Viết Cho Em

(Bảo Vệ Hạnh Phúc Gia Ðình)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Em, Em bồng con đến nhà thờ. Tôi xối nước trên đầu bé: "Ma-ri-a, cha rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". Tôi nhìn bé hai giây. Buồn! Em sung sướng bồng con về. Bà nội bà ngoại tíu tít đi theo, che dù che nón như đón bà hoàng. Tôi mời chồng Em ghé nhà xứ, thăm hỏi chuyện gia đình.

- Hồi mới sanh, con của con nặng mấy ký?

- Ba ký rưỡi.

- Con so mà nặng ba ký rưỡi là ngon rồi. Nhưng... cha thấy nước da của nó không được mịn màng, hơi vàng vàng, hơi mai mái. Dường như nó thiếu dinh dưỡng.

- Tại vợ con mất sữa.

- Vợ con tròn như củ khoai tây, tại sao lại mất sữa?

Chồng Em sụ mặt.

Thì ra...

Những năm còn khó khăn ấy, Em mới sanh được một tuần, thì nguồn sữa cạn khô. Chồng Em bán đồng hồ, lấy tiền đi mua sữa. Sữa Guigoz biến khỏi thị trường. Chỉ còn sữa ông Thọ bán cho quán café. Hộp sữa nào cũng qúa thời hạn. Khui ra thì sữa đặc sệt như cháo, mầu nâu nâu như mật ong loãng. Chồng Em thất vọng, chửi thề... Hoà bình mới tìm thấy, nhưng hậu qủa chiến tranh vẫn còn đầy rẫy. Biết bao giờ mới mua được sữa Guigoz cho con, con đầu lòng? Và nếu tìm được sữa Guigoz, thì còn đồng hồ đâu nữa mà bán. Chồng Em quay qủa, bứt rứt. Thương con quá là thương! Bứt rứt, thắc mắc mãi chồng Em mới tìm ra sự thật. Hận!

 

2. Mẹ Em là cán sự y tế, chích cho Em một phát thuốc cai sữa. Em hỏi:

- Chi vậy mẹ?

- Ðể bảo đảm hạnh phúc gia đình.

- Mẹ nói gì con không hiểu.

- Mặt mày sáng mà sao trí mày tối thế? Gái tham tài, trai ham sắc. Thằng đàn ông nào cũng muốn có vợ đẹp. Mày cho con bú, vú mày nhẽo ra, thì chồng mày lại ngó sang đứa khác... Ðàn bà bên Tây bây giờ đều cai sữa sớm, để bảo vệ sắc đẹp. Giữ được nhan sắc là giữ được chồng.

Em, mẹ Em nói đúng, nhưng chỉ đúng được một thời gian ngắn ngủi. Cũng thời điểm Em cai sữa, tôi nghe đài BBC. BBC cho biết: 86% phụ nữ Âu Châu cai sữa ngay từ đầu; nhưng bây giờ 76% lại nuôi con bằng sữa mẹ rồi.

Chuyện chồng con là chuyện của Em , tôi chẳng nên dính dấp làm chi. Nhưng vì qúa thương trẻ thơ tôi không thể làm ngơ khi thấy quyền lợi tối thượng của Em bị người ta cướp mất. Tôi phải đọc, tôi phải nghe, tôi phải suy nghĩ...

Bây giờ cả thế giới đã đứng lên để bênh vực sữa mẹ. UNICEF đã đấu tranh cho sữa mẹ. Thậm chí những nhà sản xuất sữa bột cho bé thơ cũng phải ghi trên hộp sữa một câu "phí khuyến mãi" rằng: "sữa mẹ là tốt nhất". Dù vậy trong chỗ riêng tư tôi vẫn muốn nói nhỏ với Em rằng: "Sữa mẹ có nhiệt độ đúng nhất: 37%C." Từ lúc bé bú cho đến khi bé nghỉ, sữa luôn luôn giữ độ nóng ấy. Sữa mẹ có độ ngọt đúng nhất. Lượng đường trong sữa mẹ được chính Tạo hóa pha.

