Ngày 25 tháng 12

Suy Niệm Thánh Lễ Nửa Ðêm Giáng Sinh Năm C

Chúa tìm gì nơi ta

 

Suy Niệm Thánh Lễ Ðêm Giáng Sinh Năm C

Chúa tìm gì nơi ta?

Thánh Gioan đã nói: "Thiên Chúa yêu thế gian đã tặng ban Con Một của Ngài cho thế gian". Người Con của Lời hứa. Người Con mà cả dọc dài lịch sử dân thánh luôn khắc khoải mong chờ. Ngài chính là Thái Tử Bình An. Ngài đến để ban bình an xuống cho nhân trần như lời các thiên thần ca hát: "vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người lòng ngay".

Vâng thưa anh chị em, món quà mà nhân loại luôn khao khát mong chờ không phải là cơm áo gạo tiền mà là niềm vui của bình an hoan lạc. Có tiền mà sống trong loạn lạc, có lẽ cũng chẳng có bụng dạ nào để no say hưởng thụ. Có tiền mà không có lương tâm an bình có lẽ cũng chẳng có niềm vui và hạnh phúc từ trong sâu thẳm tâm hồn.

Cách đây 20 năm vào mùa Giáng sinh năm 1989, trong cuộc họp thượng đỉnh tại đảo Malta, Tổng thống Bush cha đã tặng chủ tịch Gorbachov của liên bang Xô Viết một viên gạch. Viên gạch này mà một thời nó đã góp phần làm nên một bức tường "ô nhục Bá Linh". Một bức tường ngăn cách tình người. Tình người trong một đất nước, một dân tộc. Một sự ngăn cách tưởng chừng như vô bờ, thế mà hôm nay bức tường này đã được đập bỏ. Tổng thống Bush tặng viên gạch này như dấu chỉ một khao khát hoà bình. Một khao khát sống liên đới thuận hoà để con người cùng nhau xây dựng một thế giới an bình và thịnh vượng.

Thiên Chúa cũng đã tặng ban cho chúng ta không phải là một viên gạch vô tri, vô giác mà là chính Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh làm người. Ngài đã mang lấy thân phận con người để đưa con người trở về với Thiên Chúa. Con người là hình ảnh Thiên Chúa, thế nên con người phải sống đúng với phẩm giá làm người của mình. Ngài đến để ban bình an, nhưng Ngài cũng đòi con người hợp tác để bình an của Chúa được trải rộng khắp muôn nơi. Dấu chỉ của sự hợp tác tích cực mà Chúa muốn con người là: hãy tặng lại cho Ngài chính hình ảnh trong sáng, ngay thẳng, đầy yêu thương mà Ngài đã tạo dựng con người ngay từ ban đầu.

Trong kỳ họp Apec tổ chức tại Việt Nam, các thành viên đều nhận được một món quà là chính hình ảnh của mình được các nghệ nhân Việt Nam điêu khắc trên đá. Có lẽ đó là món quà qúy giá mà các nguyên thủ các quốc gia đã nhận được từ các nghệ nhân Việt Nam. Họ đã đến Việt Nam và họ đã nhận lại được hình ảnh của họ từ những con người rất hiếu khách của dân tộc Việt Nam. Một dân tộc luôn ưa chuộng hoà bình, luôn lấy "dĩ hoà vi qúy" làm nền tảng cho mọi giao tiếp hằng ngày. Một dân tộc luôn đề cao tình làng nghĩa xóm đến mức độ "tối lửa tắt đèn có nhau", để rổi sống liên đới chia sẻ với nhau trong tình thần "chị ngã em nâng" và "lá lành đúm lá rách". Nhất là luôn sống tha thứ cho nhau để có được một cuộc sống vui tươi an bình, vì "một điều nhịn chín điều lành". Ðó cũng là những hình ảnh rất đẹp mà các nguyên thủ các quốc gia đến họp hội nghị Apec đã thấy nơi nền văn hoá Việt Nam. Thế nhưng, thử hỏi lại lòng mình, chúng ta đã thực sự sống điều đó để giữ mãi bản sắc tươi đẹp của văn hoá dân tộc Việt Nam? Với bốn ngàn năm văn hiến, chúng ta đã thực sự sống những nét cao đẹp của văn hoá Việt Nam mà cha ông đã để lại cho chúng ta hay chưa? Hay chúng ta đang quên dần, và cố đuổi theo những trào lưu hưởng thụ, thoái hoá đạo đức, băng hoại luân lý và xa rời tình người?

