Cùng Ðọc Tin Mừng
(Suy Niệm Và Giảng Lễ Chúa Nhật)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Lễ Thánh Gia Thất Năm A
Gia đình kitô hữu
cũng là thánh gia thất
(Matthêu 2, 13-15. 19-23)
Phúc Âm: Mt 2, 13-15. 19-23
"Hãy đem Con Trẻ và mẹ Người trốn sang Ai-cập".
Khi các đạo sĩ đã đi rồi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: "Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người". Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrôđê băng hà, hầu làm cho trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: "Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập".
Bấy giờ Hêrôđê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama, người ta nghe những tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa.
Khi Hêrôđê băng hà, thì đây thiên thần Chúa hiện ra cùng Giuse trong giấc mơ bên Ai-cập và bảo: "Hãy chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm hại mạng sống Người đã chết". Ông liền chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel. Nhưng nghe rằng Arkhêlao làm vua xứ Giuđa thay cho Hêrôđê là cha mình, thì Giuse sợ không dám về đó. Ðược báo trong giấc mộng, ông lánh sang địa phận xứ Galilêa, và lập cư trong thành gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua các tiên tri rằng: "Người sẽ được gọi là Nadarêô".
SuyNiệm:
(Suy niệm Tin Mừng lễ Thánh Gia Thất)
Gia đình kitô hữu cũng là thánh gia thất
Một giảng viên giáo lý đặt câu hỏi với các học sinh: "Hôm nay, chúng ta mừng lễ thánh gia thất. Vậy Anh hỏi các em: trong Hội Thánh, có bao nhiêu thánh gia thất".
Cả chục cánh tay giơ lên xin trả lời vì xem ra câu hỏi nầy dễ ợt. Khi giảng viên mời lần lượt từng em cho câu đáp, tất cả các em đều chung một ý kiến: chỉ có một thánh gia mà thôi, đó là thánh gia thất của Chúa Giê-su, Mẹ Maria và thánh Giu-se.
Giảng viên giáo lý cho rằng như vậy chưa chính xác. Các em tỏ ra ngạc nhiên pha lẫn nghi ngờ.
Giảng viên mời bạn Hùng đứng lên và hỏi:
- Gia đình em có bao nhiêu người?
- Thưa Anh có bốn, gồm ba, má, chị Hoa và em, Hùng đáp.
- Cám ơn em. Thế thì cả bốn người đã lãnh bí tích rửa tội chưa?
- Thưa Anh, tất cả đều đã lãnh bí tích rửa tội từ nhỏ.
Giảng viên tiếp tục giải thích:
- Bí tích rửa tội làm cho chúng ta trở nên chi thể của Chúa Giê-su (giáo lý công giáo 1267.1Cr 6, 15; 12, 27), cho ta được thông phần bản tính Thiên Chúa (giáo lý công giáo 1265. 2Pr 1,4). Vậy thì bốn người trong gia đình bạn Hùng đều là chi thể Chúa Giê-su, đều được thông phần bản tính Thiên Chúa cả. Vậy cả bốn người đó có phải là thánh không?
Sau giây lát suy nghĩ vì câu hỏi có vẻ mới lạ, các em đáp:
- Thưa phải.
- Ðúng thế, được tháp nhập vào Thân Mình Chúa Giê-su, mọi kitô hữu đều là thánh vì được hiệp thông nên một với Chúa Giê-su chí thánh. Thế nên, qua các thư của mình, thánh Phao-lô gọi các kitô hữu là thánh.
Giảng viên tiếp:
- Các em biết không, trong hiến chế Tín Lý về Hội Thánh, Công Ðồng Vatican II gọi gia đình là hội thánh thu nhỏ hay hội thánh tại gia (LG 11. glcg 1656). Như thế, huấn quyền của Hội Thánh chính thức công nhận gia đình là thánh gia.
Ngoài ra, chính Chúa Giê-su cũng đã thiết lập bí tích hôn phối để thánh hoá đời sống gia đình, nâng gia đình lên một tầm cao mới.
Nói cụ thể hơn, gia đình bạn Hùng có bốn thành viên đều là kitô hữu, đã được hiến thánh qua bí tích rửa tội, thế thì đó là một cộng đồng, một hội có bốn vị thánh cùng chung sống. Vậy thì gia đình nầy là một hội thánh nhỏ, một hội thánh tại gia hay nói khác đi là một thánh gia thất.
* * *
Ðể có thể xây dựng một công trình kiến trúc bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật và chất lượng, điều kiện đầu tiên phải có là một mô hình hay bản thiết kế. Người thợ xây chỉ việc nhìn vào bản thiết kế hay mô hình đó để thi công thì công việc xây dựng sẽ được tiến hành dễ dàng, suôn sẻ.
Trong việc xây dựng các hội thánh thu nhỏ hay các thánh gia cũng vậy, các kitô hữu cũng cần một mô hình, một bản thiết kế hoàn chỉnh. Chính Chúa Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người và bỏ ra suốt ba mươi năm đằng đẳng nhằm kiến tạo nên mô hình tuyệt hảo là Thánh Gia Nadarét làm mẫu mực cho tất cả các thánh gia khác suốt dòng lịch sử dựa theo đó mà xây dựng thánh gia của mình.
Xây dựng gia đình theo mẫu nhà Nadarét là mọi người trong gia đình phải đối xử với nhau như ba Ðấng trong thánh gia nầy, cụ thể là chồng phải yêu thương và phục vụ vợ con như thánh Giuse đã yêu mến và phục vụ Ðức Mẹ và Chúa Giê-su; người vợ phải yêu thương và chăm sóc chồng như Mẹ Maria đã yêu mến và phục vụ Chúa Giê-su và thánh Giuse; cha mẹ phải yêu mến và chăm lo cho con cái như thánh Giuse và Mẹ Maria chăm lo phục vụ Chúa Giê-su hết tình; con cái trong gia đình phải hiếu kính và phụng dưỡng cha mẹ như Chúa Giê-su đã làm đối với Cha Mẹ Ngài.
* * *
Nguyện xin Chúa Giê-su, Mẹ Maria và thánh cả Giu-se hằng hiện diện trong gia đình chúng con và giúp chúng con xây dựng gia thất chúng con nên giống thánh gia của Ngài.
(29-12-2007)
Rev. Inhaxiô Trần Ngà