Tuyệt! Sữa mẹ và chỉ trong sữa mẹ mới có tình yêu. Bé bú sữa mẹ, thì được mẹ bồng ẵm. Vừa bú vừa rờ rẫm, bé cảm nghiệm được tình yêu của mẹ trên đầu ngón tay của mình. Sữa và tình yêu là lương thực của bé thơ. Khi mẹ cho con bú, mẹ cảm thấy đê mê. Một cảm giác yêu thương chạy lăn tăn trên da thịt. Tình mẫu tử cứ thế mà lớn lên, xoắn vào cả không gian lẫn thời gian mãi mãi và vô tận. Ôi tình mẹ!

 

3. Nhan sắc là vũ khí hiện đại nhất để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Mẹ Em nghĩ thế. Tôi không đồng ý. Tôi phỏng vấn một người đàn ông. Ông cho biết người đàn ông sẵn sàng sống êm ả bên cạnh người vợ có những đức tính sau đây: Dịu dàng - Duyên dáng - Ðảm đang.

Dịu Dàng là cử chỉ lúc nào cũng khoan thai, giọng nói lúc nào cũng ngọt ngào bất chấp mọi tình huống. Bận rộn hay nhàn nhã, gặp chuyện vui hay chuyện buồn... nhất nhất đều khoan thai và ngọt ngào. Nói chuyện với cụ già, hay khuyên nhủ một người bạn đồng trang lứa, hoặc khiển trách một em bé liếng khỉ... thì cũng vẫn một giọng ấy: ngọt như đường phèn. Người xưa nói rằng: "Một giọt mật bắt được nhiều ruồi hơn một thùng giấm."

Tôi vẫn còn nhớ y nguyên câu chuyện của một thời sinh viên, cách nay gần bốn thập niên. Tôi và một ông bạn tu sĩ ghé một tiệm đồng hồ ở đường Nguyễn Huệ - Sài Gòn. Ông bạn tôi say mê ngắm nghía một chiếc đồng hồ báo thức, rồi hỏi cô bán hàng:

- Nhiêu, cô?

- Dạ thưa năm "chăm" ạ!

Ông bạn tôi bỏ đi một mách. Tôi kéo áo hỏi:

- Cậu hỏi người ta nói giá, tại sao lại bỏ đi?

- Nói ngọt quá chịu không nổi!

Với giọng nói ngọt ngào ấy, nếu ông bạn tôi không bỏ chạy thì có lẽ ông đã mua cả đồng hồ lẫn cô bán hàng rồi.

Duyên Dáng không phải là nhan sắc. Nhan sắc thì trời cho, còn duyên dáng thì ai cũng tự tạo được. Duyên dáng là một cái gì đó rất dễ thương gắn liền vào mọi cử chỉ: ngồi dễ thương, đứng dễ thương, cười dễ thương, nhăn mặt dễ thương, vuốt tóc dễ thương, thậm chí ngáp cũng dễ thương... Ðó là duyên dáng. Nhan sắc thì sớm nở chiều tàn, nhưng duyên dáng thì còn mãi, lớn mãi cho tới khi lìa đời. Duyên dáng là một phản xạ phát xuất từ một tâm hồn an vui, bao dung, qúi phái. Rất tự nhiên, không gỉa tạo.

Ðảm Ðang là vừa cần vừa cù, vừa thông minh, người đàn bà cần cù mà không thông minh thì chỉ là người vợ vô ích và là gánh nặng cho người đàn ông. "Thứ nhất: mắc nợ, thứ nhì: vợ ngu". Người đàn bà thông minh mà biếng nhác thì sẽ thành thủ đoạn, ích kỷ một cách hợm hĩnh và đáng ghét.

 

Em, câu chuyện Em cai sữa để bảo vệ hạnh phúc gia đình đã làm nhiều người đàn ông nổi giận. Họ cho rằng làm như thế là khinh dể đàn ông. Chồng Em là một trong những người đàn ông ấy. Nhưng chồng Em chỉ coi Em là một nạn nhân của một trào lưu nông cạn và thô thiển. Tôi mong rằng Em sẽ có cách để đền bù cho con Em, một đứa cháu đã bị bà ngoại dại dột cắt mất một nguồn sống cao quý nhất.

 

Lm. Pi-ô Ngô Phúc Hậu

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 33, năm 2001)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page