Tiếng Việt và tiếng Hoa giúp làm sáng tỏ các bản văn Kinh Thánh.
Tin Sài Gòn, Việt Nam (UCAN 24/09/99) -- Nữ tu Amelie Nguyễn Thị Sang, 60 tuổi, là thành viên của nhóm dịch thuật Kinh Thánh. Nhóm này đã xuất bản bộ Kinh Thánh hồi đầu năm nay và nữ tu đã làm việc cho dự án này gần 30 năm. Chị là cựu giám tỉnh dòng Ðức Bà tại thành phố Sài Gòn, đã học bảy năm tiếng Hoa, cả tiếng Quảng Ðông và tiếng Phổ Thông, tại Hồng Kông, lúc đó với ý định đi truyền giáo. Trong bài bình luận sau đây dành cho UCA News, nữ tu Sang nói về cách thức chị học tiếng nước ngoài ra sao và kinh nghiệm dịch thuật đã giúp chị hiểu các bản văn Kinh Thánh.
Trong khi làm công tác dịch thuật Kinh Thánh, tôi đã phải xem xét một số từ trong bản gốc Do Thái, và tôi ngạc nhiên khám phá ra sự tương đồng trong cách diễn tả giữa tiếng Do Thái và tiếng Hoa/ tiếng Việt. Chẳng hạn, để nói về tôn giáo, một lối sống hoặc cách ứng xử, tiếng Do Thái và tiếng Hoa/tiếng Việt dùng chữ "dao/đạo" tức là "đường" (TV 25: 4 và các nơi khác). Từ này hàm nghĩa một cái gì đó năng động, chứ không tĩnh lặng, có chiều dài và thời gian, đường hướng và mục tiêu. Từ Do Thái "vinh quang" chuyển tải khái niệm một "trọng lượng." Do đó, tiếng Hoa và tiếng Việt dùng chữ "zhong/trọng". Khi nói về sự phân biệt giới tính chúng tôi gán "trọng" cho nam, và "khinh" cho nữ. Ðể diễn tả tình liên hệ thể lý hoặc tinh thần giữa hai hoặc nhiều người, tiếng Do Thái và tiếng Hán-Việt dùng chữ "cốt nhục" có nghĩa là "cùng xương cùng thịt với nhau" (Sáng thế, 2: 23; 2 Samuen 5: 1).
Tương tự như thế, để nói rõ một người là con ruột hay con nuôi, cả tiếng Do Thái lẫn tiếng Việt "con ruột" đều có nghĩa là con "sinh ra, từ cung lòng mẹ" chứ không phải "ngoài lòng mẹ" (2 Sm 7: 12) Sự khám phá của tôi còn liên quan tới hội nhập văn hóa qua chính ngôn ngữ và phụng vụ. Phần kết sau Kinh Lạy Cha trong Sách Lễ: "Vì nước trời... là của người, bây giờ và mãi mãi." - trong bản gốc và ngôn ngữ Tây phương là một câu ngắn, hoặc ít là một lời tuyên xưng đức tin. Trong tiếng Hoa, câu này kết thúc một chiều kích phụng vụ có tính long trọng và oai nghiêm. Khái niệm xưa kia về vua chúa, với cung điện và triều đình huy hoàng của nước Trung Hoa xưa, đã giúp chuyển tải cái nhìn toàn diện về "thiên quốc dưới bầu trời... đều hướng về (Thiên Chúa)" ("tian xia wan guo, ... gui yu" Thiên Hạ Vạn Quốc...).
Lễ Chúa biến hình (ngày 6-8) cho thấy một thí dụ khác về lối dịch thuật năng động. Từ cũ trong tiếng Việt dịch là "biến hình", mặc dù sát chữ gốc Latinh, nhưng chẳng may lại hàm nghĩa ma thuật. Tiếng Hoa giúp chúng ta một lối dịch khác phù hợp hơn: "Thiên Chúa hiển dung" ("xian rong/hien dung"). Chữ này tạo thành một cặp từ tuyệt mỹ đi đôi với "hiển linh" trong Lễ Hiển linh ("zhu xian/hiển linh"). Hai ví dụ dịch thuật này bổ túc về mặt thần học cho các từ Latinh. Trong khi chữ Latinh chỉ nêu lên sự biến hình và tỏ lộ bản tính của Ðức Kitô, các chữ tiếng Hoa/tiếng Việt dường như lại làm sáng tỏ hình dạng và bản tính của Ðức Kitô được che giấu cho đến lúc ấy và được sớm tỏ hiện với các môn đệ và tín hữu. Hai cách dịch thuật cho được ý nghĩa ban đầu, vì Ðức Kitô đã chọn "kenosis".
