Suy Niệm Chúa Nhật 26 Mùa Thường Niên Năm C
Cho thì có phúc
Suy Niệm Chúa Nhật 26 Mùa Thường Niên
Cho thì có phúc
Có một cậu bé thuộc dòng dõi quí tộc đang đi dạo với người giám hộ dọc theo một bờ ruộng, bên cạnh đó, một người tá điền đang cày ruộng cho cha cậu. Người tá điền cởi đôi ủng để trên bờ ruộng, cậu bé tinh nghịch muốn dấu đôi ủng ấy để chọc giận người nông dân, nhưng người giám hộ nói với cậu rằng: "Con chớ làm cho người tá điền nghèo khổ này buồn phiền, hãy làm cho ông ta vui lên thì tốt hơn. Ta khuyên con hãy bỏ tiền vào mỗi chiếc ủng, chúng ta sẽ núp ở đằng sau, và xem thử ông ta sẽ làm gì?"
Cậu bé đã làm như lời dạy của thầy mình. Chờ cho người nông dân không để ý, cậu đã mon men đến gần đôi ủng và bỏ vào mỗi chiếc một đồng bạc.
Một lát sau, người nông dân đã trở lại với đôi ủng của mình. Vừa khám phá ra tiền trong đó ông đã vội qùy xuống và ngước mắt lên trời để cảm tạ Chúa đã cứu giúp ông trong lúc túng cực. Ông cũng xin Chúa chúc lành và trả công cho vị ân nhân vô danh.
Nhìn được tất cả những gì người nông dân đã cầu nguyện, cậu bé cảm động muốn khóc. Ðó là ngày đầu tiên cậu cảm thấy hạnh phúc nhất đời mình.
Vâng, có ai đó nói rằng: "Cho thì có phúc hơn nhận lãnh". Phúc đức được tích luỹ nhờ trao ban. Trao ban càng nhiều, phúc đức càng dầy. Thế nên, người có phúc là người biết cho đi. Người có phúc là người giầu lòng quảng đại, biết chia sẻ cho người cùng khốn. Cậu bé con nhà quyền qúy một lần biết cho đi, cậu mới hiểu được đâu là hạnh phúc của sự trao ban. Cậu đang ở thế giới của những kẻ quyền qúy, những kẻ sống trong nhung lụa nên cậu đâu hiểu được cái khổ đau của cuộc đời "bán lưng cho trời" nơi giai cấp nông dân nghèo hèn. Cậu càng không cảm nghiệm được niềm vui khi kiếm được một đồng tiền ít ỏi do công khó mình làm ra. Có lẽ, lần đầu tiên cậu chiêm ngưỡng khuôn mặt rạng ngời của người nông dân khi nhận được đồng tiền bố thí. Lần đâu tiên cậu mới hiểu được giá trị của sự trao ban. Có trao ban mới có hạnh phúc. Có trao ban mới tích lũy được phúc đức cho đời này và đời sau. Và như thế, cuộc đời vô phúc là cuộc đời không có sự trao ban. Kẻ vô phúc thường ích kỷ tham lam. Kẻ vô phúc chỉ biết nghĩ cho mình và sống cho mình. Kẻ vô phúc không có cơ hội nhận lãnh niềm vui của sự trao ban. Kẻ vô phúc sống không có hậu, vì không biết tích lũy phúc đức cho cuộc đời bằng hành vi bác ái yêu thương.
Bài phúc âm hôm nay nói về hai cảnh đời khác nhau. Người phú hộ và anh Lagiaro nghèo khó. Người phú hộ hạnh phúc đời này nhưng bất hạnh đời sau. Lagiaro nghèo khó thì ngược lại, anh phải chịu biết bao cay đắng trong cuộc đời ô trọc thiếu vắng tình người này, nhưng anh lại được hạnh phúc vĩnh cửu đời sau. Cuộc đời của họ tuy cùng chung một thời gian và không gian, nhưng xem ra họ lại qúa cách biệt với nhau. Kẻ ăn không hết, người tìm không ra. Người sống trong nhung lụa, kẻ đói rách bần cùng. Bài phúc âm không đả phá về sự giầu sang, và cũng không khuyến khích sống nghèo đói. Bài Phúc âm chỉ nói đến trách nhiệm liên đới với anh em. Giầu có không phải là tội. Cái tội của người phú hộ là dửng dưng với mảnh đời bất hạnh của đồng loại. Phúc âm không nói đến việc ông xua đuổi người nghèo khó trước cửa nhà ông, nhưng chắc chắn ông phải đi qua cuộc đời của họ với thái độ bàng quang lạnh lùng. Người nghèo đói nằm ở trước cửa nhà ông, nhưng ông đã làm lơ khi đi ra đi vào. Ông đã không áy láy lương tâm và cũng không một chút chạnh lòng thương đối với bất hạnh của tha nhân. Tội của ông là sự dửng dưng, coi như không có sự hiện diện của Lazarô. Một sự mù quáng đến thiếu trách nhiệm liên đới với tha nhân. Ông có nhiều cơ hội để làm việc lành phúc đức, thế mà ông đã bỏ lỡ cơ hội mua lấy phúc đức đời sau.
Song le, Lagiarô không phải vì nghèo mà lên thiên đàng, điều quan yếu là anh không thất vọng về cuộc đời. Anh không oán trời oán đất. Anh vẫn bình thản với cuộc sống vốn dĩ đầy khó khăn đối với anh. Cho dù anh đã bị đẩy xuống đến tột cùng, làm bạn với những con chó, anh cũng vui lòng chấp nhận thân phận mình. Chính vì thái độ chấp nhận đó mà anh đã được đền bù xứng đáng, anh được giải thoát khỏi khổ đau đời này và an hưởng hạnh phúc đời đời trong hạnh phúc thiên đàng.
Người xưa có câu: "Phú nhân bất nhân - Bần bất nghĩa". Giầu có hay khinh người, và nghèo khó thiếu tử tế. Xem ra giầu nghèo đều khó mà vào nước thiên đàng nếu không biết vượt qua những trở ngại trong phận số đời mình. Vì thế mà cha ông ta đã từng khuyên con cháu mình "đói cho sạch rách cho thơm", và "không ai giầu có ba đời", thế nên cần phải biết sống có đức, để đề phòng khi sa cơ thất thế vẫn còn có nhiều người hỗ trợ và giúp đỡ mình.
Là người kytô hữu phải biết thể hiện đức ái trong đời sống hằng ngày của mình. Dù giầu hay nghèo mỗi người đều phải biết sống vì người khác, và cho người khác. Dù sang hay hèn vẫn phải toả lan đức ái trong cuộc sống của mình. Ðức ái mà như thánh Phaolô tông đồ đã nói: "Ðức ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc. Ðức ái tha thứ tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả". Ðức ái sẽ giúp chúng ta sống tốt với anh em và đảm bảo cho hạnh phúc Nước Trời mai sau. Ðức ái sẽ là nhịp cầu để ta đến với tha nhân và tiến vào bến bờ hạnh phúc vĩnh cửu mai sau. Và như thế, ở đời sau, Chúa sẽ thưởng phạt chúng ta tùy theo mức độ thể hiện đức ái trong cuộc đời hôm nay. Amen.
Jos Tạ duy Tuyền
(Tháng 9 năm 2010)