Vấn Ðề Tự Do Tôn Giáo
và Nhân Quyền tại Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Ngày 10 tháng 11 năm 1997, Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Ðài Loan, Bà Nghiệp Kim Phượng (Mrs. Yeh Chin Fong) gửi cho Các Ðức Giám Mục Ðài Loan cũng như tất cả các tôn giáo tại Ðài Loan một văn thư (Taiwan/Bộ Nội Vụ/8605947) nói về những Quy Ðịnh về Tôn Giáo của Luật Pháp Nước Cọng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, và nhắc nhở các đoàn thể tôn giáo tại Ðài Loan chú ý khi tới Việt Nam như sau:

"Chiếu theo văn thư (Bộ Ngoại Giao/Asia/8603027008) của Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao, Ông Hồ Chí Cường (Mr. Jason Hu), và văn thư của Văn Phòng Ðại Diện Ðài Loan tại Sàigòn".

"Chiếu theo Luật Pháp của nước Việt Nam quy định, tất cả các tổ chức tôn giáo ngoại quốc, đoàn thể hoặc cá nhân, phải đăng ký xin phép các cơ quan liên hệ trước khi hoạt động truyền giáo, hành đạo hoặc in ấn các loại truyền đơn, sách báo, giáo lý, trong nước Việt Nam... Kể cả các hoạt động tuyên truyền quyên góp, cứu tế, từ thiện, hiến máu... Mọi chi tiết, nạp đơn, đăng ký, xin liên hệ trước với văn phòng Tôn Giáo số 2B đường Thái Nguyên, Sài Gòn, để tránh việc vi phạm quy định của luật pháp nước Việt Nam..."

Ngày 11 tháng 11 năm 1997, Tổ Chức Bảo Vệ Nhân Quyền Human Rights Watch/Asia, cũng đưa ra một bản báo cáo về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, có nhắc đến quy định 31/CP của chính phủ Cọng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam như sau:

"Nghị định 31/CP cho phép nhà cầm quyền địa phương có quyền quản chế mọi cá nhân trong vòng 6 tháng đến 2 năm mà không cần phải mang ra tòa án xét xử". Theo Human Rights Watch/Asia, "rõ ràng là nghị định 31/CP nhằm hợp thức hóa sự giam giữ những người bày tỏ sự bất đồng ý kiến hay đối lập chính trị và tất cả những người bị dán khẩu hiệu 'lực lượng thù nghịch tuyên truyền diễn biến hòa bình'."

Một Giám Mục Việt Nam (xin dấu tên) đã kể lại, "khi trao đổi về quan niệm tự do tôn giáo theo quy định luật pháp Việt Nam với một cán bộ nhà nước Việt Nam, cán bộ nhà nước đó nói với tôi rằng: Các ông cha nhà đạo đơn sơ quá, chúng tôi nói tự do tôn giáo là nói thế thôi, chứ khi các ông thi hành việc tôn giáo của các anh, thí dụ như khi các anh cầu nguyện, thì cũng đã là phản động rồi. Vì khi các anh cầu nguyện, các anh cầu nguyện cho Mỹ thắng cho Cọng sản Thua, như thế thì thật là đại phản động rồi còn nói gì nữa... Cho nên, khi các anh thi hành việc tôn giáo thì các anh đã là phản động rồi."

Một linh mục Trung Hoa kể một câu chuyện, "có một cậu bé đi chăn trâu, một mình cậu chăn dắt một đoàn trâu lực lưỡng đi ăn hằng ngày. Mỗi trưa, đến giờ dẫn trâu đi uống nước, một mình cậu bé dẫn một đoàn trâu đi tới vũng nước và dẫn trâu về một cách rất dễ dàng không có gì khó khăn. Có một đoàn người lực lưỡng khác, đến giờ uống nước của trâu, thay vì dẫn trâu đi về phía vũng nước, cả đoàn người lực lưỡng nầy lại dùng hết sức mình kéo ghì chỉ một con trâu đi về phía khác, nhưng lại kéo không nổi và cuối cùng con trâu đã vùng nhảy mạnh thoát ra khỏi sức kéo của đoàn người làm đoàn người bị té ngã.