Một ví dụ khác về nghĩa rộng một từ, chẳng hạn từ "hesed" trong tiếng Do Thái, khi được dịch sang tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, phải được giải thích là sự biểu lộ tình thương với nhau. Trong tiếng Hoa /tiếng Việt, chúng tôi có nhiều từ để diễn tả đủ kiểu yêu thương và âu yếm mà chúng tôi có thể sử dụng khi nói về mối quan hệ giữa hai người trong một giao ước giữa hai con người trọng danh dự ("yi/nghĩa").
Tôi muốn nhắc tới một cách mạng nhỏ trong bản dịch tiếng Việt về sự khải huyền trong sách Khải huyền (12-13). Vì trong văn hóa Hán-Việt của chúng tôi, con rồng luôn được xem là biểu tượng của vương quyền, oai phong, và tên gọi này đã trở thành một tiền tố ("long") cho các "vương gia", đế vương", hay thậm chí "vương thần", cho nên thật là không phù hợp nếu dùng từ này để chỉ con mãng xà trong hai chương này. Ngoài ra, vì sự dữ mang hình con rắn ngay ở thời đầu sáng thế (St 3: 1), và vì con Mãng xà làm việc ác trong thần thoại của chúng tôi, nên chúng tôi quyết định thay từ Rồng bằng từ "Con Mãng Xà". Nếu không, người Việt chúng tôi sẽ phải "đi trên hai dây"! Và phải chăng sẽ là xúc phạm đến nền văn hóa của chúng tôi - thậm chí trong thời đại hậu vua chúa - khi xem con rồng là con vật làm sự dữ đấy ư?
Về một vấn đề khác liên quan ngôn ngữ Kinh Thánh qua tiếng Việt, chúng tôi không có cơ quan trọng tài học thuật để quyết định về những từ mới phát sinh. Như trong mọi ngôn ngữ, các từ mới phát sinh phải được sáng tạo thêm để chuyển tải những thực tế mới từ Thiên Chúa mặc khải. Tiếng Pháp và tiếng Anh quy chiếu về tiếng Latinh hoặc tiếng Hy Lạp, còn tiếng Việt quy chiếu về tiếng Hoa. Ðó là lý do mà chúng tôi có hai cấp độ ngôn ngữ: tiếng Việt thuần túy và tiếng Hán-Việt. Ðộc giả có thể hiểu vì sao trong các đoạn trước, có lúc tôi dùng từ "Hán-Việt", có lúc dùng từ "Hoa/ Việt" (Hoa/Việt có nghĩa là tiếng Hoa đích thực và tiếng Việt đích thực). Các từ mới phát sinh trong tiếng Việt gồm cả những từ như "mặc khải" và "khải huyền." Chẳng hạn, chữ "hiệp nhất" tạo nên một cảm nhận không thoải mái trong lĩnh vực phụng vụ. Một số bản văn tiếng Việt dùng cả hai từ Hán-Việt, một từ nhấn mạnh sự duy nhất ("hợp nhất", còn từ kia nhấn mạnh tính đa nguyên ("hiệp nhất"). Một số bản văn vẫn còn sử dụng hai từ này một không phân biệt.
Trong khi làm công việc dịch thuật, chúng tôi khám phá ra rằng còn phải tạo ra nhiều từ mới, nhưng không phải lúc nào chúng cũng dẫn tới một lập luận sắc bén. Cuối cùng, tôi muốn nhắc đến một đại danh từ kỳ lạ trong tiếng Việt (Người, với chữ N viết hoa) được dùng trong các bản văn Kinh Thánh và phụng vụ để chỉ Thiên Chúa. Trong ngôn ngữ nói, người Việt phân biệt quan hệ giữa các nhân vật. "Tôi", "anh" và "người ấy" hiếm khi có tính trung lập như trong các ngôn ngữ khác, kể cả tiếng Hoa. Một người nói luôn luôn phải điều chỉnh giữa "tôi", "anh" và "người ấy" tùy theo quan hệ với người mình nói. Do đó, một số danh từ trở thành đại danh từ, chẳng hạn, "mẹ" và "con" khi nói về "cha". Trong số các đại danh từ này, chữ "Người" được dùng để nói với Chúa hoặc chỉ về Chúa. Nhưng chữ này không hề lần lộn, vì đó là đại danh từ bộc lộ sự tôn kính chỉ dùng cho các nhân vật đáng kính, hoặc được dùng khi không có từ nào xứng đáng hơn.
Các ví dụ minh họa trên đây chưa phải là đầy đủ. Chúng chỉ nhằm chia sẻ một ít thời điểm vui mừng và quan tâm trong khi tiếp cận với "vô số vẻ đẹp huy hoàng " trong Kinh Thánh qua bản dịch tiếng Do Thái và tiếng Hoa/tiếng Việt.