Liên Lạc Nhân Văn

Số 10

Tháng 01 và 02 năm 2003

 

Association culturelle CONVERGENCE

Trung Tâm Văn Hóa

Nguyễn-Trường-Tộ

13 g rue de l'ILL. - F 67116 REICHSTETT France

Tel 00 33 3 88 20 58 22 - E-mail dangtruc@evc.net

 


 

Thông báo Ðại Học Hè Khóa VII & Tuần lễ Xã Hội Kỳ V

Thế Giới Hiện Ðảo Ðiên Trên Năm Trận Tuyến Toàn Vũ Hóa (Lâm Lễ Trinh)

Trí Thức Việt Nam Ngươi Là Ai? (Bửu Sao)

Ðọc Hồi Ức Về Cha Tôi Của Tôn Nữ Hỷ Khương (Lê Ðình Cai)

"Anh Biết Em Yêu Dấu" của Hà Nguyên Du (Lê Mộng Nguyên)

 


 

Thông báo

Ðại Học Hè Khóa VII & Tuần lễ Xã Hội Kỳ V

Tháng 8/2003, Tại trung tâm văn hóa Violau gần Augsburg và Muenchen, Ðức quốc

 

TT Nguyễn-Trường-Tộ sẽ tổ chức khóa VII Ðại Học Hè từ 3 đến 10 tháng 8 năm 2003 tại trung tâm văn hóa Violau, Augsbourg, Ðức (gần thành phố Munich) với chủ đề tuổi trẻ VNHN và sinh hoạt cộng đồng; và Tuần Lễ Xã Hội kỳ V từ chiều thứ năm 07/08/2003 đến tối thứ bảy 09/08 năm 2003 với chủ đề song song: thực trạng và tương lai của Cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại.

 

I- Nội dung các chủ đề: Sinh Hoạt Cộng Ðồng

a/ Ðại Học Hè:

ÐHH năm 2003 đặc biệt đề nghị với các bạn trẻ:

Có một cái nhìn tổng quát nhưng cần thiết về lịch sử Việt Nam: nhấn mạnh từng giai đoạn phát triển, các biến cố chính, một số tên tuổi cần ghi nhận.

Tiếng Việt căn bản, nói và viết cho một số học viên

Các yếu tố cần cho bất cứ một sinh hoạt nào trong cuộc sống (định hướng công việc, nhân sự, phương tiện vật chất, kỷ thuật tổ chức điều hành)

Tinh thần phục vụ cộng đồng, sinh hoạt nhóm và phát triển nhân cách

Kỷ thuật nói trước công chúng, làm một dự án nhỏ, viết một bài diễn văn

Ðại Học Hè nơi gặp gỡ các bạn trẻ Việt-Nam đến từ muôn phương: Các bạn trẻ có dịp gặp các bạn cũ, kết thân bạn mới...

Ðại Học Hè với những buổi sinh hoạt nhóm, soirée dansante, dạo phố chung...

b/ Tuần Lễ Xã Hội:

Nhận định khách quan thực trạng của cộng đồng người Việt hải ngoại và định hướng tương lai:

- Sau giai đoạn định cư, đã đến lúc cần suy nghĩ đến giai đoạn phát triển hay chưa?

- Thực trạng: nhu cầu nhận định khách quan, thiết thực và trách nhiệm; nhu cầu trao đổi và hợp tác tích cực với xã hội và các cộng đồng địa phương... để hội nhập với trào lưu dân chủ của xãhội chung quanh và các thế hệ trẻ.

Những vấn đề liên quan đến mối căng thẳng giữa nếp sống văn hóa đạo đức truyền thống, tình nghĩa và bổn phận trong gia đình Việt-Nam, và nếp sống văn minh cá nhân Tây Phương mà giới trẻ đã tiếp nhận.

Những lý do nào biện minh cho sự tồn tại của các sinh hoạt cộng đồng VNHN? Nếu các sinh hoạt cộng đồng ấy cần tồn tại, thì cần có những canh tân cải cách nào: tinh thần, nhân sự, đường hướng và kỷ thuật tổ chức?

Chúng ta sẽ nghe được những nhà chuyên môn trình bày với chúng ta những đề tài liên quan đến chủ đề thảo luận.

Chúng ta có cơ hội ôn lại với nhau những kỷ niệm êm đẹp, chia sẻ những ư tư và dự kiến cho tương lai cộng đồng, trao đổi những thao thức của mỗi người, mỗi nhóm trong tình thân hữu.

Chúng ta có một cuối tuần nghỉ hè thoải mái với gia đình, bên cạnh những sinh hoạt văn nghệ đầy tình quê hương.

 

II- Ðịa điểm và điều kiện ghi danh

a/ Ðịa điểm:

Ðại Học Hè và TLXH sẽ tổ chức tại Trung Tâm

Bruder-Klaus-Heim

St. Michael Strasse 15

D-86450 Violau - Altenmunster

Tel. 0049-8295-1097

Fax 0049-8295-499

E-mail: 082951097@t-online.de

www.Bruder-Klaus-Heim.de

Một địa điểm sinh hoạt văn hóa của giáo phận Augsbourg. Các phòng ốc ăn ở và sinh hoạt cũng như khung cảnh chung quanh rất lý tưởng. Trung Tâm có sân để đá banh, bóng bàn để thi đấu, hồ bơi nước ấm để tắm, hồ để bơi thuyền, vườn cây, các loại gia súc, sân nghỉ và nướng bánh...

Vùng nầy có nhiều chỗ để tham quan trong ngày du ngoạn : Nhà thờ Baroque "Wies" đẹp nhất Âu Châu, lâu đài Thiên Nga Neuschwanstein , một kỳ công, thành phố cổ 2000 năm Augsburg, lũy Wartburg và Nordlingen thời Trung Cổ, trại tập trung Dachau, thành phố Muenchen (Munich) nổi tiếng... Trung tâm giải trí Lego lớn nhất Âu châu cũng vừa khánh thành năm ngoái cách đó 15 km, rất hợp cho trẻ nhỏ.

b/ Ghi danh:

Lệ phí:

Ăn ở một tuần trọn (3-10 tháng 8) cho Ðại Học Hè: 200 Euro

Ăn ở từ chiều thứ năm đến chủ nhât (7-10 tháng 8) cho tuần lễ xã hội: 90 Euro

Khi ghi danh xin ứng trước 100 Euro (ÐHH), hoặc 50 Euro (TLXH)

Ghi danh: Tại Văn Phòng Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn-Trường-Tộ

13 g rue de l'ILL. - F 67116 REICHSTETT France

Tel 00 33 3 88 20 58 22 - E-mail dangtruc@evc.net

 


 

Thế Giới Hiện Ðảo Ðiên

Trên Năm Trận Tuyến Toàn Vũ Hóa

Lâm Lễ Trinh

 

Một Tết Quý Mùi u ám trước mắt. Nhân loại đón Xuân 2003 trong hoang mang và lo âu. Hoang mang về chính sách nửa cân hai lượng của siêu cường Hoa kỳ đối với Iran và Bắc Hàn. Lo âu vì cuộc tương sát tương tàn Palestine - Do Thái có cơ đẩy địa cầu vào thế giới chiến tranh. Hoạt động phá hoại tiếp tục của nhóm al Quaeda cho thấy các chính phủ không dễ bứng gốc những hệ thống phân tán và vô tổ quốc đang di chuyển mau lẹ và tự do qua các biên thùy quốc gia. Giới truyền thông quốc tế dốc hết chú ý vào cuộc chiến chống khủng bố nhưng không mấy lưu tâm đến năm trận tuyến toàn cầu khác, hệ trọng không kém, vì xử dụng nguồn tài chính dồi dào và nhiều cá nhân quyết liệt trong việc buôn lậu ma túy, võ khí, nô lệ, tiền bạc và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Chính trị và cuồng tín thúc đẩy dân khủng bố trong khi lợi nhuận là mục tiêu tối thượng của giới gian thương. Tuy nhiên, trong cả hai lãnh vực, tác hại đều gây đảo điên như nhau cho nhân loại.

Khuynh hướng toàn cầu hóa thị trường, nhu cầu liên kết chặt chẻ chính trị và kinh tế, những thay đổi mau lẹ trong phạm vi truyền thông và việc cải tiến lưu thông để thu ngắn khoảng cách địa dư đã vô hình chung giúp các hệ thống tội ác mở rộng. Thêm vào đó, sự cần thiết thu hút đầu tư liên quốc, tình trạng eo hẹp của ngân sách quốc gia và trào lưu phân quyền hành chính, giãm thiểu luật lệ và tư hữu hóa tài sản khiến trách vụ của các chính phủ trở nên phức tạp. Nhân viên thuế vụ, luật sư và quan tòa không thể một mình giải quyết vấn đề to lớn này. Cần tuyển thêm gián điệp, binh lính, chuyên viên ngoại giao và kinh tế biết xữ dụng thích ứng tâm lý và luật pháp. Cần xét lại toàn bộ các chủ thuyết và cơ chế.

 

I - Năm Trận Tuyến

Hảy thoáng xem hằng ngày bất cứ nhật báo nào trên thế giới cũng sẽ thấy dẫy đầy tin tức về di cư bất hợp pháp, ma túy, nhập súng lậu, rửa tiền và hàng hóa giả mạo. Các phương tiện - tài chính, nhân sự, kỹ thuật và cơ chế - được nhà chức trách dùng để đối phó quả thật không ít. Số nạn nhân, tuy nhiên, không ngớt gia tăng. Một sự thật phải công nhận là các chính phủ đối đầu một hiện tượng tội ác mới với những công cụ lỗi thời, luật lệ không thích ứng, thủ tục thư lại nặng nề và chiến thuật sai trật. Bởi thế, không lấy làm lạ nếu chính quyền thất bại.