Với tư cách là người kytô hữu, là những con người luôn ý thức mình mang hình ảnh Thiên Chúa, thế nhưng chúng ta còn giữ sự tinh tuyền của Ngài nơi tâm hồn chúng ta hay không? Hay hình ảnh của Ngài đã bị hoen ố bởi thói hư tật xấu của chúng ta? Có lẽ trong giờ phút này, Thiên Chúa cũng đang cần chúng ta tặng lại cho Ngài hình ảnh tinh tuyền ban đầu của tạo dựng. Một hình ảnh trong sáng không bỉ hoen ố bởi đam mê nhục dục, bởi tham vọng thống trị anh em và tham lam vô độ. Một hình ảnh chân thật không quanh co, giả dối đến nham hiểm hại người hại đời. Một hình ảnh đầy tình yêu không bị những toan tính trục lợi, những bất công lừa đảo, và lỗi công bình bác ái với anh em. Tất cả những cách sống sai lệch với hình ảnh ban đầu của tạo dựng, đã làm mờ nhạt đi hình ảnh của Thiên Chúa nơi cuộc sống thường nhật của chúng ta. Và là bức tường ngăn trở cho nước Chúa trị đến, cho an bình của Chúa trải rộng khắp muôn nơi.

Năm nay, năm thánh cho dân tộc Việt Nam, mỗi người chúng ta được mời gọi sống thánh giữa đời, được cụ thể qua việc tuân giữ hai giới răn quan trọng nhất đó là Mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương anh em như chính mình. Mến Chúa trên hết mọi sự nghĩa là phải để cho Ngài chỗ nhất trong cuộc sống. Ðừng vì những đam mê danh lợi thú mà quên đi giá trị đích thực của phẩm giá con người là hình ảnh của Chúa. Con người được gọi là "nhân linh ư vạn vật", nghĩa là con người hơn muôn loài vật. Không loài nào sánh bằng con người. Không loài nào xứng đáng để con người tôn thờ. Do vậy, chỉ có Thiên Chúa mới đáng cho chúng ta tôn thờ. Tiền bạc, địa vị, sắc dục chỉ là thọ tạo thấp bé và rất tầm thường so với con người. Vì thế đừng vì nó mà bỏ quên Chúa. Ðừng vì nó mà xúc phạm đến anh em. Ðồng thời, mến Chúa phải yêu mến anh em. Yêu mến không chỉ trên đầu môi chóp lữơi, nhưng bằng những hành động cụ thể: đó là kính trọng anh em, là sống công bình bác ái với anh em, và đỉnh cao của tình yêu là sự dấn thân phục vụ anh em trong khiêm tốn và chân thành.

Lạy Chúa, Chúa đã sinh ra trong thân phận con người. Chúa đã tự đồng hoá mình với những người khổ đau. Xin cho chúng con luôn nhận ra Chúa trong anh em để chúng con luôn đối xử với nhau trong công bình, bác ái, trong kính trọng và yêu thương. Xin giúp chúng con luôn biết gìn giữ hình ảnh tinh tuyền của Chúa nơi chúng con. Xin gìn giữ linh hồn chúng con khỏi những đam mê bất chính làm hoen mờ hình ảnh Chúa nơi chúng con. Amen.

 

Jos Tạ duy Tuyền

(Tháng 12 năm 2009)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page