Niềm Tin sắt đá

và đức tính kiên cường chịu đựng

của các Thánh Tử Ðạo Việt Nam

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

 

Niềm Tin sắt đá và đức tính kiên cường chịu đựng của các Thánh Tử Ðạo Việt Nam.

Nhìn lại những trang sử hào hùng của các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, chúng ta thường tự hỏi, với sức lực nào giáo đoàn Việt Nam hồi xưa đã lướt thắng những cơn đại họa như thế? Họ chỉ có một bí quyết thần diệu:

Niềm tin sắt đá vào Lời Chúa đã tiên đoán: "Người ta sẽ điệu chúng con ra trước pháp trường, chúng con sẽ bị đánh đập trong các hội đường, bị truy tố trước mặt vua quan vì danh Cha, như thế chúng con sẽ làm chứng nhân trước mặt các chức quyền và các dân ngoại" (Matt. 10, 17-18)

Niềm cậy trông nơi Chúa Quan Phòng công minh và nhân hậu: "Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã biểu lộ tình thong đến mức độ hy sinh mạng sống vì ta, do đó không ai có thể yêu thương hơn người đã thí mạng sống mình vì Chúa và vì anh em" (Igio. 3, 16; Gio. 15, 13).

Sự cảm mến vừa sâu xa vừa nồng nàn dành cho Chúc Kitô, vị Tử Ðạo tối cao và là phần thưởng bền bỉ muôn đời: "Chúng con hãy vui mừng, vì phần thưởng dành cho chúng con ở trên trời rất lớn lao" (Matt. 5, 12).

Kiên cường chịu đựng, có nghĩa là ân sủng Chúa hoạt động trong linh hồn các Thánh trong giờ tử đạo đã lên tới mức tột độ: "Tình yêu hùng mạnh như tử thần, lòng ganh tị (của tình yêu) mãnh liệt như âm phủ, ngọn lửa tình yêu là ngọn lửa hỏa hào nung nấu. Tình yêu: dù thác lũ cũng không thể dập tắt, dù hồng thủy cũng không thể nhận chìm" (Diệu ca 8, 6-7).

Trước kia trong các cuộc bách hại dưới thời các Chúa Trịnh Nguyễn, các Vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, nhưng nhất là từ sau Phong Trào Văn Thân trở đi có những tiếng đồn thổi, lời buộc tội, được truyền đi cả trong sách vở rằng, đi đạo là vọng ngoại bang, là theo Tây phương, là bán nước, tử đạo là vì lý do chính trị! Ðọc lại một số tài liệu chính xác ngay từ thời bách hại, cũng như đọc những cuốn sử viết từ 1869, hay là từ 1905-1907, trên dưới 100 năm rồi, do những tác giả đã sống trong cuộc, hoặc đã sống liền sau các biên cố, chúng tôi thiết tưởng phải nói lên một nhận xét: tuy cá nhân, nhưng cần thiết để cho danh chính ngôn thuận. Nhận xét của chúng tôi là một thế kỷ đã qua đi, thời gian dài đủ cho những thành kiến con người lắng xuống! Hơn nữa sống trong thế giới văn minh ngày nay, sống trong xã hội dân chủ đại đồng của thế kỷ hai mươi, nhìn lại quá khứ, chúng ta không thể nhắm mắt lặp lại những khẩu hiệu xa xưa như con sáo con vẹt, nhưng phải thức tỉnh và phải biết phanh phui lịch sử để nhìn ra sự thật. Sự thật là:

Tất cả 117 vị Thánh Tử Ðạo Việt Nam, là đại diện, là tinh hoa cho cả trăm ngàn bạn đồng nghiệp đã chết vì Tín ngưỡng thời xưa, cũng như là đại diện, là tinh hoa cho cả từng triệu tín đồ Công Giáo Việt Nam ngày nay, không một vị nào đã bị hành quyết mà không có một bản án do chính tay nhà Vua, hay do Triều đình đại diện chính quyền thời đó ký nhận. Trên những bản án đó không một lần nào văn kiện nhà Vua đá động tới lý do chính trị; trái lại trong tất cả 117 bản án, nhà Vua chỉ trưng lý do duy nhất: giám mục đó, linh mục đó bị xử vì ngài là đạo trưởng; giáo dân đó bị kết án tại vì ngoan cố không chịu bỏ đạo, không bước qua Thập giá. Nói thể khác, lý do được công khai tuyên bố có tính cách hoàn toàn tôn giáo.

