Tóm Lược

Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

I. Thời gian Giáo Hội Công Giáo được thiết lập - Giáo Hội Thời Sứ Ðồ (Thế Kỷ 1)

- Nếu Giáo Hội Công Giáo được định nghĩa là một khối tín hữu vây quanh Chúa Cứu Thế và vâng lời Người, thì Giáo Hội đã có từ khi bốn dân chài: Phêrô và Anrê, Giacôbê và Gioan đáp lời mời của Chúa Giêsu bỏ thuyền lưới tại hồ Galilê, đi theo Chúa Giêsu để trở nên những ngư ông "đánh cá người" (Mt 4,18-22).

- Theo các nhà thần học, Giáo Hội được thành lập vào buổi sáng ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, khi thánh Phêrô và các Tông đồ được tràn đầy ơn Thánh Thần, mạnh dạn làm chứng nhân về sự Chúa sống lại, lên Trời, trước công chúng từ bốn phương kéo về nhân ngày lễ "Năm Mươi" (Act 2, 1-4). Theo các nhà hộ giáo, Phục sinh và Hiện xuống là hai sự kiện quan trọng trong việc khai sinh Giáo Hội. Nếu Chúa không sống lại như lời tiên báo, người ta sẽ không tin lời Chúa. Nếu Chúa Thánh Thần không đến, thì các Tông đồ, những chứng nhân của Chúa, sao có thể biến đổi từ người mộc mạc hèn nhát thành những nhà truyền giáo can đảm hăng hái, những nhà hộ giáo khôn ngoan thông minh được.

- Nhưng các sử gia, vì chỉ nhìn vào những sự kiện bên ngoài, coi Giáo Hội là một thực thể xã hội và tôn giáo chăm lo việc phượng thờ Thiên Chúa và nghe theo lời giáo huấn của Chúa Kitô, nên chỉ chấp nhận Giáo Hội Công Giáo có vào khoảng sáu hay bảy năm sau cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, và sự thành lập đã được ghi chép trong sách Tông đồ Công vụ. Giáo Hội thành lập để nối tiếp công cuộc của Chúa Giêsu ở trần gian, ban đầu cũng đã sống và lớn lên trong dân Chúa kén chọn với những con người có một truyền thống từ bao thế hệ, để từ đây bành trướng khắp thế giới theo như ý muốn của Chúa: "Các con hãy đi rao giảng khắp muôn dân, làm phép Rửa cho mọi người nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy cho họ giữ hết mọi điều Ta đã truyền cho các con" (Mt. 28,19-20).

2. Chúa Giêsu Ðấng sáng lập Giáo Hội Công Giáo - Giáo Hồi Thời Phôi Thai ở Palestina

Từ khi là một dân tộc được Thiên Chúa kén chọn, người Do-thái, dù là Pharisêu, Sađukê hay Asseni đều mang trong mình sự trông đợi Ðấng Cứu Thế. Cứ mỗi lần quốc gia họ lâm nguy hoặc dân chúng rơi vào cảnh nô lệ, lòng trông đợi lại nổi lên mạnh mẽ. Qua các thời đại, nhờ sự nhắc nhớ của các Tiên tri, họ càng ý thức rõ rệt hơn về chọn lựa mà Thiên Chúa đã giao ước với Tổ phụ họ.

Lúc này sống dưới ách Ðế quốc La Mã, lòng trông đợi một lần nữa bị kích động mãnh liệt. Dựa theo lời Tiên tri, họ lý luận: "Thời gian trông đợi đã đầy", Tiên tri Ðaniel đã chẳng bảo là sau 69 "tuần năm", các đau khổ của Israel sẽ chấm dứt và Nơi Cực Thánh sẽ đón nhận Ðấng Kitô đó sao? (Ðan 9,20-27). Ðấng Cứu Thế sẽ là người thế nào? Người Do-Thái khi ấy không có một quan niệm rõ rệt và còn sai lầm nữa. Sống trong cảnh nô lệ áp bức, hầu hết họ cho rằng Ðấng Cứu Thế sẽ là vị anh hùng cứu quốc, trong tay có cả trăm ngàn binh sĩ. Ngài sẽ báo thù cho dân Ngài, "đập tan các thù địch như đập bình gốm". Ngài sẽ thống trị muôn dân, mở đầu cho thời huy hoàng của Israel. Như vậy, họ đã quên đi lời Tiên tri Isaia nói về Chúa Cứu Thế sẽ phải chịu đau khổ và nhục nhã (Is 43).

