Ðại Học Hè, một đóng góp
cho cuộc phục hưng văn hóa

Giáo Sư Nguyễn Ðăng Trúc
Thành Viên Hội Nghiên Cứu Triết Học Công Giáo Á Châu

I. Tổng quát về diễn tiến phát triển giáo dục, văn hóa
tại việt Nam cho đến năm 1975

Vào thế kỷ XI, dưới thời nhà Lý, không lâu sau khi Ðinh Bộ Lĩnh công khai tuyên bố thành lập quốc gia theo chế độ quân chủ tập quyền, tổ chức giáo dục tuy chưa phổ biến, nhưng đã đạt đến tầm mức quốc gia. Nền giáo dục đó dường như nối kết hai nội dung học tập và hành đạo (trong việc thực thi các chức vụ điều hành xã hội) làm một, vì thế ta được thấy các tài liệu sử ghi lại như sau:

"Năm Ất Mão (1075) mở khoa thi tam trường để lấy người văn học vào làm quan... Năm Bính Thìn (1076) lập Quốc Tử Giám để bổ những người văn học vào dạy. Ðến năm Bính Dần (1086) mở khoa thi chọn người văn học vào Hàn Lâm Viện..."

Về chương trình giảng dạy và thi cử, thì suốt trong hơn tám thế kỷ tiếp theo, người ta vẫn noi theo mẫu mực giáo dục truyền thống của các triều đại quân chủ Trung Hoa. Cuốn Ðại Việt Sử Lược, tài liệu được đánh giá là một trong những bộ sách sử xưa nhất của nước ta, đã tóm lược chương trình đó như sau:

Ðầu mùa đông (năm 1179) - Vua Lý Cao Tông), vua ngự ở điện Sùng Chương coi khoa thi Tam Giáo (Nho, Thích, Lão). Các con em thi viết bài thơ xưa và làm các môn: thơ, phú, kinh nghĩa và toán".

Qua đến đời Trần, Lê, Nguyễn thì càng ngày tính cách từ chương và ảnh hưởng của Tống Nho lại càng rốt ráo hơn nữa.

Ðến thế kỷ XIX, sau một thời gian khá dài tiếp xúc với người phương Tây, với những xung đụng khó khăn, lắm lúc đầy máu và nước mắt, dân tộc Việt Nam khám phá được những mẫu mực xã hội, văn hóa khác hơn khung cảnh truyền thống, và người ta cũng phải nhận ra rằng muốn sống còn và phát triển trong cộng đồng nhân loại, khẩn thiết cần có những cuộc cải cách. Một trong những người tiên phong can đảm đề xuất công cuộc canh tân xã hội lúc bấy giờ là nhà nho Nguyễn Trường Tộ (1827-1871). Về phương diện văn hóa, giáo dục, ông Nguyễn Trường Tộ đã can đảm dâng lên vua Tự Ðức bản điều trần năm 1866, nêu lên những khuyết điểm của lối học cũ và đề xuất một chương trình cải cách nhằm giúp người đi học có được những kiến thức khoa học, kỹ thuật, một đường hướng đào tạo con người dựa trên một nền nhân bản thực tế, cởi mở, có sức thăng tiến nhân cách cá nhân và tinh thần phục vụ cộng đồng. Nhưng, một mặt vì bị câu thúc bởi một nếp sống suy tư đầy tiền kiến và mặc cảm, mặt khác vì lo sợ những mưu đồ đen tối của thực dân ngoại quốc, triều đình và quan lại không dám tự kiểm thảo và khởi công thực hiện các cuộc cải cách cần thiết.