A - Ma Túy

Quần chúng nghe nói về trận tuyến này nhiều nhất. Năm 1999, bản phúc trình "Human Development Report" của Liên Hiệp Quốc cho biết thị trường hằng niên buôn lậu ma túy trị giá đến 400 tỉ mỹ kim, tức 8% của thị trường quốc tế. Nhiều nước xác nhận mức tiêu thụ ma túy tăng lên đáng ngại. Ðể mua tin tức và truy nả gian thương, mỗi năm Hoa kỳ xài từ 30 đến 40 tỉ đô-la trong chiến dịch chống ma túy. Tuy nhiên vẫn không thắng nổi hoạt động của các tổ hợp drug cartels. Tháng 3 năm 2002, Quan thuế biên phòng Mỹ khám phá được một đường hầm bí mật chuyển từ Mễ Tây Cơ qua Hoa kỳ nhiều tấn ma túy và nhiều tỉ mỹ kim bạc mặt. Tại Pérou, Colombia và Bolivia - mặc dù có Kế hoạch Colombia để ngăn chận, với sự ủng hộ của Hoa kỳ - diện tích trồng cây coca tăng từ 206,200 héc-ta năm 1991 lên 210, 939 héc-ta năm 2001. Tại Mỹ, giá mổi gram cocaine sụt từ 152 đô xuống còn 112 đô.

B - Buôn Lậu Vũ Khí

Ma túy và võ khí đi đôi với nhau. Năm 1991, Quân đội Pérou thả dù 10,000 AK-47 để giúp nhóm Cách mạng võ trang Colombia, gồm có những du kích quân liên hệ mật thiết với tổ chức trồng cây ma túy. Võ khí này mua từ Jordanie. Theo Liên Hiệp Quốc, các lực lượng an ninh của Chính phủ hiện chỉ xữ dụng 18 triệu (tức lối 3%) trong 550 triệu súng nhẹ. 20% của tổng số đem bán lậu và hằng năm, lợi tức thu nhập lên đến một tỉ đô la. Năm 2001, các vụ đụng độ địa phương gây thiệt mạng cho 1,000 người mỗi ngày, 80% là đàn bà và trẻ nít. Trên thị trường lậu võ khí, còn có thể mua nhiều loại chiến xa, hệ thống ra- đa truy tầm hỏa tiển Stealth và kỹ thuật chế tạo võ khí tiêu diệt số đông.

Nguy hơn thế, cơ quan quốc tế The International Atomic Energy Agency còn cho biết rằng trong những thập niên gần đây nhiều trăm vụ mua bán bất hợp pháp chất liệu chế tạo võ khí hạt nhân, sinh học và hóa học bị điều tra. Khách hàng gồm có những cường quốc nguyên tử và luôn cả các tổ chức khủng bố. Luật cung cầu làm tăng giá cả và khuyến khích mạnh hoạt động phi pháp. Trên một phần năm của 120,000 chuyên viên phục vụ trước đây trong các trung tâm hạt nhân của Nga sô với lương rẻ mạt (hơn phân nửa lãnh $50 mỹ kim hằng tháng) tuyên bố họ sẵn sàng nhận việc ở nước ngoài. Lệnh phong tỏa của Liên Hiệp Quốc không ngăn được Nam Tư và Ukraine bán cho Iraq bộ phận chiến đấu cơ và hệ thống ra-đa Kolchuga. Năm 2001, Hoa kỳ phủ nhận Hiệp ước toàn cầu kiểm soát võ khí nhẹ, viện lẽ văn kiện này trái với quyền công dân Mỹ được mang súng. Năm 1986, tại Kolowa, Kenya, một khẩu AK-47 đổi lấy 15 con bò. Nay, giá sụt, chỉ còn 4 con.

C - Quyền Sở Hữu trí Tuệ

Năm 2001, Hoa kỳ bị thiệt hại 9 tỉ mỹ kim vì sự vi phạm quyền trước tác. Tỷ lệ làm trộm dĩa mềm software trên thị trường tại Nhựt và Pháp là 40%, tại Hy lạp và Nam Hàn 60%, tại Ðức và Anh 30%. 40% shampoo gội đầu hiệu Procter & Gamble và 60% xe gắn máy Honda bán tại Trung Quốc năm 2001 đều là giả mạo. 50% dược phẩm bán tại Nigeria và Thái Lan không phải thứ thiệt. Vấn đề không chỉ giới hạn đến hàng hóa tiêu thụ: Tại Ý, các nhà chế tạo nắp hơi kỷ nghệ (industrial valves) than phiền rằng Trung quốc làm giả và bán 40% rẻ hơn. Kỹ thuật thêm tinh vi càng đẩy mạnh luật cung cầu trên thị trường làm đồ giả: 500,000 phim xi nê trao đổi hàng ngày qua cơ sở dịch vụ Kazaa và Morpheus. Năm 2002, 900 triệu bản nhạc lấy ra miễn phí từ internet để phổ biến. Ðồng hồ "dỏm" của những hiệu danh tiếng Rolex, Prada và Cartier xuất xứ từ Trung quốc bán mọi nới, dưới 100 mỹ kim một chiếc (trong khi giá chính thức là 5,000 đô la). Trung cộng và Bắc Hàn khai thác triệt để nhân công rẻ mạt trong các nhà tù và trại lính.

Các chính phủ đã thử bảo vệ quyền trước tác bằng mọi cách, qua Hiệp ước TRIPS (Agreement on Trade-Related Aspects of Intellectual Property Rights) của cơ quan World Trade Organization; qua Liên hiệp Quốc tế Quan thuế (World Customs Union) và qua tổ chức Interpol. Nhưng kết quả không mấy khích lệ.

D - Việc Nhập Cư Người Lậu

Theo Liên Hiệp Quốc, kỹ nghệ này thịnh hành nhất vì hằng niên đem lại 7 tỉ đô-la lợi tức. Mỗi năm lối 500,000 người nhập cảnh bất hợp lệ Hoa kỳ. Gần đồng con số ấy vào lậu Liên hiệp Âu châu. Một phần của lối 150 triệu dân sống ngoài quốc gia nơi sinh quán. Nhiều người tình nguyện di cư từ Trung hoa qua New York phải trã trung bình 35 nghìn mỹ kim chi phí cho giới mối lái. Một số khác bị mua và bán như hàng hóa quốc tế. Cơ quan nghiên cứu The US Congressional Research Service xác nhận rằng mỗi năm, có từ một đến hai triệu người bị đưa lậu như thế qua các biên giới, phần đông là trẻ con và đàn bà. Một phụ nữ, mua tại Timisoara, Roumanie, giữa 50 và 200 mỹ kim, được đem bán lại ở Tây Âu 10 lần mắc hơn. Tổ chức The United Nations Children's Fund cho biết hằng niên bọn buôn người ở Trung Phi và Tây Phi "xuất cảng" 200,000 trẻ nít. Chúng dụ khị bằng cách hứa hẹn cung cấp phương kế sinh nhai hay đưa làm con nuôi trong các xứ giàu có và sau đó, chúng đối xữ với các nạn nhân như nô lệ, hành hung thể xác, tịch thu thẻ thông hành, hăm dọa và buộc trả nợ dài dài.

Chính phủ khắp nơi ban hành luật di cư cứng rắn và xử dụng tiền bạc và kỹ thuật để chận làn sóng nhập cư phi pháp. Tuy nhiên khả năng kiểm soát không đáp ứng tình thế nghiêm trọng.

E - Nạn Rửa Tiền (money laundering)

Ðảo Cayman Islands có 36,000 dân, đồng thời cũng có trên 2,200 quỹ tương trợ (mutual funds), 500 hảng bảo hiểm, 60,000 công ty và 600 ngân hàng và công ty tín dụng với 800 tỉ mỹ kim tích sản. Vì thế, không lấy làm lạ đảo này là một trung tâm rửa tiền. Hoa kỳ cũng thế. Nhiều ngân hàng lớn tại đây đã từng bị điều tra về dịch vụ rửa tiền, trốn thuế và gian lận. Ít quốc gia nào có thể vỗ ngực cho rằng mình trong trắng và không giúp đở cá nhân hay công ty dấu diếm tiền của (tiền cờ bạc, tiền trốn thuế hay tiền bất chính...) bị chính phủ, chủ nợ, hợp tác viên hay thân nhân trong gia đình đe dọa sai áp.

Thị trường buôn lậu giấy bạc, tiền vàng và quý vật có từ lâu. Hai thập niên gần đây, những khuynh hướng chính trị và kinh tế mới và các thay đổi kỹ thuật đã giúp thương nghiệp này trở nên dễ dàng, bớt tốn kém và ít nguy hiểm hơn. Sự giản dị hóa luật lệ trên thị trường kinh tài và hệ thống internet làm cho động tác chuyễn ngân liên quốc gia thêm mau lẹ. Tại nước Nga, giữa thập niên 90, các tổ chức tội ác đã gầy dựng được 700 cơ sở kinh tài chính thức để rửa tiền của chúng. Gian thương hân hoan khai thác việc đem ra áp dụng rộng rải gần đây thẻ chuyển tiền điện toán e-money-cards với microchips chứa những ngân khoản to lớn mà khỏi đi ngang qua các hệ thống thông thường.

 

II - Vì Sao Các Chính Phủ Không Thể Thắng?

Trong thập niên chót của thế kỷ, năm trận chiến toàn vũ hóa trên đây tiếp tục tăng cường độ nhờ nhiều yếu tố thuận lợi: lãnh vực kỹ thuật không ngưng cải tiến, mãi dịch tự do mổi ngày thêm mở rộng, luật lệ quốc tế về cấm vận, hiệp ước, biện pháp chế tài...vv... được chấp nhận tại nhiều nơi, làn sóng di cư không chận nổi, khái niệm dân chủ áp dụng lỏng lẻo trong chính trường, làm suy yếu các cơ chế và khuyến khích tham nhũng...

