Ðề Tài Suy Niệm Tỉnh Tâm Mùa Chay

Ngày thứ nhất

Tình Yêu Của Chúa Dành Cho Ta

 

Ngày thứ nhất:

Tình Yêu Của Chúa Dành Cho Ta

Mùa chay người ta vẫn thường nói là mùa ăn năn hối cải và trở về. Nhưng trở về đâu khi chúng ta đã tự khước từ mọi tương quan với Thiên Chúa để dấn thân vào con đường tội lỗi? Ăn năn có ích lợi gì khi mà Chúa không thứ tha cho chúng ta? Liệu có lối đi nào cho con người trở về khi cửa thiên đàng đã khép lại?

1. Thiên Chúa vẫn trung thành

Lần giở lại những trang đầu của Kinh Thánh khi Adam - Eva phạm tội. Tội lỗi đã ngăn lối con người đến với Thiên Chúa. Cửa địa đàng đã bị đóng lại. Thiên thần đã đóng cửa vườn địa đàng khiến con người xa rời Thiên Chúa ngàn trùng. Từ nay con người sẽ không còn thấy Thiên Chúa diện đối diện. Con người đã đánh mất mọi ân huệ của vườn địa đàng là hạnh phúc và muôn đời trường sinh. Con người muốn trở về với tình trạng ban đầu nhưng đã không còn cơ hội. Con người không tự mình mở lối đi về. Nhưng tính thương của Thiên Chúa dành cho con người muôn ngàn đời mãi tín trung. Ngài có giận thì giận trong giây lát, nhưng yêu thương thì yêu thương đến muôn đời. Chính Ngài đã mở lối đưa đường để con người có cơ hộ trở về với Thiên Chúa. Khi Ngôi Hai Thiên Chúa xuống trần thì cửa trời đã rộng mở để chờ đón con người trở về. Thiên Chúa như người cha nhân lành vẫn giang rộng đôi tay đón nhận từng đứa con trở về với tình thương bao la hải hà.

Thế nên, mùa chay không đơn thuần là hành vi ăn năn hối cải và trở về, mà trước tiên là nhận ra tình yêu của Thiên Chúa vẫn dành cho chúng ta. Cho dù chúng ta có bỏ Chúa, nhưng tình yêu của Chúa vẫn ngàn đời tín trung. Vì bản chất của Ngài là tinh yêu. Một tình yêu cho đi nhưng không mong đền đáp. Một tình yêu hiến trao chính thân mình làm giá cứu chuộc nhân trần. Vì, một tình yêu đích thực luôn đòi hỏi sự chia sẻ, sự trao ban. Tình yêu luôn đòi hỏi sự ra khỏi chính mình để đến với tha nhân. Thiên Chúa là tình yêu. Ngài không giữ hạnh phúc cho riêng mình, Ngài đã trao ban cho con người hạnh phúc của chính Ngài là tình yêu. Tình yêu đá sáng tạo con người giống hình ảnh Ngài. Tình yêu đã thôi thúc Ngài tìm trăm phương ngàn cách để đưa con người trở về sống trong tình Cha. Ðỉnh cao của trao ban là đến và ở lại luôn mãi với con người. Qua Ðức Kytô, từ nay Thiên Chúa cư ngụ giữa chúng ta. Ngài nói với chúng ta bằng tiếng nói của con người. Ngài đến với chúng ta bằng bước chân con người, và chia sẻ với chúng ta nơi bàn ăn thắm đượm tình người. Vì tên của Ngài còn được gọi là Emanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài đã hóa thân mang kiếp phàm nhân để thánh hóa con người làm con Thiên Chúa. Từ nay Thiên Chúa ở giữa con người để cùng chia sẻ buồn vui trong kiếp người. Từ nay Thiên Chúa cùng đồng hành với con người để dìu con người bước qua những thăng trầm của giòng đời.

