18,1-19,42

Suy niệm: Tình Yêu Mạnh Hơn Cái Chết

Một trong những điều xem ra ngược đời nhất, là giữa tình yêu và cái chết có sự liên lạc chặt chẽ. Kể cũng lạ kỳ: tình yêu là một giá trị tích cực, một khía cạnh phong phú của cuộc đời, là cao điểm của sự sống, thì tại sao khi nói tới tình yêu, người ta lại liên tưởng đến sự chết, là một mãnh lực phá hoại và dìm sự sống xuống đáy sâu? Quả thật, một chân lý càng sâu sắc, thì càng có vẻ nghịch lý và không ngớt làm cho người ta bỡ ngỡ. Tình yêu càng ở cao độ, càng có những đòi hỏi gắt gao và hầu như đặt con người trong thế chiến đấu: chiến đấu để loại trừ các chướng ngại, chiến đấu để đạt tới đối tượng của lòng mình. Nhưng vì là một cuộc chiến đấu cam go, nguy hiểm, nên thường kết thúc bằng cái chết. Do đó mà có những cái chết vì yêu: chết vì tình không được toại nguyện; chết vì muốn chung thủy với tình yêu; chết vì yêu thương quá đỗi. Nhưng vì sao lại nói: Tình yêu mạnh hơn cái chết?

 

1. Chết Và Mãnh Lực Của Tội

Chúng ta suy niệm về tình yêu và cái chết trong bối cảnh phụng vụ ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Ngày ấy, bóng Thập giá bao trùm lên khắp mặt địa cầu. Một xác người treo trên cây gỗ. Những giọt máu từ các vết thương loang lỗ chảy thấm xuống lòng đất. Uy tín Con Thiên Chúa bị chôn vùi trong ô nhục. Ðó là một cái chết quá ư bi thảm! Nhưng vì sao Người phải chết như thế?

Phải chăng vì ông Yêsu đã xách động quần chúng nổi loạn (Lc 23,2-5)? Vì ông đã có ý tưởng phá hủy Ðền thờ Yêrusalem (Mc 14,58; Mt 26,61)? Vì ông đã phạm thượng khi tự xưng là Ðấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa (Mt 26,65; Mc 14,64; Lc 22,71; Yn 19,7)? Hoặc vì các kỳ lão ghen tương (Mc 15,10) và sợ dân chúng bỏ họ đi theo ông (Lc 22,2) hay vì môn đệ Yuđa muốn bán Thầy mình (Mc 14,10; Mt 26,14; Lc 22,3)? Xét về các lý do chính trị, xã hội, chính Philatô xác nhận: Ông Yêsu đã không làm điều gì đáng chết (Lc 22,14-23; Yn 19,4); và lời tự thú của Yuđa cũng chứng minh cho sự vô tội của Người: "Tôi đã nhúng tay vào một cuộc đổ máu oan uổng" (Mt 27,4).

Tất cả các hành vi phản bội, hận thù, ghen tương, cáo gian, bỏ vạ, hèn nhát, sợ sệt kia đều là những khía cạnh của tội, một mãnh lực làm cho lòng người ra tối tăm và bị kiềm chế trong vòng nô lệ. Ðức Yêsu chính là Người Ðầy Tớ Ðau Khổ của Yavê (Is 52,13-53,12) và chỉ là nạn nhân vô tội của tội ác loài người.

Muốn hiểu đúng ý nghĩa cái chết trên Thập giá cũng như toàn bộ mầu nhiệm Ðức Kitô, ta phải chọn cái nhìn thần học, nghĩa là nhìn như Thiên Chúa nhìn vào công việc Người làm. Nhãn quan đó cho ta thấy: Ðức Kitô đã chịu chết vì tội thế gian. Người vô tội, đã tình nguyện trở thành tội vì ta và gánh chịu hậu quả của tội là cái chết trên Thập giá (2C 5,21). Thánh Phaolô mô tả tội như một mãnh lực độc hại, chỉ tổ gây ra chết chóc (Rm 6,23; 1C 15,55tt). Với cái chết như khí giới nguy hiểm ấy, tội đã thống trị loài người (Rm 5,12-21; 6,20-23).

