Hôn Nhân Người Việt Xưa

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Ðời sống của người nông nghiệp gắn liền với lúa nước. Sở dĩ gọi là nền văn minh lúa nước, bởi vì, con người trồng trọt đều cậy dựa vào thiên nhiên, họ sinh sống thường bên những bờ sông suối, cậy nhờ vào mưa nắng thuận hoà. Dựa vào mùa nên có vụ. Mỗi vụ thu hoạch hơn hay kém là nhờ vào số nhân lực nhiều hay ít. Do tính chất đó của nghề nghiệp, nên người Việt cũng tổ chức xã hội theo tính chất cộng đồng Làng - Xã, để hỗ trợ nhau khi vào mùa vụ.

 

I. Hôn Nhân, Quyền Lợi Làng Xã

Việc hôn nhân, trước tiên là nhằm lợi ích cho cộng đồng làng xã, nên mới có những tục lệ:

1. Hôn nhân xác lập quan hệ giữa hai gia tộc: hôn nhân người Việt khác với hôn nhân Tây Phương, xưa cũng thế và nay cũng vậy, người Việt lấy vợ lấy chồng không dừng ở sự riêng tư của hai người, họ ý thức hoặc đã quen quan niệm, đó là việc chung của hai dòng họ hay hai gia tộc. Chính vì thế, trước khi hai người thành hôn với nhau, đã có thời gian dài trước đó, hai họ đã qua lại và sống thâm giao với nhau. Rất ít trường hợp mà hai họ không biết trước việc hôn nhân của con cháu họ. Việc qua lại thâm giao này, cho người gia đình bên đàng trai hay đàng gái an tâm hơn khi họ gả con cái. Hơn thế nữa họ còn ý thức rằng sau khi hôn nhân, là họ kết nối thành bà con sui gia với nhau. Cả hai bên họ hàng bàn bạc với nhau về ngày cưới, thêm bớt nghi thức hoặc gia giảm phần quà tặng cho nhà gái như thế nào. Ngày xưa, còn nặng về "môn đăng hộ đối", gia thế của hai họ có tương xứng với nhau không. Những điều ấy xem ra rườm ra nhưng lại rất hiệu quả cho việc chọn lựa "con đàn cháu giống".

2. Con đàn cháu giống: Nhắm tới một hậu duệ khôn ngoan và mạnh khoẻ, người Việt xưa đi từ kinh nghiệm hạt lúa giống gieo xạ cho vụ mùa đến cái thực tế của việc gây dựng hâu duệ. Kinh nghiệm nhà nông cho thấy hạt giống tốt cho nhiều hạt, ít sâu bệnh, từ đó dẫn đến việc "môn đăng hộ đối" cho các cặp trai gái đến hôn nhân. Như vậy, ngày xưa các cụ đã biết đến hiện tượng di truyền, cha mẹ hung ác không thể tạo nên đứa con hiền lành, dễ thương, ít nhiều cũng lây nhiễm sự độc ác của cha mẹ chúng. Người xưa thường nói: "cây nào sinh trái ấy", cho nên việc hôn nhân là hệ trọng cho cả đời người và cho cả giòng họ nữa. Việc kén dâu cũng là việc hệ trọng cho thế hệ tương lai, về hình thể người ta khuyên nên chọn: "Ðàn bà thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con", về gia tộc người ta chọn: "Ăn mày nơi cả thể, làm rể nơi nhiều con", ngoài ra còn một tiêu chuẩn nữa về đức hạnh: "cái nết đánh chết cái đẹp".

Làm thân con gái ngày xưa, chịu nhiều hy sinh hơn cả. Lúc thời trẻ trung đôi khi chẳng lấy được người mình yêu. Người con gái Việt trong hôn nhân thường nhắm mắt đưa liều, tuỳ ý cha mẹ xếp đặt. Có khi cay đắng: "Mẹ em tham thúng xôi dền. Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng. Mẹ em tham thúng bánh chưng. Tham con lợn để em lưng chịu đòn". Bù lại tất cả những gì người phụ nữ gánh chịu là lòng mến mẹ của những người con thường sâu đậm hơn tình cha.

