Phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Theodore Mc Carrick, thuộc phái đoàn các Giám Mục Hoa Kỳ viếng thăm Việt Nam tháng 8/1999 vừa qua.
Ðức Cha Theodore Mc Carrick, Tổng Giám Mục giáo phận Newark, chủ tịch Ủy Ban phụ trách chính trị quốc tế của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ, thuộc phái đoàn của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ, viếng thăm Việt Nam tháng 8/1999 vừa qua, đã dành cho nhật báo Công Giáo Ý Tương Lai (Avvenire), số ra ngày 19.10.99 bài phỏng vấn về chuyến viếng thăm nầy. Nhật báo "Tương Lai" đăng bài phỏng vấn với tựa đề lớn như sau: "Việt Nam, một thời kỳ bớt căng thẳng".
Mở đầu bài phỏng vấn, nhật báo "Tương Lai" đã đăng lại những lời, mà báo này gọi là "nói lên với nhiều hăng say" của Ðức Tổng Giám Mục Mc Carrick, như sau: "Tại Việt Nam đang có một thời kỳ phát triển đức tin, thực là một Mùa Xuân mới. Nếu ÐTC có thể đích thân thấy hiện tượng này, thì thật là tuyệt vời. Tôi đã tìm mọi cách để nêu lên đề tài về một chuyến viếng thăm của ÐTC tại Việt Nam với tất cả các vị lãnh đạo chính trị địa phương mà tôi đã gặp".
Ðức Cha Mc Carrick kể tiếp như sau: Tôi đã viếng thăm Việt Nam cách đây 10 năm cùng với Ðức Hồng Y Mahoney, Tổng Giám Mục giáo phận Los Angeles. Sau chuyến viếng thăm lần đó, chúng tôi đã quyết định trở lại sớm hết sức, nhưng đã qua nhiều thời gian, bởi vì những điều kiện không thuận tiện. Sau cùng, lúc chúng tôi đã có thể tổ chức được chuyến ra đi lần này, thì vị chủ tịch của Hội Ðồng Giám Mục cũng quyết định cùng đi với chúng tôi, để đem đến một dấu hiệu về hòa giải trên cấp bậc cao nhất.
Sau đây là bài phỏng vấn:
Hỏi - Thưa Ðức Cha, Mục tiêu của sứ mệnh của các Ðức Cha là gì?
Ðáp - Mục tiêu được tập trung trong ba điểm sau đây: (1) Biểu lộ tình liên đới của chúng tôi với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, để nói lên rằng chúng tôi hiệp nhất trong tình yêu Chúa Kitô, dù một đại dương và một lịch sử khó khăn, nay coi như đã qua, phân chia chúng tôi. (2) Ðiểm Thứ hai: thực hiện một chuyến viếng thăm hòa giải, cả với nhà cầm quyền địa phương nữa, vì nhận thấy ràng sự đau khổ và những thiệt hại chiến tranh đã gây nên cho cả hai bên. (3) Sau cùng điểm thứ ba: cảm ơn các người Việt Nam, vì đức tin của họ và cảm ơn tất cả các người thiện chí, mà họ đã gửi sang Hoa Kỳ. Ngày nay không có một giáo phận nào tại Hoa Kỳ lại không có một nhóm tín hữu sốt sắng đến từ nước này.
Hỏi - Ðức Cha có cảm tưởng gì về chuyến viếng thăm này?
Ðáp - Một cảm tưởng rất tích cực. Sánh với 10 năm trước, sự tự do của Giáo Hội chắc chắn đã gia tăng. Mới đây có ba giám mục được bổ nhiệm. Rồi trong dân chúng, có một sự phát triển đức tin, đối với tôi thật kỳ diệu. Và để dẫn chứng, xin trưng lại một thí dụ: Từ lúc nhà cầm quyền cho phép hành hương tại Ðền Thánh Ðức Bà La Vang, từng ngàn người luôn luôn tuốn đến nơi thánh này để cầu nguyện. Nhưng trên phương diện chính trị, tôi đã có cảm giác ngược lại.
Hỏi - Ðức Cha có thể cho biết lý do tại sao hay không?
Ðáp - Tất cả nhà cầm quyền mà chúng tôi đã gặp tại Hà Nội, tại Thành Phố Sài Gòn, cực kỳ lịch sự, tử tế, kính trọng, nhưng còn có những trở ngại. Một vị giám mục nói với chúng tôi rằng: có khoảng 200 thanh niên muốn vào chủng viện của giáo phận ngài, nhưng Nhà Nước chỉ cho phép ghi tên 20 mà thôi, và cứ mỗi hai năm mới được nhận chủng sinh một lần. Giáo Hội thực sự không được phép dùng các phương tiện truyền thông xã hội và việc di chuyển, đi lại của các linh mục bị giới hạn. Mỗi lần chúng tôi gặp nhà cầm quyền chính trị, tôi đều nêu lên sự có thể có chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II và Ðức Cha Florenza nêu lên vấn đề mở thêm những chủng viện mới, bởi vì cần thêm nhiều linh mục. Nhưng, xét chung lại, chỉ được trả lời bằng một nụ cười và đổi sang đề tài khác.
Hỏi - Trong tương lai, theo Ðức Cha, có thể có chuyến viếng thăm của ÐTC không?
Ðáp - Rất khó tính toán trước được; nhưng vấn đề vẫn để mở.
Hỏi - Dù đã trải qua những năm của chế độ cộng sản , tại sao Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam vẫn giữ được đức tin như vậy?
Ðáp - Tại Việt Nam không có vấn đề một Giáo Hội ái quốc, như nhà cầm quyến Bắc Kinh muốn tại Trung Quốc. Nhưng trong quá khứ các tín hữu Công Giáo đã bị bách hại và có giám mục đã bị tù. Có thể, đức tin còn sống là nhờ vào công việc của các nhà truyền giáo Pháp đã làm trong quá khứ và cũng nhờ sức mạnh lớn lao bên trong của Hàng Giáo Phẩm, Giáo Sĩ, Tu Sĩ nam nữ và Giáo Dân địa phương.
Hỏi - Sau chuyến viếng thăm này, các Ðức Cha có những chương trình nào?
Ðáp - Chúng tôi muốn tránh lặp lại chu kỳ trước. Chúng tôi không muốn chờ đợi trong vòng 10 năm nữa, mới có lại một cuộc tiếp xúc khác nữa. Nay cuộc đối thoại đã mở ra, cả với Giáo Hội địa phương, cả với nhà cầm quyền chính trị và chúng tôi có ý vun đắp cho cuộc đối thoại này với mọi sáng kiến có thể.