Năm trận tuyến toàn cầu hóa có bốn đặc tính chung: 1) Không bị ràng buộc bởi yếu tố địa dư, vì khó thể xác định đâu là sân khấu, tiền tuyến, trận mạc hay chiến hào của các tội ác thường đổi thay nhanh chóng. 2) Thách thức các quan niệm cổ điển về chủ quyền quốc gia, vì các băng đảng tội ác vô quốc tịch và trung thành với một chủ trương chớ không phải với một nước 3) Dùng những lợi nhuận bất chính trên thị trường như sức mạnh kích thích để qua mặt luật lệ của chính phủ 4) Vô hiệu hóa các tổ chức thư lại rườm rà của chính quyền bằng một hệ thống uyển chuyển, không có lãnh đạo trung ương, không có tổng hành dinh và đẳng cấp, vì thế không dễ bị tấn công. Hảy so sánh với việc thành lập mới đây Bộ An ninh Quốc Nội tại Hoa Kỳ gồm có 22 cơ quan Liên bang củ và 170,000 viên chức với trách nhiệm, trong nhiều chức vụ khác, chống ma túy.

 

III - Thử Ðặt Lại Vấn Ðề

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia từng nghiên cứu vấn đề, các chính phủ có thể làm tốt hơn, dù không thể cấp thời giải quyết tận gốc năm cuộc chiến nêu trong bài này. Sau đây xin tóm lược một số đề nghị cải cách thiết thực liên hệ đến bốn lãnh vực:

1 - Khai triển những ý niệm uyển chuyển hơn về chủ quyền quốc gia. Ngày nay, mối đe dọa chủ quyền quốc gia thường đến không phải từ các xứ khác mà từ những hệ thống vô quốc tịch chuyên vi phạm luật lệ và biên giới để kinh doanh. Tháng 5.1999, chính quyền Vénézuéla từ chối cho phép phi cơ Hoa kỳ bay trên không phận nước này để theo dõi con đường chuyển hàng của các con buôn ma túy. Nói cách khác, nhà chức trách Vénézuéla coi sự vi phạm thường xuyên không phận của mình bằng những máy bay của gian thương ít nghiêm trọng hơn. Các chính phủ sẽ tiếp tục gặp nhiều bất lợi trong việc đối phó tội ác quốc tế nếu không chấp nhận các hình thức mới trong việc quy định và quản lý chủ quyền quốc gia.

2 - Cũng cố những cơ chế đa phương hiện hữu. Vì các cuộc chiến này có tính cách toàn cầu nên không có một đại cường nào, dù mạnh cách mấy về kinh tài, chính trị và quân sự, có thể thu nhiều kết quả nếu hành động đơn phương. Interpol - một tổ chức liên quốc có trách nhiệm bài trừ tội ác quốc tế - chỉ có 384 nhân viên (trong số ấy 112 mà thôi là sĩ quan cảnh sát) và một ngân sách hằng niên 28 triệu đô-la (ít hơn trị giá của vài chiếc tàu và máy bay dược các lái buôn ma túy xữ dụng!) Tổ chức Europol, tức Interpol của Âu châu, khá hơn, có 240 nhân viên và một ngân sách 51 triệu mỹ kim. Lý do thiếu phương tiện của Interpol là vì 181 nước thành viên không tin lẫn nhau. Họ e ngai - và cũng có lý! - rằng các hệ thống tội ác toàn cầu cài gián điệp vào bộ phận cảnh sát của những xứ khác và như thế, chia xẻ tin tức sẽ gây nguy hiểm. Một số quốc gia lại lo sợ đồng minh hôm nay có thể trở thành địch thủ ngày mai. Sau hết, những cách biệt văn hóa cản trở không ít sự cọng tác. Tóm tắt, khó thu được kết quả thực tế nếu các chính phủ không đồng tâm siết chặt hàng ngủ sau lưng những cơ cấu mạnh và hữu hiệu hơn.

3 - Tạo ra những cơ cấu và thể chế mới. Các trận giặc tội ác lan rộng toàn cầu, vì thế vượt dễ dàng ra ngoài vòng kiểm soát của nhiều phương tiện lổi thời hiện hữu của chính quyền (cơ cấu, luật lệ, chủ trương quân sự, võ khí và cách chấp hành pháp luật). Các phân tích gia cho rằng cần quan niêm lại thế nào là "trận tuyến" về mặt địa dư và mặt khác, định nghĩa rỏ ràng danh từ "chiến binh" theo Hiệp ước Genève. Ðồng thời, cũng phải tái xét chức vụ của các nhân viên tình báo, binh sĩ, cảnh sát viên và nhân viên di trú để cho thích hợp với những thực tế mới. Sau hết, quyền sở hữu cần được xem như một thực tiển vật chất (a physical reality) thay vì trừu tượng (virtual).

4 - Chuyển từ chủ trương trừng trị (repression) qua chủ trương quy định (regulation). Ðánh bại những tổ chức gian manh trên thị trường là một việc làm "đội đá vá trời." Bởi thế, trong một số trường hợp, chính quyền phải đổi chiến thuật, thí dụ bằng cách hiệu chính lại luật lệ, áp dụng kỹ thuật một cách thích ứng, đặt ra những biện pháp kích thích thị trường (market incentives)...vv...

*****

Ma túy, võ khí, quyền sở hữu trí tuệ, nô lệ và tiền bạc không phải là những món hàng duy nhất để các hệ thống quốc tế trao đổi bất hợp pháp. Chúng còn mua bán những bộ phận cơ thể con người (human organs), các động vật khan hiếm bị đe dọa (endangered species), sản phẩm mỹ thuật trộm cắp và chất phế thải gây nguy hiểm (toxic waste) Thương nghiệp này phát triển mau chóng trên toàn vũ nhờ những khám phá kỹ thuật mới và những thay đổi chính trị dắc dẫn đến việc mở thêm nhiều tân thị trường.

Tại Hoa kỳ, hiện 70,000 bệnh nhân ghi tên trên danh sách chờ đợi được thay gan, thận, giác mô... Chỉ có 20,000 người được cứu chửa. Những tên lái buôn bộ phận (organ brokers) đòi số tiền cao. Ở Ấn độ, mỗi năm, lối 2,000 dân nghèo chịu bán bộ phận của họ. Nhiều cá nhân bị ép buộc hiến dâng bộ phận. Các tử thi cũng bị khai thác thẳng tay. Thí dụ, tại Ðức và Áo, nhà chức trách vừa rồi khám phá vụ mổ xác chết của các những cùng đinh gốc Nam Phi để lấy van tim.

Vụ mua bán thú rừng sống cho các sở thú, da cọp, ngà voi, thực phẩm quý caviar, gổ quý, nhạc cụ bằng cây, thuốc men, kỷ vật du khách..vv... đem lại nhiều trăm triệu mỹ kim.

Các tác phẩm mỹ thuật (tranh ảnh, đồ chạm...) ăn cắp từ các viện bảo tàng, nạn nhân Holocaust, phòng trưng bày, sưu tập cá nhân.., các bức tượng xưa gở từ những nơi cổ tích danh tiếng...vv..., trị giá từ 2 đến 6 tỉ đô-la, được chuyển bán trên thị trường quốc tế. Những quốc gia bị trộm quý vật nhiều nhất gồm có Nga sô, Tiệp khắc, Ba lan, Việt Nam, Cam bốt....

Sự canh tân hệ thống chuyên chở hàng hải, việc siết chặt luật lệ về môi sinh trong các nước kỹ nghệ đi đôi với quyết định cho các xứ nghèo gia nhập vào tổ chức kinh tế toàn vũ và những phương tiện tân tiến trong lãnh vực truyền thông đã tạo ra một thị trường quốc tế rộng lớn trao đổi chất phế thải. Theo cơ quan Greenpeace, trong vòng hai thập niên trước năm 1989, phỏng chừng 3,6 triệu tấn phế chất nguy hiểm được xuất cảng. Năm năm sau 1989, số lượng tăng lên lối 6,7 tỉ tấn. Green peace, mặt khác, xác nhận từ 86 đến 90% của tổng số các chuyến tàu chở đồ phế chất qua các quốc gia mở mang để biến hóa và tái dụng, gây thương tổn nặng nề cho môi sinh và sức khỏe của đại chúng.

Nguy hơn thời kỳ chiến tranh lạnh và nóng, thế giới ngày nay bị thách đố nghiêm trọng và nhận được một sự báo động khẩn thiết. Các chính phủ cần thức tỉnh và sáng suốt tìm ra những chiến thuật mới để đối phó. Bằng không Nhân loại sẽ không xa bờ vực thẳm.

 

Lâm Lễ Trinh

Ngày 1.1.2003

Thủy Hoa Trang, Californie

 

Thư Tịch:

1."Crimes, Illicit markets and Money Laundering" by Phil Williams (Chantal De Jonge Oudraat, eds

2. "Illicit Global Economy and State Power" by Richard Friman & P.Andreas (Lanham Rowman eds)

3."Ittellectual Property Rights in the Global Economy", Institute for International Economics, 2000

4."The 5 Wars of globalization" by Moises Naim (Foreign Policy, Jan/Feb 2003)

5. "The global Black Market in small arms" (LondonZed Books, 2000 edited by Lora Lumpe

 


 

Trí Thức Việt Nam

Ngươi Là Ai?