2. Quyền lợi của làng xã: Thông thường, tính cộng đồng làng xã thích sự ổn cư, người ta thường nói: "an cư lạc nghiệp" là thế. Chính tâm lý an cư đó mà hôn nhân xưa cũng chú trọng đến việc người trong làng nên lấy nhau: "Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn". Về phương diện kinh tế, lấy người trong cùng làng để bảo đảm đất ruộng của làng xã không bị người ngoài chia cắt. Việc lấy vợ, nhà trai nộp "cheo" cho làng bên đàng gái, hôn nhân mới trở thành hợp pháp. "Nuôi lợn thì phải vớt bèo, lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng". Người cùng làng thường "cheo" nhẹ hơn, có tính cách tượng trưng, gọi là "cheo" nội; lấy vợ ngoài làng thì "cheo" rất nặng, gọi là cheo ngoại. Việc nộp cheo không chỉ ảnh hưởng trong dân gian, nhưng còn được sự quan tâm nhắc nhở của nhà vua. Năm Cảnh Trị thứ nhất (1663), vua Lê Huyền Tông ban chỉ dụ nhắc nhở: "Quan viên và binh lính ở xã thôn nhà gái không được viện cớ người ta lấy chồng làng khác mà đòi tiền cheo quá lạm". Năm Gia Long thứ ba (1804) thì định lệ cheo: "về tiền cheo thì nhà giàu phải nạp một quan năm tiền, nhà trung thì nộp sáu tiền, nhà nghèo nạp ba tiền. Nếu lấy người làng khác thì nạp gấp đôi"

 

II. Quyền Lợi Riêng Tư

Sau quyền lợi của cộng đồng, hôn nhân mới đặt vấn đề riêng tư.

3. Chữ trinh, lòng thanh sạch đáng giá ngàn vàng: Luật hôn nhân ngày xưa nghiêm khắc trừng trị việc ăn ở ngoài giá thú hoặc ăn ở với nhau trước hôn nhân. Hình phạt tuỳ theo làng phân xử. Chẳng hạn hình phạt "cạo đầu bôi vôi" dẫn đi cùng làng người phụ nữ mang thai không có giá thú.

Chữ trinh ngày xưa hiểu một cách thanh tao và cao thượng hơn bây giờ. Ngày xưa, gọi là đất văn hiến thì mẫu người ngự trong tâm hồn dân Việt là mẫu người thanh cao, vượt xa được dục vọng. Người ta vẫn còn quý mến những người sống trinh khiết độc thân, đó là dấu chứng của nền văn hoá ấy còn lại. Chính vì coi trọng sự thanh sạch mà những đôi hôn nhân xưa kia đã sống cuộc đời biết tôn trọng, yêu thương và đi cho tới đầu bạc răng long. Như vợ chồng cụ Phan Bội Châu, gần năm mươi năm sống đời hôn nhân, mà đã tới gần bốn mươi năm cô phòng lẻ bóng. Sau hơn hai mươi năm có lần gặp lại nhau ở xứ Nghệ, người vợ tha thiết ước mong: "Vợ chồng ly biệt nhau hơn hai mươi năm, nay được một lần gặp mặt thầy, trong lòng tôi đã mãn túc rồi. Từ đây trở về sau, chỉ mong cho thầy giữ được lòng xưa, thầy làm những gì mặc thầy, thầy chớ nghĩ tới việc vợ con."

Lòng người phụ nữ Việt Nam đẹp là thế, hy sinh cả một đời cho chồng cho con; lòng người chồng cũng không kém vì dân vì nước hy sinh chính cuộc đời trai trẻ của mình và vẫn giữ khí tiết thanh cao. Người xưa họ không chỉ giữ cho mình nhưng còn giữ cho cả gia phong, cho cả quốc thể, sĩ diện của bộ mặt dân tộc.