2. Thiên Chúa luôn viếng thăm dân người

Trong quan hệ bình thường giữa người với người, hành vi đến với nhau luôn mang chiều kích mở rộng tình người, nới rộng yêu thương. Ðến với nhau là biểu lộ một tình yêu liên đới, một sự đồng cảm, sự cảm thông và chia sẻ. Sự hiện diện nơi đám cưới làm tăng thêm niềm vui cho gia chủ. Sự hiện diện với nhau trong đám tang làm vơi đi những muộn phiền. Hai người bạn hiện diện bên nhau sẽ giúp cho tình bạn thêm ấm áp và bình an. Chính sự tiếp xúc, gặp gỡ nhau thường xuyên sẽ giúp cho con người cảm thấy gần gũi nhau hơn, khoảng cách kỳ thị chủng tộc, phân biệt giai cấp hay địa vị sẽ dần dần được cải thiện và thay vào đó là sự hoà hợp, tôn trọng nhau trong yêu thương. Ngược lại, không đi đến với nhau, con người tự nhốt mình trong ích kỷ và cô đơn. Không đi đến với nhau, con người sẽ không thể có sự cảm thông, nâng đỡ, chỉ còn lại sự xa cách vô bờ, đôi khi dẫn đến những dị nghị hay bất đồng ý kiến với nhau.

Vì vậy, xuyên suốt dọc dài lịch sử của ơn cưú độ. Thiên Chúa luôn đi đến với con người bằng muôn nghìn cách. Sự viếng thăm của Ngài luôn là một sự khích lệ, sự cảm thông, nâng đỡ và trao ban tình yêu. Ngài đã đến thăm Adam - Eva trong vườn địa đàng với một tình yêu của người cha luôn gần gũi con cái. Ngài luôn thăm nom tất cả công trình Ngài đã tạo nên với tình yêu quan phòng của Ðấng Tạo Hoá . Ngài đến với Abraham và Sara trong tuổi già cô quạnh để an ủi và chúc phúc cho hai ông bà có con nối dõi tông đường. Ngài đến để giải thoát dân riêng đã được tuyển chọn đang sống cơ cực lầm than trong kiếp nô lệ Ai cập. Ngài đã ở cùng dân riêng qua Hòm Bia Giao ước như dấu chỉ sự hiện diện đầy yêu thương của Ngài với dân thánh đã được Ngài tuyển chọn làm dân riêng. Cuối cùng, Ngài đi vào trần gian trong thân phận con người "giống như chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi". Ngài đã sống một đời người để yêu thương, để phục vụ, để đem lại hạnh phúc cho những con người bất hạnh, đói khổ, già yếu, bệnh tật. Ngài đã mang lấy bản tính con người để hiểu và cảm thông với những thao thức, lắng lo của kiếp người truân chuyên. Ngài chấp nhận mặc lấy thân phận con người để đền tội thay cho lỗi lầm của Adam và đưa con người trở về trong tư cách làm con cái Thiên Chúa. Ngài đã đi đến tận cùng của yêu thương là lãnh lấy khổ hình thập giá để đền tội thay cho tội lỗi nhân gian.

3. Hãy nên giống như Ðức Ky-tô trong tình yêu

Nhận ra tình yêu của Ngài dành cho chúng ta, Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy dùng tình yêu đó mà đối xử với nhau. Mỗi người tín hữu phải là một ky-tô khác để có thể hiểu và cảm thông với tha nhân. Chúng ta đừng khác với Ðức Ky-tô khi chúng ta sống thiếu vắng tình yêu trong lời nói và việc làm của chúng ta. Chúng ta đừng khác với Ðức Ky-tô khi chúng ta sống dửng dưng với những anh em nghèo đói, với những mảnh đời bất hạnh lây lất bên đường. Chúng ta đừng khác với Ðức Ky-tô khi chúng ta sống trong bùn nhơ của tội lỗi, của sự thiếu trong sạch, thiếu công bình và bác ái với tha nhân. Chúng ta đừng khác với Ðức Ky-tô khi chúng ta hà khắc, kết án anh em một cách đoạn tuyệt và thiếu lòng bao dung. Chúng ta hãy nên giống Chúa Ky-tô khi chúng ta hiện diện với ai là chúng ta đem đến cho họ niềm vui và hạnh phúc. Chúng ta hãy nên giống Chúa Ky-tô để chúng ta có thể gieo vãi yêu thương, hạnh phúc vào cho nhân thế qua việc phục vụ và dấn thân quảng đại của chúng ta. Chúng ta hãy nên đồng hình đồng dạng với Ðức Ky-tô để có thể tha cho kẻ làm hại chúng ta, để có thể quên đi lỗi lầm của anh em và dám hy sinh quên mình mà vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa.

