Suy Niệm Chúa Nhật 16 Mùa Thường Niên Năm C
Chúa viếng thăm
Suy Niệm Chúa Nhật 16 Mùa Thường Niên
Chúa viếng thăm
Người Việt Nam thường có câu: "lời chào cao hơn mân cỗ". Vì cái tình quý hơn là cái ăn cái mặc. Người ta bị bỏ đói một bữa chẳng sao nhưng sẽ cay đắng cả đời khi bị người đời bỏ rơi, hay bị đối xử ngược đãi xem thường. Thực vậy, cái qúy giá ở đời là được anh em yêu thương, tôn trọng và nhất là luôn được anh em chia sẻ, cảm thông. Dù cuộc đời có đau khổ. Dù cuộc đời có gặp bất hạnh hay đói khổ nhưng được anh em đùm bọc, cảm thông, an ủi thì vẫn cảm thấy lạc quan và bình an.
Người ta kể rằng thời Ông Abraham Lincoln làm Tổng Thống của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, ông vẫn thường có thói quen đến thăm các nhà thương để có dịp chuyện vãn với các anh em thương binh trong thời nội chiến.
Một hôm, bác sĩ dẫn Tổng Thống tới phòng các thương binh đang được điều trị và đến bên một bệnh nhân rất nặng. Với giọng nhẹ nhàng, ôn tồn ông hỏi:
- Tôi có thể làm chút việc gì giúp anh được không?
Có lẽ không nhận ra người khách đến thăm mình là ai, nên bệnh nhân gắng gượng nói:
- Xin ông làm ơn viết lá thư cho mẹ tôi.
Người ta trao bút giấy cho Tổng Thống, và ông bắt đầu viết xuống những gì bệnh nhân có thể nói lên được.
"Mẹ rất yêu dấu của con! Con bị thương nặng trong khi thi hành nghĩa vụ quốc gia. Có lẽ con sẽ không bao giờ bình phục được nữa. Xin mẹ đừng khóc nhiều vì con. Xin mẹ hôn hai em Mary và John dùm con. Nguyện xin Chúa chúc lành cho mẹ, cho ba và hai em."
Nói tới đây, người thương binh ngừng vì không còn sức để nói tiếp nữa, nên ông Lincoln ký thay cho anh ta và thêm: "Viết thay cho con trai của bà. Ký tên: Abraham Lincoln."
Bệnh nhân xin cho xem lại những gì người khách đã viết thay cho mình, anh ta sửng sốt khi nhận ra người đã tới thăm mình. Anh hổn hển hỏi với giọng ngạc nhiên:
- Ông thật là Tổng Thống của Hoa Kỳ ư?
Abraham Lincoln trả lời cách âu yếm.
- Phải chính tôi đây.
Tổng Thống hỏi thêm xem mình còn có thể giúp anh thương binh được việc gì nữa chăng. Gương mặt anh bỗng chốc bừng lên, anh sung sướng nói:
- Xin Tổng Thống cầm tay tôi, và giúp tôi đi đến cùng.
Trong căn phòng bé nhỏ, ông Tổng Thống với tâm hồn của người cha, âu yếm cầm lấy tay chàng thương binh trẻ trong tay mình và tiếp tục nói với anh những lời khích lệ thân mật cho tới khi anh ta trút hơi thở cuối cùng.
Lời Chúa hôm nay cũng gợi lại một cuộc viếng thăm đầy tình người mà Chúa Giê-su đã dành cho gia đình ở Betania. Ngài đã đến với gia đình Matta và Maria. Cả hai cô đều vui mừng vì có Chúa viếng thăm. Kẻ thì bận rộn rót nước, nấu ăn. Người thì ríu rít chuyện trò bên Chúa. Thật là hạnh phúc cho gia đình côi cút nay lại được ấm áp vui tươi vì có Chúa hiện diện. Thế nhưng, Matta lại quá chú trọng đến việc thiết đãi tiệc tùng. Cô muốn làm một bữa ăn thật thịnh soạn cho Chúa. Cô còn muốn cả em cô hãy ngưng tâm sự với Chúa để cùng giúp cô chuẩn bị bữa ăn. Cô đã mạnh dạn đề nghị với Chúa: xin Thầy hãy nói với Maria giúp con một tay. Lời đề nghị xem ra không được chấp nhận. Vì Chúa đến đây không vì miếng ăn. Vì Chúa không đến để được phục vụ. Con đường Chúa đến với tha nhân là để yêu thương và phục vụ. Chúa không muốn trở thành gánh nặng cho tha nhân. Sự hiện diện của Chúa nơi ngôi nhà này là để nói lên sự quan tâm, tình liên đới và cảm thông. Thế nên, Chúa đã nói với Matta: "Matta, con lo lắng nhiều chuyện, điều quan yếu không phải là việc phục vụ Chúa, mà hệ tại ở việc lắng nghe lời Chúa dạy bảo".
Cuộc sống hôm nay cũng thật tất bật. Người ta ít có thời giờ để tâm sự với nhau. Người ta càng ít có thời giờ để viếng thăm nhau. Không có tâm sự sẽ không có sự hiểu biết, cảm thông lẫn nhau. Không có những cuộc viếng thăm tình người sẽ phôi phai theo thời gian. Ðôi khi những người trong gia đình cũng chẳng có thới giờ viếng thăm nhau, hay chuyện trò với nhau. Thiếu sự viếng thăm tình người như xa dần. Thiếu sự đối thoại sẽ đánh mất sự cảm thông. Vì tình yêu đích thực không dừng lại ở đầu môi chóp lưỡi. Tình yêu không dừng lại ở việc chạnh lòng thương xót mà phải dấn thân để xoa dịu những nỗi đau của đồng loại, để băng bó những thương tích của anh em. Tình yêu đích thực luôn đòi hỏi sự gần gũi, sự cảm thông và nâng đỡ. Chính nhờ sự gần gũi người ta mới hiểu nhau, thông cảm với nhau và nâng đỡ cho nhau.
Ước gì mỗi người chúng ta hãy biết dành thời giờ cho nhau qua những việc viếng thăm, qua những việc giúp đỡ, qua sự săn sóc đầy tình người, Ước gì mỗi người chúng ta hãy biết quên đi cái tôi của mình để lo cái lo của anh em, để biết sống mình vì mọi người, để cùng nhau xây dựng một thế giới đầy ắp tình yêu thương. Amen.
Jos Tạ duy Tuyền
(Tháng 7 năm 2010)