Theo quan niệm Thánh Kinh, tội là hành động phản bội Giao ước tình yêu, và như thế cắt đứt mạch sống nối liền chúng ta với trái tim Thiên Chúa. Tội gây ra chết chóc toàn diện và vĩnh viễn cho loài người, nếu Thiên Chúa không tự động tái lập sự sống. Người Dothái trong Cựu Ước đã ý thức được điều đó. Họ biết rằng tội và sự chết là những thực tại hệ trọng đến nỗi không thể dùng các lý lẽ thuần túy nhân bản để giải thích hết được. Họ thoáng thấy: có bàn tay hắc ám của một mãnh lực ma quái nào đó đã nhúng vào và gây nên cơ sự ấy. Sách Khôn ngoan viết: "Vì qủy dữ ghen tương, nên sự chết đã đột nhập vào thế gian" (Kn 2,24). Sự chết đây không phải là cái chết thể lý thuộc bản tính tự nhiên của con người như một tạo vật làm bằng bụi tro và sẽ trở về tro bụi (Kn 3,19), nhưng là chết trong tâm hồn, chết vĩnh cửu, mà cái chết thể lý từ nay chỉ là một hình ảnh. Theo thánh Yoan, con rắn trong vườn Ðịa đàng chính là hiện thân của Satan, "đứa mê hoặc thiên hạ" (Kh 12,9; 20,2). Còn theo thánh Phaolô, chính tội loài người phạm từ nguyên thủy dưới ảnh hưởng độc hại của Satan đã mở cửa cho sự chết đột nhập vào đời và dìm tất cả trong bóng tối tử thần (Rm 5,12-21). Như một phản ứng dây chuyền, một khi tội xuất hiện, thì càng ngày càng chồng chất dồn dập và gieo rắc sự chết khắp nơi. Tội mạnh như thác lũ và cái chết là bằng chứng chiến thắng của nó. Nhưng hỏi rằng: Tội có thắng nổi tình yêu?

 

2. Sức Mạnh Sáng Tạo Của Tình Yêu

Tình yêu luôn sáng tạo và tìm ra được nhiều cách biểu hiện, lắm khi cũng bất ngờ. Ðể thắng tội kiêu căng, Ðức Kitô đã chọn sống khiêm hạ và tự hư-vô-hóa (Ph 2,6). Ðể thắng tội tham lam hưởng thụ, Người đã chọn sống khó nghèo (2C 8,9). Ðể thắng tính háo danh trần tục, Người đã như điên rồ chọn cái chết ô nhục trên Thập giá (1C1,23). Thiên Chúa hành động cách ngược đời, và vì Người là tình yêu, nên tình yêu thắng được tội và mạnh hơn cả cái chết.

Tình yêu bao hàm chiến đấu. Chiến đấu đòi phải có năng lực. Quả thật, Nước Trời chỉ dành riêng cho những người mạnh (Mt 11,12) và chính Tin Mừng là một sức mạnh giải phóng (Rm 1,16). Thiên Chúa là Ðấng dũng mạnh, vì Người đầy lòng yêu thương. Cái chết trên Thập giá của Ðức Kitô là một cái chết tự nguyện vì tình yêu: Người yêu mến Chúa Cha và yêu thương chúng ta. Người chết vì vâng lời Chúa Cha để chuộc tội nhân loại.