Sự kiện này chúng tôi còn thấy ghi rõ trên 12 bức tranh cở lớn, được vẽ cách đây cả trăm năm, họa lại quang cảnh nhiều cuộc hành quyết các vị Tử Ðạo Việt Nam vào những năm 1838-1840, và hiện còn trưng bày trong "Gian phòng các vị Tử Ðạo" của Hội Thừa Sai Paris, tại thủ đô Pháp: bên cạnh mỗi vị Tử Ðạo một bản án cắm sâu xuống đất, ghi rõ loại khổ hình sắp sửa thi hành và lý do kết án!

Tuyên án một nhân vật là đạo trưởng, là tín đồ trung kiên cho đên chết, chính nhà vua, người cầm quyền trong nước, đã nói lên sự thật thuần túy tôn giáo: tại sao người ta lại xóa nhòa sự thật lịch sử đó đi và, thay vào đấy, gán ghép mầu săc và tính cách chính trị? Sự kiện nhân vật đó can trường chấp nhận cái chết vì mình là đạo trưởng, là tín đồ trung thành, đối với người Công Giáo là một vinh dự lớn lao, là khí phách hiên ngang, hơn nữa là một hồng ân đặc biệt của Chúa, ai cũng phải cất mũ kính phục, chứ không bao giờ cho đó là một nhục nhã!

Những Sắc lệnh cấm đạo của chúa Trịnh, chúa Nguyễn và các vua hồi xưa có nói tới sự kiện Thiên Chúa Giáo xuất xứ từ Tây Phương và do những vị Thừa Sai ngoại quốc đem vào Việt Nam: đây cũng là nói lên sự thật lịch sử, cũng như khi nói Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo, Hồi giáo ở Việt Nam cũng tư ngoại quốc (Trung Hoa, Aán Ðộ, Mã Lai...) đem vào qua các thời đại lịch sử quốc dân ta.

Tuy nhiên sự kiện chính yếu, cái mà các vua chúa nhằm tiêu diệt, và còn ghi chép trong các văn kiện, tài liệu lịch sử rành mạch, như chúng tôi đã trình bày ở trên, là chính đạo Công Giáo mà vua chúa đã cố tình định nghĩa là "tả đạo": tả đạo trong lý thuyết, vì nhà cầm quyền hồi đó cho rằng "đạo dạy những điều làm xáo trộn trật tự trong nước; và tả đạo trong thực hành, vì giáo dân không chịu từ bỏ đạo Chúa, mặc dầu đã có những Sắc lệnh nghiêm cấm: do đó làm vua chúa bất mãn tới mức độ khắc hai chữ đó trên mặt giáo dân trước khi đẩy họ vào kiếp đời bị "phân sáp" trong các làng xa lạ hay là bị đi đầy chung thân biệt xứ!

Cách đối xử này cũng mang sắc thái tôn giáo: "hận thù tín ngưỡng" (odium fidei) nhằm tiêu diệt niềm tin trong tâm hồn người dân, chứ đâu có phải vì lý do chính trị? Trong con số khổng lồ 130,000 vị Tử Ðạo kia có ai đã là người phản loạn, đã cầm khí giới, hay đã phất cờ khởi nghĩa nhằm lật đổ chính quyền đâu?

Nếu các nhà truyền giáo ngoại quốc hồi xưa đến Việt Nam với mục đích làm tay sai cho một đế quốc thực dân, hay là để mở rộng biên cương chính trị cho một thế quyền nào, chúng tôi thiết tưởng: khi gặp thời bất lợi, các ngài đã bỏ cuộc, đã tháo lui với đoàn tầu nhà buôn, hay với đoàn quân viễn chinh, chứ đâu các ngài còn dám liều bám víu vào mảnh đất Việt Nam này, liên tục sống trong đe dọa ngày đêm, lén lút trong các hang cùng ngõ hẻm, để rồi bị bắt chịu cảnh ngục tù từng tháng từng năm và kết liễu đời mình bằng cái chết đau thương, xa quê hương, cha mẹ, thân thuộc!