Giữa lúc dân Do-Thái nóng lòng mong đợi đó, Ðức Giêsu Kitô đã sinh ra ở Bêlem xứ Giuđêa, Triều vua Hêrôđê, cũng là thời Hoàng đế Augustô vừa ban hành lệnh kiểm tra dân số trong cả thiên hạ. Sau khi sinh ra được ít lâu, thánh Giuse và Ðức Mẹ Maria đem Chúa Giêsu đi trốn bên Aicập để tránh bàn tay tìm giết của Hêrôđê. Ông này chết, hai ông bà đưa Chúa Giêsu trở về quê quán và sống đời ẩn dật ở Nazarét bằng nghề thơ mộc. Năm 30 tuổi, Chúa Giêsu bắt đầu đời sống công khai, nhưng trước đấy, Gioan đã làm Tiền hô dọn đường cho Người. Bắt đầu Chúa Giêsu giảng Phúc Âm ở xứ Giuđêa, tỏ ra cho dân chúng biết chính Người là Ðấng Kitô các Tiên tri báo trước, nhưng họ không tin. Sau khi Gioan bị bắt, Người bỏ Giuđêa sang xứ Galilêa, tiếp tục rao giảng Nước Trời, làm nhiều phép lạ, chữa người bệnh tật, cho kẻ chết sống lại, xua đuổi quỷ ám... Tin Mừng của Chúa được trình bày nhất là trong bài giảng trên Núi. Người đem đến cho nhân loại nguồn hạnh phúc thực sự, và luật của Người là luật tình yêu, một tình yêu mới và hoàn hảo.

Qua những bài giảng Dụ Ngôn về Nước Trời, Chúa Giêsu cho chúng ta biết Tin Mừng và công cuộc Cứu Thế của Người không hạn hẹp trong vùng Palestina, nó phải lan tràn đi các nơi và qua mọi thời đại, đó là lý do khiến Người nghĩ đến việc lập Giáo Hội. Ngay từ khi đời sống công khai bắt đầu, Chúa Giêsu đã để ý kêu gọi nhiều môn đệ. Người chọn 12 Tông đồ, ban cho các ông quyền chữa bệnh tật, trừ quỷ ám và sai đi giảng Tin Lành ở các miền xung quanh. Chúa Giêsu còn đặt Phêrô làm Tông đồ trưởng: "Con là Phêrô, nghĩa là đá, Ta sẽ xây Giáo Hội Ta trên đá này, dù quyền lực hỏa ngục tung ra cũng không thể phá nổi. Ta sẽ trao chìa khóa Nước Trời cho con. Ðiều gì con cầm buộc ở dưới đất, trên Trời cũng cầm buộc, và mọi điều con tháo cởi dưới đất, trên Trời cũng tháo cởi" (Mt 18, 18-19).

Nghe lời Chúa Giêsu giảng dạy, thấy phép lạ Chúa Giêsu làm, dân chúng tin theo rất đông. Nhóm Pharisêu thấy mình bị mất ảnh hưởng, nên ghen ghét Chúa Giêsu, nhất là họ bị Chúa Giêsu vạch trần sự giả hình và lối sống câu nệ; bởi vậy họ tìm cách làm hại Chúa Giêsu. Cả nhóm Sađukê cũng lo ngại trước ảnh hưởng của Chúa Giêsu trong dân chúng, họ sợ Người gây phong trào cách mạng chống La-mã, mà họ là những tay sai trung thành.