Bửu Sao

 

Nhận Ðịnh Về Bài Nói Chuyện Của Nhà Văn Phạm Thị Hoài

Bàn về người trí thức Việt Nam, nhà văn Phạm Thị Hoài xin mọi người chấp nhận một quy ước: "nói đến người trí thức Việt Nam ở đây là nói tới những người mà do học thức, trình độ, môi trường sống, thói quen, hoặc thậm chí do ngẫu nhiên cũng được, mà hoạt động trí thức và tinh thần là thường trực, hoặc chủ yếu, hoặc đóng một vai trò đáng kể". Ðúng thế: nhà thơ thì làm thơ, nhà văn thì viết văn, và người trí thức thì hoạt động trí thức: với một định nghĩa vô thưởng vô phạt như thế, mọi người đều đồng ý. Nhưng khi nói đến tư cách chính thống của người trí thức Việt Nam, đấy gọi là nhai miếng trầu vào đầu câu chuyện. Theo bà Phạm Thị Hoài, người trí thức Việt Nam qua mọi diễn biến của thời cuộc vẫn còn là những cậu, những cô học trò quanh năm đèn sách nhằm đạt được vị thế của nho nhân, kẻ sĩ; họ vẫn chưa dẹp bỏ được cái nếp học trò của mình. Cố nhiên, một định nghĩa hoàn hảo về người trí thức không thể có được, song lấy hai vế trên đây, vế quy ước và vế tóm lược nhập lại chúng ta có thể hình dung được một phần nào cái diện mạo của người trí thức Việt Nam cổ điển.

Nay thử nhìn vào lịch sử chính trị và văn hóa Việt Nam: ba loại người trí thức sẽ hiện rõ nét với những bản chất cá biệt mà cấu trúc xã hội đã tác thành trong tiến trình diễn biến qua các thời đại:

Vào thời phong kiến, từ nhà Lý đến cuối thời Tự Ðức nhà Nguyễn, giới trí thức Việt Nam mang rõ bản chất "phò chính thống với tư cách quan văn".

Dưới hai thời thực dân: thực dân Pháp và thực dân bản địa cộng sản, từ 1986 đến bây giờ, lộ diện giới trí thức "quan võ, võ sĩ, hay đạo sĩ, khi mà sự vật dường như không thể giải quyết nổi theo các tiêu chí của nho sĩ..."

Từ 1954 đến 1975 tại miền Nam, và sau 1989 trên toàn quốc, với sự thế đổi dời, "cặp bài trùng trí thức và quyền lực được tách rời nhau ra" để tác thành những người trí thức dấn thân và đối lập. Tuy con số còn ít ỏi, nhưng loại trí thức này đang bành trướng mạnh. Với sự tiếp sức từ nước ngoài nó sẽ gây nên một đối lực chuyển hóa mãnh liệt trên chính trường quốc nội, phác họa một đường hướng sáng sủa hơn cho tiền đồ dân tộc.

Trước khi bàn về tư cách "quan văn" của giới trí thức Việt Nam thời phong kiến, một sự kiện lịch sử cần được đính chính ngay tại đây. Bà Phạm Thị Hoài nói: "... sau ít nhất là 2000 năm... chúng ta vẫn là một nước nghèo và lạc hậu nhất thế giới và chưa bao giờ chúng ta không như thế". Nếu đọc kỹ các tài liệu sưu tầm lịch sử tức sẽ nhận thấy rằng dưới các thời Trần, Lê, Nguyễn, và gần đây hơn, dưới thời kỳ Nam Bắc phân tranh, nghĩa là trong ít nhất là 1000 năm lịch sử, dân Việt đã có ít nữa là một lần không như thế, và theo tôi nghĩ thì rất có thể là nhiều lần không như thế. Các sử gia thời trước chưa dựa được vào các dữ kiện thống kê để phán quyết về tỷ số dân nghèo và lạc hậu, nhưng qua các tài liệu Lê Quý Ðôn, Phan Huy Chú, Trịnh Hoài Ðức, và qua các tập viễn du ký của người Âu thì vào các thời đó, tỷ số dân nghèo là bao nhiêu trong xã hội? khó mà quyết đoán được, nhưng điều chắc chắn là không đạt đến mức 80% dân số như hiện thời khiến nước Việt Nam phải "đội sổ". Vậy không phải vào thời nào Việt Nam cũng đội sổ trong số phận một quốc gia nghèo nàn và đói kém nhất thế giới được.

Bây giờ bàn về tư cách "quan văn" của giới trí thức Việt Nam. Từ đầu thế kỷ XVII, do sự hội nhập nhanh chóng và tự do của người dân vào thị trường quốc tế, ngoài bọn "trí thức tác phong quan văn" của chế độ phong kiến, giới trí thức sinh ra trong hạng trung lưu nhà nông thời đó đã phát triển mạnh nơi chốn thôn dã là đất dụng võ của họ. Ngay từ thời nhà Lý giới trí thức bình dân này đã lập ra hương ước, cũng được gọi là lệ làng mà dân chúng còn coi trọng hơn cả luật vua nữa! Sở dĩ nước Việt Nam vẫn tồn tại sau gần 1000 năm Bắc thuộc là vì tinh thần hào hùng bất khuất của nòi giống Lạc Việt còn thâm căn trong đám trí thức nhà nông, đối lập với triều thần các vua chúa. Cuốn sách nhan đề Rêves, Souvenirs, Commentaires (Mơ Ước, Kỷ Niệm và Chú Giải) của Nguyễn Khắc Viện tuy không đồng quan điểm với Phạm Thị Hoài về tình trạng tụt hậu và yếu kém của dân Việt, nhưng cũng mang cái dấu ấn mặc cảm tự ti của những người đã từng chịu sự chi phối của học thuyết duy vật sử quan. Trong khi lịch sử Việt Nam chứng minh bao nhiêu cuộc đấu tranh chống bạo quyền là do giới trí thức nông thôn thuộc giai cấp trung lưu lãnh đạo; trong khi giới trẻ Việt Nam thời nay tự hào nhắc nhở phải "làm sao cho ngang thời xưa", thì những người đã một thời chịu ảnh hưởng của ý thức hệ Mác Xít vẫn xem lịch sử Việt Nam như là một lịch sử tranh đấu trường kỳ và hầu như vô vọng của giới bần cố nông chống cường quyền dưới một thời phong kiến chưa dứt, phải chờ đến cuộc cách mạng vô sản Mác - Lê mới mong giải quyết được.

Ðến khi bà Phạm Thị Hoài mô tả tư cách chính thống, học trò, của trí thức Việt Nam dưới chế độ cộng sản, với bản tính yêu địa vị, duy ý chí, chuyên bạo lực, trong một chính quyền nửa phong kiến nửa thực dân, ở đây bà đã cung cấp một lời chứng trung thực và bi đát về tình trạng Việt Nam đương đại này. Trong khi quan thầy Mao Trạch Ðông gọi bọn trí thức không hơn cục phân thì tìm đâu ra một người trí thức chính hiệu ngoài giới quan thầy "xếnh xáng"? Trong khi những người trí thức chính hiệu Nguyễn Mạnh Tường, Trần Ðức Thảo v.v... vì đã trót hơn cục phân nên đã bị trù dập, phải ăn cóc ăn nhái để còn tồn tại thì các nhà trí thức "chính thống" u mê thuộc giới lãnh đạo học làu làu cuốn sách đỏ để theo đường lối quan thầy Mác - Lê bần cùng hóa nhân dân Việt Nam ngõ hầu có cơ may toàn trị. Nhà trí thức Mác Xít Nguyễn Khắc Viện, trong chức vụ lãnh đạo chính trị nhóm "Việt kiều yêu nước" tại Pháp vào các năm 1952-1963, và cố vấn chính trị của nhà cầm quyền Hà Nội từ 1963 đến 1984 đã đề cập đến Khổng nho như một đường lối rất chính thống trong công cuộc lãnh đạo nhân dân. Nguyễn Khắc Viện đã dùng hơn một nửa cuốn sách của ông để trình bày về vai trò của học thuyết Khổng giáo trong công cuộc gọi là "giải phóng" quê hương Việt Nam. Ông nói: "Học thuyết mácxít đã thừa kế khổng học để cống hiến một căn bản cho học thuyết chính trị, xã hội Việt Nam, giúp giải quyết những vấn đề thực dụng... Hai học thuyết này có liên hệ trong quá trình diễn biến lịch sử ngoài mọi cuộc đối chọi hàn lâm." (sđd. Trang 96: Le marxisme a succédé au confucianisme pour donner au pays une doctrine politique et sociale, pour lui permettre de résoudre des problèmes pratiques; il se heurtera au confucianisme, il le rencontrera sur le terrain de l'évolution historique, et non au cours de joutes académiques). Cuốn sách viết bằng tiếng Pháp này dưới nhan đề Mơ Ước, Kỷ Niệm và Chú Giải (Rêves, Souvenirs, Commentaires) của ông đã phác họa một chính sách Mác - Lê - Khổng hòa hợp trong niềm mơ ước hảo huyền của chế độ. Chỉ khi thần chết gần kề, người trí thức Nguyễn Khắc Viện mới sáng mắt ra nhìn rõ sự thật vô cùng bi đát rồi nấc lên một tiếng thét rùng rợn khi trút hơi thở cuối cùng. Thật ra, từ đầu, nhà trí thức Nguyễn Khắc Viện đã là khán giả cùng là cố vấn của màn bi kịch Việt Nam để phải gánh chịu một phần trách nhiệm: cuộc đấu tố trong vụ cải cách điền địa 1952-1956, cuộc sát hại và trù dập giới trí thức nhân vụ Trăm Hoa Ðua Nở, và gần đây, vụ dâng đất quê hương cho quan thầy Trung Quốc: tất thảy đều xuất phát từ sự vâng lời chấp nhất bề trên "xếnh xáng" của đám học trò u mê đần độn trong guồng máy lãnh đạo trung ương Hà Nội. Cũng như mọi trí thức chính thống khác, ông đã "há miệng mắc quai", nên không ú ớ được một lời nào. Tại đây làm sao nói ngược lại bài nói chuyện của nhà văn Phạm Thị Hoài được, ngoại trừ những câu chuyện đang nằm trong các trang sử như câu chuyện Nguyễn Trãi, câu chuyện Nguyễn Du, và gần đây, câu chuyện Phạm Quỳnh, câu chuyện Ngô Ðình Diệm? Nhà sử học Pháp Fustel de Coulanges đem ví môn sử học với Quốc Hội lập pháp: cũng có ba bên: trái, phải, trung. Mỗi bên trình bày thoải mái quan điểm của mình với vốn học thức, hoặc do môi trường sống cố hữu, vậy không nên mất thời giờ để bàn cãi làm chi.