Ðàng sau cây Thập giá xảy ra một cuộc chiến đấu vô hình giành quyền sống chết giữa tình yêu và tội ác. Một chiến thuật đánh đổi rất ngược đời đã bẻ gãy mũi nhọn của tội và vô-hiệu-hóa sức tàn phá của nó. Thân xác Ðức Kitô đã chết lạnh, và trở thành bất động trên cây gỗ. Về mặt nhân loại, Người đã thua. Người đã thực nghiệm trong chính bản thân mình sự bất lực tột độ, sự yếu nhược tận cùng của thân phận làm người là cái chết thể lý. Mãnh lực tối đa của tội là gây ra cảnh chết: cái chết vĩnh viễn của tâm hồn, mà cái chết trong thời gian của thân xác là một hình ảnh. Chúa Kitô vô tội không thể trải qua cái chết vĩnh cửu của tâm hồn. Nhưng Người có thể dùng cái chết của thể xác mình thay cho cái chết vĩnh cửu của tâm hồn ta. - Người chết thay cho ta là như thế - Cuộc đánh đổi ấy chỉ có thực hiện được bởi vị Thiên-Chúa-làm-người, vì mầu nhiệm Ðức Kitô thuộc cơ cấu bí tích, trong đó yếu tố nhân loại hữu hình là dấu chỉ và khí cụ của yếu tố thần linh vô hình (Vat II, GH 8). Người chết về thể xác trong thời gian, để ta khỏi chết về tâm hồn trong vĩnh cửu. "Người mặc lấy bản tính nhân loại từ nơi lòng Mẹ Maria, để giải thoát loài người khỏi tội lỗi nhờ các mầu nhiệm của thân xác Người" (Vat II, GH 55), nhất là nhờ mầu nhiệm cái chết của Người trên Thập giá.

Người đã bị sức mạnh của tội đẩy lui đến tận cùng: Người chịu chết trong thể xác, vì yêu ta. Chính Người thực hiện điều Người đã nói: không thể yêu hơn là yêu đến chết vì yêu (Yn 15,13). Chịu đựng được tột mức như thế không phải là bất lực, nhưng là dấu hiệu nói lên sức mạnh vô biên. Tình yêu có bị giết chết cũng vẫn không chết. Còn tội chỉ gây ra được cái chết là hết sức mình: đó là cái chết vĩnh cửu của tâm hồn ta, từ nay được đánh đổi với cái chết thể xác trên Thập giá của Con Thiên Chúa. Nơi đây, tội bị mãnh lực vô biên của tình yêu giết chết và tiêu diệt tận căn: "Tội bị kết án nơi thân xác Ðức Kitô" trên cây gỗ (Rm 8,3).

Chính tình yêu - được chứng minh bởi ý chí tự nguyện chịu chết vì vâng lời Chúa Cha - là sức mạnh làm cho thân xác Ðức Yêsu sống lại vinh hiển, nghĩa là biến hình (Mc 9,1-9) từ trạng thái thân xác thường tình bị chi phối bởi các định luật thể lý, đến trạng thái thân xác sáng láng sống theo định luật của Thần Khí tự do. Xuyên qua cái chết tự nguyện vì tình yêu, Ðức Yêsu đã vượt từ thân phận tôi đòi của kiếp người trần thế đến thiên chức Chúa Tể được siêu thăng để bá chủ muôn loài, hầu làm rạng rỡ Chúa Cha (Ph 2,7-11). "Vượt qua", theo thần học thánh Yoan, có nghĩa là "trở về với Chúa Cha" (Yn 13,1). Chính sức mạnh tình yêu, sức mạnh của Thần Khí Chúa Kitô và Chúa Cha, đã tái sinh tâm hồn ta qua bí tích Thánh Tẩy. Cũng chính sức mạnh tình yêu ấy đang tiếp tục biến đổi tâm hồn ta nhờ Thánh Thể và lời tha tội, và sẽ biến hình cả thân xác ta khi ta sống lại trong ngày sau hết.

Tình yêu mạnh hơn cái chết, vì tình yêu tiêu diệt được Tội là căn nguyên sinh ra nó. Hỡi tử thần, chiến thắng của ngươi đâu? Nọc độc của ngươi còn đâu? (1C 15,55).

 

3. Suy Tôn Thánh Giá

Ngày thứ Sáu Tuần Thánh, trên Núi Sọ, bóng Thập giá bao trùm lên khắp mặt địa cầu. Một xác người treo trên cây gỗ...

Thập giá ô nhục đã trở nên Thánh giá vinh quang, ngai tòa vương quyền tình yêu, vì con người treo trên cây gỗ ấy là Con Thiên Chúa, tự nguyện chịu chết vì vâng lời Chúa Cha để chuộc tội thiên hạ. Vinh quang Thiên Chúa biểu hiện trong tình yêu. Ách thống trị của tình yêu luôn êm ái nhẹ nhàng (Mt 11,30).