4. Tình nghĩa phu thê: Ðó là hệ thống tình cảm đặc biệt của người Việt Nam, khi đã yêu nhau người ta yêu cả đường đi lối về. Người ta đã yêu nhau, hy sinh cho nhau một cách đến vô lý mà chẳng ai có thể ngờ được. Cũng chẳng phải là do luân lý quân quyền, phụ quyền hay phong kiến gì hết mà chỉ là do trái tim mà thôi. Khi yêu thương người ta có cả ngàn cách để tỏ bày tình yêu thương đó, tình yêu được lọc qua những vị kỷ để chỉ còn vị tha, vị tha cho đến nỗi quên mất cả chính mình. Có những người đã nguỵên ở vậy cho đến suốt đời để "thờ chồng nuôi con" hay chấp nhận cảnh ngộ "gà trống nuôi con", lòng vị tha như thế chẳng là quên mất chính mình sao?

5. Chịu cực để hy sinh cho con: Người ta sánh ví ví von "cá chuối chết đuối vì con" không phải chỉ là sánh ví nhưng đó là sự thực của những người làm cha làm mẹ dành cho con cái. Có dân tộc nào mà được như vậy chăng?. Theo luật phong thuỷ, người ta vẫn kể lại là gặp ngôi đất tốt, người con phải khắc với cha mẹ mới mở mắt lên được, có đức hy sinh nào cho đến chết mà vẫn một lòng hy sinh cho con cái, để con cái ăn nên làm ra không?

6. Ðức hy sinh cho dòng họ: Vợ chồng có giận nhau, cũng đóng cửa mà dậy nhau, không ai mang chuyện nhà ra cho mọi người biết, ấy cũng là cái đức hy sinh cho giòng họ, cái đức ấy còn giữ thanh danh cho nhau, tôn trọng phẩm giá của nhau nữa.

 

III. Hôn Nhân Với Ðạo Hiếu

7. Quyền trưởng nam: Quyền trưởng nam dựa trên ba yếu tố: Giới tính, thứ bậc và vị trí của người mẹ. Theo dã sử, quyền trưởng nam có lẽ hình thành vào thời kỳ Bắc thuộc với sự kiện Phùng Hưng mất, em là Phùng Hải lên thay nhưng đã bị quân dân phế bỏ để giành lại ngôi cho Phùng An là con trai trưởng của Phùng Hưng lên kế vị. Theo lịch sử, quyền trưởng nam xuất hiện chính thức vào thời Lý. Lý Thái Tổ đã phong vương cho con trưởng là Phật Mã làm thái tử. Xác định quyền trưởng nam trước hết là nhắm vào mục đích "chung tộc danh về phía bố", theo giáo sư Từ Chi, nhằm giải quyết hai vấn đề: bảo đảm chế độ ngoại hôn trong từng "chung tộc danh về phía bố" và việc thờ cúng tổ tiên được rộng rãi nhất.

Quyền trưởng nam gắn liền với trách nhiệm thờ phụng tổ tiên, trường hợp quyền trưởng nam có thể chuyển cho người con trai thứ nếu con trai trưởng ốm yếu hoặc bất hiếu, quyền trưởng nam được thừa hưởng phần đất hương hoả, (trong miền nam có thể quyền thừa kế đất hương hoả chuyển cho người con trai út, "giàu khó con út"). Sự kế tục thờ cúng tổ tiên theo quyền trưởng nam được quy định lần đầu tiên trong bộ luật do vua Lê Thánh Tông ban hành năm 1461. Người đàn ông có quyền lấy năm thê bảy thiếp nhằm có con nối dõi (bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại).