Lịch sử là biện chứng hùng hồn chính xác hơn cả. Do đó chúng tôi cảm nghĩ: đã tới thời gian chấm dứt những thành kiến, chôn vùi những nghi kị, để giữa long dân tộc Việt Nam thống nhất, chúng ta, những công dân "tout court", bất cứ sống đời lưu vong ở hải ngoại, hay là còn ở bên Tổ Quốc thân yêu, chúng ta duy trì lý tưởng cao đẹp "cảm thông và đoàn kết", là những yếu tố căn bản để xây dựng và củng cố tinh thần quốc gia và huynh đệ một nhà!

Ðứng bên hồng ân trọng đại, Tòa Thánh đã tôn phong lên bậc Hiển Thánh một số 117 vị Tử Ðạo, đang khi còn vô vàn những Tử Ðạo khác vẫn còn là những vị Thánh ẩn danh, người Công Giáo Việt Nam hiên ngang nghiêng mình trước những bậc Tổ Tiên anh dũng đã nêu gương đời sống công dân thánh thiện thuần túy. Cũng là những bậc anh hùng đất nước, từ nay đứng trên bàn thờ ngang hàng với các vị Thánh của Giáo Hội hoàn vũ, các ngài giơ cao ngọn cờ chiến thắng, vì đã chứng minh tấm long quả cảm, ý chí kiên cường: chịu chết vì chính nghĩa đức Tin, nhưng không mang theo, và cũng không dạy, hận thù vua quan và các người đã sát hại mình! Ðúng tinh thần đại nghĩa:

"Ðấng trượng phu, đừng thù mới đáng,

Ðấng anh hùng, đừng oán mới hay"!

Những đám đông tín hữu hồi xưa tháp tùng các vị Tử Ðạo đi ra pháp trường: họ theo sau để đọc kinh cầu nguyện, để lên tinh thần cho các anh em đang chịu khổ, và chỉ chờ khi đầu các vị Tử Ðạo rơi xuống là nhảy vào thấm máu, nhảy vào xin xác đem về an táng và tôn kính, chứ không hò nhau đuổi bắt hay sát hại những tên đao phủ chỉ có bổn phận thi hành mệnh lệnh cấp trên!

Cũng như ngày nay những đoàn thể Công Giáo, vào các dịp kỷ niệm, có tập trung hành lễ trong những ngôi thánh đường, nơi còn giữ ngôi mộ hay hài cốt các Thánh Tử Ðạo, có hành hương về các địa điểm như Bẩy Mẫu, Cầu Giấy, Hải Dương, Ðồng Hới, Thừa Thiên, Nam Ðịnh, Thợ Ðức, Trí Bưu, An Hòa, Bà Rịa..., xưa kia là những pháp trường diễn ra những vụ hành quyết rùng rợn..., những đoàn thể giáo dân này tập trung là để tưởng niệm, hun đúc lại tấm gương sáng lạn của các bậc Thánh nhân. Họ tập trung với hai bàn tay chắp lại, với hai đầu gối quỳ xuống cầu xin Thượng Ðế quan phòng che chở gia đình họ, thân thuộc họ còn sống cõi đời tạm gửi gian chuân, họ cầu cho quốc thái dân an, cho giang sơn đất nước phồn thịnh, và cho cả các nhà cầm quyền được sáng suốt thi hành nhiệm vụ đối với Tổ Quốc nhân dân, và đem lại hạnh phúc cho toàn thể đồng bào!

Ðây cũng là một sự thật. Nếu người công giáo thà chịu chết đề bảo đảm tín ngưỡng, sự kiện này minh chứng tín ngưỡng là cái gì sâu xa, bền bỉ, linh thiêng không thể xóa nhòa, giập tắt bằng những mãnh lực bên ngoài. Sự kiên trì nắm vững niềm tin đó có nghĩa là mỗi người có quyền tự do liên hệ với Thượng Ðế, và quyền này bất di bất dịch vì phát xuất từ căn bản thiết yếu của con người!

 

(Trích tập sách Vụ Án Phong Thánh

của tác giả Ðức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, xuất bản năm 1987, Hoa Kỳ)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page