Nhưng tình yêu của Chúa Kitô mạnh mẽ hơn cái chết, vì tình yêu đã thắng được tội ác. Tình yêu ấy có tham vọng chinh phục lòng mọi người để lấp đầy bằng sự sống mới: sự sống bởi Thần Khí tự do, là Ðấng biến đổi chúng ta thành con cái Chúa Cha. Vì thế Thập giá ô nhục đã trở nên cây ban sự sống.

Thập giá ô nhục cũng đã trở nên ngai tòa phán xét: "Tội đã bị kết án nơi thân xác Ðức Kitô". Tòa án thế gian đã phán xét Người và lên án tử cho Người; nhưng chính khi chịu đóng đinh trên Thập giá, Người, vô tội, đã lên án tội ác thế gian. Song là một bản án khoan hồng, tha bổng cho những người sám hối ăn năn. Người vừa phán xét, vừa cầu ân cho những kẻ phạm tội giết Người, mà không biết mình giết Con Thiên Chúa (Lc 23,34). Từ nay Thập giá được dựng lên giữa lịch sử loài người để trở thành phương tiện thánh hóa và cứu độ. Ai ngước mắt nhìn lên thánh giá Ðức Kitô mà tin nhận Người là Chúa Cứu thế, thì sự sống vĩnh cữu sẽ chảy tràn vào lòng họ. Chính thái độ đối với Thập giá đã định đoạt số mệnh mọi người.

Trong lịch sử nhân loại chỉ có một người - mà người ấy lại chính là Con Thiên Chúa - đã chịu chết ô nhục trên thập giá vì yêu thương. Tình yêu ngược đời ấy đã đảo ngược thế sự: từ nay mọi tủi nhục, uất ức, mọi chết chóc oan uổng, mọi thua thiệt đắng cay không còn vĩnh viễn luống công một cách phi lý, vì lúc mà lý trí loài người không hiểu nổi nữa, thì chính Thiên Chúa tìm ra được một sáng kiến lạ lùng: thâu dụng những cái nghịch lý ấy vào kế hoạch cứu thế của Người. Thập giá Ðức Kitô là điểm quy tụ và siêu thăng tất cả mọi tủi nhục uất ức, mọi thua thiệt oan uổng của loài người, nhất là của những người không nói lên được với ai tiếng nói và nỗi lòng mình, lại cũng chẳng được ai hiểu biết, để làm nên sự thành công tối hậu, sau cái vẻ thất bại trước mắt, và đem lại vinh dự vinh hiển cho họ. Bởi vì sức mạnh của Thiên Chúa tự biểu dương ra trong cảnh bất lực; khôn ngoan của Thiên Chúa thích khoác chiếc áo điên rồ. Nhưng trong sự điên rồ, có tiềm ẩn một triết lý sâu xa; triết lý của tình yêu cứu độ được viết ra trên Thập giá.

Mọi người mang dấu Thánh giá trong lòng đều là chi thể của Chúa Cứu thế. Họ làm thành Dân Thiên Chúa, quy tụ trong Giáo hội. Họ xây dựng Nước Trời giữa lòng thế giới bằng cách làm cho tình yêu thống trị khắp hoàn vũ. Từ trên Núi Sọ ngày thứ Sáu Tuần Thánh, bóng Thập giá bao trùm mặt địa cầu, để quy tụ mọi con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi (Yn 12,51-52). Thập giá Chúa Kitô là trung tâm điểm của lịch sử cứu độ, nhờ tình yêu đã thắng vượt cái chết.

Tình yêu mạnh hơn cái chết, vì Thập giá Chúa Kitô đã toàn thắng tội lỗi.

 

Giảng Lễ

Chiều nay chúng ta họp nhau lại đây, không phải để dâng lễ, nhưng để tưởng niệm cuộc Khổ nạn và đặc biệt, tôn thờ Thánh giá Chúa Yêsu. Chúng ta đã nghe bài Phúc Âm tường thuật cuộc Khổ nạn của Chúa. Và hai bài đọc trước đã cho chúng ta biết ý nghĩa cuộc Khổ nạn này. Giờ đây, chúng ta cầm trí suy niệm những lời Thánh Kinh ấy, trước khi suy tôn Thánh giá Chúa Kitô để được ơn cứu độ.

