Hà Nội - Nov 11, 1997 - Theo Thông Tín Viên của Hãng Reuters, ngày 11 tháng 11 năm 1997, chính quyền Hà Nội ra lệnh phải báo cáo về trung ương những chi tiết của cuộc biến động xảy ra tại Ðồng Nai, nơi có hàng ngàn người dân biểu tình và đã xảy ra xung đột với công an nhà nước.
Các viên chức chính phủ cho Thông Tấn Viên Hãng Reuters hay là một tường thuật chính thức về tình hình nơi mà cho đến hôm thứ Ba, dân cư địa phương vẫn đang ở mức bất bình cao độ, đã được chuẩn bị để gửi về chính quyền trung ương ở Hà Nội.
Những chi tiết không được đưa ra, nhưng với mức độ đã được tường thuật, cho thấy mối quan tâm sâu sắc về những xung đột xảy ra ở một tỉnh nằm cách Saigòn khoảng 60 Km (khoảng 40 miles) về phía Bắc, và chỉ mấy ngày trước hội nghị thượng đỉnh quốc tế ở Hà Nội.
Một viên chức chính quyền địa phương ở Ðồng Nai, kẻ đã đổ lỗi cho những người biểu tình là "những phần tử xấu", đã rút lại tất cả các lời bình luận và đẩy tất cả các thắc mắc cho các viên chức Hà Nội, những người chưa thể trả lời nổi.
Tuy nhiên, những người dân ở Ðồng Nai và Saigòn cho rằng tình trạng ở Huyện Thống Nhất, nơi đã xảy ra cuộc bạo loạn vẫn đang trong tình trạng căng thẳng.
Không có xô xát nào được ghi nhận, nhưng vẫn còn có cả trăm phụ nữ và trẻ em tiếp tục tập trung biểu tình trước văn phòng chính quyền địa phương.
Một vài nguồn tin khác cho biết một lực lượng công an nhà nước được tụ tập về khu vực xảy ra cuộc bạo động. Một báo cáo khác liên lạc qua điện thoại với những người quen vùng Ðồng Nai cho biết có một số người dân đã kéo bàn ghế và các khúc gỗ đốn được xếp đầy trên đường làm gián đoạn sự giao thông trên một khúc đường quốc lộ Nam Bắc (thuộc Huyện Thống Nhất - vùng Trảng Bom) vào ngày thứ Bảy và Chúa Nhật tuần trước, và tất cả các tuyến xe từ Sài Gòn đi miền Trung hoặc ngược lại, đều phải xử dụng lối đi vòng Long Khánh, về phía Bà Rịa - Ngã Ba Tân Phong, rồi đi tiếp.
Những biến động ở Ðồng Nai tập trung trong khu vực cư ngụ của giáo dân Công Giáo di cư từ Bắc vào Nam.
Những người dân địa phương cho biết, cuộc nỗi dậy xảy ra vào thứ Sáu tuần trước, khi các phụ nữ mang các biểu ngữ tập trung trước văn phòng Ủy Ban Nhân Dân để đòi lại quyền sở hữu đất và tố cáo các viên chức nhà nước tham nhũng.
Những người biểu tình nói rằng, chính quyền đã lấy đất của họ để xây một khu chợ lớn, nhưng rồi chỉ làm một cái chợ thật nhỏ và phần đất còn lại thì đem bán lấy tiền bỏ túi.
Cuộc biến động trở nên căng thẳng vào ngày thứ Bảy tuần trước khi có hàng ngàn người dân tham gia và có sự can thiệp của công an nhà nước.
Ít nhất có bốn người biểu tình bị thương sau các buổi xung đột. Xe của công an và nhà của các viên chức nhà nước đã bị đốt cháy.
Các viên chức chính quyền địa phương cho các thông tín viên hãng Reuters hay là họ đã nhờ các nhà lãnh đạo giáo hội tới khuyên giải dân chúng, và chính Ðức Giám Mục địa phương đã ra thông tư kêu gọi dân chúng hãy bình tĩnh.
Bạo động rất ít xảy ra ở Việt Nam, tuy nhiên đây cũng không phải là cuộc bạo động đầu tiên trong năm nay. Dầu vậy, đây là một cuộc biến động có tính cách nghiêm trọng nhất trong năm nay ở miền Nam Việt Nam.
Biến cố này chỉ xảy ra ít ngày trước kỳ họp thượng đỉnh ở Hà Nội, tụ tập khoảng 50 quốc gia nói tiếng Pháp. Có lẽ điều này làm cho nhà nước Việt Nam khó ăn nói khi mà họ đang chờ cơ hội để khoe khoang về công trình đổi mới và cởi mở trong 10 năm qua.
Tổ chức nhân quyền Watch/Asia đã đề cập đến những cuộc bạo động trong một báo cáo vào hôm thứ Ba về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Báo cáo nói lên rằng một khi không có quyền nhóm họp, không có tự do phát biểu ý kiến, thì những người dân quê không có cơ hội hợp pháp để nói lên nguyện vọng của họ.
(VietMissio sưu tầm và lược dịch từ những tài liệu tiếng Anh)