Thượng đế đã tạo dựng nên muôn loài muôn vật, và đã ban cho loài người một phần thưởng cao quý, đó là tự do. Vô thần cọng sản như Hồ Chí Minh mà cũng đã từng mơ ước, "Không có gì quý hơn độc lập và tự do". Và vì vậy, người người đều phải tôn trọng tự do tôn giáo của nhân loại cũng như vấn đề nhân quyền của muôn dân. Một khi vấn đề tự do tôn giáo bị trói buộc, vấn đề nhân quyền bị chà đạp, sức mạnh tự nhiên của con người mà Thượng Ðế đã ban cho sẽ trở thành bản tính vùng dậy để dành lại cho được quyền tự do tôn giáo cũng như sự tôn trọng nhân quyền.

Bởi thế không lạ gì, vào khoảng tháng 5 và 6 năm 1997, dân chúng tỉnh Thái Bình, Việt Nam, đã cùng nhau biểu tình đòi lại cho mình tự do hạnh phúc trong một nước Việt Nam độc lập. Cũng thế, ngày 8 tháng 11 năm 1997, hơn 10,000 người giáo dân Công Giáo tỉnh Ðồng Nai không sợ hãi gì trước những vũ khí của công an nhà nước, hăng say kết án cán bộ nhà nước tham ô, xâm chiếm tài sản của giáo hội và đòi lại cho mình quyền tự do tôn giáo.

Ðể thông cảm và hổ trợ cho nhân dân Việt Nam tại quốc nội, nhân dân Việt Nam Hải Ngoại khắp năm châu cũng đoàn kết, một lòng một ý với dân chúng tỉnh Thái Bình, với giáo dân Công Giáo tỉnh Ðồng Nai, cùng nhau tập họp trước các tòa Ðại Sứ Việt Nam để tranh đấu cho tự do tôn giáo và nhân quyền của nhân dân Việt Nam.

Nam California, USA, Mỹ Châu:

- Ngày 10/11/1997, tại San Francisco, Bắc California, hơn 300 người Việt Nam Hải Ngoại, biểu tình trước Lãnh Sự Quán Việt Nam tại San Francisco để tranh đấu cho nhân quyền của người Việt Nam và ủng hộ cho dân chúng tỉnh Thái Bình và Giáo Dân Công Giáo tỉnh Ðồng Nai.

- Ngày 15/11/1997, tại khu chợ ABC, Little Saigon, Nam California, hơn 1,000 người Việt Nam Hải Ngoại tham dự Ðêm Thắp Nến Ủng Hộ Ðồng Bào Xuân Lộc.

- Ngày 23/11/1997, tại sân vận động thành phố Santa Anna, Nam California, Người Việt Nam Hải Ngoại Biểu Tình ủng hộ và dâng thánh lễ cầu nguyện cho Giáo Dân Xuân Lộc.

Paris, Pháp, Âu Châu:

- Ngày 15/11/1997, tại Paris, Pháp, Người Việt Nam Hải Ngoại biểu tình trước Sứ Quán Việt Nam tại Paris để ủng hộ cho dân chúng tỉnh Thái Bình và Giáo Dân Công Giáo tỉnh Ðồng Nai.

Melbourne, Sydney và Canberra, Úc Châu:

- Ngày 15/11/1997, tại Queen Land, Melbourne, Sydney và Canberra, Úc Châu, người Việt Nam Hải Ngoại biểu tình trước Tòa Ðại Sứ Việt Nam tại Úc Ðại Lợi để tranh đấu cho tự do và nhân quyền, ủng hộ cho dân chúng tỉnh Thái Bình cũng như Giáo Dân Công Giáo tỉnh Ðồng Nai.