Phần quan trọng đáng nói nhiều là từ đầu thế kỷ 20 trong cả nước, từ năm 1954 đến năm 1975 tại miền Nam, và từ 1975 đến bây giờ tại hải ngoại, đã có nhiều "cơ hội để cặp bài trùng trí thức và quyền lực có thể tách nhau ra được". Vào giai đoạn này một phần giới trí thức Việt Nam khi nắm được cơ may thoát khỏi xã hội đồng chí thì lại bước vào xã hội đồng sàng dị mộng, bất đồng quan điểm. Họ bất đồng quan điểm vì được toàn quyền hành sử tự do, đúng mức có bừa bãi có, tùy trình độ học thức của mình, và cũng tùy môi trường sinh hoạt. Hệ quả là gây sự phân hóa, xích mích trong các cộng đồng người Việt tại địa phương. Nói về chuyện bất đồng quan điểm ở nơi đây tôi xin góp ý về danh xưng "người Tàu". Vào thời nước Việt bị chia thành hai xứ: xứ Ðàng Ngoài và xứ Ðàng Trong. Khi dân xứ Ðàng trong thấy cùng một lúc đến 3000 người phương Bắc, nói tiếng lạ, đi tầu buồm năm lá khơi khơi cập bến, xin chúa Nguyễn cho tá túc, họ gọi nhau ơi ới: nè! nè! bà con ơi, mấy người tầu! Thì ra người Việt từ Bắc vào Nam quen đi đường bộ, có mấy ai đi tầu? Từ đấy người Trung Hoa được quen gọi là người Tầu. Ðấy chỉ là một sự kiện xin được đóng góp, không phải là một quan điểm để bàn cãi. Còn nói đến những người Việt vào năm 1954 đi tầu từ miền Bắc vào Nam, rồi vào năm 1975 từ miền Nam cũng đi tầu lan tràn khắp năm châu bốn bể, để rồi nay lại cũng đã mang cái tên là, boat people, "người tầu". Ðấy lại là vấn đề quan điểm. Sau gần 30 năm, số "người tầu" này đã đạt đến con số gần 2 triệu rưỡi, trong đám cũng tính đến trên dưới 400.000 người trí thức chuyên gia, tuy không chính thống, nhưng không còn bị chê là "cục phân" nữa. Thời thế đã đảo ngược quan điểm và Mao "xếnh xáng" lên tiếng sửa sai: các nị không pải cục pân mà đúng là cục bàng của tời tại. Rồi đám "người tầu" boat people này cùng đặt câu hỏi: chúng ta phải làm gì cho quê hương? Giới trí thức chính thống bên kia bờ tức tốc trả lời: xin mời bà con, cô bác, khúc ruột ngàn dặm, trở về để cùng xây đắp quê hương thân yêu! - Ðối với giới cầm quyền Hà Nội, mà nhà báo gọi là giới cầm tiền, nay choáng váng thấy lộ lộ trước mắt toàn là những cục vàng chính hiệu, những cục vàng có thể tạo ra vàng. Song xem ra thì những cục vàng này chỉ biến thành báu vật thơm tho khi nào nằm gọn trong lòng bàn tay của Ðảng ta! Nhưng khi rơi vào lòng bàn tay của giới cầm tiền, giới trí thức cục phân đột biến thành những con bò vắt sửa, vừa là phương tiện để thăng tiến cho mình vừa là lập kế thăng hoa cho cán bộ, rồi từ đó hóa thân thành "cái hèn, cái nhu nhược, cái cầu an"! Ở đây, nếu nói thêm nữa thì chỉ lặp lại lời văn của Phạm Thị Hoài mà thôi. Tôi chỉ xin ghi thêm một câu, bằng chữ vàng, là đủ: "khi tự đồng nhất mình ở mức độ cao như vậy với giai cấp thống trị, bất kể là giai cấp nào, thì cái bộ phận ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam là trí thức Việt Nam mặc nhiên đã đánh mất cái thôi thúc cải thiện, thay đổi, và cải cách xã hội."

Người ơi! Tại các quê hương thứ hai này, trong cảnh thanh bình an lạc, thay vì đi tìm sự đồng nhất để dồn nỗ lực vào công cuộc quang phục quê hương Việt Nam, người - tất thảy chúng ta - đang bày ra cảnh đồng sàng dị mộng, cũng vì mấy chữ tự do tư tưởng. Tại đây có lắm vấn đề từ chủ trương, đến kế hoạch thực hiện, toàn là những vấn đề quan điểm quan trọng cả, nhưng chỉ để quanh năm bàn đi tính lại. Ðể kết thúc, tôi xin ghi thêm một câu cuối cùng: "tại các chế độ dân chủ tự do, hoàn toàn không phải dính líu đến hệ lý luận mác-xít, hệ kiểm duyệt cộng sản... nhưng cái văn học ấy cũng không khá gì hơn ở trong nước, cũng trì trệ, lạc hậu, bảo thủ và tẻ nhạt... vậy lời đáp nằm ở đâu?" (Nguyễn Hưng Quốc).

 


 

Ðọc Hồi Ức Về Cha Tôi "Ưng Bình Thúc Giạ Thị"

Của Tôn Nữ Hỷ Khương

Lê Ðình Cai

 

Ở kinh đô Huế, không ai là không biết đến câu hò:

"Chiều chiều trước bến Văn Lâu

Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm

Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông

Thuyền ai thấp thoáng bên sông

Ðưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non"

Câu hò chuyển tải cả một trời tâm sự đầy nước mắt về một vị vua trẻ tuổi, sẵn sàng từ bỏ cung vàng điện ngọc, dấn thân vào chốn hiểm nguy để mong cứu lấy giang sơn gấm vóc đang đọa đày dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Vị vua trẻ tuổi đó là Duy Tân. Và, tác giả câu hò bất hủ đó là cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, "Một Thi Ông có tiếng của làng Nho nước nhà", mà trong giới tao nhân mặc khách từ trong Nam cho đến tận ngoài Bắc không ai là không nghe danh và biết tiếng.

Ưng Bình Thúc Giạ Thị là một đấng vương tôn, con cụ Hiệp Tú Tiểu Thảo Hường Thiết, cháu nội ngài Tuy Lý Vương Miên Trinh, đã đỗ cử nhân Hán học (1909), được bổ làm tri huyện, rồi tri phủ, bố chánh Hà Tĩnh. Khi về hưu được phong hàm Thượng Thư, Hiệp Tá Ðại Học Sĩ, từng giữ chức Viện Trưởng Viện Dân Biểu Trung Kỳ (1940-1945). (Giáo sư Bửu Cầm, người bảo trợ luận án cao học cho tôi ở đại học văn khoa Sài Gòn, cũng thuộc dòng dõi Tuy Lý Vương, cháu gọi cụ Ưng Bình bằng chú ruột). Cuộc đời hoạn lộ của cụ khá dài nhưng mục đích đời cụ lại là con đường nghệ thuật thi ca:

"Vỹ Dạ thôn có lão vương tôn là Thúc Giạ

Ưng ca, ưng hát, ưng giã gạo hò khoan

Ham vui điệu cổ thi đàn

Nghe câu tuyệt xướng muôn vàng cũng mua"

(Ưng Bình Thúc Giạ Thị)

"Ông sở trường về nhiều thể loại: thơ chữ Hán và quốc ngữ, tuồng và hò Huế, thể loại nào cũng nhuần nhị yếu tố nghệ thuật bác học với dân gian. Nhiều câu hò của ông đã thấm sâu vào lòng người một cách tự nhiên và trở thành câu hò dân gian phổ biến cả trong lẫn ngoài nước. Thơ chữ Việt của Ưng Bình Thúc Giạ Thị có trên ngàn bài, thơ chữ Hán có "Lộc Minh thi tập" gồm 227 bài, hát bội có tuồng "Lộ Ðịch". Một số tác phẩm của ông đã được xuất bản gồm: "Tình Thúc Giạ" (1942), "Bán Buồn Mua Vui" (1954), "Ðời Thúc Giạ" (1961), "Tiếng Hát Sông Hương" (1972), "Thơ Ca Tuyển" (1992). Trong số các tác phẩm đã xuất bản của ông, đáng chú ý có tuồng "Lộ Ðịch" xuất bản lần đầu năm 1936, tái bản năm 1959. Cốt truyện dựa theo tác phẩm "Le Cid" của nhà văn Pháp P. Corneille. Tuồng "Lộ Ðịch" được công diễn từ những năm 1928, đã gây tiếng vang trên sân khấu miền Trung và miền Nam một thời. Ðiểm đặc sắc ở tuồng "Lộ Ðịch" khác hẳn với nguyên tác "Le Cid" là kết cuộc, tác giả đã để nhân vật nữ chính Chi Manh đi tu để giữ được trọn vẹn phẩm giá người phụ nữ theo tinh thần Á Ðông.

