Giáo Hội Việt Nam
dưới thời chế độ Cộng Sản
I. Giáo Hội miền Bắc sống dưới chế độ Cộng Sản
Giáo Hội Việt Nam đã trải qua gần một nửa thế kỷ dưới thời kỳ bị bách hại bởi các sắc chỉ cấm đạo của các vua chúa. Sau thời kỳ bị bách hại, Giáo Hội Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh trong bình an được thêm gần một nửa thế kỷ nữa. Lúc Giáo Hội Việt Nam ở vào thời kỳ vững vàng nhất, có một đức tin kiên cường nhất thì cũng là thời phải đối đầu với những khó khăn khác do bởi chế độ Cộng Sản gây nên. Năm 1954, với Hiệp Ðịnh Geneve, đất nước Việt Nam bị chia đôi làm hai miền. Miền Bắc ở dưới chế độ Cộng Sản, và hơn 670,000 giáo dân đã phải bỏ làng xóm lánh nạn Cộng Sản, di cư vào miền Nam tìm tự do. Sau đó, Giáo Hội miền Bắc đã phải trải qua những ngày đen tối. Tất cả các trường học, và hầu hết các tu viện đều bị nhà nước tịch thu. Một số các linh mục và chức sắc của xứ đạo bị bắt đi tù trong chính sách cải cách ruộng đất đẩm máu với những cuộc đấu tố rùng rợn dã man (1955-1956). Ngoại trừ Dòng Chúa Cứu Thế và Dòng nữ tu Thánh Phaolô còn lại ở miền Bắc, các dòng khác đều rút lui vào miền Nam. Các giám mục và các linh mục còn lại phải sống khổ cực, và một ngày một già yếu, trong khi các chủng viện đều bị đóng cửa và bị cấm hoạt động. Nhiều Giám Mục vì nhu cầu đã phải phong chức "chui" cho một số tân linh mục. Tổng số linh mục Miền Bắc trong năm 1992 là 277 vị, gồm cả 30 linh mục được phong chức "chui". Còn về trình độ văn hóa đạo đời, ở miền Bắc, phần đông các linh mục hiện còn thi hành nhiệm vụ không có cơ hội để được học tại chủng viện. Ðiều này có nghĩa là một sự đào tạo cấp tốc rất thiếu sót để đáp ứng nhu cầu mục vụ của một linh mục, chưa nói đến đòi hỏi mục vụ của một giám mục. Mãi đến thập niên 1980, mới có một ít linh mục ở miền Bắc được tuyển chọn và được gởi qua Roma để thụ huấn thêm về Thần Học hoặc về Giáo Luật... Ðể lung lạc Giáo Hội, nhà nước đã dựng lên nhóm "Công Giáo yêu nước yêu hòa bình" (1955). Nhóm này xuất bản tờ "Chính Nghĩa" sau đổi là tờ "Người Công Giáo Việt Nam" để thông tin liên lạc và để hoạt động trong khuôn khổ của đảng Cộng Sản.
