Hà Nội phủ nhận
cuộc bạo động tôn giáo

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Hà Nội - Nov 12, 1997 - Theo Thông Tín Viên của Hãng Reuters và AFT, vào ngày 12 tháng 11 năm 1997, vẫn còn có khoảng 30 giáo dân Công Giáo, đa số là phụ nữ cùng với các biểu ngữ được giương cao, tiếp tục biểu tình trước văn phòng chính quyền huyện Thống Nhất tỉnh Ðồng Nai để tranh đấu chống lại việc chính quyền địa phương trưng dụng cách bất công đất của giáo hội.

Những người biểu tình vẫn hăng say tiếp tục và họ cương quyết: "sẽ kéo dài cho đến khi chính quyền có một đáp ứng thỏa đáng với những lời yêu cầu của chúng tôi", một trong những người biểu tình phát biểu.

Ðược biết đã có khoảng năm người bị thương vào cuối tuần qua khi mà khoảng 10,000 giáo dân Công Giáo tham gia biểu tình và xảy ra xung đột với công an nhà nước tại một tỉnh cách Sàigòn 40 Km (khoảng 24 miles) về phía Bắc.

Tuy thế, vào ngày thứ Tư 12/11/97, ông bộ trưởng bộ ngoại giao Việt Nam phủ nhận tất cả những liên quan với tôn giáo, ông trả lời cho những câu hỏi được thông tín viên AFT viết gửi ông như sau:

"Những chuyện xảy ra chỉ là những xung đột của những người dân với chính quyền địa phương về vấn đề tranh chấp đất đai, chứ không có liên quan gì về vấn đề tôn giáo", ông nói tiếp: "Theo những báo cáo chúng tôi đã nhận được, sự việc nầy đã bình yên trở lại, và nó hoàn toàn không giống như các tường thuật của thông tín viên ngoại quốc đã đưa ra".

Ðồng thời với cuộc biểu tình của giáo dân Ðồng Nai, Hiệp Hội Bảo Vệ Nhân Quyền Human Rights Watch/Asia đã đưa ra một bản báo cáo nói rằng Việt Nam vẫn tìm cách gia tăng kềm chế giới truyền thông báo chí.

Việt Nam thường liên tục phủ nhận tất cả những báo cáo được Hiệp Hội Bảo Vệ Nhân Quyền đưa ra, và từ chối trả lời về những vấn đề trong bản tường thuật mới đây của Hiệp Hội.

Những cuộc biểu tình của giáo dân Ðồng Nai xảy ra sau những đàn áp và cấm đoán các hoạt động Tôn Giáo của Giáo Hội Công Giáo tại tỉnh Ðồng Nai, nơi có số giáo dân Công Giáo chiếm đa số trong tỷ lệ với khoảng 2 triệu dân cư. Khởi đầu là sự nổi dậy của giáo dân xứ Trà Cổ I, một xứ đạo có khoảng 6,200 giáo dân, vào ngày thứ Sáu 7/11/97. Giáo dân xứ đạo này đã cùng nhau biểu tình chống lại việc chính quyền trưng dụng cách bất công những mãnh đất của Giáo Hội, và đòi phải xử trị những viên chức chính quyền tham nhũng. Qua ngày thứ Bảy và Chủ Nhật 8-9/11/97, cuộc biểu tình đã được nhiều xứ đạo khác thuộc huyện Thống Nhất và Xuân Lộc cùng tham gia. Hơn 10,000 người từ khắp tỉnh Ðồng Nai đã đến biểu tình trước văn phòng huyện Thống Nhất.

Tháng tư vừa qua, chính quyền tỉnh Ðồng Nai đã ra lệnh giải tán nhiều hội đoàn công giáo tại các giáo xứ trong giáo phận Xuân Lộc. "Mỗi giáo xứ", theo lệnh của Nhà Nước, "chỉ được phép có những sinh hoạt giới hạn đi kèm theo các nghi thức tôn giáo mà thôi, như ban Trống Kèn, và Sinh Hoạt không định Kỳ của Những Nhóm Nguời trên 65 tuổi, để cầu nguyện cho những bệnh nhân, hay cho người quá cố. Tất cả những nhóm thuộc các lứa tuổi khác, thuộc những Hội Ðoàn khác đều là những tổ chức bất hợp pháp và phải được giải tán".

Việt Nam là một nước có dân số lên tới 75 triệu người, và có khoảng 7 triệu giáo dân Công Giáo, đa số giáo dân sống tại miền Nam đã rời miền Bắc quê hương của họ để di cư vào miền Nam trong thời kỳ chia đôi đất nước 1954.

Mặc dầu Giáo Hội Công Giáo là một Giáo Hội được nhà nước thừa nhận, nhưng tất cả các sinh hoạt đều được kiểm soát bởi Mặt Trận Tổ Quốc, một cánh tay của Ðảng Cộng Sản Việt Nam, dùng để theo dõi tất cả các tổ chức hoạt động của Giáo Hội.

Hà Nội kiểm soát và giới hạn việc bổ nhiệm các Giám Mục của Ðức Thánh Cha, cũng như giới hạn số lượng các thanh niên được huấn luyện trong các chủng viện.

Có khoảng một phần tư trong số các giáo phận vẫn chưa có Giám Mục, và giáo hội phải xin phép chính quyền mỗi khi xây cất các cơ sở tôn giáo.

Những nguồn tin tôn giáo cho biết, hiện nay chính quyền địa phương đang liên lạc với công an nhà nước ở trung ương để truy lùng những vị lãnh đạo của các cuộc biểu tình.

Công an nhà nước đã phủ nhận có cuộc bạo động từ lúc có những cuộc biểu tình bắt đầu xảy ra.

Một vài nguồn tin cho biết, trong suốt những ngày biểu tình đã có những ngôi nhà của Tổ Chức Mặt Trận Tổ Quốc bị những người biểu tình đốt cháy.

Một viên chức chính phủ của huyện Thống Nhất cho biết "tình trạng đã trở lại yên ổn và cuộc biểu tình đã được giải quyết".

Những cuộc biểu tình thường rất ít xảy ra ở Việt Nam, và càng rất ít được nhắc đến trong giới báo chí ở Việt Nam, nơi mà giới truyền thông bị kềm chế đặc biệt.

Không có báo chí Việt Nam nào nhắc đến cuộc biểu tình ở tỉnh Ðồng Nai trong khi các công an nhà nước thường che đậy và phủ nhận tất cả những cuộc bạo động.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page