Biết rằng cuộc tử nạn đã gần đến, Chúa Giêsu loan báo cho các Tông đồ biết và dọn lòng các ông đón nhận sự kiện đó. Dịp lễ "Vượt Qua" năm cuối cùng, Chúa Giêsu lên Giêrusalem và được dân chúng đón rước rất trọng thể, trong khi ấy những đàn anh lập mưu bắt Người. Ngày thứ năm trước lễ "Vượt Qua", Chúa Giêsu ăn bữa Tiệc Ly, lập phép Thánh Thể, cũng đêm ấy Giuđa bội phản dẫn lính đến bắt Chúa Giêsu. Ðứng trước Công nghị Do-Thái (Sanhédrin), Chúa Giêsu bị kết án tử hình; Toàn quyền Philatô thấy Người vô tội muốn tha, nhưng vì nhát sợ trước áp lực của dân chúng có các đàn anh xúi xiểm, Philatô đã y án tử hình ác. Trong suốt đêm thứ năm và sáng thứ sáu, Chúa Giêsu bị đánh đập và chịu xỉ nhục trước khi vác thập giá lên núi Calvariô. Chiều thứ sáu, lúc tắt thở trên Thánh Giá, màn ngăn cách nơi Cực Thánh trong Ðền Thờ xé ra làm hai báo hiệu thời Tân Ước trong lịch sử.

Chúa Giêsu đã chết, nhưng khi còn sống Người đã tiên báo sau ba ngày sẽ sống lại. Lời đó Chúa Giêsu đã thực hiện trong 40 ngày ở lại trần thế, Người hiện ra với các Tông đồ, các môn đệ và nhiều người khác. Người hứa sai Thánh Thần đến với họ, làm họ trở nên những chứng nhân của Người không những ở Palestina mà còn cho tới cùng cõi trái đất. Ðồng thời Chúa đặt thánh Phêrô đứng đầu đoàn chiên, tức Giáo Hội của Người: "Con hãy chăn các chiên con và chiên mẹ của Ta" (Jo 21,17). Sau đó Chúa Giêsu lên Trời.

Sau khi được chứng kiến Chúa Giêsu về Trời, các Tông đồ và môn đệ, khoảng 120 người, trở lại Giêrusalem hội họp trong nhà Tiệc Ly để cầu nguyện, trông đợi Chúa Thánh Thần, Ðức Mẹ Maria cũng có mặt với họ. Ngay từ lúc đầu Phêrô đã ý thức trách nhiệm đứng đầu điều khiển Giáo Hội của Chúa Giêsu. Ông đề nghị tìm người thay thế Giuđa tên phản bội nộp Thày. Trong số những chứng nhân cuộc đời của Chúa Giêsu, Matthias đã trúng thăm để liệt vào hàng 12 Tông đồ. "Bỗng từ Trời có tiếng ào ào như tiếng gió thổi mạnh lùa vào nhà, nơi các Tông đồ và môn đệ đang hội họp. Và mọi người thấy những hình lưỡi lửa phân chia ra và đậu trên đầu mỗi người. Hết thảy được đầy Thánh Thần vàbắt đầu nói những tiếng lạ, làm theo như Thánh Thần ban cho để phát biểu" (Act 2,2-4). Giáo hội khai sinh từ đấy.