II. Hai miền Nam Bắc thống nhất, cả nước đều bị rơi vào tay Cộng Sản
Với biến cố 30/4/1975, Cộng Sản Việt Nam đã chiếm trọn miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước dưới chế độ Cộng Sản. Hơn nửa triệu giáo dân Việt Nam phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để trốn thoát khỏi sự đàn áp của Cộng Sản, và tìm đến một bến bờ tự do tại các trại ti nạn quanh vùng Ðông Nam Á và sau đó định cư ở xứ lạ quê người: Hoa Kỳ, Canada, Úc Châu, Âu Châu.... Những người còn kẹt lại tại Việt Nam, rất nhiều người bị đày đi kinh tế mới, bị đưa đi cải tại, tạo nên những cảnh vợ chồng cách biệt, gia đình ly tán... Hơn 100 Linh Mục Tuyên Úy Công Giáo bị bắt đi tù cải tạo, và một số Linh Mục dân sự khác bị bắt giam, nhiều vị đã bị chết trong tù vì chế độ quá gian khổ và thiếu đủ mọi điều kiện. Hầu hết các cơ sở của Giáo Hội ở miền Nam như các trường học, các tu viện, các cơ sở xã hội như nhà thương, trại cùi... đều bị nhà nước tịch thu. Nhà nước cũng tổ chức nhóm Linh Mục "quốc doanh" để ủng hộ cho những hoạt động của đảng Cộng Sản, và nhóm này xuất bản tờ báo "Công Giáo và Dân Tộc" để làm công tác tôn giáo vụ theo đường hướng của Ðảng Cộng Sản Việt Nam. Với sự hậu thuẫn của nhóm Công Giáo và Dân Tộc, nhà nước Việt Nam đã đuổi Ðức Khâm Sứ Tòa Thánh Henri le Maitre ra khỏi nước, bắt giam Ðức Tổng Giám Mục Phó Sàigòn, Ðức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, và chống đối việc Phong Thánh cho 117 vị Tử Ðạo tại Việt Nam. Trong nhóm "quốc doanh" này, có Linh Mục Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan, trước kia ủng hộ "Cách Mạng" nay chống đối công khai, các ngài đã tách ra khỏi nhóm quốc doanh và can đảm nói lên lập trường của Giáo Hội nhất là trong vụ phong hiển thánh cho 117 vị Tử Ðạo tại Việt Nam.
Trong tình thế khó khăn như vậy, người Công Giáo trong Nam cũng như ngoài Bắc đã củng cố đức tin của mình theo gương của Ðức cố Hồng Y Trinh Như Khuê và Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền, họ làm bổn phận truyền giáo một cách hăng say: từ năm 1975 đến nay, các cha Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã âm thầm đào tạo từng nghìn giáo lý viên cho Giáo Hội. Tại Tây Nguyên dưới sự dìu dắt của các cha dòng, từng chục buôn Thượng xin chịu phép rửa tội tập thể. tại Tây Sơn, 4,000 người thiểu số xin theo đạo. Sự sống đạo của người giáo dân Việt Nam trong những lúc khó khăn vẫn tiếp tục gia tăng, và luôn sẵn sàng theo gương các bậc anh hùng tổ tiên là các Thánh Tử Ðạo Việt Nam.
Dưới thời chế độ Cộng Sản, tất cả các chủng viện và dòng tu đều bị cấm chỉ hoạt động. Việc phong chức linh mục hoặc việc Tòa Thánh muốn bổ nhiệm các giám mục đều phải qua sự duyệt xét của nhà nước. Nhiều giáo phận, đã phải qua một thời kỳ hơn 15 năm không phong thêm được một tân Linh Mục nào. Nhiều Tòa Giám Mục vẫn bị trống ngôi hoặc nhiều giám mục đã ở tuổi quá già vì những người được Tòa Thánh bổ nhiệm để thay thế đã không không được nhà nước chấp thuận. Sự thiếu sót trầm trọng các linh mục ở nhiều giáo phận. Hầu hết các linh mục đều đã ở tuổi già. Mãi đến thời kỳ cởi mở của nhà nước, cả nước chỉ được 4 Liên Ðại Chủng Viện được phép mở cửa: Hà Nội, Vinh Thanh, Saigòn, Cần Thơ, và về sau này thêm đại chủng viện Nha Trang, nhưng số chủng sinh được nhập học nhà nước chỉ giới hạn với một con số rất là ít, và tất cả các chủng sinh này đều phải thông qua những cuộc phỏng vấn điều tra lý lịch của công an địa phương mới được vào nhập học.
III. Một vài chi tiết điển hình về tình hình một số Giáo Phận tại Việt Nam
Chúng tôi xin ghi lại nơi đây một vài chi tiết được tường thuật qua những lá thư của các Giám Mục Việt Nam gửi ra ngoại quốc về tình hình của một số giáo phận tại Việt Nam vào khoảng thời gian 1992:
1. Thư của Ðức Cha Bùi Chu Tạo, Giám Mục Phát Diệm:
Kính thưa cha,
Tôi đã được thư cha đề ngày 29/4/1992...
...tôi xin trả lời về các điểm cha nêu trong thư:
Dự án trước mắt:
- .....