Bài sách Isaia thật quý giá. Ðó chính là lời tiên tri. Tác giả sống trước Ðức Kitô có tới 5, 6 trăm năm, thế mà ông đã như được nhìn thấy tận mắt thân hình Người nằm trên Thánh giá. Ông viết: dân chúng phải kinh hoàng khi nhìn thấy Người, vì mặt Người đã đổi thay, không còn giống con người chút nào nữa. Philatô đã làm chứng: Ðức Kitô quả thật đã như vậy. Người bị bọn lý hình đập đánh và đóng mão gai vào đầu, đến nỗi ông phải kinh hoàng vì tưởng rằng chỉ cần đưa Người ra cho quần chúng thấy là họ phải động lòng trắc ẩn đòi tha Người ngay. Nên ông đã cho điệu Người ra công đường với bộ mặt đầy máu me và đau đớn ấy. Ông chỉ vào Người và bảo: "Này là Người". Ông có ý nói: Người trước đây thế nào mà bây giờ như thế? Có thể tưởng tượng được không? Quả thật, Người đã rách nát tất cả mặt mũi và thân hình rồi. Isaia viết: Người không còn gì để mắt ta có thể nhìn được nữa. Và ông nói: "Người giống như một người cùi, một người bị bệnh phong, nhìn thấy ai cũng phải ngoảnh mặt đi".

Phải, Ðức Kitô của chúng ta đã bị đập đánh dã man, khốn khó và tiều tụy như thế đó! Mà không phải chỉ có thân thể Người bị hành hạ như vậy đâu! Cây Thập giá, và chỗ đứng của Người ở giữa hai tên tử tội, còn như muốn bêu xấu danh dự của Người nữa. Thân phận của Người đã mất mát tất cả về phần xác. Và bản án kia với những lời xỉ vả riếc róc còn muốn chôn cả tên tuổi Người xuống lòng đất. Người là tên tử tội, bị tống ra khỏi thành để treo trên Thập giá! Ðau thương và nhục nhã biết chừng nào!

Ðang khi Người có làm gì nên tội! Philatô lúng túng khi muốn tìm ra tội Người. Cuối cùng ông đành rửa tay bảo mình không dính dáng gì tới máu người vô tội này. Các người Dothái cũng chẳng tìm được cớ nào để ghép tội. Nhưng họ cứ lớn tiếng đòi giết Người, vì lẽ như lời Caipha nói: Phải có một người chết đi thay cho toàn dân. Không ngờ ông đã thực hiện lời Isaia. Nhà tiên tri cách ông 5, 6 thế kỷ đã viết: Sở dĩ Người bị hành hạ, đánh đập tan nát, là vì tội lỗi của ta. Người mang lấy tội của toàn dân để cho chúng ta được sạch tội. Ðó là câu giải thích cuộc Khổ nạn của Chúa mà chúng ta phải đào sâu để tìm ra ý nghĩa.

Gợi lại những đau thương của Chúa trong ngày hôm nay, Phụng vụ Giáo hội cũng không muốn gì hơn là làm cho chúng ta hiểu được vì sao Chúa lại phải chết như vậy. Dĩ nhiên, Người không có tội nào rồi. Và Người chết như vậy là vì ta. Nhưng tương quan giữa cái chết của Người và tội lỗi của ta như thế nào? Ðó là mầu nhiệm mà bao lâu còn sống chúng ta phải suy nghĩ, để khỏi tỏ ra bực bội với người đã chết vì ta và nhất là để được ơn cứu chuộc khỏi tội. Thường tình, tội ai người ấy chịu. Nhưng đó chỉ là câu tục ngữ của thế giới loài người. Ở trước mặt Chúa, không thể như vậy. Adong ngày trước phạm tội xong đã phải đi ẩn. Nghe Chúa gọi, ông chẳng dám mang tội ra. Ông vẫn nấp ở trong lùm cây. Giữa Thiên Chúa và tội nhân không thể có liên lạc trực tiếp nữa. Không phải vì Chúa hẹp hòi không muốn tha thứ. Người muốn lắm chứ, nên mới đến tìm Adong. Nhưng chính Adong mới không dám ra trước mặt Người. Dơ bẩn làm sao dám giơ mặt ra ánh sáng!