Ðó phải là con đường của mỗi tín hữu ky-tô. Hãy ra khỏi chính mình để đến với anh em. Hãy tìm đến những con người khổ đau, nghèo đói đang cần tình thương. Hãy hội nhập với đời để đem đạo vào đời, để sống phúc âm giữa lòng dân tộc. Hãy mạnh dạn mang tin mừng của Chúa thẩm thấu vào trong thế gian còn đó những khuyến khuyết của tình người, của tính lương thiện, của nhân cách và phẩm giá. Chúa đã đi vào đời để gieo chân lý, niềm tin và hy vọng. Là người mang danh Ðức Ky-tô cũng phải vượt qua mọi trở ngại của tính ích kỷ chỉ sống cho riêng mình, để dấn thân vào mọi môi trường chúng ta đang sống. Hãy mang dấu chân của yêu thương để đến với mọi ngõ ngách của giòng đời. Dấu chân của người môn đệ đi đến đâu, phải để lại cho đời một màu xanh của yêu thương và hạnh phúc bình an.

4. Sám hối vì đã thiếu yêu thương

Trong ngày khai mạc năm thánh Việt Nam, Giáo hội Việt Nam đã chân thành xin lỗi vì một quá khứ còn đó những lầm lỗi đã gây nên biết bao nỗi đau khổ cho đồng bào của mình. Giáo hội vẫn còn đó những điều thiếu hòa hợp với lương dân. Giáo hội vẫn còn đó những khuyến khuyết khi đồng hành với dân tộc. Nhìn nhận sự thiếu sót của mình để định hướng đi lên, để canh tân sửa đổi cho thích nghi với hoàn cảnh cuộc sống. Giáo hội phải mặc lấy Ðức Ky-tô để có thể xóa bỏ mọi ngăn cách, mọi hiểu lầm để hòa mình trong giòng chảy của dân tộc. Giáo hội không chỉ không được phép cầm gươm giáo mà còn không được phép khơi gợi chiến tranh hay hận thù. Một lời nói, một việc làm trong lòng Giáo hội phải luôn mặc lấy tâm tình từ bi, bao dung của Ðức Ky-tô mới có thể mang lại vẻ đẹp thánh thiện của Giáo hội. Giáo hội phải sống tinh thần hòa hợp, đối thoại trong yêu thương và tôn trọng. Giáo hội phải mang lấy Ðức Ky-tô để nâng đỡ những con người thấp cổ bé miệng, những con người đang bị bỏ rơi, những con người bất hạnh không tìm được nơi nương tựa trong khả năng và hoàn cảnh của mình. Giáo hội phải là hiện thân của Ðức Ky-tô khi mang yêu thương vào trong lòng dân tộc đang còn khuyến khuyết bởi tình người băng giá, bởi thói ích kỷ, độc tôn, độc quyền đang làm mất đi vẻ đẹp cao cả của tình làng nghĩa xóm, của tình thương liên đới hiệp thông và chia sẻ.

Giáo hội có thể làm được điều đó khi mỗi người tín hữu dám sống theo tin mừng của Chúa. Một tin mừng như muốn men thẩm thấu vào trần gian chứ không phải là đối chọi với trần gian. Một tin mừng mang lại lẽ sống và bình an và cùng nhau xây dựng tình hiệp nhất yêu thương chứ không gieo vãi sự chia rẽ, hận thù. Ước mong Năm thánh của Giáo Hội Việt Nam sẽ là nhịp cầu giúp cho bước chân của người môn đệ Thầy Chí Thánh Giêsu can đảm vượt qua những trở ngại từ bản thân, từ môi trường để dấn thân cho Tin mừng của Chúa được đến với muôn người. Ước mong năm thánh chúng ta biết kín múc nguồn suối ân thánh của Chúa để sống thánh giữa cuộc đời còn đó những bùn nhơ của tội lỗi.

Với ước muốn cùng với Chúa Giê-su đi xây dựng tình người, tình hiệp nhất yêu thương, chúng ta cùng nhau hát vang lời kinh Hòa bình của thánh Phan-xi-cô thành Assisi.

Lạy Chúa từ nhân xin cho con

Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm; để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng; để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.

Lạy Chúa xin hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.

 

Jos Tạ duy Tuyền

(Tháng 3 năm 2010)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page