- Ðào tạo 85 thanh niên dự tu. Họ không thể được huấn luyện tập trung. Nhà chung lo đào tạo ngắn hạn và hoạt động cho việc trau dồi thêm văn hóa, sinh ngữ và giáo lý. Ða số sẽ không được thâu nhận vào Ðại Chủng Viện, vì 3 năm mới được tuyển một lần. Lần đầu tiên năm 1989 Phát Diệm được ưu tiên gửi vào 8 thầy. Tuy nhiên họ tình nguyện sẽ sống độc thân, tiếp tục phục vụ xứ, họ, nhất là đang lúc thiếu linh mục. Kinh phí hàng năm cho tất cả hết quãng 8,000 mỹ kim.
- Ðào tạo đội ngũ gần 100 nữ giáo lý viên. Cũng như trường hợp trên, họ phải học hết cấp 3, đa số hệ bổ túc. Một số được gửi đi Hà Nội hay trong Nam. Hiện đã gửi 3 cô đi học lớp y sĩ của nhà nước mở tại Hà Nội. Họ được thường xuyên bồi dưỡng về giáo lý tại chỗ. Ða số rất muốn gia nhập các Hội Dòng. Kinh phí cho họ cũng xấp xỉ như cho giới dự tu nam, quãng 8,000 mỹ kim một năm.
- Xây lại ngay 7 nhà thờ xứ: 5 nhà bị tàn phá nặng trong hai cuộc chiến: Ninh Bình, Khoan Dụ, Vô Hốt, An Ngãi, Uy Ðức và 2 nhà thờ sụp đổ vì thời gian: Quảng Phúc, Cồn Thoi. Những công trình này đòi hỏi một khoản rất lớn, là nửa triệu. Một Ðức Cha đã xin giúp cho chung được 41,000 cho 9 dự án, mỗi dự án được từ 4,000 đến 5,000. Ðã bắt đầu làm nhà thờ Quảng Phúc và Cồn Thoi.
- Phục hồi nhà hát Ðức Cha Nguyễn Bá Tòng xây năm 1937. Bom đã phá sập, chỉ còn sườn bê tông cốt sắt. Sau khi sửa lại, nó sẽ được dùng làm nơi hội họp các đoàn thể, dạy giáo lý, chiếu phim, diễn thuyết, hội thảo và lễ thiếu nhi cho 2,000 em. Dự tính kinh phí làm mái, trần cửa, đóng ghế, lên đến 50,000 mỹ kim.
Thống kê địa phận:
- Ðịa dư: Giáo phận Phát Diệm gồm trọn tỉnh Ninh Bình và một phần huyện của tỉnh Hòa Bình (xứ Khoan Dụ). Diện tích: 1,395.77 km2. Nhà Chung (Tòa Giám Mục) thuộc thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, cách Thị Xã Ninh Bình 28 km về phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội 123 km về phía bắc, cách thành phố Nam Ðịnh 58 km về phía Ðông Bắc, cách thị xã Thanh Hóa 60 km về phía Nam.
- Giáo dân: 112,000, đa số dân tộc Kinh, thiểu số dân tộc Mường.
- Linh Mục: 22, trong đó 5 vị trên 70 tuổi, 13 vị chưa được nhà nước công nhận, 2 cha Dòng Xi Tô Châu Sơn trên 75 tuổi.
- Chủng sinh: 8 thầy, đang học tại Ðại Chủng Viện miền tại Hà Nội. Dự bị gồm 86 thầy, sống tại gia và phục vụ xứ và họ đạo.
....
(Phaolô Bùi Chu Tạo, Giám Mục Phát Diệm)
2. Thư của Ðức Cha Nguyễn Tùng Cương, Giám Mục Hải Phòng:
Tôi đã nhận được thơ của cha đề ngày 29/4/1992.....
- Ðịa dư: Ðịa phận Hải Phòng chúng tôi, về hành chính gồm thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và 2/3 tỉnh Hải Hưng, trên một địa bàn rộng lớn tới 10,000 km2, tổng số giáo dân là 150,000 người, 300 nhà thờ lớn nhỏ.