Ngoài tuồng "Lộ Ðịch", ông còn viết tuồng "Tào Lao" dựa theo một chuyện xưa. Trong vở tuồng này, ông đã sử dụng tới 21 làn điệu dân ca xứ Huế..."

(Tôn Nữ Hỷ Khương, Hồi Ức Về Cha Tôi..., nxb Văn Nghệ, Sài Gòn, 2002 , tr. 14)

Ưng Bình Thúc Giạ Thị với sự nghiệp văn chương đồ sộ, nhất là công lao trong việc hình thành bộ môn nghệ thuật ca trù của Huế, quả thực đã đi vào trái tim của nhiều thế hệ qua dòng lịch sử văn học Việt Nam từ buổi giao thời tân cựu cho đến ngày nay.

Ðiều may mắn hơn nữa là gia tài văn học quý giá đó của cụ lại được người con gái mà cụ hết lòng yêu quý, Tôn Nữ Hỷ Khương, chắt chiu gìn giữ qua bao thăng trầm của đời người và bao đổi thay của thời thế. Nhờ vậy, mà các thế hệ sau này, trong nước và hải ngoại, vẫn dễ dàng tìm gặp lại các điệu hát, câu hò mà chính cụ đã từng sáng tác. Cuộc đời và thi ca của cụ, chắc chắn cũng như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, sẽ trở thành những đề tài nghiên cứu hàn lâm cho các sinh viên ngành văn chương và sử học để được cấp học vị Cao học hay Tiến sĩ...

Trở lại với cuốn sách "Hồi Ức Về Cha Tôi: Ưng Bình Thúc Giạ Thị" của Tôn Nữ Hỷ Khương. Tác phẩm này đã ấn hành vào năm 1996 và đã được tái bản vào năm 2002 với nhiều phần bổ sung. Sách chia làm nhiều phần: phần hồi ức của chính tác giả, phần ghi nhận cảm nghĩ của các bậc thức giả về nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, và phần trình bày một số thi ca mà chị Tôn Nữ Hỷ Khương đã sáng tác lấy từ nguồn hứng liên hệ đến người cha yêu quý và người mẹ thân thương.

Thực ra, chị Hỷ Khương đã đi theo con đường thi ca của cha mình từ lâu rồi, ngay khi chị còn là đứa bé lên mười! Bóng dáng người cha đã ảnh hưởng lớn lao trên đường hướng sáng tác của chị. Từ "Ðợi Mùa Trăng" (1964) đến "Mộng Thanh Bình" (1970) cho đến về sau này "Còn Gặp Nhau" (1999), rồi mới đây "Bâng Khuâng Tình Khúc" (2001), người đọc đều thấy rõ hình ảnh trùm phủ trên dòng thơ của chị là vị tiên ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Vì thế, không ai ngạc nhiên khi bắt gặp được trong "Hồi Ức Về Cha Tôi..." biết bao hình tượng đầy xúc động và biết bao hồi tưởng ngọt ngào, đọc lên thấy cái gì đó cay cay trong lòng mắt:

"Trăng vẫn sáng, tình trăng gợn sóng

Nước vẫn vàng, xao động nước Hương Giang

Ngự Bình mộng vẫn chứa chan

Trăng xưa, nước cũ, mơ màng bóng ai...

Mấy chục năm qua vẫn nhớ Người

Dáng hình từ phụ chẳng hề phai

Lời xưa di huấn thời son trẻ

Con vẫn mang theo suốt cuộc đời"

(Tôn Nữ Hỷ Khương, Hồi Ức Về Cha Tôi... , sđd, trang 303)

Chị đã học được từ cụ Ưng Bình lòng khoan dung, tính giản dị, chân thật, lòng yêu thương con người, thiên nhiên và cây cỏ... Tất cả đã khắc ghi trong lòng chị, trên suốt cuộc hành trình của cả một đời người:

"Lời xưa di huấn thời son trẻ

Con vẫn mang theo suốt cuộc đời"

(Tôn Nữ Hỷ Khương, sđd, tr. 303)

Ðời dù nhuốm sắc phù vân

Thi ca cha vẫn trong ngần bóng gương

Giở từng trang luật Thịnh Ðường

Tuồng xưa tích cũ từ chương sáng ngời

Nhớ thương thấm nhập đầy vơi

Bao nhiêu năm vẫn ghi lời huấn xưa:

"Mặc đời sớm nắng chiều mưa

Mặc ai sau trước, lọc lừa cạnh tranh

Tìm trong cuộc sống an lành

Yêu thương, nhân ái, chân thành, vị tha"

(Tôn Nữ Hỷ Khương, sđd, tr. 325)

Trong cuốn "Hồi Ức Về Cha Tôi: Ưng Bình Thúc Giạ Thị", từ trang 29 đến trang 120, chị Hỷ Khương đã kể lại những mẩu chuyện nho nhỏ, những công việc nổi bật, những người thân mà cụ Ưng Bình đã giao tiếp và nhất là lối sống giản dị nhưng đầy nhân bản trong cuộc sống hàng ngày của cụ. Bốn mươi ba mẩu chuyện trong phần hồi ức mà chị Hỷ Khương ghi lại với lối văn trong sáng, đầy xúc động đã dẫn dắt người đọc đi từ thú vị này đến thú vị khác và tưởng như mình đang đọc lại những câu chuyện kể trong "Cổ Học Tinh Hoa" của một thời thơ ấu.

Câu chuyện mà chị Hỷ Khương kể lại trong "Cái Bến Sông" thật là xúc động, tuy đơn giản nhưng thể hiện rõ nét về tấm lòng thương người trong triết lý sống của cụ:

"Nhà tôi ở phía bờ sông Hương, có một cái bến xây rất đẹp, có tầng cấp xi măng, hai bên có cây cừa rợp bóng mát mẻ, bà con trong làng thường qua bến nhà tôi tắm giặt, gánh nước. Suốt mấy mươi năm cái bến riêng của nhà tôi trở thành cái bến công cộng.

Trước cửa nhà tôi có miếu Ngũ Hành, mà con đường đi xuống bến sông phải đi qua trước cửa ngôi miếu. Nhiều người trong nhà thường phàn nàn về sự việc này. Ðó là chưa kể trường hợp người lớn đi ngang về tắt, ồn ào, trẻ con đùa nghịch phá phách, hái các thứ trái cây trong vườn mỗi khi xuống bến. Thỉnh thoảng lại còn có người chở những vật liệu nặng ghé qua bến làm sập các tầng cấp v.v...

Một hôm bà mẹ đích của tôi nói với thầy tôi:

Có một thầy Tàu rất hay, tôi đã nhờ xem giúp một quẻ thì ông ấy bảo rằng nhà mình bị ông bà quở trách vì người đi lại ồn ào quấy nhiễu, vì thế mà động đất không yên.

Thầy tôi cười bảo:

Ông bà đâu có ác vậy. Tôi không bao giờ tin những điều như thế.

Sự việc này làm cho thầy tôi suy nghĩ. Cho nên, trong di chúc thầy tôi để lại có một mục nói về chuyện cái bến sông: "Khi thầy mất rồi vẫn để cho bà con đi lại bình thường, không nên cấm đoán".

Tính đến nay đã mấy mươi năm, khi nào có dịp gặp lại những người hàng xóm cũ, họ còn nhắc đến sự quan tâm và tấm lòng rộng lượng của thầy tôi với niềm xúc động khác thường. Họ nhìn tôi với ánh mắt đầy tình cảm thân thương. Thốt nhiên tôi chợt tưởng nhớ đến hình ảnh yêu mến của người cha hiền. Lòng bâng khuâng nhớ lại những kỷ niệm của một thời xa lắc, đồng thời như vừa cảm nhận được một điều hạnh phúc trời ban cho. Tôi sung sướng đến ứa lệ" (Tôn Nữ Hỷ Khương, sđd , tr. 34 - 35).

Câu chuyện "Gánh Chè Của Con Ðộ Bao Nhiêu?" cũng là một góc cạnh nữa để soi rọi thêm tấm lòng cao quý ấy:

"Một hôm, trời mưa lất phất, sân nhà tôi có rêu trơn trượt. Bất ngờ có một chị gánh chè bán dạo vào sân mời. Chẳng may chị trượt chân, cả người và gánh sóng soài, chè đổ lênh láng. Hôm đó trong nhà có một cô cháu gái tới chơi, thấy cảnh như vậy, cứ đứng cười thích thú. Thầy tôi la cô cháu:

Ôi, mau ra đỡ chị ấy dậy, rồi giúp dọn dẹp cho người ta, cớ sao đứng đó mà cười thế? Ồ, con nhỏ này như vậy là không được, như vậy là ác đấy con ạ!

Cô cháu gái nghe ra, đã cùng tôi chạy ra sân đỡ chị bán chè dậy và giúp chị ấy thu dọn đồ hàng. Lúc này chị bán chè rưng rưng nước mắt, bởi biết hôm nay như thế là lỗ to rồi.

Thầy tôi ở trong nhà đi ra, hiền từ bảo: "Gánh chè của con độ bao nhiêu? Ông cho tiền, đừng khóc nữa.

Sau này, càng lớn lên, để ý quan sát, tôi mới thấy trong cuộc sống thường nhật, bao giờ thầy tôi cũng chia sẻ cái vui, cái buồn với những người xung quanh ."

(Tôn Nữ Hỷ Khương, sđd , trang 36)

Cuộc đời của cụ quả thật là hình ảnh của vị tiên ông đạo cốt, sống rất liêm chính dù làm quan to, sống rất bình dị và hòa đồng dù xuất thân từ chốn quyền môn cao trọng .

