Phát biểu của
Ðức Cố Tổng Giám Mục
Nguyễn Kim Ðiền
tại Mặt Trận Tổ Quốc Huế
Ngày 19/04/1977

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Tôi vừa được nghe vụ bắt bớ 6 vị lãnh đạo Phật Giáo qua tin tức mà Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Huế và Ðại Diện Mặt Trận vừa cho hay ngày hôm nay. Tôi cũng vừa nghe ông Trần Văn Long, đại diện Chính Phủ tại TP HCM cho biết là Chính Phủ tại TP HCM cho biết là chính quyền phải áp dụng biện pháp mạnh đối với Phật Giáo, tôi cũng vừa được nghe ý kiến của những vị tham dự buổi họp hôm nay phát biểu chuyện vừa xảy ra và theo ý kiến của những vị này chúng ta có bổn phận phải làm cho nhân dân sáng tỏ vấn đề. Trong khi đó, Thượng Tọa Thích Thanh Trí đại diện Phật Giáo tại Huế yêu cầu chính phủ đối đãi tử tế với những vị lãnh đạo Phật Giáo bị bắt, và theo ý kiến của Thượng Tọa Thanh Trí thì lý do chính phủ bắt các nhà lãnh đạo Phật Giáo không nên quảng bá ra dân chúng làm gì, với những người họp mặt ngày hôm nay là đủ lắm rồi.

Cá nhân tôi, không có ý kiến gì cả. Vấn đề quảng bá tin tức, cắt nghĩa lý do là nhiệm vụ của chính phủ.

Tôi chỉ muốn san sẻ với các vị lãnh đạo Phật Giáo những kinh nghiệm mà trước đây chúng tôi đã phải chịu trong vụ Vinh Sơn (Chính Quyền đã bố ráp nhà thờ Vinh Sơn tại TP HCM và một số tu sĩ Công Giáo cũng như tín đồ đã bị bắt, bị buộc tội là chống chính phủ). Chúng tôi chắc chắn là không ai trong buổi họp này có thể chấp nhận hành động của chính phủ được diễn tả trong bản thông cáo của chính phủ. Chúng ta không thể không đau khổ khi những việc như vậy xảy ra cho những người có tín ngưỡng. Làm thể nào để diễn tả tâm trạng của chúng ta? Chỉ có những người nào đã trải qua những kinh nghiệm tương tự mới có thể biết được sự đau khổ như thế nào. Sự kiện mà chính phủ vừa giải thích trình bày cho chúng ta nghe, chỉ là một sự kiện đơn độc. Nhiều chuyện như vậy đã xảy ra và còn sẽ xảy ra trong tương lai, nếu chúng ta không giải quyết nguyên nhân căn bản của nó. Theo thiển kiến của chúng tôi nếu thực ra có những cộng đồng tôn giáo gây rối loạn chăng nữa, chỉ vì không có tự do tín ngưỡng. Thẳng thắn mà nói, tôi không thỏa mãn với chính phủ về chính sách tự do tín ngưỡng. Chính phủ nhiều lần đã nói: "Nếu có những gì làm cho chúng ta không thỏa mãn, nên báo cáo với chính quyền chứ đừng có quảng bá giữa quần chúng". Do đó ngày hôm nay tôi muốn, với tất cả thành tâm thiện chí và hy vọng với thiện chí này, Mặt Trận Tổ Quốc sẽ không gán cho tôi nhãn hiệu "phản động". Tôi ghét và sợ danh từ này lắm và không bao giờ muốn gánh nó vào người.

Tôi muốn nói đến hai điều này thôi. Một, tự do tín ngưỡng và hai, quyền công dân bình đẳng.

Hồ chủ tịch có dạy: "Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thắng lợi, thắng lợi, đại thắng lợi". Ðây là thật và lời dạy này là trí tuệ sáng suốt. Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể đạt được đoàn kết? Dựa trên căn bản nào? Với những yếu tố gì? Theo thiển kiến chúng tôi, muốn có đoàn kết phải dựa trên nền tảng thương yêu nhau và thông cảm lẫn nhau.