- Nhân sự: Với một địa bàn rộng lớn và đông dân như vậy, nhưng con số linh mục lại quá ít: chỉ có 16 linh mục, trong đó có một linh mục cao niên đã hưu trí và một linh mục CSSR. Cả địa phận chỉ có 2 tu sĩ (một nam và một nữ), không còn Dòng Tu nào. Ðể giúp việc mục vụ nơi Tòa Giám Mục và các xứ họ, có 30 chị em tận hiến thành tu hội trợ tá tình nguyện sống độc thân trọn đời.
- Chủng sinh: Số chủng sinh Hải Phòng hiện có 8, đang học tại đại chủng viện Hà Nội, và khoảng 30 chủng sinh dự bị đang chờ được nhà nước cho phép đi học chủng viện.
Nỗi lo lắng luôn thúc bách chúng tôi về giáo sĩ và giáo dân, là địa phận quá ít linh mục, cần có thêm nhân sự để làm việc mục vụ. Tuy nhà nước đã cởi mở về tôn giáo trong mấy năm gần đây, nhưng việc chọn và gửi người đi học chủng viện còn bị hạn chế, nên con số 16 linh mục là quá ít so với nhu cầu mục vụ.
- Nhà thờ: Ngoài ra chúng tôi còn phải lo sửa chữa các nhà thờ trong toàn giáo phận, vì đã xây dựng lâu năm, lại phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh và thiên tai khắc nghiệt đã hư hỏng hầu hết. Tuy đã cố gắng nhiều, nhưng những ngôi nhà thờ hư hại cũng chỉ được sửa chữa phần nào, để gọi là có nơi cầu nguyện
.....
Hải Phòng ngày 1 tháng 7 năm 1992
(GM Nguyễn Tùng Cương, Giám Mục Hải Phòng)
3. Thư của Ðức Cha Gioakim Vũ Duy Nhất, Giám Mục Bùi Chu:
- Giáo dân thuộc giáo phận Bùi Chu hiện nay là 300,000 người, có 47 linh mục trong đó có một số linh mục chưa được nhà nước cho làm mục vụ, lý do vì chịu chức "chui" đời Ðức Cha Phạm Năng Tĩnh. Có gần 300 tu sĩ nam nữ, phần đông là nữ tu dòng Mân Côi, dòng Ða Minh, Mến Thánh Giá và Tu Hội Ðức Mẹ Thăm Viếng.
- Hiện nay giáo phận Bùi Chu có rất nhiều ơn thiên triệu linh mục cũng như tu sĩ nam nữ. Riêng chủng sinh học chính thức tại Chủng Viện Hà Nội là 30 người, số học ở ngoài chuẩn bị vào chủng viện có trên dưới 100 chủng sinh. Những chủng sinh này phải sống rải rắc ở ngoài vừa đi làm vừa lo học để chuẩn bị được vào học trong Chủng Viện....
- Trong toàn giáo phận có hơn 500 nhà thờ lớn nhỏ. Những nhà thờ này hiện nay đã hư hại tới 2/3 vì thời gian, vì chiến tranh. Nhiều xứ đã từ lâu không có nơi để cử hành thánh lễ, đọc kinh cầu nguyện và cử hành các phép Bí Tích....
- Cần sửa chữa ngay "Nhà Dục Anh Bùi Chu" để nuôi dưỡng các trẻ mồ côi theo tinh thần và truyền thống của giáo phận. Sửa chữa nhà cửa và còn cần tài chánh để tiếp tục nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em mồ côi bị bỏ rơi.
- Ngoài những nhà thờ cần sửa chữa nói trên, còn rất nhiều nhu cầu khác cần sửa chữa như các trường học để dậy giáo lý và chữ nghĩa cho các em trong khắp giáo phận. Ngay trong tòa giám mục cũng có nhiều nhu cầu cần phải sửa chữa, vì quá lâu ngày, nay đã hư hại.
(Gioakim Vũ Duy Nhất, Giám Mục Bùi Chu)
4. Thư của Ðức Cha Nguyễn Văn Sang, Giám Mục Thái Bình:
Trước hết xin báo tin để cha biết tôi đã nhận được bức tâm thư của cha,...
- Nhà thờ: Ngoài công việc cần thiết cho địa phận thì tôi đang làm như sửa chữa hơn 300 nhà thờ, xây mới 5 cái, còn 300 cái đang có dự án sửa chữa lại...