Phải đợi đến đầu thế kỷ XX, sau những thất bại dồn dập: mất dần các phần lãnh thổ quốc gia vào tay thực dân, dân chúng nghèo đói, nổi loạn và cuối cùng mất luôn sự tự chủ..., và do tình trạng thay đổi các cơ cấu xã hội: sự xuất hiện của các thị tứ nặng nề thương mại kèm theo những sinh hoạt văn hóa độc lập với sinh hoạt của nhà nước như báo chí, phát hành sách vở viết bằng chữ quốc ngữ, một đợt cải cách mới bắt đầu thực hiện. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ này, chương trình thi được chính thức thay đổi. Chính quyền thực dân mở ra một số trường chuyên nghiệp trong đó có trường Y Khoa (1901) và thiết lập lần đầu tiên một Ðại Học trên lãnh thổ Việt Nam, gọi là Ðại Học Ðông Dương (Université Indochinoise, 1908). Nhưng lối học này còn có tính cách hạn chế, gò bó, cắt đầu cắt đuôi thể theo nhu cầu và quyền lợi của ngoại bang. Tuy có những giới hạn như thế, các nỗ lực cải cách, đặc biệt do sáng kiến của các nhóm tư nhân trong các sinh hoạt quần chúng, vẫn nhân tăng trong tiền bán thế kỷ. Phần lớn các cuộc cải cách có tầm vóc thay đổi cuộc sống và tầm thức quần chúng đều do nỗ lực và sáng kiến của các thế hệ trí thức trẻ, tài ba và can đảm; có thể nói tiền bán thế kỷ XX là một mùa triển nở các nhân tài trẻ của lịch sử dân tộc trong hầu hết các bộ môn sinh hoạt.

Mặc dầu chương trình cải cách luôn minh thị đề xuất một đường lối Âu hóa hầu như triệt để, một hình thức cách mạng muốn tống khứ toàn bộ truyền thống xã hội cũ được xem là quá lạc hậu và sai trái. Nhưng trong thực tế, cuộc cải cách này thường là một sự dung hợp, đào sâu những giá trị vững chãi của truyền thống dân tộc song song với việc cập nhật, có chọn lựa, các giá trị Tây Phương, để dần hồi tìm ra những lối sống riêng của mình.

Trong lãnh vực văn hóa, các nhà nghiên cứu nỗ lực cho phát hành những bản dịch, phần lớn có chú giải và phê bình, những bản văn cổ điển của truyền thống văn hóa Á Ðông, đặc biệt là tư tưởng Nho, Phật, Lão ra chữ quốc ngữ. Song song, các tác phẩm văn chương, triết học của Tây Phương cũng được phát hành bằng ngôn ngữ Việt Nam, nhằm giới thiệu cho quần chúng. Cũng trong thời kỳ này, các công trình về Việt Học được hệ thống hóa lại thành những bộ môn riêng: sử ký, văn minh, địa lý, ngôn ngữ, thể chế, tôn giáo... và dần dà được đưa vào chương trình giáo dục ở các cấp. Ðến năm 1948, Ðại Học Ðông Dương cải tổ và trở thành Ðại Học Hà Nội. Phân Khoa Văn Khoa, tuy còn xếp nếp theo lối dạy của Pháp, nhưng cố gắng cập nhật với những đòi hỏi của xã hội và văn hóa Á Ðông. Trong bộ môn triết học, các tư tưởng Á Ðông được giảng dạy song song với chương trình triết học Phương Tây.

Năm 1954, hiệp định Genève chia cách đất nước. Hầu như toàn bộ tổ chức Ðại Học và nhân sự giảng huấn dời vào Sàigòn theo làn sóng người di cư tìm tự do. Miền Bắc hoàn toàn được tổ chức và sinh hoạt trong khuôn khổ của ý thức hệ Mác Lê. Ở Miền Nam, sau khi giành lại nền độc lập, tuy phải đối đầu với muôn ngàn khó khăn, vẫn tiến hành nhanh chóng các chương trình canh tân. Mạng lưới giáo dục cấp tiểu học, trung học được thực hiện hết sức nhanh chóng. Chương trình học uyển chuyển ứng dụng một chính sách Việt Nam hóa theo hướng canh tân, cập nhật với nền giáo dục chung của thế giới. Việt hóa trong nỗ lực tuyệt đối dùng tiếng Việt, chữ quốc ngữ; Việt hóa nội dung các bộ môn khoa học nhân văn; Việt hóa mục tiêu giáo dục nhằm thăng tiến những con người Việt Nam cụ thể, phát triển cộng đồng của những con người Việt Nam. Về mặt tổ chức học đường, giảng dạy các bộ môn khoa học và kỹ thuật, các kiến thức văn hóa tổng quát của thế giới, thì nền giáo dục Việt Nam lúc bấy giờ đã cập nhật tức khắc chương trình chung của các quốc gia Tây Phương.