Quan niệm chủ quan không phải là quan niệm khoa học và không tạo nên niềm thông cảm. Thực ra tôi không dám nói đến các tôn giáo khác, đến giáo lý của các tôn giáo khác, vì tôi không đủ khả năng. Chúng tôi lại càng không dám mạn đàm về Ðảng, vì các đảng viên có thể phát biểu ý kiến một cách tường tận hơn. Nhiều phiên họp tôi được tham dự, người ta đã thảo luận về Thiên Chúa Giáo mà không phản ánh trung thực về Thiên Chúa Giáo. Họ gán cho Thiên Chúa Giáo những ý nghĩa và mục tiêu mà tôi không hề nghe trong các Ðại, Tiểu Chủng Viện. Vì vậy, kiến thức cần phải khách quan, đúng đắn và chỉ có những người nào đã sống trong tổ chức mới có thể phát biểu về truyền thống, chủ trương của tổ chức đó một cách xác thực. Xin quý vị cho phép tôi được phát biểu ý kiến theo quan niệm của người Thiên Chúa Giáo về hai vấn đề trên.

Thứ Nhất, về Tự Do Tín Ngưỡng

Sau ngày giải phóng, tôi được nghe chính phủ tuyên bố về chính sách tự do tín ngưỡng, tôi rất sung sướng và phấn khởi. Sự hăng say phấn khởi này được biểu lộ trong những lời phát biểu của tôi trước đây. Nhưng hai năm đã qua và tôi không còn cảm thấy sung sướng nữa, vì thực ra tự do tôn giáo không có.

Những buổi hành lễ đã bị hạn chế và các tu sĩ Thiên Chúa Giáo không được phép di chuyển để phục vụ nhân dân Thiên Chúa, thí dụ, họ không được đến vùng kinh tế mới để làm lễ. Nhiều nhà thờ đã bị chiếm và những nhà thờ khác không được phép làm lễ. Tôi rất tán dương đường lối của chính phủ về tự do tín ngưỡng được ghi trong 5 nghị quyết và những thông cáo của chính phủ về tự do tôn giáo. Nhưng đây chỉ là những nghị quyết trên giấy tờ. Tôi tin rằng những nghị quyết phản ánh đúng đắn chính sách của chính phủ; nhưng những khẩu lệnh lại do nhân viên của chính phủ đưa ra. Có lẽ tôi không nên liên hệ giữa chính phủ và nhân viên chính phủ vì những người này không tuân hành đúng đắn đường lối của chính phủ. Về vấn đề nhà thờ và các nơi hành lễ tôn giáo, xin quý vị cho phép tôi được làm một chuyện so sánh. Ở nước ta, những di tích nào là quí giá hơn hết? Chắc chắn là tàng cổ viện và miếu thờ của Hồ chủ tịch. Giả sử một ngày nào đó mà miếu thờ của Hồ chủ tịch bị người khác chiếm cứ và dùng cho một mục tiêu khác, nhân dân Việt Nam có thể chấp nhận hay không? Riêng tôi, tôi không thể chấp nhận như vậy và tôi sẽ hợp tác với những người khác giải phóng để tàng cổ viện và miếu thờ Hồ chủ tịch trở lại là tàng cổ viện và miếu thờ Hồ chủ tịch. Vấn đề các nhà thờ Thiên Chúa Giáo cũng như vậy. Dù nhà thờ lớn hay nhỏ, sang hay hèn, vẫn là nhà thờ. Mặt Trận, trong phiên họp Quốc Hội tại TP HCM vào tháng 2 vừa qua đã đồng ý bảo vệ chùa chiền, nhà thờ, thánh thất Cao Ðài và các nơi thờ phượng khác.

Trong hai năm qua chúng tôi đã xếp đặt thời giờ hành lễ để không cản trở sản xuất kinh tế. Có những người đã nói đi làm lễ là hại cho sức khỏe của dân chúng, vì dân chúng cần nghỉ ngơi để có thể tăng gia sản xuất. Lý luận này có thể áp dụng cho những người khác chứ không phải ở nước ta. Hãy nhìn đến quân đội Hoa Kỳ và quân đội của những chính phủ Cộng Hòa trước đây, họ có nhiều thời giờ nghỉ ngơi, họ có đầy đủ ăn uống, sống sung túc, do đó họ đã bại trận. Ông Tống Hoàng Nguyên, chủ tọa phiên họp ngày hôm nay đã nói cho chúng tôi nghe những gian lao khổ sở của quân đội ta khi còn sống trong rừng núi Trường Sơn. Tôi đã khóc khi nghe những khổ sở này. Quân đội chúng ta đã thắng trận vinh quang, và cuộc chiến thắng vinh quang này không vì đời sống sung túc, đủ ăn, đủ mặc, nhiều thì giờ nghỉ ngơi mà vì lý tưởng, tinh thần chiến đấu của họ. Ðối với những người tôn giáo cũng vậy: khi tinh thần của họ được bình thản họ có thể phục vụ quốc gia một cách hiệu quả hơn.