Tục đa thê dưới góc nhìn của người nước ngoài, theo L. Cadière không thật là đáng chê trách. "Trong thực tế, việc đa thê không nhiều ở Việt nam. Thường thì tầng lớp quan lại, hay người giàu có mới có đa thê. Người nghèo mà người nghèo là đa số chỉ một vợ, vì phải có của mới duy trì được hậu cung và một đàn con đông đúc. Nếu vô tự, họ có thể khắc phục bằng cách rẫy vợ hay là nhận con nuôi. Những người lấy nhiều vợ, có khi do đam mê xác thịt thúc đẩy, nhưng thường là, thể hiện mong ước có con trai và nhiều con càng tốt. Vì đối với người việt, có nhiều con trai thì đời này và đời sau đều được danh dự và hạnh phúc. Ở đây không có sự hạn chế sinh sản hoặc loại bỏ con gái, hay đứa con tật nguyền. Tôi đã từng chứng kiến nhiều đứa con dị tướng vẫn được tình thương của bố mẹ chăm sóc khi còn sống và cũng thương tiếc khi chúng qua đời."

Thiết nghĩ mặc dù xã hội Việt Nam có trọng nam, nhưng ảnh hưởng khinh nữ của Hán học cũng không thể thấm vào người Việt được.

8. Quyền thừa tự của người nữ: Người phụ nữ Việt Nam không bị hạ thấp hay bị khinh miệt như những người Phương Bắc, các nhà dân tộc học tìm ra được lý do kinh tế là: Người phụ nữ đóng góp vào việc kinh tế đóng vai trò chủ yếu, nước Việt vốn chủ yếu kinh tế nông nghiệp, buôn bán nhỏ, thủ công và đặc biệt là người phụ nữ trong thời chiến, gánh vác việc gia đình thay chồng bận đi phu hoặc đi lính. Ở làng xã, gia đình nào không có con trai, con gái có quyền thừa tự đất hương hoả để lo việc cúng giỗ tổ tiên.

Bằng chứng cho thấy, nước Việt có nhiều người con gái thừa tự đến nỗi có nhà nho ca thán: "Nước ta có cái lệ người nào không có con trai thì cho con gái thừa tự. Không biết cái lệ ấy có từ thời nào. Ôi, nội ngoại đã chia hai họ, không lẽ hợp cả thân sơ mà cúng tế, hợp tế nội ngoại, như thế thì loạn mất luân thường..."

Than vãn như thế chỉ mình ông đau khổ, chứ tâm lý chung ai cũng chấp nhận, con gái được quyền thừa kế. Ðiều này được chính thức công nhận lần đầu tiên vào thời Thiệu-Bình (1434 -1440) của Lê Thái Tông và được khẳng định lại bởi vua Thánh Tông (1460 - 1497) và Chiêu Tông (1516 - 1527). Trên những cánh đồng nếu ta cứ nhìn xem mà ngẫm nghĩ phải chăng bàn tay người phụ nữ là bàn tay chính yếu lao động trên nương đồng. Phải chăng người phụ nữ không phải là người đầu tiên đứng lên khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm đó sao? Như trường hợp Bà Trưng, bà Triệu. Người phụ nữ Việt Nam vừa đảm đương việc nhà, việc nước, thuỷ chung hơn bất cứ người phụ nữ nào trên thế giới đấy chứ.

9. Vai trò của người nữ - Sinh dưỡng con cái: Toan Ánh nhận định: "Mối tình thiêng liên nhất của con người là tình mẹ con. Tình mẹ như biển cả, cao ngất như trời xanh và thắm thiết không gì có thể so sánh được. Lòng mẹ thật không cùng, trời cao bể rộng hồ dễ đã bằng".

Người xưa thường nhắc: "chín chữ cù lao": "cù: siêng năng, nhọc nhằn; lao: Khó nhọc. Cha mẹ siêng năng khó nhọc để nuôi dưỡng con cái. Người ta thường nói "đức cù lao", "chín chữ cù lao" là do câu "cửu tự cù lao", tức cha mẹ nuôi ta có chín điều khổ cực là: (1) sinh: đẻ, (2) cúc: nâng đỡ, (3) phủ: vuốt ve, (4) xúc: cho bú, (5) trưởng: nuôi cho lớn, (6) dục: dạy dỗ, (7) cố: trông nom, (8) phục: săn sóc dạy bảo, (9) bảo: bảo vệ. Trong Kinh Thi có câu: "Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao", nghĩa là: thương xót thay cha mẹ sinh ra ta khó nhọc. Trong Kiều có câu: "Duyên hội ngộ, đức cù lao; bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn?"