Trong sinh hoạt giáo dục Ðại Học, sau một thời gian ngắn ổn định lại chương trình (tiến hành Việt Hóa), phương cách tổ chức cho Ðại Học Sàigòn (Ðại Học Hà Nội chuyển vào), tuần tự các Ðại Học mới được khai sinh. Năm 1957, thành lập Ðại Học Huế; và trong 15 năm từ năm 1960 đến năm 1975 hơn mười trường Ðại Học cấp quốc gia, cấp địa phương, công cũng như tư được mở ra, không kể đến những học viện chuyên ngành, các trường cao đẳng chuyên môn và kỹ thuật khác.

Về mặt văn hóa, đặc điểm của nền giáo dục Ðại Học Việt Nam là sự hiện diện của các Ban Triết Học trong các trường Văn Khoa. Tuy nhân sự giảng huấn rất hạn chế, các Ðại Học tân lập vẫn ưu tiên xây dựng ban này, đồng thời lưu ý tăng cường các giáo trình và tư tưởng Việt Nam, song song với các giáo trình về triết học Tây Phương và Ðông Phương.

II. Việt Nam Hải Ngoại
và Sinh Hoạt Văn Hóa Giáo Dục

Sau biến cố 1975, toàn thể lãnh thổ Việt Nam đặt dưới sự kiểm soát của chế độ Cộng Sản. Tất cả các chương trình cải cách về giáo dục, phát triển văn hóa trong 20 năm trước đó tại Miền Nam Việt Nam đều bị xóa bỏ.

Hơn hai triệu người dân tuần tự bỏ nước ra đi và tị nạn tại khắp các quốc gia trên thế giới. Tình tự dân tộc, giao tế nhân sự, sự xuất hiện các cộng đồng nhỏ, lớn tùy địa phương, và hàng trăm ngàn lý do khác đã tạo nên một thực tế lịch sử đặc biệt, có tên gọi là Việt Nam Hải Ngoại.

Tuy con số đó không đông, nhưng người ta tự xác tính đây là sự cô đọng của một Việt Nam Chân Thực, khác với thực thể méo mó theo hình ảnh mà chế độ đã làm cho họ phải đành đoạn bỏ nước ra đi. Nhưng trớ trêu của thực tế xã hội, những cá nhân, những gia đình của cộng đồng những con người tị nạn đó lại phải đối phó với hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống vật chất để sống còn và hội nhập với khung cảnh xã hội mới. Và hơn 20 năm vừa trôi qua, người ta giật mình nhìn lại, thì thấy có một tình trạng hầu như èo ọp về mặt phát triển văn hóa:

--- Do sự hững hờ về tình hình liên đới quốc tế trong nỗ lực bảo vệ một nền văn hóa có nguy cơ bị gián đoạn, do hấp lực của một nền văn minh khoa học kỹ thuật ưu thắng hiện nay, các sinh hoạt văn hóa nói chung và đặc biệt nỗ lực tiếp tục truy cứu và phát triển cuộc sống văn hóa của dân tộc có tầm vóc quy mô không còn được lưu ý đúng mức. Hệ quả là Việt Nam Hải Ngoại không có được một tổ chức, cơ cấu sinh hoạt nào có một tầm mức đáng kể ở cấp Ðại Học, quốc gia. Các công trình nghiên cứu, các tác phẩm văn hóa đáng kể xuất hiện bất chừng, hiếm hoi.

--- Thế hệ trẻ đạt nhiều thành quả cao trong việc học hành, đặc biệt là ở cấp Ðại Học. Tuy nhiên, hầu hết đầu hướng đến các ngành khoa học kỹ thuật. Vào các năm đầu thập niên 90, người ta ước lượng có trên 200,000 thanh niên tốt nghiệp tại các Ðại Học trong các quốc gia định cư. Nhưng thành quả đó cũng kèm theo một cảm nhận thấy mình mất mát hay thiếu một cái gì đó trong việc phát triển con người toàn diện. Có thể nói ở đây là một khủng hoảng về bản sắc văn hóa mà một số thanh niên đã gặp phải.