- Tòa Giám Mục: Có thể cha xem có giúp dự án sửa chữa Tòa Giám Mục, tuy tôi đã sửa chữa rất nhiều cho Tòa Giám Mục đổ nát vì bom đạn ác liệt, song còn bị dột nát, tôi muốn tu sửa lại, chưa có ngôi Nhà Nguyện để làm lễ, đón các linh mục về cấm phòng, học tập v.v...
- Giáo dân: Con số giáo dân là 140,000 trên 2 triệu dân. Chủng sinh đang học ở Hà Nội 8 người, hai năm nữa ra trường vào năm 1994 để được hoạt động mục vụ, và 4 sẽ ra trường năm 1995. Ngoài ra còn độ 50 chủng sinh cũ, hoặc đã học xong chịu các chức: 2 phó tế, 6 chức bốn và các người khác. Ðộ 150 thỉnh tu nam, 100 thỉnh tu nữ và 50 nữ tu Ða Minh...
Kết lại, xin chân thành cảm ơn.... Xin Chúa, Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh Tử Ðạo Việt Nam ban muôn ơn cho các vị và cũng xin cầu cho tôi nhiều.
(F.X. Nguyễn Văn Sang, Giám Mục Thái Bình)
5. Thư của Ðức Cha Trần Xuân Hạp, Giám Mục Vinh:
Năm nay giáo phận Vinh chúng tôi đang mừng kỷ niệm 2 sự kiện:
- Mừng 100 năm ngày hiến dâng giáo phận cho Ðức Mẹ, cộng với
- Mừng trước đi 150 tuổi thọ. Là vì 2 cái mừng gần sát nút (cách nhau 4 năm), vì thế chúng tôi tổ chức một lần cho tiện luôn...
- Giáo phận chúng tôi hiện có 360,000 giáo dân, 72 linh mục (chỉ có 64 làm mục vụ). Ðại chủng viện chung cho cả Thanh Hóa và chúng tôi, hiện có 2 lớp đang học, 36 chủng sinh Vinh, 24 chủng sinh Thanh Hóa, mong rằng sau vài ba năm nữa sẽ có linh mục mới ra trường.
- Về dự án xây cất theo như cầu:
Dự án xây một căn nhà dài 18m rộng 6m chia ra 4 phòng, 3 lớp học và 1 phòng cho giáo viên. Trang bị đủ bàn ghế phải mất 45 triệu đồng theo giá hiện tại, tương đương 1,000 USD.
Dự án xây một nhà khác gồm 3 phòng nhỏ để làm dịch vụ y tế mới xong, chưa hoạt động được vì nhiều lý do. Chúng tôi mong với thời gian sẽ mở rộng để trở nên Trạm Xá Y Tế.
Sau hết xin cảm ơn cha và tất cả những tấm lòng hảo tâm: Xin Thiên Chúa chúc lành cho quí vị.
(P.J. Trần Xuân Hạp, Giám Mục Vinh)
6. Thư của Ðức Cha Trịnh Chính Trực, Giám Mục Ban Mê Thuột:
Giáo Phận Ban Mê Thuột đang lo làm sao cho một số đông đảo học sinh tốt nghiệp lớp 12 xin lên đại học mà không có nơi ăn chốn ở. Các số học sinh đều thuộc thành phần nông thôn, xa thị xã, xa nơi có đại học. Chúng tôi ước mong xây 2 cư xá sinh viên, 1 cho nam và 1 cho nữ ngay trong thị xã....
- Nhà nước đã chấp thuận cho 12 chủng sinh vào học tại đại chủng viện Nha Trang. Còn 31 chủng sinh đang chờ đợi được gửi vào chủng viện tiếp tục học.
- Ban Mê Thuột có 150,000 giáo dân, có 42 linh mục. Một số chủng sinh phải đi làm, chiều về học rồi tối phải về nhà, không được ngủ tại Tòa Giám Mục.
....