Ai trên đời không có mẹ, nếu thiếu mẹ là thiếu một bầu trời. Ðứa trẻ không còn mẹ là đứa trẻ bất hạnh, thiếu hơi ấm, tay bồng, sự chăm sóc của mẹ. Ngày xưa, các bà mẹ có kiêng khem, tin dị đoan nhiều điều, cũng là lý do để tránh những điều xấu cho con mà thôi. Không chỉ những lúc đứa con ra đời và lớn lên mà ngay cả lúc đứa con hình thành trong bụng bà. Tình mẫu tử lớn lao là thế.

L. Cadière nhận xét: "Hầu như, những nơi thu hút quần chúng, những nơi thu hút khách hành hương, như Kiếp Bạc, Hương Tích, Phủ Giày ở miền Bắc, Phố Cát ở Thanh Hoá, Hòn Chén ở Huế, rồi vô số những điện miếu ở những địa phương ít nổi tiếng hơn, đều là những nơi khách hành hương đến cầu tự. Thánh Mẫu, bà Chúa Cửu Trùng, Bà chúa Liễu hạnh, Bắc Thần và nhiều vị khác đều có phép khiến cho các cụ bà sanh được con. Tại các nơi ấy, người ta bán rất nhiều y phục hay yếm có những bí tự, các bà mua và mang vào mình một cách thành kính; người ta còn xin bùa để mang vào cổ, khâu vào áo, những bùa yêu để nuốt vào miệng; họ dâng cúng của lễ, đốt hương, đoán hậu vận bằng nhiều cách, lên đồng, xuất thần trong trạng thái kỳ lạ.

Tóm lại, người ta tin tưởng lời cầu nguyện được nhận lời và nếu họ phải chờ đợi đạt được kết quả, họ sẽ quay trở về thần linh. Không chỉ thần Lão Giáo ban cho họ con cái, nhưng cả đức Phật, đấng đại Từ Bi dưới hình thức Phật Bà Quán Thế Âm, cũng giúp các bà có con. Những người Công Giáo và cả lương dân cũng chạy đền với Ðức Trinh Nữ hay làm phép lạ với cùng ý hướng, bởi lẽ người phụ nữ Việt và trong mọi gia đình, ước muốn có con cái thật vô cùng lớn lao".

Ngày nay, việc mê tín ấy không còn nhiều nữa, tình thương mẫu tử không vì thế mà kém hẳn đi, những khi con đau bệnh, bà mẹ cũng mất ăn mất ngủ đưa con đi hết thầy thuốc này đến thầy thuốc kia, những khi con đi học thì đưa đón, có khi ngồi chờ cả tiếng đồng hồ trươc cổng trường hay Nhà Thờ để đón con về. Có ai cắt nghĩa được đâu cái tình người mẹ dành cho con? Nếu chẳng phải lòng người mẹ là thế, trời sinh ra thế.

Hôn nhân theo định chế xưa là nhằm bảo vệ truyền thống gia đình. Gia đình là rường cột của xã hội và xã hội ngày xưa cũng xây dựng trên nền tảng của gia đình, gia tộc, làng xã. Một gia đình hạnh phúc theo người Việt là một gia đình có: ông bà, cha mẹ và con cái, tam đại đồng đường. Ba mẹ bận đi làm thì đã có ông bà nội ngoại trông cháu. Ở cái gia đình Việt Nam ta, con trẻ học được biết bao điều tốt đẹp từ giữa các tương quan ruột thịt thân thích.

 

Lm. Hoàng Kim Toan

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 68, năm 2002)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page