3. Giáo đoàn nguyên thủy Giêrusalem

Hôm ấy, dịp lễ "Ngũ Tuần", dân Dothái tụ họp ở Giêrusalem để mừng lễ rất đông. Nghe biết có điềm lạ, họ kéo nhau đến xem và gặp Phêrô đang giảng" :"Giêsu Nazarét, Ðấng mà Thiên Chúa đã minh chứng bằng nhiều phép lạ... Ðấng mà họ đã đóng đinh treo trên thập ác. Người đã được Thiên Chúa cho sống lại, và chúng tôi là chứng nhân... Người đã ban Thánh Thần xuống cho chúng tôi như các ông thấy và nghe" (Act 2,22-23). Mọi người lấy làm lạ vì các Tông đồ nói nhiều thứ tiếng khác nhau và khi nghe các ông giảng, dù họ là người nói tiếng Partha hay Aicập, Kyrenê ha La Mã đều hiểu hết. Lời giảng và sự lạ ấy đã làm họ xúc động và 3,000 người trở lại: đó là giáo đoàn nguyên thủy.

Giáo đoàn nguyên thủy mỗi ngày thêm đông. Lúc này vẫn toàn là người Do Thái, có người sinh trưởng ở Palestina nói tiếng Hy Bá (Do Thái), có người sinh quán ở những khu phân tán (diaspora) trong các miền thuộc Ðế quốc La Mã, nói tiếng Hy Lạp. Nhóm này phàn nàn vì trong việc phân phát của làm phúc, quả phụ của họ bị bỏ rơi. Thấy thế các Tông đồ đề nghị đặt chức Phó tế, để trông coi vấn đề vật chất. Giáo dân chọn bảy người và các Tông đồ đặt tay truyền chức cho họ. Trong số có hai nhân vật lỗi lạc là Stephan và Philippê quê ở vùng phân tán, có tài giảng thuyết và không bị trói buộc bởi những thành kiến Quốc gia như những người Do Thái sinh trưởng tại Palestina.

Stephan mở đầu một cuộc hộ giáo dựa theo các tài liệu Thánh Kinh, và kết luận bằng những lời lên án dân Do Thái: "Vì các người cứng đầu cứng cổ, lòng chai dạ đá, nên các người chống cự với Chúa Thánh Thần luôn". Những lời lẽ can đảm này đã đem lại cho thày Stêphan cái chết vì Ðạo đầu tiên như một phần thưởng. "Nghe những lời ấy, người Do Thái nghiến răng căm giận Stêphan, lại được nhà cầm quyền La Mã làm thinh, họ ném đá thày cho đến khi chết" (Act 6-8).

Cái chết của Stephan năm 34 mở đầu cuộc bách hại Giáo Hội ở Palestina. Saolô quê thành Tarsê là người hăng say bắt Ðạo hơn cả. Nhiều giáo dân phải bỏ Giêrusalem tản cư về các vùng quê ở Giuđêa hay Samaria, đi tới đâu họ truyền bá Ðạo tới đó. Như thế cuộc bách hại đã giúp mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Kitô giáo, đem vào Cộng đồng phôi thai những phần tử mới, đó là những anh em Dân Ngoại, tức không phải Do Thái.

Saolô, trong một lần tình nguyện dẫn đầu một toán lính võ trang của Công nghị Do Thái đi dẹp nhiều "tổ" Kitô Giáo. Lúc đó vào khoảng gần trưa một ngày mùa hạ năm 35, "Khi Saolô gần tới Ðamas, bỗng có ánh sáng bởi Trời bao phủ ông: ông ngã xuống đất. Có tiếng phán: Saolô, Saolô, tại sao ngươi tìm bắt Ta? - Thưa Ngài, Ngài là ai? - Ta là Giêsu người đang bắt bớ. Song hãy chỗi dậy vào thành; người ta sẽ nói cho người biết phải làm gì" (Act 9,3-6). Saolô đứng dậy, mắt mở nhưng không thấy gì; ông được dắt vào thành, ở đó ba ngày liền không ăn uống. Một người đạo đức tên là Anania được Chúa sai đến khuyên bảo, chửa mắt và rửa tội cho Saolô. Ngay sau đó, Saolô đi tiếp xúc với giáo đoàn Ðamas và vào Giáo đường rao giảng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.

 

(Trích từ tập sách Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo của Linh Mục Bùi Ðức Sinh)

 


Back to Home Page