Chính Chúa Kitô cũng nói: tội nhân ưa tối tăm hơn ánh sáng; tội nhân chỉ muốn sống trong tối tăm và sợ ánh sáng phơi bày công việc xấu xa của họ ra. Tội nhân không thể tự cứu mình... ngược lại càng ngày càng đi sâu vào con đường tối tăm, giống như người mặc áo mới, cố giữ sạch, nhưng khi phải một vết nhơ, tự nhiên hết muốn giữ gìn, để cho bẩn luôn rồi giặt một thể. Nhưng khốn nạn, tội lỗi không dễ giặt như vậy. Và kinh nghiệm tội càng nhiều, càng ngã sâu, xác thịt càng bất lực, không thể chỗi dậy được nữa. Phải có người không có tội, và không thể phạm tội, liều mình dấn thân vào nơi tối tăm, đi xuống vực thẳm, kéo người tội lỗi lên. Ðó là việc Chúa đã làm. Người đã xuống thế, chấp nhận thân phận tội nhân, chịu mọi đau thương của kẻ có tội, để tìm gặp tội nhân ngay chính nơi họ đang sống, nói đúng hơn, chính nơi họ đang chết, để làm cho họ sống lại, mà đi vào thế giới mới, thế giới của sự thánh thiện. Isaia ví chúng ta như các con chiên lạc, đi vào các hẻm tội lỗi. Chúa là mục tử nhân lành; Người bỏ đoàn thiên thần thánh thiện, xuống thế đi tìm chúng ta về. Mà vì chúng ta chui rúc trong bụi gai, lạc vào những chỗ hiểm hóc, nên con đường cứu thế của Chúa chúng ta là con đường hẹp, đầy gian khổ, làm đổ máu.

Hơn nữa, chúng ta không chỉ phạm tội nơi tối tăm này, chốn hẻo lánh kia, mà còn phạm tội ngay trên thân xác mình, trong đầu óc và tận lòng trí mình, nên Ðức Kitô phải chết nơi thân xác, chịu lưỡi đòng đâm vào tận tim, để cứu chuộc cả đến thân xác chúng ta hầu sau này nó cũng được phục sinh vinh quang. Thế nên, chính tội lỗi của ta đã đóng đinh Con Một Chúa. Chính tội lỗi loài người đã giết chết Con Ðức Chúa Trời. Buổi chiều hôm nay phụng vụ kêu mời tất cả chúng ta nhìn lên Thánh Giá Chúa Kitô để ý thức điều đó, để ghét bỏ tội lỗi, để dốc lòng hối cải, để cảm mến Chúa đã chịu thương tích vì ta. Và tâm hồn chúng ta sẽ được thư thái; vì ơn cứu độ sẽ đến với kẻ sám hối ăn năn, vì kìa trên Thánh giá, Ðức Kitô đã cầu xin Chúa Cha tha cho kẻ có tội, như lời thánh Phaolô hôm nay nói và như bài tường thuật cuộc Khổ nạn chúng ta vừa nghe. Thánh Phaolô bảo chúng ta nhìn mà xem: Chúa cứu thế rất thông cảm; Người quá biết thân phận con người chúng ta; Người đã chấp nhận từ khước chẳng từ khước khổ hình Thập giá, để chúng ta được cứu độ. Chính vì vậy mà bây giờ Phụng vụ mời chúng ta sắp sửa đứng lên cầu nguyện cho hết mọi hạng người trong Hội Thánh và trên thế giới, để ơn cứu độ hôm nay tuôn đổ xuống trên họ, để từ nay họ nhìn vào Thánh giá Chúa như nguồn ơn cứu vớt, để chạy đến quỳ hôn, hứng lấy tất cẳ nguồn mạch phong phú của Chúa Cứu chuộc, trước khi nhận lấy Mình Thánh là bảo chứng của Mầu nhiệm Cứu thế.

Như vậy, hôm nay chúng ta sẽ tôn kính thờ lạy Thánh giá Chúa với tất cả lòng mến cậy trông. Và trước hết, chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người, xin Chúa đưa họ cùng chúng ta đến với Thánh giá, hầu tất cả thế giới chiều nay được thêm ơn cứu độ.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page