--- Sự liên tục của cuộc sống văn hóa, tồn tại và phát triển từ thế hệ này qua thế hệ khác có nguy cơ gián đoạn. Những người lớn tuổi có kiến thức về văn hóa thì không còn khả năng sinh hoạt, giới trung niên và thế hệ trẻ thì không được chuẩn bị đúng mức để tiếp tục các công trình nghiên cứu, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

III. Ðại Học Hè, một cống hiến khiêm tốn
nhằm phục hoạt nếp sinh hoạt văn hóa hải ngoại

Ngày nay, ai ai cũng nhận ra sự khẩn thiết phải có những cải cách để cho dân nước được sống còn và phát triển trong cộng đồng nhân loại. Người ta đã bắt đầu công cuộc cải cách, và thường được nêu lên là một sự thay đổi chính sách kinh tế đến một mức nào đó tại quê nhà. Nhưng bên cạnh những yếu tố mà người ta cố tình lãng quên, có yếu tố văn hóa.

Trong mục tiêu nhằm nêu lên sự khẩn thiết của cuộc sống văn hóa, một yêu tố có tầm quan trọng đặc biệt để có thể xây dựng lại xứ sở, thăng tiến công cuộc phát triển toàn diện của con người, một nhóm người Việt Nam Hải Ngoại đã gặp gỡ nhau trong tháng 10 năm 1995 tại Strasbourg, Pháp để thành lập một cơ sở sinh hoạt văn hóa, lấy tên là TRUNG TÂM NGUYỄN TRƯỜNG TỘ. Nỗ lực này nhằm:

--- Chủ trương một hướng phát triển toàn diện con người và dân tộc, trong đó yếu tố văn hóa không bị lãng quên.

--- Tạo những cơ hội để những người có khả năng về văn hóa có thể gặp gỡ để cùng nhau đề xuất và thực hiện các chương trình sinh hoạt có tầm vóc quy mô trong lãnh vực này.

--- Giúp cho các người trẻ Việt Nam hải ngoại có được những kiến thức văn hóa cần thiết để bổ sung công cuộc đào tạo và giáo dục của họ.

Ðại Học Hè đã được đề nghị như một chương trình đào tạo khả thể trong hoàn cảnh đặc biệt của cộng đồng người Việt Hải Ngoại, và hy vọng đáp ứng được một phần các mục tiêu do TRUNG TÂM NGUYỄN TRƯỜNG TỘ chủ trương:

a. Tổ Chứa Ðại Học Hè

--- Ban Tổ Chức: Do trách nhiệm của Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ.

--- Ban Giảng Huấn và Sinh Hoạt: Các Giáo Sư, cựu Giáo Sư người Việt Nam tại Hải Ngoại, các Nhà Nghiên Cứu về Văn Hóa Việt Nam, các Nhân Vật đã từng lãnh đạo hay có kinh nghiệm sinh hoạt cộng đồng...

b. Chương Trình

--- Chương trình toàn bộ của Ðại Học Hè được thực hiện trong bốn khóa liên tục trong bốn năm: mỗi khóa kéo dài một tuần lễ, được tổ chức vào tuần lễ đầu của mỗi tháng tám.

--- Chương trình phối hợp các giáo trình với các sinh hoạt khác giúp học viên tiếp nhận tinh thần phục vụ cộng đồng, ý thức nhu cầu của cuộc sống siêu nhiên, kết chặt thêm tình huynh đệ qua các cuộc giải trí lành mạnh.

--- Các giáo trình gồm năm nội dung chính:

c.Thực Hiện

Khóa Ðại Học Hè lần đầu tiên đã được tổ chức tại tu viện dòng Xitô Việt Nam tại Orsonnems, Thụy Sĩ từ ngay 4 đến 11.08.1996. Khóa này quy tụ 147 người Việt Nam Hải Ngoại đến từ 15 nước ở Âu Châu, từ Ðài Loan, Hoa Kỳ, Gia Nã Ðại, trong đó có 12 giáo sư và cựu giáo sư các Ðại Học, một số học giả và nghệ sĩ, 20 người giúp sinh hoạt và thuộc Ban Tổ Chức, 112 học viên từ 18 đến 45 tuổi.

Trong suốt tuần lễ học hỏi, thảo luận và sinh hoạt, một bầu khí thân mật, đối thoại, cảm thông đã nối kết những thế hệ khác nhau, những tín đồ của nhiều tôn giáo khác biệt...