Thứ hai, về quyền Công Dân Bình Ðẳng

Suốt trong hai năm qua, xin quý vị cho tôi được phát biểu ý kiến một cách ngay thẳng, người dân Công Giáo không mấy thỏa mãn một tí nào. Họ làm gì, họ ở đâu, họ cũng cảm thấy bị chèn ép, bị lấn lướt.

Tại nhà trường, sinh viên học sinh đã nghe những lời phỉ báng Công Giáo và giáo sư đã nhục mạ Công Giáo. Lẽ dĩ nhiên, trong lịch sử Thiên Chúa Giáo đã có những nhược điểm, nhưng suốt 2,000 năm lịch sử Thiên Chúa Giáo cũng đã đóng góp rất nhiều cho nhân loại. Những điều tốt rất nhiều, còn những nhược điểm thật ra rất ít. Hơn nữa mỗi giai đoạn có nguyên tắc riêng của nó. Phê bình những thời đại trước đây bằng những sự kiện hiện tại thực ra không phải là một lối nhìn khoa học và tiến bộ.

Ðối với những công nhân, công chức, giáo sư, cán bộ xã hội Công Giáo mặc dầu họ là những công nhân tốt họ cũng không được phép tiếp tục công việc của họ, chỉ vì họ là người Thiên Chúa Giáo. Nếu là một người Công Giáo khi bị từ chối công việc, khi gặp khó khăn, khi muốn biết lý do tại sao như vậy, họ sẽ được nói riêng là nếu bỏ đạo Thiên Chúa hay họ đừng đi nhà thờ nữa, họ sẽ không còn gặp khó khăn.

Trong phiên họp Quốc Hội tại TP HCM, một ủy viên trong Ban Chấp Hành Trung Ương đã đưa ra ý kiến là những người Công Giáo chỉ được xem là công dân hạng hai.

Chính phủ thường tuyên bố là mọi người trước pháp luật đều bình đẳng, mọi thiểu số đều bình đẳng. Dân số chúng ta hiện nay được 50 triệu, trong đó có vào khoảng 45 triệu người Kinh, còn 5 triệu thuộc 60 thành phần sắc tộc. Trong khi đó ít nhất là 3 triệu tín đồ Thiên Chúa Giáo thế mà trên thực tế họ không được hưởng quyền công dân đồng đều như những người khác.

Trong hai năm qua, người Thiên Chúa ở tỉnh ta đã nỗ lực làm việc và tôi tin rằng chính phủ biết điều đó. Là một lực lượng công nhân, họ không có điều gì đáng bị khiển trách. Trong những cuộc bầu cử, họ đã tỏ ra có kỷ luật. Ðiều họ không có là quyền công dân. Trong bản thông cáo liên quan đến việc bắt giam các vị lãnh đạo Phật Giáo, do chính quyền TP HCM đưa ra, ở đoạn cuối có nói: "Chính quyền TP HCM và Chính Quyền các cấp phải áp dụng triệt để quyền tự do tôn giáo do chính phủ khẳng định, nên tránh những va chạm và lạm dụng luật pháp". Chúng tôi không bao giờ lạm dụng luật pháp. Ðây là ý kiến thô sơ của chúng tôi xin nêu ra để Mặt Trận xem có thể dùng làm căn bản cho tình Ðoàn Kết. Chúng tôi thiết nghĩ nếu tự do tín ngưỡng có thì không ai có thể thúc đẩy dân chúng chống lại đàn áp tín ngưỡng. Tại sao vậy, vì nếu đã có tự do tín ngưỡng thì ai thèm nghe những người thúc dục như vậy.

Xin cám ơn toàn thể quí vị.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page