"Hàng ghế trong triều đình có dịch lên năm bảy tấc hay thẻ bài thăng chức có thêm lớn một vài ly cũng chẳng có nghĩa lý gì đối với Người. Có lẽ vì Người đã nhận thức cuộc đời:

Kìa, bóng bạch câu qua chẳng lại,

Nọ, tranh thương cẩu có rồi không.

Dở cười, dở khóc trên sân khấu,

Khi nở, khi tàn mấy cụm bông."

(Tôn Nữ Hỷ Khương, sđd, trang 109)

"Hồi Ức Về Cha Tôi ..." của chị Tôn Nữ Hỷ Khương là sự kết tụ thanh khí từ trái tim chân thật của một người con gái hiếu thảo đối với cha mẹ và được chuyển tải từ một tâm hồn coi thi ca là lẽ sống, thừa hưởng cả một gia tài thơ văn đồ sộ của một dòng tộc mà vua Tự Ðức đã có lần hạ bút:

"Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán

Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Ðường"

Nhà thơ và là nhà phê bình văn học Diên Nghị trong nhóm Thi Văn Cội Nguồn đã có lần nhận xét về chị Tôn Nữ Hỷ Khương, như sau:

"Tác giả Tôn Nữ Hỷ Khương, người con gái út hồi ức rành mạch về thân phụ, qua nhiều giai thoại, nhiều hình ảnh, nhiều kỷ niệm, với bút pháp giản dị, ngắn gọn, lại diễn đạt khá đầy đủ ý tưởng, làm sống lại chân dung và cuộc đời của một vị quan, vương giả mà bình dân. Một nhà thơ thanh cao, cảm hóa, chia sẻ lòng thương yêu con người và vạn vật thiên nhiên ..."

(Việt Nam Thời Báo, San Jose, USA, trang Văn Học Nghệ Thuật, tháng 12-2000)

Quả thực, Chị Tôn Nữ Hỷ Khương làm thơ rất hay và chị sử dụng văn xuôi rất trong sáng giản dị. Mạch văn của chị thành thực đến độ tự nhiên, đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng và đọng lại ở đó rất lâu. Bất cứ ai khi đọc cuốn sách đều thấy xúc động và tưởng như mình đang chơi vơi trong nỗi nhớ thương mênh mang về người xưa, cảnh cũ; như chính mình đang thẫn thờ theo dòng hồi ức để cùng xẻ chia với chị niềm hãnh diện về một người cha cao quý, về một nhà thơ lớn của đất Thần Kinh, nơi một thời đã từng là đế đô của triều Nguyễn...

 


 

"Anh Biết Em Yêu Dấu"

của Hà Nguyên Du

hay là Ngày như thế tận vì không có em

Lê Mộng Nguyên

 

Trong bài "Anh Biết, Em Yêu Dấu" (được chọn làm nhan đề thi tập thứ hai của Hà Nguyên Du), có mấy câu cuối cùng vừa đẹp vừa ý nghĩa, đáp đúng tâm tình nhà thơ trong cuộc hành trình qua tình yêu đến tận cùng (như thi nhân đã viết trong lời Tựa:

"Thơ cứ như người tình luôn vuốt ve, an ủi trong những toan tính đầy mạo hiểm, khi thơ tuôn ra như những dòng huyết tự. Thơ làm thật nhiều qua biết bao chặng đường, kể cả những bài thơ làm lén trong những lúc bị gông cùm không có viết, phải dùng những vật bén nhọn hay sỏi cuội mà viết nên chữ; nhưng tất cả thơ ấy đều theo dòng thác kinh hoàng mà mất hết. Nhưng rồi thơ cũng tiếp tục sinh sôi bởi sức mạnh của tình yêu, bởi sức mạnh của lý tưởng"):

... Một ngày hồn không phiêu bồng

Một ngày hồn ngẩn ngơ

Một ngày ong không lấy mật

Ong quyên sinh

Một ngày bướm không có hoa

Bướm tự vẫn

Một ngày em không yêu anh

Một ngày như thế tận

Trong cuộc hành trình khám phá tìm hiểu tư tưởng sâu đậm của tác giả, tôi xin trích dịch đoạn này ra chữ Pháp để cống hiến độc giả thân mến của Nghệ Thuật và làng văn nghệ sĩ đã từng yêu chuộng thi phẩm đầu tay của Hà Nguyên Du:

Si un seul jour l'âme ne flottait pas à la dérive,

elle se trouverait engourdie

Si un seul jour l'abeille ne produisait pas la cire et le miel,

elle se tuerait

Si un seul jour le papillon ne trouvait pas de fleurs à sucer,

il se détruirait

Si un seul jour tu ne répondais pas à mon amour,

Ce serait la fin du monde et de mes jours.

Nếu "Lối Khác" là óc não và xương thịt của một thi nhân (x. Nghệ Thuât số 66, th 09 - 1999), "Anh Biết, Em Yêu Dấu" là một tán dương ca hùng vĩ của tình yêu bất diệt qua một triết lý rất đặc biệt về linh hồn và xác thể:

Tôi đã luân hồi tôi, qua em

Tôi đã luân hồi thơ, qua tim

Tôi sinh từ đất tanh hơi máu

Tôi chết từ đâu những nổi chìm?

Bằng Pháp ngữ, tôi cảm giác như sau:

Par métempsycose je revis une autre vie, dans ton corp

Par métempsycose je revis ma poésie, dans mon coeur

De la terre nauséabonde et dans l'odeur de sang je nais et meurs

D'ou ma mort vient- elle sinon des vicissitudes du bonheur?

Cùng theo một ý niệm về cuộc đời thi nhân, HND đã kiếm tìm cho ta thưởng thức bài thơ ngắn của F.W Bourdillon bằng tiếng Anh (The night has a thousand eyes), có bốn câu chót rất diễm lệ:

The mind has a thousand eyes,

And the heart but one

Yet the light of the whole life dies

When love is done.

Ðã do Thi sĩ Viên Linh dịch ra bằng tiếng Việt (ngắn và sâu sắc):

Trí tuệ có nghìn con mắt

Trái tim chỉ có một,

Nhưng ánh sáng của cả cuộc đời sẽ tắt

Khi tình yêu đã hết

Nhưng tin tưởng trong luân hồi Phật giáo và đặt tất cả niềm hy vọng vào tình yêu vĩnh cữu (mặc dù có đôi lúc chán nản), đối với nhà thơ họ Hà: "... cuộc đời có lẽ không bao giờ tắt, dù tình yêu hoa mộng đã chết, để lại vết thương tang tóc cho tâm hồn... Rồi tình yêu khác sẽ tái sinh, sẽ đâm chồi nẩy lộc và trở về tiếp tục ngự trị trong trái tim thơ, trong trái tim chứa đầy nhân ái. Một trái tim luôn nóng hổi như ánh thái dương trên quê người luôn chói chang. Một trái tim không bao giờ vơi tình yêu tha nhân và đồng loại, không bao giờ mờ phai hình ảnh quê nhà! Nhất là không bao giờ ngưng nhịp đập thơ!" (Tựa HND). Sở dĩ tôi trích đoạn dài này từ bài Tựa HND vì qua nó, tác giả "Anh Biết, Em Yêu Dấu" muốn phát ra một bản tuyên ngôn cho đời...

"Anh Biết, Em Yêu Dấu", là một cuộc hành trình đi ngược dòng thời gian trong quá khứ của một mối tình đã qua, tương tự Marcel Proust đã đi tìm thời gian đã mất...

("À la recherche du temps perdu" 1913-1922). Chẳng hạn khi người thi sĩ hồi tưởng xa xưa, qua những kỷ niệm còn ấp ủ trên giấy hoen mờ:

Chồng thư cũ úa vàng bao lớp bụi

Ta vàng theo năm tháng trái oan đời

Em bên ấy có quen hờn quen tủi?

Có đương nhiên quên quá khứ xa xôi?

Ngày hai đứa ghé đầu chung nón nhỏ

Vai kề vai tim thánh thót reo mừng

Em tha thiết mãi thêu thùa, mơ mộng

Nói bên nhau cho hết kiếp chia, phân...

(Chồng Thư Cũ )

Bài này được Nhạc sĩ Lê Dinh có biệt tài phổ nhạc (x. Nghệ Thuật số 72, th 03-2000) với cung ré majeur làm nổi bật một quá khứ êm đẹp, nhẹ nhàng trước khi hai đứa trẻ xa nhau. Nhưng có những chia phôi còn để lại thương tiếc vô cùng, mấy vần thơ sau là một tiếng khóc cho một cuộc tình dang dở:

Thoáng chốc đời phai, mãi buồn canh cánh

Yêu lắm rồi xa, thương tiếc khôn cùng

Mai ta về đâu, nắng táp mưa giông

Mai đôi mắt dần khô chăng, suối lệ?

(Ngày Mai Và Ðôi Mắt)

Trong "Ðã Rồi Một Cánh Chim Bay", với âm điệu tuyệt vời, đẹp như ánh sáng ban mai, buồn như dòng suối năm xưa, Hà Nguyên Du đã đạt được một địa vị dưới ánh mặt trời sáng rực. Cứ mỗi danh từ là một nghĩa, cứ mỗi điệu vần là một nhịp trong tim, một nhịp của tạo hóa thiên nhiên:

Ðã rồi một cánh chim bay

Em đi về với, cuồng quay ánh đèn

Lạc loài ta giống tên điên

Bơ vơ ca hát, ngang nhiên cợt đùa

Ðâu rồi suối cũ, trăng xưa?

Ta thêm chức tước, đâu vừa thiên hương

Nguyệt tà, dương xế, mây buông

Ta, em hát mãi, khúc buồn thiên thu...