Ðài Loan, Á Châu:

- Ngày 24/11/1997, tại trung tâm hành hương Thánh Têrêsa, Ðài Bắc, Ðài Loan, người Việt Nam Hải Ngoại tại Ðài Loan tổ chức thánh Lễ Mừng Kính Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam và cầu nguyện cho giáo dân Xuân Lộc.

Trong diễn văn đọc ngày 13/11/97 vừa qua trước Khóa họp khoáng đại hiện đang diễn ra tại trụ sở LHQ ở New York, Ðức TGM Renato Martino, Quan sát viên thường trực Tòa Thánh cạnh LHQ, đã nhắc lại lời Ðức Gioan Phaolô II nói như sau: "Việc khước từ mọi hình thức kỳ thị dựa trên tôn giáo là một nguyên tắc nền tảng của các quyền con người". Ðức TGM nói: "Thay vì sợ những người tuyên xưng tín ngưỡng tôn giáo, Nhà Nước phải công nhận rằng: chính vì xác tín sâu xa của tín ngưỡng, các tín hữu có thể là những công dân có tinh thần hoạt động và có trách nhiệm, luôn luôn muốn cộng tác với người khác trong việc xây dựng một xã hội công bình hơn. Qua việc hiến thân cho các giá trị cao quí, các tín hữu trở nên một sự phong phú thực sự cho xã hội..." Vị đại diện Tòa Thánh nói tiếp: "Hơn nữa phải tái xác nhận một cách cương quyết rằng không một Nhà nước nào có thể tự cho mình quyền quyết định về các xác tín tôn giáo của bất cứ người dân nào, cũng không có quyền áp đặt hay cản trở việc tuyên xưng một tín ngưỡng và việc thực hành công khai tôn giáo".

Nhắc lại những vi phạm nặng nề về quyền tự do tôn giáo hiện vẫn còn trên thế giới này, Ðức TGM Martino quả quyết rằng Khóa họp khoáng đại hiện nay của LHQ không thể yên lặng trước nhiều trường hợp cá nhân và gia đình hiện đang bị đau khổ vì đức tin của họ: giam tù, bách hại, đe dọa... hoặc bằng những hình thức kỳ thị khác do nhà cầm quyền áp đặt trên họ, chỉ vì họ tuyên xưng một tín ngưỡng tôn giáo. Trong phần kết, Quan sát viên Tòa Thánh nhấn mạnh: "Tòa Thánh muốn đối thoại với tất cả các chính phủ một cách xây dựng để vượt qua những cản trở và những không hiểu nhau và cùng nhau hoạt động để cổ võ tự do tôn giáo cho mọi người".

Nơi đâu có tình yêu thương, thì ở đó có Bình An của Thiên Chúa. Người giáo dân Công Giáo có một sứ mệnh Chúa Giêsu đã trao phó, đó là gieo rắc Tin Mừng Bình An cho khắp muôn dân. Tiên Tri Ysaia đã nói: "Thánh Thần Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, giải thoát cho những người bị áp bức, phóng thích cho những người bị gông cùm..." (Ysaia 61, 4; Luca 4, 18). Là những người giáo dân Công Giáo, những người đã được lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể làm ngơ trước những cảnh bị áp bức, bị bắt bớ của nhân dân Việt Nam ta. Chúng ta đừng sợ hãi, hãy vì danh Chúa, hãy làm chứng trước mắt người đời. "Chúng con đừng sợ, vì ngay giờ đó... Thần Khí của Cha các ngươi sẽ nói trong các ngươi... Hai con chim sẻ há không bán một đồng tiền sao? Thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý Cha các ngươi! Cả những sợi tóc trên đầu các ngươi cũng đã cộng sổ rồi! Vậy đừng sợ! Các ngươi quí giá hơn nhiều con chim sẻ!" (Matthêu 10, 17-32).


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page