Suy Niệm Chúa Nhật 4 Mùa Thường Niên Năm A
Hạnh phúc khi trao ban
Suy Niệm Chúa Nhật 4 Mùa Thường Niên
Hạnh phúc khi trao ban
Khi nhìn về kiếp nhân sinh, với những thăng trầm nổi trôi của đời người, đầy những đau khổ, bất hạnh lầm than, đại văn hào Nguyễn Du đã nói rằng:
"Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng"
Có người còn bi quan bảo rằng:
"Ðời vui sao chẳng thấy cười -
Sinh ra chẳng cười lại khóc oe oe".
Phần nhiều trong văn học, thơ ca hay kịch nghệ, người ta đã thành công khi khai thác chủ đề bất hạnh của đời người: cái đói, cái nghèo, cái khổ đau của bệnh tật, cái khổ đau của bất công và áp bức đã gây nên biết bao nỗi oan khiên, bất trắc cho thân phận con người. Những bất hạnh mà ta thường gặp không chỉ đổ xuống trên những thân phận nghèo đói, túng thiếu mà còn đổ xuống trên những kẻ có tiền, có của, có địa vị nhưng lại không tìm được hạnh phúc ở trong cuộc sống của mình. Dang vọng, tiền tài xem ra cũng không quý bằng hạnh phúc ở trong đời sống hằng ngày. Cuộc đời không có hạnh phúc là cuộc đời bất hạnh tựa như cây xanh thiếu lá nên trơ trụi và cằn khô. Vì "Cây xanh thiếu lá nó cũng trơ trơ - Biết mình thế này thà đừng sinh ra". Vì sống là đi tìm hạnh phúc. Sống mà không có hạnh phúc thì cuộc đời như đã mất. Hạnh phúc là nỗi khao khát, là niềm ước mơ của mọi người. Từ những em bé bán vé số, đánh giầy, thu lượm ve chai cho đến những em sinh ra trong một gia đình giầu sang vẫn mang trong mình một khao khát được hạnh phúc. Từ những người quyền thế, giầu có lắm kẻ đón người đưa đến những con người xấu số bị bỏ rơi, khinh bỉ bên lề đường vẫn ao ước một khung trời hạnh phúc cho riêng mình.
Tựa như cuộc đời có nhiều nẻo đường khác nhau thì hạnh phúc cũng có nhiều cách khác nhau. Có hạnh phúc của người mẹ vừa sinh con, dù rằng bà phải chịu nhiều đau đớn thể xác. Có hạnh phúc của những người làm cha làm mẹ khi nhìn thấy những đứa con lớn khôn từng ngày, dù phải cơ cực lầm than, hay mưa nắng dãi dầu nơi nương rẫy, phố chợ. Có hạnh phúc của những con người đang quên mình vì tha nhân, vì bạn bè, dù rằng phải mang tiếng nợ đời "Ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng". Có hạnh phúc của những đôi vợ chồng trẻ đang yêu nhau nơi túp lều tranh, dù rằng phải chịu cảnh đói khổ cơ hàn nhưng vẫn tha thiết yêu nhau: "Tay bưng bát muối chấm gừng - Gừng cay muối mặn xin đừng xa nhau". Thực vậy, có nhiều người vẫn chủ trương rằng: sống có ích cho tha nhân mới là cuộc đời đáng yêu, đáng sống. Có lẽ ở đời, chẳng ai thích đau khổ nhưng nhiều người vẫn chấp nhận bước vào khổ đau, vì đó chính là phương thế để đem lại hạnh phúc cho người mình yêu.
Hôm nay, Chúa Giê-su giới thiệu cho chúng ta một phương thức để đạt được hạnh phúc. Con đường hạnh phúc của người môn đệ Chúa không phải là con đường trải thảm rộng thênh thang mà là con đường hẹp của sự hy sinh, của quảng đại dấn thân vì lợi ích của tha nhân. Vì phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, có tấm lòng hiền hậu, dám chấp nhận khổ đau, yêu thích sự chính trực, thương xót đồng loại, giữ lòng trong sạch, và biết xây dựng hoà bình.
Như vậy, hạnh phúc của người môn đệ không hệ tại ở những cái mình có mà ở những cái mình dám từ bỏ vì Chúa và vì tha nhân. Vì Chúa mà ta từ bỏ mọi thứ tham lam, ích kỷ và bất chính để ta sống thanh thoát khỏi những đam mê của cải và lạc thú. Vì Chúa mà ta bỏ đi cái tôi ghen tương, nóng giận, để gìn giữ sự hoà thuận với những người mà chúng ta đang sống. Vì Chúa mà chúng ta dấn thân cho công lý được triển nở, cho hoa bác ái được toả hương, cho an bình được ngự trị. Vì Chúa mà chúng ta xả thân giúp người giúp đời mà không cần so đo tính toán thiệt hơn. Từ bỏ chính mình để ta hướng tới tha nhân. Có từ bỏ chính mình thì ta mới nghĩ tới thiện ích của tha nhân. Từ bỏ những quyền lợi, những nhu cầu của bản thân để chúng ta trao hiến những điều tốt đẹp nhất cho tha nhân.
Người ta bảo rằng ở bên Palestina có hai biển hồ là Biển Chết và biển hồ Galilêa, cả hai biển hồ này đều đón nhận nguồn nước từ sông Jordan. Thế nhưng, nơi Biển Chết thì không có một sự sống nào có thể tồn tại. Vì Biển chết đón nhận nhưng không trao ban, nó giữ lại cho riêng mình, nên nguồn nước trở thành mặn chát và độc hại. Ngược lại, tại biển hồ Galilêa cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muôn thú và con người.
Ðời người cũng tựa như biển hồ, nếu chỉ biết giữ riêng cho mình tất cả mọi sự nhận được từ Thiên Chúa. Sự sống trong họ rồi cũng chết dần chết mòn như nước trong lòng Biển chết. Thật hạnh phúc cho ai biết trao ban. Cuộc sống sẽ mãi lan toả và dồi dào sức sống như biển hồ Galilêa. Vì ai có thì được cho thêm, và vì chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Amen.
Jos Tạ duy Tuyền
(Tháng 1 năm 2011)