Kết quả tốt đẹp đó khích lệ những người tham dự và mọi người hẹn sẽ tiếp tục đến sum họp lại trong khóa II Ðại Học Hè tổ chức tại địa điểm cũ vào tuần lễ đầu tháng 08.1997 (từ 03-10 tháng 8.1997).

d. Một Sứ Ðiệp Văn Hóa

Vào thế kỷ XIX, dân tôc Việt Nam chúng ta đã mất đi một dịp may trong nỗ lực canh tân xứ sở. Hậu quả là từng thế hệ sau đó phải cam chịu những hoàn cảnh đau thương. Và tình cảnh xé nát dân tộc làm hai mảnh trong và ngoài nước ngày nay là một trong những hậu quả đáng buồn đó.

Hoàn cảnh Việt Nam ngày nay phức tạp và khó khăn hơn cả hoàn cảnh trước đây, vào cuối thế kỷ XIX. Cần phải canh tân, nhu cầu đó không còn ai bàn cãi nữa. Nhưng cuộc canh tân này phải chăng chỉ giới hạn trong những chương trình cải cách về định chế, chính trị, kinh tế mà thôi không? Hẳn nhiên những cải cách đó rất cần, nhưng cần thiết hơn cả, và khó khăn, sâu xa hơn đó là nỗ lực phục hoạt lại nền văn hóa.

Nếu khó khăn ngày nay rất khó vượt qua, thì mặt khác lại có rất nhiều yếu tố tích cực hơn cho phép chúng ta tin tưởng về một tương lai tốt đẹp.

Dân chúng Việt Nam ngày nay có tinh thần kiểm thảo rất cao, cởi mở hơn, sẵn sàng tiếp nhận những cải cách cần thiết. Vốn cao quý nhất của dân tộc là con người. Và chúng ta chứng kiến từng triệu người trẻ Việt Nam tài ba và đại độ, đặc biệt từng trăm ngàn người trẻ Việt Nam Hải Ngoại, trong nỗi ray rứt xa quê lại có may mắn sống và tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, nhiều xã hội khác nhau. Hoàn cảnh đó hiện họ phải truy cứu những giá trị tinh hoa, nền tảng của văn hóa dân tộc để có thể múc lấy được nguồn văn hóa sâu kín và bao la ôm trọn những khác biệt của các mẫu mực xã hội khác nhau trong nhân loại. Từ nền tảng chung này của nhân loại, họ hội nhập được với hoàn cảnh xã hội địa phương đồng thời đóng góp vào việc phát huy, phong phú hóa sinh hoạt văn hóa dân tộc.

Ðại Học Hè, một cống hiến khiêm tốn cho việc đào tạo một số thanh niên Việt Nam Hải Ngoại về mặt văn hóa; nhưng qua nỗ lực này, nó cũng nhằm thực hiện một bản điều trần nêu lên vai trò thiết yếu của văn hóa trong công cuộc canh tân xã hội Việt Nam hiện nay: vận mệnh dân tộc Việt Nam tùy thuộc vào những nỗ lực cải cách các định chế, nâng cao cuộc sống kinh tế quốc dân, nhưng tiên quyết nó tùy thuộc vào ý thức của chúng ta về các giá trị của nhân phẩm và sự phát triển văn hóa.

Ðại Học Hè phát sinh từ một thực tế lịch sử đặc biệt của một cộng đồng dân tộc sống xa quê, kết tập những người thanh niên đồng hương nhưng đến từ những quốc gia khác nhau trên thế giới, để tiếp thu những giá trị văn hóa khác trong đại ức của bao thế hệ đã qua hầu đối chiếu với những nếp sinh hoạt đa diện của các xã hội khác nhau mà họ phải hội nhập. Ðại Học Hè đó đang nhận ra một dấu chỉ của một liên bờ đại dương văn hóa bao la và sâu rộng, tiến gần một quê hương chung ôm trọn tất cả những người con của nhân loại.

Dấu chỉ thời đại đó, kinh nghiệm hải ngoại đó ấp ủ một tia hy vọng về những đợt tư tưởng sinh động, mới mẻ có thể cống hiến cho công cuộc phát triển Việt Nam trong tương lai, đồng thời đóng góp vào tiến trình hội nhập và đối thoại giữa các cộng đồng các dân tộc.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page