Kỷ niệm! Kỷ niệm! ngày "Thứ Ba" trong "Tuần Lưu Hoạt" đáng lẽ theo phần đông là một ngày thích thú nhất... đối với nhà thơ họ Hà trái lại, là ngày đau khổ nhất:

Con chim nào hót sáng nay?

Miệng ta bỗng huýt sáo dài như chim!

Cơn mơ nào ủ ngăn tim?

Nỗi xưa niềm cũ luân phiên dày vò!

Ðã rồi hóa giải nên thơ?

Cho ta sống thản bên bờ vực đen?

Tôi xin dịch ra chữ Pháp như sau (để lột trần hơn nữa tâm hồn của tác giả):

De quelle espèce d'oiseau ce chant vient- il ce matin?

Je me mets soudain à siffler comme l'animai, longuement!

Quel genre de rêve a-t-il pu à la fois réchauffer et freiner le rythme de mon coeur

Des sentiments et ressentiment du passé ont à tour de rôle embrouillé ma vie

Je les ai pourtant tous transformés en poésie

Afin que puisse vivre tranquille

Au bord du noir profond de l'abime?

Sống thoải mái nơi đất khách thật hão huyền! Những chiều mưa, có lẽ người yêu sẽ về theo "cho cành khô chờ tiết giao mùa", "cho đàn yêu đẹp với âm thừa", "cho rừng xanh rộn tiếng chim đùa", "cho nụ hoa nở sắc khoe mùa". Than ôi! hy vọng cùng ước mong làm chi cho khổ não thần kinh:

Em hãy nhìn hàng cây trút lá

Ta như chim thôi hót bao giờ

Cô liêu nào ghi sâu vết nhớ?

Tim xanh còn gõ nhịp cho thơ!

Sông núi buồn ngày đêm buốt giá

Ta yêu em vương vấn câu thề

Em đâu rồi hương xưa nhớ mãi

Ta bao giờ tát cạn cơn mê!

(Em Có Về Như Những Cơn Mưa)

Ðáng sợ hơn là những: ... Ðêm thổ huyết từ cơn mơ cũ / Gương vỡ soi, người đội lốt người / Nỗi thê thiết tim nào chịu đựng / Nẻo về không biết có suông, tôi? (Ẩn, Hiện Một Ðời). Hoặc trái lại, trong "Những Ðêm Hạ Huyền", nhà thơ cũng tiếc nuối, nhưng nhờ thơ, người đã biến hóa nhẹ nhàng:

Hạ huyền ơi hỡi! Nắng thêu ngàn cây / Héo khô cành ta / Em lá rơi đầy / Hạ huyền phiêu lãng/ Tóc ai dần phai / Tính tang tình tang / Non nước u hoài / Vọng về đâu nữa? Ðám sâu cành khô/ Ái ân ngày xưa / Hóa ra thành thơ. Còn nói gì lúc "Trái Tim Học Trò" của nhà thơ (đầy mơ mộng) mỗi ngày đến trường nữ học, nhìn trộm nàng ra trường, trên đường về nhà cha mẹ: Áo em ngày xưa / Áo trắng thiên nga / Bước anh ngày xưa / Bước đi hào hoa / Tóc em ngày xưa / Tóc chấm ngang vai / Tóc anh ngày xưa / Tóc phong trần bay. Còn biết bao nhiêu vần thơ tuyệt diệu của Hà Nguyên Du về mối tình trong kỷ niệm, vừa đau thương vừa bình dị, dịu dàng như "Tình Như Cành Lá Thu Phong":

Tình như cành lá thu phong

Thôi tàn phai hết mặn nồng ái ân

Anh còn nặng gánh phù vân

Mắt em rơi ướt, xót thân lạc loài

Hay

"Tình Ta Dưới Ánh Mặt Trời":

Ôi! bàn tay trên cung phím lướt

Tơ ngân vang rung trái tim buồn

Nghe không em, lòng ai chùng xuống

Như trần gian thiếu bóng tình thương!

Như đời hoa vời trông cánh bướm

Như ai ca phách nhịp không cùng

Xe đi không về không với bến

Ta yêu em cho núi thành sông...

"Anh Biết, Em Yêu Dấu" cũng là một tán dương ca tình yêu quê hương (Chiều hôm nao đi ngang dòng kinh / Nhớ quê hương tha thiết chân tình / Nhớ ruộng đồng khô ran, thiếu nước / Dẫn thủy nhập điền hư hao nát tanh: Tức Cảnh Sinh Tình), nhớ gia đình quốc nội (Ta ở bên này xứ sở văn minh / Thương chị giếng sâu, gàu con xách nước / Mẹ lả thân cò, tảo tần xuôi ngược / Ôi! lất lây cho đấp đổi qua ngày: Chải Tóc Ði Em!), người cha đã mất năm 1986 (Ðột ngột ai ngờ Ba lâm bệnh / Và Ba đi... đi mãi không về / Trời ơi! hiên vắng ai ngồi khóc? Bão táp mưa sa phận não nề: Dưới Nắng Xế Ba Ngồi Sàng Gạo), và người mẹ yêu dấu còn sống sót quê nhà:

... Vẫn nhớ lệ mờ nơi bến cảng, sân ga

Mẹ khóc mướt ôm con và xiết chặt

Em, chị tiễn đưa lòng đau như cắt

Người lẻ loi mãi khăn gói lên đường!!

Vẫn nhớ vô vàn kỷ niệm yêu thương

Qua hưng phế chẳng mờ trong ký ức

(Vẫn Nhớ).

Thơ Hà Nguyên Du còn rất thấm nhuần triết lý Á Ðông. Ðã biết đại khái nỗi tâm tình của người qua "Tôi Ðã Luân Hồi Tôi, Qua Em", bây giờ ta hãy lắng nghe "Ta":

Ðến sẽ đến, đi sẽ đi

Ở, về một kiếp lưu ly đất trời

Trái, hạt từ đâu sinh sôi?

Ta, em, hương, lửa, lũng, đồi bụi bay

Lối nào có một không hai?

U, minh nở đóa phù phai bất thường

Mộng trần em trĩu vai thuôn

Ta, lưng quặn hải hồ, sương khói nhà. Hoặc đầy tư tưởng Phật giáo trong "Nâng Cốc Sầu Tan": Ðời kiêu bạt phế tàn lây! Nghe tâm huyết lụn phơi bày nghiệt oan? Sĩ hề sĩ chẳng hề than! Sĩ về nâng cốc sầu tan chẳng hề!

Về đời Hà Nguyên Du, tôi đã nói nhiều trong bài "Lối Khác của Hà Nguyên Du hay là óc não và xương thịt của một thi nhân" (NTsố 66). Thơ của họ Hà có đăng trên các báo nổi tiếng ở hải ngoại và Nghệ Thuật (do Nhạc sĩ Lê Dinh chủ trương) đã trình bày những thi bản hay nhất trong những số vừa qua. Tôi là người hân hạnh được đọc lai cảo "Anh Biết, Em Yêu Dấu" tác giả gởi tặng (72 bài tất cả!) với sáng kiến tự do của nhà phê bình lấy trách nhiệm viết bài này cho Nghệ Thuật đặc quyền sở hữu đăng ngay trước khi tác phẩm được ra mắt đồng bào: Tự Lực xuất bản và phát hành, bìa Khánh Trường, đặc biệt phần phụ bản do họa sĩ Lê Thánh Thư. Với sự cộng tác về phần phổ nhạc của các Nhạc sĩ : Phạm Duy (Em là vòng nhật nguyệt, Khúc ly tao, Ðêm hạ huyền) Trần Duy Ðức (Ôi! nhan sắc, Người có về ta, Vương khói thuốc bay Em có về như những cơn mưa) Nguyễn Hiền (Cho tôi bài tango, Cho em bài sonnet), Trầm Tử Thiêng: Khi bước tình đi qua (TTT vừa bỏ chúng ta ra đi ngày 25/01/2000 và HND đã viết trong Tựa: "...tôi không nén được lòng, lúc "cánh cửa đã đóng" sau khi đưa thi hài của cố Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng vào lò hỏa thêu. Với tiếng khóc nức nở của nhà báo Lâm Tường Dũ, của nữ ca sĩ Ngọc Minh, và... những dòng lệ tiếc thương của Nhạc sĩ Trúc Hồ, cùng một số văn nghệ sĩ khác..."), Nguyễn Ðức Ðạt (Tình ta dưới ánh mặt trời), Phạm Minh Hùng (Tình như cành lá thu phong), Nhạc sĩ Lê Dinh (Chồng thư cũ), Trần Thiện Thanh (...Còn đậu nhánh tình), Trường Hải (Ngày mai và đôi mắt, Tiếc như dòng sông, Trái tim học trò) Ngô Mạnh Thu (Biển gọi tên sông), Trần văn Toàn - Paris (Nhớ người vương khói thuốc bay, và Nguyễn Hữu Hùng (Tình nhớ khôn cùng)

Hà Nguyên Du là một nhà thơ đã được nhiều nhạc sĩ lừng danh phổ nhạc; đó cũng là một chứng minh sự thành công vẻ vang của một thi sĩ đang lên, và có lẽ - trong tương lai người sẽ đạt được ngôi sao sáng trong bầu trời văn nghệ Việt Nam

(Cho Em Bài Sonnet):

Ta cho em bài sonnet chan chứa

Con sông dài uốn khúc quanh co

Sonnet mùa đồng lên xanh lúa

Sonnet mình đẹp như trang thơ

Ta cho em bài sonnet tha thiết

Như trăng rằm hát khúc ca dao

Sonnet đầy tình trao da diết

Sonnet trời ngời ánh trăng sao...

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page