Lời khai mạc Tuần Lễ Xã Hội

Sinh hoạt cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Kính thưa quí vị lãnh đạo tôn giáo, các vị hữu trách các sinh hoạt cộng đồng Việt Nam hải ngoại, các nhân sĩ,

Kính thưa tất cả quí vị

Trong khung cảnh sinh hoạt cộng đồng Việt nam hải ngoại và nhờ có sinh hoạt liên tục của cộng động ấy từ mấy chục năm qua, mà hôm nay, từ các Châu, các nước khác nhau, tất cả chúng ta may mắn gặp gỡ nhau nơi đây.

Thay mặt Ban tổ chức Ðại Học Hè khóa 7 và tuần Lễ Xã Hội VNHN kỳ 5, chúng tôi kính xin gửi đến tất cả quí vị lời chào mừng thân ái trong tình nghĩa huynh đệ đồng bào.

Chúng ta muốn gặp nhau hôm nay và chúng ta muốn cùng nhau trao đổi về sinh hoạt cộng đồng VNHN của chúng ta, vì chúng ta muốn những mối tương giao tình nghĩa giữa những người con dân Việt nam ở hải ngoại, thế hệ hôm nay cũng như các thế hệ kế tục chúng ta, không những được tồn tại mà còn phát triển một cách tốt đẹp hơn, đầm ấm và ích lợi hơn trong tương lai.

Chúng ta đều biết, sự hiện diện của người Việt ở hải ngoại không phải bắt đầu từ biến cố 1975. Nhưng cộng đồng Việt nam hải ngoại sinh hoạt trong gần 30 năm qua chắc chắn gắn liền với những tình cảm, những ước mơ gắn liền với biến cố đó.

Lịch sử không thể di đời những sự kiện khách quan cũng như những vết thương của quá khứ. Nhưng từ những sự kiện đã qua, làm sao mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn thể cộng đồng chúng ta biết linh hoạt vào thực tại của cuộc sống để những ước mơ muôn thủa của mỗi phần tử, mỗi thế hệ có cơ thực hiện. Ðó là mối thao thức mà chúng ta sẽ chia sẻ cho nhau trong mấy ngày hôm nay.

Nhìn vào thực trạng sinh hoạt cộng đồng Việt-Nam hải ngoại, chúng ta tự hỏi:

- Những lý do nào biện minh cho sự tồn tại của các sinh hoạt cộng đồng VNHN? Nếu các sinh hoạt cộng đồng ấy cần tồn tại, thì cần có những canh tân cải cách nào: tinh thần, nhân sự, đường hướng và kỹ thuật tổ chức?

- Chúng ta quan niệm thế nào về những vấn đề liên quan đến mối căng thẳng giữa nếp sống văn hóa đạo đức truyền thống, tình nghĩa và bổn phận trong gia đình Việt-Nam, và nếp sống văn minh cá nhân Tây Phương mà giới trẻ đã tiếp nhận?

- Cộng đồng chúng ta có nhu cầu trao đổi và hợp tác tích cực với xã hội và các cộng đồng địa phương... để hội nhập với trào lưu dân chủ của xã hội chung quanh và các thế hệ trẻ hay không?

Kính thưa quí vị,

Những lý do thúc đẩy chúng ta ly hương, những bài học cụ thể về sinh hoạt cộng đồng mà xã hội nơi chúng ta định cư có thể cống hiến, những giá trị mà giới trẻ đang chờ đợi nơi chúng ta, tất cả đồng qui vào một số nội dung mà tất cả chúng ta đã thuộc lòng: đó là thái độ tôn trọng sự khác biệt, tự do, dân chủ.

Một cách cụ thể, bốn kỳ gặp gỡ qua của Tuần Lễ Xã Hội do Trung Tâm Văn Hóa tổ chức đã là phòng thí nghiệm thành công cung cách cư xử như thế.

Sở dĩ những vị lãnh đạo tôn giáo, đoàn thể, các nhân sĩ chúng ta đã thực hiện được những giá trị tích cực nầy trong những lần gặp gỡ vừa qua, vì mỗi người tham dự đều thâm tín rằng, sự thật và thiện hảo là của chung của nhân loại, nhưng không ai trong chúng ta độc quyền chiếm hữu lẽ phải. Mọi người nhận ra đó là chìa khóa để dẫn vào nền tảng đạo đức mà ngay khi Tuần Lễ Xã Hội lần đầu được tổ chức, Trung tâm Nguyễn Trường Tộ đã chọn làm đề tài thảo luận: "Ðạo đức: nền tảng phục hoạt và canh tân đất nước".

Nhà thi sĩ nổi danh của Ðức, nơi vùng đất mà chúng ta đang hội thảo hôm nay, văn hào Friedrich Hoelderlin, đã từng nói: "Người ta bắt đầu làm sao, thì kết thúc làm vậy". Chúng ta chúc cho nhau bắt đầu bằng một cuộc thảo luận về sinh hoạt cộng đồng Việt Nam hải ngoại trong khung trời dân chủ, tự do, tôn trọng ý kiến khác biệt của mỗi người, để mỗi người trong chúng ta đều có cơ may góp phần vào lợi ích chung của sinh hoạt cộng đồng thân yêu.

Trân trọng kính chào quí vị.

 

Nguyễn Ðăng Trúc

Ðại diện ban Tổ Chức Ðại Học Hè khóa 7

và Tuần Lể Xã Hội khóa 5

tại Trung tâm văn hóa Violau, Ðức quốc , tháng 8 năm 2003

 


Last updated July 7, 2003, by Giáo Sư Nguyễn Ðăng Trúc

Trung Tâm văn hóa Nguyễn-Trường-Tộ

13 g rue de l'ILL F- 67116 Reichstett, France

Tel 00 33 3 88205822

E-mail trucdang@evc.net

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page