- Song song với đà gia tăng dân số, số giáo dân Công Giáo cũng gia tăng rõ rệt. Hiện nay có tới 150,000 giáo dân, mà trước 75 chỉ có 70 ngàn. Ngược lại, linh mục chỉ có 40 làm việc còn 4 bệnh hay chưa đi làm mục vụ. Chủng sinh thì 12 đã được nhà nước cho đi học đại chủng viện Nha Trang, chúng tôi đang xin thêm, nhưng còn đợi nhà nước cho phép, vì các chủng sinh sẽ bảo đảm tương lai của giáo phận Ban Mê Thuột. Hoàn cảnh hiện nay thật vất vả thiếu thốn mọi mặt...
Một lần nữa tôi xin chân thành cám ơn quí cha và anh chị em giáo dân hải ngoại. Xin cầu nguyện cho chúng tôi.
(Giuse Trịnh Chính Trực, Giám Mục)
7. Thư của Ðức Cha Nguyễn Văn Hòa, Giám Mục Nha Trang:
- Giáo phận Nha Trang hiện có 130,000 giáo dân, 85 linh mục. Ðại Chủng Viện Sao Biển bắt đầu học từ 4/5/1992 gồm 30 đại chủng sinh, trong đó 12 thày thuộc giáo phận Ban Mê Thuột, 8 thày thuộc giáo phận Qui Nhơn, 10 thày thuộc giáo phận Nha Trang. Ngoài những chủng sinh đang học trong đại chủng viện Sao Biển, giáo phận Nha Trang còn một số đang ở với gia đình...
(Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám Mục Nha Trang)
8. Thư của Ðức Cha Nguyễn Văn Nam, Giám Mục Mỹ Tho:
- ...
- Nhiều kẻ nghèo, bệnh , già yếu, nhà cửa rách nát, không kiếm được việc làm, vì thiếu cơ xưởng, ruộng đất canh tác thiếu hụt, lại còn bị lụt, rầy, sâu, có nơi thiếu hệ thống dẫn nước nhập điền...
- Khá đông người muốn học đạo, nhưng vì không đủ ăn, mà phải đi làm xa xôi, không có đủ giờ học đạo. Nhà thương sở phí càng ngày ngày càng cao, thuốc men, mổ xẻ, vô nước biển, mổ mắt, sạn thận v.v. đều tốn kém. Những trẻ con thiếu học vì thiếu sở phí, thiếu sách vở, học phí.
Trình bày để cha tường, nhưng xin cha đừng quá lo mà đau khổ về chúng dân. Chúa sẽ giúp cha, nếu đẹp lòng chúa.
Xin Chúa và Ðức Mẹ đừng quên quí vị ân nhân Giáo Hội Việt Nam. Chúng con rất thân thương.
(Anrê Nguyễn Văn Nam, Giám Mục Mỹ Tho)
Ngoài những trường hợp điển hình trên được tường thuật qua những lá thư của các Giám Mục Việt Nam gởi giáo dân Hải Ngoại, còn nhiều trường hợp khác nữa mà chúng tôi không tiện kể hết lên đây. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin vắn tắt trình bày một vài chi tiết điển hình, có lẽ, còn nhiều bài viết khác nữa đã được kể lại bởi những những người đã từng sống trong những hoàn cảnh khó khăn này, hoặc bởi rất nhiều các linh mục khác đã được trả tự do sau những năm dài trong các trại cải tạo, và nay đã được định cư ở Hoa Kỳ hay ở các nước thứ ba khác. Những bài viết đó, nếu quí vị có dịp, tìm đọc, cũng giúp ích rất nhiều cho quí vị để biết thêm về tình hình Giáo Hội Việt Nam dưới thời chế độ cộng sản. Hy vọng, với niềm tin kiên cường của người giáo dân Việt Nam cùng với tình yêu bao la và quyền năng vô biên của thiên Chúa, giáo hội Việt Nam sẽ mỗi ngày một tiến mạnh và sẽ có được những ngày tươi sáng với một cuộc sống tự do dân chủ và bình an trong tình yêu của Thiên Chúa.
(Tham khảo tài liệu:
- Giáo Hội Việt Nam tập I, tác giả Ðức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ.
- Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam, của Linh Mục Phan Phát Huồn, CssR.
- Tập San Dân Chúa Âu Châu tháng 4 năm 1993.)